Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

CHÙA THẦY ĐANG… MẤT THIÊNG!



Chùa Thầy từ hàng trăm năm nay là danh thắng của xứ Đoài gắn với tên tuổi của Đức thánh Láng Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116); là nơi lưu dấu nét văn hóa làng quê Bắc Bộ cổ truyền. Vậy mà, với tốc độ đô thị hóa cùng sự quản lí kém và lối làm du lịch “ăn xổi” của người dân đã làm cho một chốn linh thiêng dần mất thiêng.


Không gian Việt cổ đã mất!

Nếu so sánh hai bức ảnh chụp đầu và cuối thế kỷ 20 thì sẽ khó mà nhận ra những thay đổi cảnh vật xung quanh chùa Thầy. Vẫn là Thủy đình nằm giữa ao Long Chiểu nên thơ; đôi mái nhà tranh hoặc ngói phủ rêu xanh cổ kính xen lẫn kiến trúc chùa uy nghiêm nằm dưới chân núi Thầy sừng sững. Thế nhưng, chỉ sau một thập niên của thế kỷ 21, quang cảnh chùa Thầy khiến nhiều người ngỡ đang đi trên phố phường Hà Nội. Dưới chân núi Thầy nhà cao tầng mọc lên san sát phá vỡ hoàn toàn kiến trúc làng quê Bắc Bộ.

Điều đáng buồn hơn, bản thân các công trình thuộc quần thể chùa Thầy đều biến dạng. Rõ nhất là cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi. Phần mái cong của cầu đã được đắp xi măng hoàn toàn sai với nguyên bản trong những bức ảnh còn lưu ở Viện khoa học xã hội Việt Nam. Cần phải nhắc lại rằng, mục đích lớn nhất của trùng tu là bảo tồn di tích gốc và chỉ khôi phục khi có những chứng cứ khoa học tại chỗ. Bài học “đắp xi măng” làm biến đổi di tích gốc còn nhãn tiền ở đền Bình Thạnh (Tây Ninh), cổng thành cổ Nghệ An… lại tiếp tục tái diễn ở chùa Thầy. Theo những người dân địa phương cho biết, việc tôn tạo cầu Nguyệt Tiên là do một công ty xây dựng đang đứng chân ở địa bàn thực hiện để cung tiến. Một đơn vị không có chức năng trùng tu lại “hồn nhiên” đi làm việc “sửa sang” di tích mà không có cơ quan chức năng nào vào cuộc để ngăn chặn.

Để làm rõ hơn hiện trạng hiện nay về không gian văn hóa ở chùa Thầy, chúng tôi tìm gặp PGS-TS văn hóa học Đỗ Lai Thúy - một người sinh ra gần núi Thầy để nghe những đáng giá của ông. Ông cho biết: “Hơn 10 năm trước đây, có một dự án của Ý định di dời toàn bộ những ngôi nhà gần chân núi để mở rộng ao Long Chiểu đến sát chân núi Thầy nhằm tái hiện lại không gian cổ. Tiền đền bù di dời đã được phía bạn cam kết tài trợ. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương khi ấy cảm thấy thủ tục đền bù quá phiền hà nên sự án không thể thực hiện được. Vùng Sài Sơn có 17 ngọn núi đã bị biến thành nguyên liệu cho nhà máy xi măng Sài Sơn. Cảnh vật tự nhiên và làng quê quanh chùa Thầy thực sự không còn tồn tại. Giờ đây, dự án khu vui chơi, nhà ở, sân golf… của công ty Tuần Châu Hà Tây bên cạnh chùa Thầy hoàn thành thì những bờ ruộng cũng biến mất khi đó núi Thầy chỉ còn là… hòn non bộ mà thôi”.

Mới đây, Asian News Channel trình chiếu một phóng sự về một khu du lịch sinh thái nằm canh những ruộng lúa ở Indonesia. Khách du lịch được sống như những người nông dân bản xứ: trồng lúa, đánh bắt cá, tự nấu cơm, ngủ trong những nhà sàn, đi chùa… Giả sử, dự án năm xưa được hoàn thành như mục đích đề ra thì có thể xây dựng quanh chùa Thầy một làng Việt cổ trở thành điểm du lịch sinh thái dân tộc học mà Indonesia đã làm được. Khi ấy, chùa Thầy sẽ là nơi níu khách ngoại quốc lưu trú dài ngày chứ không chỉ ở lại một vài giờ hay chỉ để những du khách Việt đến để cầu may hoặc… xem bói.

