Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

ĐỒNG HÀNH CÙNG CUỘC SỐNG

Phim tài liệu lâu nay chỉ được xem là phương thức ghi chép cuộc sống như một bài báo phản ánh “người tốt, việc tốt”. Nhưng một bộ phim tài liệu có giá trị luôn vượt qua công việc sơ đẳng là phản ánh mà đôi khi còn phát hiện vấn đề mới nảy sinh và mở ra hướng giải quyết tài tình.

Cuối tháng 6 năm nay, tại Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương (465 Hoàng Hoa Thám - HN) đã diễn ra tuần phim tài liệu quốc tế thu hút rất đông khán giả Việt vốn chỉ thích xem phim truyện. Trong số bốn bộ phim tài liệu nước ngoài, đáng chú ý là hai bộ phim Người thắng, kẻ thua (Losers and Winners) và Mizike Mama. Đằng sau bề nổi câu chuyện nhỏ nhặt là các vấn đề nhức nối đặt ra đầu thế kỷ như: bảo vệ môi trường sinh thái, sự trỗi dậy của các nước thuộc thế giới thứ ba, lai chủng tộc và lai văn hóa…

TƯƠNG LAI CÓ THUỘC VỀ CHÂU Á?

Từ thế kỷ trước, các nhà dự báo tương lai đã nói: “Tương lai là châu Á” (Future is Asia). Hiện tại, châu Á đang vươn lên mạnh mẽ đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Và đầu tàu của kinh tế lục địa vàng là đất nước tỉ dân Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới. Cái dạ dày vĩ đại của họ đã hối thúc những cánh tay vươn ra ngoài biên giới đại lục để khai thác tài nguyên năm châu.

Bộ phim Người thắng kẻ thua mở đầu bằng lời giới thiệu ngắn gọn đề cập đến câu chuyện dường như chỉ mang tính khoa học kĩ thuật đơn thuần. Năm 1992, một nhà máy than đá hiện đại nhất thế giới đã được xây dựng tại Dortmund (Đức) với số tiền đầu tư là 650 triệu Euro. Sau 8 năm, xí nghiệp đóng của vì giá than sản xuất tại Đức đắt hơn than nhập khẩu. Toàn bộ dây chuyền nhà máy được bán cho Trung Quốc. Công việc tháo dỡ được tiến hành bởi 400 công nhân Trung Quốc trong suốt nửa năm.

Đoàn làm phim người Đức đã ghi lại cảnh sinh hoạt, làm việc của công nhân Trung Quốc trên một vùng đất khác biệt về môi trường văn hóa. Sự khác biệt này nảy sinh từ mâu thuẫn với một ít nhân viên Đức còn lại. Những nhân viên Đức vốn quen với kỉ luật, tác phong phương pháp làm việc công nghiệp hết sức khoa học đã không chịu nổi một công nhân Trung Quốc không biết về điện mà vẫn tìm cách sửa chữa; một công nhân khác không cần cầu thang mà vẫn leo lên tòa nhà cao hơn 20m, những nhân viên người Đức đã lắc đầu và nói: “Nếu ở trên đó thì tôi không biết phải bao lâu mới xuống được mặt đất”. Tất nhiên là cảnh ô nhiễm môi trường khi những dầu nhớt, hóa chất từ các đường ống tháo dỡ chảy tràn khiến các nhân viễn người Đức vô cùng bực tức. Những công nhân Trung Quốc cười trừ vì bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ của họ và cụ thể hơn không có trong ý thức của họ. Điều này có thể nghe thấy từ lời của người giám đốc Trung Quốc: “Chúng tôi rất ấn tượng với việc bảo vệ môi trường của người Đức: họ không dẫm trên cỏ bằng cách đi vòng và bảo vệ các con thú và chim ở đây. Nếu là ở Trung Quốc chúng tôi đã bắt và làm thịt hết rồi”.

Những tình huống trên thực tế làm việc đã đến một buổi họp giao ban vô cùng gay gắt giữa ban lãnh đọa hai bên. Công ty Trung Quốc đọc “nội quy” với những điều mang tính khẩu hiệu chung chung như: không làm nhục quốc thể, năng suốt cao, tiết kiệm chi phí… mà không có dòng nào cho việc bảo vệ môi trường sinh thái hoặc an toàn lao động. An toàn lao động trong làm việc nhất là tháo dỡ một xí nghiệp sản xuất than khổng lồ là cực kì hệ trọng nhưng phía Trung Quốc đã khước từ bằng câu nói ông giám đốc khi nói về hai công nhân mới bị tai nạn: “để cách mạng thành công thì cần phải hy sinh”. Quan niệm về con người đã làm bật mâu thuẫn lên đến cực điểm, lộ ra câu thơ của nhà văn Anh đoạt giải Nobel văn học Rudyard Kipling (1865 - 1936): “Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ”(Bài thơ Đông và Tây).

