Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI (1957-2012): GIỮ THƯƠNG HIỆU "NHÀ SỐ 4"


 (Một bài nữa được đặt hàng)

Tháng 1-1957, Tạp chí Văn nghệ quân đội ra số đầu tiên, với nhiệm vụ là phục vụ bộ đội bằng sáng tác và phải là nơi phát hiện tập hợp và bồi dưỡng các cây bút trẻ. Phương châm hoạt động ngay từ buổi đầu đã định hình phong cách một tờ tạp chí văn nghệ đặc sắc khó lẫn với bất cứ ấn phẩm văn nghệ nào khác.

Một tờ tạp chí văn nghệ có nghĩa là không bám sát sự kiện thời sự từng giây từng phút, mà phải phản ánh sự kiện thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật theo chiều sâu. Những bài thơ, những truyện ngắn, bút ký... của các nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ quân đội suốt 55 năm qua, luôn luôn bám sát hoạt động của quân và dân ta để biến sự kiện thời sự trở thành chất liệu cho các tác phẩm. Tạp chí đã từng đi theo những chặng đường hành quân của người lính khắp các chiến trường, và nay, khi đất nước đã im tiếng súng, Văn nghệ quân đội vẫn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người lính. Sự đồng hành nói trên có thể đến một cách tự nhiên vì đa số những nhà văn tại “nhà số 4” (số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội-trụ sở của Tạp chí Văn nghệ quân đội) đều từng là người lính trước khi về công tác tại Văn nghệ quân đội; nhiều nhà văn đã đi từ ngôi nhà số 4 để vào các chiến trường phía Nam trong kháng chiến chống Mỹ, và có người đã không về như Anh hùng LLVT nhân dân, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi). Ngày nay, các nhà văn đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội vẫn là những cây bút sung sức tiếp tục sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng.

Riêng nhiệm vụ thứ hai là bồi dưỡng các cây bút trẻ, nhất là trong quân đội cũng có thể ghi công lao cho tạp chí trong việc xây dựng và nâng cao công tác văn nghệ của quân đội. Nhiều trại sáng tác đã được mở ra, các nhà văn thành danh của tạp chí đã truyền lại những kinh nghiệm nghề nghiệp cho những cây bút trẻ tuổi nghề. Thường xuyên hơn, nhiều sáng tác của bạn đọc dù là ai, ở đâu, viết đã vững hay còn vụng đều được các nhà văn-biên tập viên của tạp chí gửi thư góp ý chân thành. Sự động viên khuyến khích đó đã giúp nhiều nhà văn trẻ tự tin hơn, quyết dấn thân vào nghiệp chữ và sau đó trở thành nhà văn lớn như trường hợp của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Ngày hôm nay, Văn nghệ quân đội đã ra 2 số một tháng và ra đời Tạp chí Văn nghệ quân đội điện tử như để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của người lính thời văn minh tin học, mà vẫn giữ được định hướng chính trị, không sa vào xu hướng thương mại hóa tầm thường.

Văn giới nước nhà lâu nay hay gọi “nhà số 4” là “ngôi đền thiêng” của văn chương Việt Nam. Điều làm nên cái danh hiệu thiêng liêng ấy, ngoài yếu tố truyền thống hơn nửa thế kỷ đổi bằng mồ hôi và cả xương máu của những người lính cầm bút, phải kể đến chất lượng sáng tác của những người đã và đang là người “nhà số 4”. Nói như câu nói cổ điển của nhà thơ Xuân Diệu: “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm”, cách ngôn ra trường hợp “nhà số 4” thì “Ngôi đền thiêng tồn tại là nhờ tác phẩm”.

