Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

"VƯỜN THƠ VIỆT": HY VỌNG SỚM TRỞ THÀNH HIỆN THỰC!


(“Vườn thơ” thư pháp trong chùa Huyền Không Sơn Thượng là một tham khảo giá trị cho ý tưởng “vườn thơ Việt”).
1. Nhà thơ Hồ Ngọc Sơn-tác giả bài thơ “Tình em” được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng cùng tên, vừa đưa ra ý tưởng về một “vườn thơ Việt”. Theo đó, “vườn thơ Việt” sẽ là nơi trưng bày những câu thơ hoặc bài thơ hay nằm trong ký ức nhiều thế hệ và được đặt trong Công viên Bách Thảo (Hà Nội) để gần với các di tích văn hóa-lịch sử nổi tiếng là Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Phủ Chủ tịch…. Trên hết, nhà thơ Hồ Ngọc Sơn mong muốn, “vườn thơ Việt” sẽ trở thành một “bảo tàng sống”, góp phần giáo dục, bồi dưỡng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau cả về lịch sử, giá trị tinh thần văn hóa và thẩm mỹ văn học nghệ thuật. Đồng thời, cũng góp phần cho kinh tế và du lịch, đặc biệt là khách quốc tế cảm nhận và yêu mến đất nước Việt Nam-đất nước của thơ ca.

Ý tưởng về một vườn thơ Việt quả là độc đáo vì theo tìm hiểu của chúng tôi, ở trên thế giới chưa có hình thức “vườn thơ” như nhà thơ Hồ Ngọc Sơn đưa ra. Có thể lý giải rằng, ở các nước khác họ có thói quen tôn vinh câu thơ hoặc bài thơ hay bằng cách tuyển chọn vào một công trình tuyển tập nào đó kiểu như “tinh tuyển thơ”, “tinh hoa thơ”… chứ không trưng bày thơ! Ở Việt Nam, hiện nay tồn tại ở huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) một “vườn thơ” nằm trong chùa Huyền Không Sơn Thượng mà đúng ra là vườn tranh thư pháp về thơ đã được nhiều người biết tới.

Để hình thành “vườn thơ Việt” một cách khoa học, nhà thơ Hồ Ngọc Sơn cho rằng, việc kiến tạo “vườn thơ Việt” nên được chia thành 5 khu theo phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam đó là: Khu vực thơ dân gian và thơ cổ, Khu vực Thơ Mới (từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945), Khu vực thơ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và Khu vực thơ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) và Khu vực thơ thời đổi mới, mở cửa hội nhập (từ năm 1986 đến tạm thời là năm 2000). Nhìn vào cách phân chia nói trên thực sự chưa ổn thỏa. Theo chúng tôi, Khu vực thơ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và Khu vực thơ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) nên gộp làm một vì thơ ca và rộng ra là văn học hai thời kỳ này thống nhất trong thi pháp, tư tưởng mà giới nghiên cứu văn học hay dùng cụm từ là “nền văn học Cách mạng Việt Nam”. Ngoài ra, cũng nên tách bạch Khu vực thơ dân gian với Khu vực thơ cổ vì lẽ hình thức sáng tác thơ dân gian là truyền miệng khác thơ cổ thuộc về văn học viết thời trung đại sử dụng chữ viết Hán Nôm.

Việc có một “vườn thơ Việt” ở Hà Nội-nơi được xem là mảnh đất hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc Việt, là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, nếu đi vào thực hiện, ban chủ trì dự án nên mời các nhà nghiên cứu văn học để cố vấn, tránh những thiếu sót có thể xảy ra.

2. Khi ý tưởng “vườn thơ Việt” được nhà thơ Hồ Ngọc Sơn đưa ra rộng rãi đã nhận được nhiều sự tán đồng của Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, cụ thể là ý kiến của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thông qua công văn số 560-CV/VPTU.

Trao đổi với chúng tôi, nhà thơ Bằng Việt (Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội) mong mỏi có một “vườn thơ Việt” sớm hình thành: “Cá nhân tôi và Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội hoan nghênh ý tưởng “vườn thơ Việt” của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn. Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội sẽ có ý kiến với các cơ quan chức năng của thành phố để ý tưởng này sớm đi vào hiện thực. “Vườn thơ Việt” có thành hay không phụ thuộc vào chính quyền Hà Nội vì chỉ có chính quyền mới giải quyết được vấn đề kinh phí, quy hoạch và xây dựng. Tôi tiếc là ý tưởng này đề xuất hơi muộn, nếu đưa ra vào đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cách đây 2 năm, chắc chắn quyết tâm thực hiện của chính quyền Hà Nội sẽ lớn hơn bây giờ”.

Giả sử, nếu “vườn thơ Việt” được triển khai trên thực tế thì một vấn đề nan giải khác xuất hiện: Chọn câu thơ nào hoặc bài thơ nào góp mặt ở “vườn thơ Việt”? PGS, TS Đỗ Lai Thúy-chuyên gia nghiên cứu về thơ ca cho rằng: “Sự lựa chọn các câu thơ hoặc bài thơ hay cần phải dựa vào mục đích của “vườn thơ Việt”. Vì đây là công trình văn hóa phục vụ cộng đồng nên các câu thơ phải được nhân dân ghi nhớ chứ không nên chọn những câu thơ có giá trị cách tân chỉ được giới làm thơ và giới nghiên cứu thơ biết tới”.

Đi sâu vào việc lựa chọn một cách cụ thể các câu thơ trong “vườn thơ Việt”, PGS, TS Đỗ Lai Thúy góp ý: “Trường hợp một thơ tứ tuyệt như bài “Cảnh khuya” của Bác Hồ thì nên lấy cả bài; với những bài thơ dài chỉ nên chọn một đến hai câu thơ tiêu biểu gợi nhớ đến cả bài thơ. Việc tìm được sự đồng thuận tuyệt đối trong chọn thơ là điều không tưởng; vì vậy, nên giao hẳn việc tuyển chọn cho một hội đồng thẩm định do Hội Nhà văn Việt Nam lập ra. Hội đồng này sẽ có trách nhiệm trả lời cho từng trường hợp vì sao chọn câu thơ này mà không phải là câu thơ kia. Chứ nếu trưng cầu ý kiến để chọn thơ thì vừa mất thời gian và chẳng bao giờ đi đến thống nhất”.

Từ ý tưởng đến hiện thực là một chặng đường dài. Hy vọng với sự cộng tác của các cơ quan chuyên môn, chính quyền Hà Nội có quyết tâm thực hiện “vườn thơ Việt”-một ý tưởng có nhiều lợi ích thiết thực cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

HÀM ĐAN