Quản lí tồi!

Dù quang cảnh chùa Thầy xưa chỉ còn trong hoài niệm nhưng trong tâm thức khách thập phương thì chùa Thầy vẫn là nơi để người ta tìm đến mong có được cảm giác bình an, thanh tịnh.

Thế nhưng, đến chùa Thầy vào ngày thường cũng khiến nhiều người cảm thấy bực mình. Mới đặt chân đến chân núi Thầy, chúng tôi bị một “đạo quân” mời mọc mua hương, thuê đèn pin để xuống hang Cắc Cớ. Sau khi đã hết lời từ chối, leo vội vàng lên khuôn viên chùa thì gặp ngay một đội quân khác với các “dịch vụ” xem bói, bán bùa túi, túi thơm, thẻ lộc… Đặc biệt hơn, họ còn “tự nguyện” làm hướng dẫn viên khi thao thao bất tuyệt về lịch sử của chùa mặc cho khách có muốn nghe hay không.

Ban quản lí không những không can thiệp vào tình trạng lộn xộn mà còn có những hành động vô văn hóa với khách tham quan đến mức khó tin. Ban quản lí chỉ thu phí khi có đoàn khách đến còn những khách riêng lẻ thì cứ lên chùa mà không trả đồng tiền nào; đã vậy, một người đàn ông của ban quản lí khi thu phí tham quan một đoàn sinh viên đến tham quan với giọng đe nẹt ngay trong khuôn viên chùa bằng những ngôn từ ở… vỉa hè. Thu phí (5 ngàn đồng/ người) nhiều nhưng không thấy đầu tư trở lại phục vụ du lịch, bằng chứng là rác ở các lối đi nhiều vô kể, không có lấy một thùng rác nào để những người còn có ý thức giữ gìn cảnh quan đựng rác. Khi ra về, chúng tôi còn để ý tấm biển chỉ dẫn đường vào chùa cắm ven đường cao tốc Láng – Hòa Lạc bụi mịt mù đã không còn nữa. Chỉ khổ những du khách chưa quen đường chắc sẽ mất nhiều thời gian để dò hỏi; hẳn họ sẽ tự an ủi: “Muốn đến cửa Phật phải qua… khổ nạn!”.

Ngày mùng 5 tháng ba âm lịch sắp tới, chùa Thầy lại mở hội. Với tình trạng như trên thì sẽ có bao nhiêu người quay lại vãn cảnh chùa? Chùa Thầy theo thời gian liệu có còn là một chốn linh thiêng trong lòng người?

Hàm Đan

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

THƠ: SẮP CHẾT HAY CHỈ LÀ ... TRÒ BÁO TANG?

Có hai biểu hiện của thời sự thơ mà những người quan tâm vin vào để nói rằng thơ đang “xuống dốc”, đó là: mấy năm trở lại đây, hai giải thưởng văn học lớn của Hội nhà văn Việt Nam và Hội nhà văn Hà Nội thường xuyên bỏ trống ở hạng mục thơ; thứ hai là, không có tác phẩm thơ nào gây được chú ý. Phải chăng thơ sắp chết hay đó chỉ là trò báo tang đang thịnh hành?


Số lượng và chất lượng: tỉ lệ nghịch

Theo số liệu của thư viện quốc gia, có 857 tập thơ xuất bản trong năm 2008, tính trung bình là hơn 2 tập thơ/ ngày (đó là chưa kể số lượng khổng lồ thơ đăng báo không đưa vào sách!). Nếu về số lượng thì hoàn toàn có thể yên tâm về chuyện không có người sáng tác mặn mà với thơ. Nhưng chất lượng thì đúng như báo chí và một số người trong cuộc nhận xét: không có bước ngoặt nào đáng kể.

Đại đa số thơ ca chỉ quanh quẩn những đề tài lặp lại nhẵn mặt mang tính công thức. Chẳng hạn viết về tuổi học trò thể nào cũng có phượng, tà áo trắng, nắng sân trường…; viết về nông thôn là hình ảnh bờ đê, cây đa… được gói ghém trong những thể thơ “du dương” ru ngủ. Thực ra, thi liệu là điều không quan trọng. Vấn đề cốt lõi là thơ Việt chưa thoát hẳn khỏi ảnh hưởng nghệ thuật của thơ Mới. Hàng trăm nghìn bài thơ xuất hiện trên báo, truyền hình, phát thanh và cả sách giáo khoa cứ na ná nhau về cách biểu đạt của một tinh thần thơ ca có cách đây những hơn 70 năm.