Những nhà văn đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội ngoài nhiệm vụ bảo đảm chất lượng tờ tạp chí, họ còn phải sáng tác riêng cho bản thân, sức ép sáng tạo để có một tác phẩm chí ít đọc được chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng, nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua, hầu hết người “nhà số 4” đều có tác phẩm được bạn đọc nhớ đến. Đặc biệt, nếu nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 hay còn gọi là nền văn học cách mạng thì “thương hiệu” Văn nghệ quân đội đã góp những tên tuổi chủ chốt nhất như: Hồ Phương, Vũ Cao, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng…; cùng với đó là vô số các giải thưởng văn chương uy tín bậc nhất như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật, Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng Bộ Quốc phòng về Văn học-Nghệ thuật...     

Ngày hôm nay, Tạp chí Văn nghệ quân đội đang bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ, tương lai gần ở tạp chí sẽ không còn một nhà văn nào trưởng thành trong chiến tranh. Có những bài viết từng lo ngại cho việc lớp nhà văn trẻ khó tiếp nối được truyền thống của thế hệ đi trước. Có lẽ những lo lắng ấy là hơi... lo xa. Dù có trẻ tuổi nghề, song những nhà văn đang công tác tại tạp chí đều là những nhà văn chuyên nghiệp, họ đều ý thức rằng nhiệm vụ của nhà văn là viết hay; nếu không, bản thân văn nghiệp của họ và thương hiệu “nhà số 4” sẽ không còn người đọc chú ý.

Với đề tài người lính và chiến tranh, dù các nhà văn trẻ không sống trong chiến tranh, biết đâu chính lại là lợi thế để họ có thể nhìn cuộc chiến đã qua dưới một cái nhìn khác mà thế hệ cầm bút trước không có được. Mặt khác, điều làm nên một thế hệ nhà văn mới là ở sự khác biệt với thế hệ trước, chứ rất khó để so sánh hơn kém. Đây là điều mà bạn đọc trong và ngoài quân đội trông chờ ở các nhà văn khoác áo lính tại “nhà số 4” trong các tác phẩm sắp tới.   

          MỘC LAN

CÙNG BÀN LUẬN (VI): SÁNG TẠO SẢN PHẨM DU LỊCH TẾT


Ngày 26-12 vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã đón vị khách quốc tế thứ 6 triệu. Sự kiện trên có thể đã đến sớm hơn nữa, nếu ngành du lịch nước ta đổi mới tư duy trong cách làm du lịch. 

Du lịch Việt Nam thường “ăn sẵn” ở cảnh đẹp thiên nhiên và các di sản văn hóa vật thể mà chưa tận dụng nét hấp dẫn của các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, thiếu gắn kết lợi thế tự nhiên với đặc trưng văn hóa vùng miền để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Đặc biệt, công tác quảng bá du lịch còn nhiều bất cập. Đơn cử, mấy ngày gần đây, tỷ phú USD-thiên tài công nghệ thông tin 27 tuổi Mark Zuckerberg-người sáng lập và điều hành mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang đi nghỉ Giáng sinh tại Việt Nam, đã không được ngành du lịch quảng bá rộng rãi. Mark Zuckerberg nổi tiếng đến mức cả thế giới theo dõi anh ta đi đâu, làm gì. Vì thế, có thể xem đây là cơ hội tốt để quảng bá du lịch Việt Nam. Tuy vậy, chỉ có ngành du lịch Quảng Ninh có cử chỉ thân mật là tặng hoa chào đón vị khách được nhiều người chú ý này. 

Sắp tới, cả nước ta sẽ đón Tết cổ truyền và sau đó là mùa lễ hội kéo dài. Mỗi địa phương không nên xem Tết cổ truyền và các lễ hội là hoạt động “đến hẹn lại lên”, mà phải xem đó là dịp để quảng bá du lịch Việt Nam với du khách ngoài nước.