Tinh thần làm việc của người Trung Quốc thì không ai có thể phàn nàn, chính người Đức đã phải thốt lên: “Khiếp thật! Nhanh kinh khủng”. Những thước phim tìm nguyên nhân khiến công nhân có thể làm việc hăng say khiến nguời ta bất ngờ. Hóa ra, mỗi công nhân được chụp ảnh và ảnh họ sẽ được tuyên dương mỗi khi tổng kết chứ không thưởng bằng tiền. Cách động viên thuần túy tinh thần này lại gây được hiệu quả rất lớn. Tính cộng đồng trong sinh hoạt cũng là một động lực giúp công việc tiến triển nhanh. Với những yếu tố tích cực này thì ước muốn của ông giám đốc không hề viển vông: “Tôi ước chính phủ Trung Quốc sẽ mua luôn nhà máy của Airbus đem về Trung Quốc. Chúng tôi sẽ chế tạo tàu vũ trụ đi tìm nhiên liệu từ vũ trụ sẽ tốt hơn khai thác than”.

Sau cùng, toàn bộ xí nghiệp luyện than cũng được chuyển về Trung Quốc. Và hình ảnh cuối cùng là cảnh các công nhân Trung Quốc hoan hỉ lên xe ra sân bay về nhà. Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc bằng những dòng chữ đóng lại bộ phim: “Năm 2006, máy móc xí nghiệp ở Đức được dựng ở Trung Quốc và sau đó là hai nhà máy nữa”. Cũng từ đó, giá than từ 50 $/ tấn tăng lên 500 $/ tấn khiến nước Đức tính lại chuyện sản xuất than nội địa”.

Vấn đề phim nói ra sẽ còn quá thời sự trong nhiều năm tới: tháo dỡ phương Tây – xây dựng phương Đông. Phương Tây đang chuyển sang kinh tế hậu công nghiệp còn phương Đông đang xây dựng cồn nghiệp để đuổi kịp phương Tây. Nhưng với tư duy lạc hậu và sự đốt cháy giai đoạn liệu phương Đông có tránh được những vấn đề về môi trường, lao động, dân cư… mà phương Tây phải mất hơn thế kỷ để khắc phục. Phương Tây đang nắm giữ chìa khóa của những phát minh, khám phá của loài người sẽ lại là kẻ chiến thắng hay tương lai sẽ thuộc về châu Á?

BÌNH ĐẲNG ĐỂ PHÁT TRIỂN

Phim Mizike Mama của đạo diễn nổi tiếng người Bỉ Violaine de Villers kể vè cô gái lai Zaire và Bỉ tên là Marie Daulne và quá trình thành lập nhóm nhạc “Zap Mama” gồn 5 nữ ca sĩ chuyên hát nhạc acapella. Những bài hát họ sáng tác và biểu diễn ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa và các thể loại sân khấu khác được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ Âu, Phi, Arabic.

Mizike Mama cho ta một ví dụ về sự tiếp biến văn hóa (accuturaltion) mạnh mẽ khi mà thế giới ngày càng phẳng. Các trào lưu văn hóa hiện đại ngày nay đã không còn phân biệt nền văn hóa nào cao hơn nền văn hóa nào, tất cả đều bình đẳng góp phần làm phong phú nền văn minh nhân loại.

Sự tiếp biến văn hóa là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người có văn hoá khác nhau tiếp xúc lâu dài và trực tiếp, gây ra sự biến đổi mô thức (pattern) văn hoá ban đầu của một hoặc của hai nhóm. Tất nhiên trong trường hợp của bộ phim, nền văn hóa châu Phi mang tính ngoại sinh “tấn công” vào văn hóa châu Âu mang tính nội sinh. Điều này không có gì lạ khi văn hóa các nước thuộc địa từ khi hệ thống thuộc địa tan rã đã tạo ra phong trào văn hóa “hậu thực dân” (post-colonialism) xâm nhập vào văn hóa của các nước thực dân. Những xung đột ban đầu khó tránh khỏi nhưng dần dần văn hóa các nước thuộc địa được nhìn nhận là một “cái khác” (The Other) mang tính bình đẳng.

Sự tiếp biến văn hóa đã mang lại những quả ngọt thậm chí từ rất sớm. Điển hình là Pablo Picasso với ảnh hưởng từ đồ tạo tác Phi châu và đã dáng tạo ra tác phẩm đỉnh cao của chủ nghĩa lập thể “Những cô nàng ở quận Avignon”. Zap Mama cũng là sản phẩm của sự tiếp biến văn hóa. Thành quả họ có được một phong cách mang tính chất đa văn hóa và có thể là cảm hứng sáng tác lâu dài. Bài học có thể thấy rõ khi sự hòa trộn, lắp ghép từ những cái cũ mang tính dân chủ, bình đẳng sẽ tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới. Ở đây, nhạc kịch châu Âu và vũ kịch châu Phi đã không còn nguyên vẹn mà hòa trộn vào nhau tạo ra một phong cách mới mà nhóm Zap Mama đang dấn thân. Vấn đề sẽ không có gì đáng nói nếu xét về sự hòa trộn này vừa đẻ ra cái mới trong khi bản thân những yếu tố cũ không mất đi mà cũng được tiếp thêm những yếu tố ngoại sinh càng trở nên mới mẻ hơn. Đó chính là chìa khóa tránh những xung đột từ văn hóa không cần thiết.
Hàm Đan