Đã “lạm phát” lại còn cũ kĩ thì dễ hiểu vì sao các giải thưởng của thơ “thà không có còn hơn chọn bừa” theo kiểu đến hẹn lại lên. Vậy, không trao giải thưởng cho thơ như hiện nay là điều đáng mừng hơn là đáng lo.

Thơ không còn dành cho số đông

Năm năm trở lại đây, nếu chú ý theo dõi sẽ thấy năm nào cũng có tập thơ khá nổi lên so với biển thơ được xuất bản như: Hành trình (Hoàng Hưng), Gửi VB (Phan Thị Vàng Anh), Những câu phức (Như Huy), Màu tự nhiên (Hàm Anh), Ma thuật ngón (Trần Tuấn)... Các tập thơ này đại diện cho các xu hướng thơ khác nhau đôi khi còn “cãi” nhau.

Nhưng các tập thơ này sau khi xuất bản chỉ gây được dư luận ít ỏi với người trong giới chứ về số đông hoàn toàn không hề hay biêt. Đằng sau những sự biến mất “không một tiếng vang” là câu chuyện của PR và của phê bình báo chí nhưng nó chứa một nghịch lí khác đó là vẫn có thơ đáng đọc (thậm chí là hay) nhưng tại sao dư luận lại gào lên không có một tập thơ nào hay.

Muốn đọc được thơ ngày nay chứ chưa nói là cảm và hiểu được thơ để đánh giá một bài thơ hay/ dở cần phải có trình độ văn hoá, thái độ tiếp nhận tương ứng với nghệ thuật thơ. Đa số độc giả Việt Nam vẫn thích thơ có vần, dễ đọc, dễ hiểu hơn là thơ hiện đại mang tư duy thơ đứt đoạn. Nếu vô tình gặp được một bài thơ kiểu mới chắc chắn đa số người đọc sẽ chối bỏ vì cho rằng đoạn văn bản vừa đọc không phải là thơ. Đó là chưa kể một số nhà thơ Việt Nam đi theo khuynh hướng hậu hiện đại sử dụng nhiều yếu tố nhại lại và giễu nhại làm cho thơ mất đi vẻ trang nghiêm vốn thường trực trong thơ Việt.

Mặt khác, độc giả chưa có “duyên kì ngộ” gặp được thơ cách tân táo bạo. Hầu hết họ luôn nhầm tưởng toàn bộ nền thi ca Việt đang tồn tại ở dạng sách in hoặc trên phát thanh truyền hình mà không biết rằng có một bộ phận khác tồn tại chủ yếu ở internet và… photocopy chuyền tay. Tiếc thay phần thơ “dưới ngầm” (underground) này lại chứa đựng nhiều giá trị mới mẻ hơn. Như vậy, thơ Việt vẫn phát triển chỉ có điều nó không còn dành cho số đông nữa.

Box:

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng:

Thơ không phải là chuyện có thể tính từng năm như với các sản phẩm da giày. Vài năm chưa có một tập thơ đáng đọc cũng là bình thường. Còn giải thưởng ư? Ngay giải Nobel cũng chưa phải "chuẩn”, nữa là giải văn chương ở ta; vậy, không nên gắn kết bất kỳ giải thưởng nào với chất lượng của tác phẩm.

Ngày nay, người làm thơ "mới" vẫn lèo tèo. Mừng là cái mới không còn bị kỳ thị, đả kích vô lối như trước đây dăm năm. Làm được mới rất khó, phải có căn bản mới từ lối sống, cách thưởng thức cái đẹp, kiến thức văn hoá chung. Giáo dục vẫn thế thì lây đâu nghệ thuật mới? Chỉ một số ít rất quyết chí tự học, bản lĩnh cá nhân cao mới làm được cái gì mới. Bắt chước, học đòi thì chỉ ra vẻ mới mà không có sức sống. Nổi loạn cũng là một cách làm mới, nhưng "bạo phát bạo tàn".

Nhà thơ Trần Tuấn:

Đa số người viết trẻ đã và đang theo lối mới tuy đậm nhạt khác nhau. Không có một trật tự nào cho thơ cả. Và cũng chẳng cần ai tìm cách “chôn” ai cả. Bởi chắc chắc “cực mới” hôm nay sẽ là “cực cũ” ngày mai.

