Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

CƠ BẢN... THÀNH CÔNG

Dù muốn dùng cụm từ “thành công tốt đẹp” để chúc mừng Liên hoan âm thanh Hà Nội 2010 vừa mới kết thúc tối 28 sau ba ngày diễn ra; nhưng có lẽ chỉ nên dùng cụm từ “cơ bản… thành công” thì thích hợp hơn.

Khâu chuẩn bị có thể xem là công phu nhất so với tất cả các các hoạt động nghệ thuật đương đại từ trước đến nay. Ngoài buổi họp báo giới thiệu chương trình còn có hai buổi diễn tiền khuyếch trương tại 113 Triệu Việt Vương và 46 An Dương. Và cuối cùng, là buổi tiệc ở nhà hàng La Cantine để các nhà báo và nghệ sĩ “giao lưu”.

Liên hoan âm thanh năm nay có chủ đề “không gian xanh” nhằm gắn âm nhạc với việc tuyên truyền bảo vệ môi trường. Ban tổ chức đã có sáng kiến phát hành vé là những chiếc vòng đeo tay bằng vải có dòng chữ “green space” vừa thời trang, vừa như một vật kỷ niệm, đồng thời không xả rác ra môi trường. Vào “Giờ trái đất” (28/ 3), lúc 20 giờ 30 phút, các hoạt động liên quan đến âm thanh, nghệ thuật đều ngừng một thời gian để những thông điệp về môi trường lên tiếng.

Về chất lượng nghệ thuật liên hoan, với gần 80 nghệ sĩ đến từ 16 quốc gia, với đầy đủ các xu hướng từ âm nhạc cổ truyền (ca trù) đến nhạc ồn (noisy music), DJ thì ngay cả những người “ngoại đạo” âm nhạc cũng hoàn toàn thỏa mãn.

Song rất đáng tiếc, một chương trình nghệ thuật đỉnh cao nhưng số lượng người tham dự quá ít so với dự tính của ban tổ chức, vào lúc cao điểm nhất (khoảng 21 giờ) khoảng tầm 500 người. Trong đó, người Tây lại nhiều hơn ta. Không phải vì giá vé (70 nghìn VND) mà đơn giản, khán giả Việt Nam có lẽ vẫn chưa quen được với các xu hướng âm nhạc đương đại trên thế giới. “Lỗ tai Việt” vẫn ưa thích những ca khúc có lời theo công thức kinh điển “dễ nghe, dễ hát, dễ thuộc” hoặc những giai điệu “du dương”… Người ta chưa quen được thứ nhạc ồn, nhịp điệu nhanh và mạnh. Khi được hỏi, các bạn trẻ người đến đây là vì đã có ít nhất một lần vào vũ trường mới quen được; số còn lại đến vì tò mò. Một ví dụ khác, vài hình ảnh được xử lí chuyển động có những hình ảnh “nhạy cảm”. Hiển nhiên, cần phải đặt những bức ảnh vào môi trường có tính chất lễ hội vui vẻ cười đùa như liên hoan âm thanh; ngoài ra, tính tương hỗ với âm nhạc mạnh kích thích bản năng mới thấy được ý nghĩa nghệ thuật của các bức ảnh động trên. Nhưng không phải ai cũng chịu nghĩ về hình ảnh động mà đã vội phản ứng: người thì cười hô hố, người thì nhăn mặt khó chịu… Qua đó, có thể nhận ra, cơ chế tiếp thu cái mới trong nghệ thuật nói riêng của người Việt là bảo thủ và thụ động.

Một mục tiêu khác của liên hoan là kêu gọi bảo vệ môi trường đã được khán giả… phá hủy. Không chỉ người Việt thiếu ý thức mà cả “người Tây” uống bia, hút thuốc, dùng thức ăn xòn cũng vứt bữa bãi ở bãi cỏ của trên sân khấu ngoài trời và cả sân khấu trong nhà. Nhưng đáng nói hơn, ở sân khấu ngoài trời, không có thùng rác để những người thật sự có ý thức bảo vệ môi trường được làm người… lịch sự. Lỗi của ai, giờ cũng chẳng quan trọng. Không lẽ người ta cứ than dài: Cái nước mình nó thế!

Hàm Đan