Khác với Giáng sinh đã phổ biến trên toàn cầu, phong tục đón Tết chỉ có ở một số nước châu Á. Để có thể cạnh tranh với các thị trường du lịch phát triển, ngành du lịch Việt Nam cần tạo ra nhiều tour du lịch nhắm vào các đối tượng đặc thù, đặc biệt là Việt kiều về quê ăn Tết, du xuân, tham dự các lễ hội. Cần phải khéo léo đưa du khách phương xa được làm “người trong cuộc” thông qua các sản phẩm du lịch thân thiện, giàu tính văn hóa như: Tham gia chuẩn bị nấu cỗ Tết, tìm hiểu  phong tục thờ cúng trong ngày Tết, trực tiếp tham gia các hoạt động lễ hội... 
Được hòa mình vào sự kiện đầm ấm của người Việt Nam, chắc chắn những du khách quốc tế sẽ cảm nhận chiều sâu văn hóa, lòng mến khách của dân tộc Việt Nam; từ đó sẽ  trở lại  nước ta vào một ngày không xa.

HÀM ĐAN

65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG TY TNHH MTV IN QUÂN ĐỘI I (17-12-1947/17-12-2011): VINH DỰ TỰ HÀO TỪ BÁT CHỮ ĐẦU TIÊN


 (Bài được đặt hàng)

Tiếp chúng tôi, Đại tá Nguyễn Công Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 1 say sưa kể về sự ra đời tổ chức tiền thân của công ty vào thời điểm cận kề Ngày Toàn quốc kháng chiến và chuyện kinh doanh hiện tại.

Từ ngày 17 năm xưa…

Thời điểm năm 1946, quân đội chưa có nhà in riêng, nhưng đa số nhà in tư nhân ở Hà Nội đều có tinh thần yêu nước, sẵn sàng phục vụ Chính phủ Cụ Hồ. Nhà in Hàn Thuyên tại 71 Hàng Gà (Hà Nội) được giao in Báo Sao Vàng. Cả chủ và thợ đều phấn khởi và tự gọi nhau là Nhà in Vệ Quốc quân!

Đến đầu tháng 12-1946, biết khó tránh khỏi chiến tranh, Chính trị Cục (Bộ Quốc phòng) do đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ đạo đã trưng mua một số máy in, các phương tiện ấn loát để đưa ra khỏi Hà Nội. Chủ nhà in Hàn Thuyên là ông Nguyễn Xuân Giới tình nguyện hiến toàn bộ máy móc cho quân đội. Sau này, ông Nguyễn Xuân Tước-con cụ Giới, nguyên họa sĩ trình bày của Báo Quân đội nhân dân nhớ lại: “Anh Văn Tiến Dũng đến thuyết phục tất cả mọi người trong gia đình hiến nhà in cho Chính trị Cục. Tôi học kỹ nghệ, thạo về máy móc nên đứng ra giao các thiết bị. Cuối cùng, chúng tôi được giao đi theo xe, vội đến mức không kịp lấy quần áo”.

Chiều 17-12, chủ và thợ nhà in Hàn Thuyên cùng máy móc đi theo kháng chiến. Đến ngày 19-12, khi những vật tư cuối cùng di chuyển khỏi Hà Nội thì cũng là lúc Toàn quốc kháng chiến bắt đầu. 

Sáng 20-12, chuẩn bị di chuyển tiếp, những người thợ in nhận chỉ thị in gấp Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vinh dự và tự hào của Nhà in Quân đội được in lời kêu gọi thiêng liêng của Bác để gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Lịch sử 65 năm của Công ty TNHH một thành viên in Quân đội 1 có quá nhiều sự kiện đáng nhớ, nhưng có thể đúc kết như tâm sự của Đại tá Nguyễn Công Tuấn: “Sự phát triển của công ty gắn liền với sự phát triển của quân đội và đất nước”.