Không có thứ “mùa màng” nào nghiệt ngã như văn chương, suốt đời gieo mà gặt về không được mấy. Đó là quy luật của cả thế giới rồi. Nên nghĩ mỗi nhà thơ cũng chẳng có gì lo ngại, hốt hoảng hay sốt ruột. Tôi tròn 10 năm mới in một cuốn thơ. Suy tư về thơ, làm thơ trong tâm tưởng thật sâu trước khi in, đó là cách của riêng tôi.

Nhà phê bình Văn Giá:

Việc mà Hội nhà văn không trao giải hằng năm cho thơ năm vừa qua cũng không có nghĩa là thơ mất mùa hoặc không có thành tựu. Chứng cớ là, có một số đơn vị tư nhân đã đứng ra tổ chức các cuộc thi và họ được nhiều cây bút trẻ hưởng ứng, trong số đó có những tập rất khá.

Theo tôi nghĩ, chưa thể gọi thơ mới thơ cũ như cách gọi thời kỳ 1930-1945. Trong bối cảnh văn hóa đương đại hôm nay, khó có thể có cuộc cách tân thơ ca mang tính chất phong trào đột khởi và mạnh mẽ như thời thơ Mới.

Việc đang đổi mới, đang cách tân ngày hôm nay đã thấy rõ. Nhưng chưa thấy xuất hiện “thủ lĩnh” với những tuyên ngôn mỹ học sâu sắc và thuyết phục, chưa thành phong trào mạnh mẽ và đông đảo, chưa có thành tựu sáng giá để khẳng định và minh chứng. Người sáng tác và người phê bình đang trong tình trạng lúng túng, hoang mang. Thơ nằm trong vùng cách tân chưa có những thành tựu đỉnh cao thực sự thuyết phục. Thơ bị coi là truyền thống (cũ) vẫn còn đang đồng hành, chung sống và không ít bài vẫn hay.

Hàm Đan

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

THƠ ĐẾN TỪ... ĐỐI THOẠI



Thơ đến từ đâu với văn giới đã không còn xa lạ bởi một số bài viết trong cuốn sách đã xuất hiện trên báo mạng từ mấy năm trước. Nhưng khi tập hợp thành sách nó vẫn tạo ra được dư luận trái chiều, đó là một điều hiếm có với một cuốn sách phi hư cấu và cũng không hề dễ đọc.

Hội tao đàn “giao lưu”…

Thơ đến từ đâu có thể ví như là một chiếu rượu để các nhà thơ Việt Nam đương đại họp mặt. Tác giả cuốn sách - người chủ trò là bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, anh “mời” ai họp mặt là sự lựa chọn mang tính chất cá nhân của anh. Nhưng, nhìn vào danh sách 25 nhà thơ, ta thấy sự lựa chọn này có cân nhắc chứ không phải là việc làm ngẫu hứng.

Các nhà thơ góp mặt trong tuyển sách ở các thời kỳ lịch sử khác nhau như: nhà thơ Hoàng Cầm sinh năm 1923 trong khi nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh sinh năm 1982; không gian khác nhau: các nhà thơ như Du Tử Lê, Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh., Trần Nghi Hoàng… sau năm 1975 ở hải ngoại. Nhưng quan trọng nhất là các nhà thơ trên là đại diện cho các những dòng thơ chủ đạo suốt một thế kỷ qua: Hoàng Cầm và Lê Đạt nổi tiếng trước năm 1954; Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo là nhà thơ – chiến sĩ tiêu biểu của thế hệ thanh niên chống Mỹ; Ngô Tự Lập, Lê Vĩnh Tài, Trần Hữu Dũng… lại nổi lên sau thời kỳ Đổi mới. Hiển nhiên, còn nhiều nhà thơ “đại gia” khác không góp mặt mà chính Nguyễn Đức Tùng thừa nhận là không có duyên gặp gỡ: “Ví dụ cách đây vài năm ở Sài Gòn, qua sự giới thiệu của anh Du Tử Lê, tôi định gặp và phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Duy, nhưng vào lúc ấy, tôi bận đi Hà Nội và nhà thơ thì bận đi Mỹ”. Thơ đến từ đâu đã phần nào phác thảo rất ngắn về thơ ca Việt chứ mục đích cuốn sách không phải là một tham vọng làm hợp tuyển như các cuốn tuyển tập bày trên giá sách vẫn nuôi ý định.