Tiếp tục đầu tư các sản phẩm truyền thống

Chức năng và nhiệm vụ chính trị của Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 1 là in Báo Quân đội nhân dân và các loại sách, báo, tạp chí, mẫu biểu, sổ sách, các ấn phẩm văn hóa, các dịch vụ in phục vụ quân đội. Công ty luôn xem đó là vinh dự, là “cánh tay nối dài” của công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội. Trong suốt 65 năm qua, công ty đã đạt sản lượng hàng tỷ trang in sách, tạp chí, tài liệu và gần một tỷ trang Báo Quân đội nhân dân được in ra kịp thời, bảo đảm chất lượng.

Nhưng nếu chỉ hoàn thành tốt các sản phẩm phục vụ chính trị thì khó có thể khai thác tối đa hiệu quả thiết bị. Để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế với tư cách của một doanh nghiệp nên công ty mở rộng in thêm các sản phẩm mà thị trường có nhu cầu lớn như: Sách giáo khoa, lịch và nhiều đầu báo, tạp chí khác.  

Tuy đối tượng phục vụ khác nhau nhưng công ty xác định, chỉ có thực hiện đúng thời gian giao hàng và bảo đảm chất lượng sản phẩm mới được khách hàng tín nhiệm. Ngay ở phòng khách công ty, chúng tôi thấy treo biển ghi mục tiêu chất lượng trong năm 2011 và chính sách chất lượng chung với phương châm: “Sự hài lòng của khách hàng là VÀNG với chúng tôi”. Đây không phải là câu nói cho có, mà phải thực hiện cho bằng được, nếu không khách hàng sẽ chọn nhà in khác!

Để đạt được chất lượng sản phẩm in thì yếu tố trang thiết bị hiện đại đặc biệt quan trọng. Những năm qua, công ty đã tích cực, chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, bảo đảm công nghệ hiện đại và đồng bộ như: Máy in cuộn HiLine, hệ thống chế bản CTP, máy in tờ rời Offset 4 màu…, tính ra trong 3 năm đã đầu tư gần 50 tỷ đồng. Nhờ thế, Đại tá Nguyễn Công Tuấn tự tin khẳng định: “Công ty hoàn toàn có thể đáp ứng mọi nhu cầu, từ in sách báo thông thường đến những cuốn sách cao cấp như sách tranh ảnh nghệ thuật”. Vì thế, công ty ngày càng trở thành một thương hiệu uy tín.

Khi ngành in Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu, nhiều cơ sở in chuyển sang in thương mại (bao bì, in trên nhiều vật liệu…) và gia công cho nước ngoài thì Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 1 vẫn tập trung sản xuất các sản phẩm truyền thống vì đó là nhiệm vụ chính trị chủ yếu của công ty. Đại tá Nguyễn Công Tuấn lý giải thêm: “Không phải lãnh đạo công ty không nhìn thấy sự chuyển dịch cơ cấu ngành in Việt Nam. Nhưng nếu công ty hướng tới các sản phẩm khác thì phải đầu tư một hệ thống thiết bị máy móc mới rất tốn kém (có máy trị giá chục triệu USD), chưa kể đến nhân lực đi kèm. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và Chính phủ chủ trương không đầu tư dàn trải, nếu đầu tư thêm sản phẩm khác là sự mạo hiểm”. 

Đại tá Nguyễn Công Tuấn cho rằng, nếu khai thác tốt các sản phẩm truyền thống, doanh thu của công ty vẫn sẽ tăng trưởng. Hiện tại, công ty thường xuyên quan tâm đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, công ty đang đề nghị cấp trên sớm quy hoạch tập trung hai cơ sở ở Cầu Diễn và 21 Lý Nam Đế để thuận lợi trong quản lý, phối hợp đồng bộ và khai thác hiệu quả trang thiết bị cũng như mặt bằng.
          Những khó khăn hiện tại vẫn còn đó, nhưng tin tưởng rằng, với điểm tựa 65 năm truyền thống, với trình độ tay nghề và trang bị hiện đại, Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 1 vẫn sẽ tiếp tục khẳng định là một trong những doanh nghiệp in hàng đầu của đất nước.  

          HÀM ĐAN