Điều thú vị cho những người đọc cuốn sách này là họ có thể tự dựng cho mình một hình dung về diện mạo của thơ ca Việt đương đại vốn đa dạng hơn nhiều trong ý nghĩ của nhiều người. Thơ Nam Dao có ảnh hưởng thơ Đường, thơ “bóng chữ” của Lê Đạt, thơ tân hình thức và thơ “ảnh” của Đỗ Kh.,thơ lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh… là những xu hướng thơ tồn tưởng chừng như “cãi” lẫn nhau nhưng thực tế chúng chung sống một cách bình đẳng, không một xu hướng nào vượt lên làm chủ đạo.

Đằng sau một catalogue về thơ Việt hôm nay, theo nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì Thơ đến từ đâu là “một cách tự hóa giải”hay nói như nhà thơ Lê Đạt là: “Tôi chủ trương cần có sự hòa thuận giữa người VN ở miền Bắc và ở miền Nam, người trong nước và người ở hải ngoại”. Nhưng “hòa thuận” không có nghĩa là thiếu tinh thần giúp đỡ, kích thích sự sáng tạo bởi theo nhà thơ Lê Đạt thì “chỉ có tranh luận và dân chủ (chỉ trong lĩnh vực văn chương - PV) thì mới có tiến bộ” như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về thơ Nguyễn Quang Thiều: “Thơ Thiều chứng tỏ một sức vóc vạm vỡ giàu chất văn xuôi hiện đại, giàu hình ảnh, nhưng ít gặp ở anh những bài thơ, câu thơ xuất thần, thảng thốt… thơ Nguyễn Quang Thiều không có bài kém và cũng hiếm bài thật hay”.

Không chỉ họp mặt, mà Thơ đến từ đâu thực sự đã là một diễn đàn cho các nhà thơ nói về về thơ mình, thơ bạn một cách thẳng thắn trên tinh thần đối thoại tích cực.

… và đàm luận

Nhan đề cuốn sách là một câu hỏi mang tính bản thể luận, nghĩa là lời hỏi chỉ là một, nhưng lời đáp thì có thể là nhiều. Đây là con đường thích hợp cho việc “thăm hỏi” chuyện kĩ thuật, lí luận… thơ ca một cách dễ chịu đối với các nhà thơ.

Nếu nhìn vào hình thức của các văn bản trong cuốn sách, dễ nhầm đây là một tập phỏng vấn các nhà văn. Thực ra, các bài trong Thơ đến từ đâu là thể loại đàm luận (t.Pháp: entretien) chứ không phải là phỏng vấn (interview). Trong các giáo trình báo chí, có phân biệt rõ hai thể loại này. Nếu trong phỏng vấn, phóng viên đi khai thác thông tin là chính, nhân vật trung tâm là người trả lời; thì trong đàm luận, cả phóng viên cũng đưa ra quan điểm, chính kiến của mình trao đổi với người khác, vị trí đàm luận là ngang bằng.

Vì là thể loại đàm luận nên Thơ đến từ đâu không khai thác khía cạnh đời tư, những giai thoại để “kiếm chuyện làm quà” mà chỉ chú trọng đến chuyện “bếp núp” nghề thơ và sinh hoạt thơ. Đã đi theo hướng chuyên sâu thì hiển nhiên sức thu hút với người đọc phổ thông sẽ nhanh chóng chấm dứt bởi đơn giản không phải ai cũng được trang bị kiến thức đủ để hiểu các vấn đề được bàn luận. Ở điểm kết thúc “khoái cảm” đọc của độc giả phổ thông cũng là điểm bắt đầu công việc đọc với những “siêu độc giả”. Thơ đến từ đâu chứa nhiều giá trị học thuật vượt xa các cuốn sách dưới dạng “hỏi đáp” từng xuất hiện trước đây như: Hỏi chuyện các nhà văn của Nguyễn Công Hoan, Nhà văn nói về tác phẩm của Hà Minh Đức, Tác giả nói về tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều… Cho nên, có thể xem Thơ đến từ đâu là một cuốn sách nghiên cứu văn học dưới dạng đàm luận.

Để hoàn thành cuốn sách nghiên cứu văn học theo bằng một cách làm đàm luận đòi hỏi người thực hiện phải là người am hiểu về thơ ca nói chung, lẫn am hiểu phong cách thơ của từng nhà thơ được phỏng vấn mới có thể đưa ra những câu hỏi “sát sườn” nhằm làm lộ ra “tướng tinh” của thơ và một phần nào là tính khí của nhà thơ đó. Nguyễn Đức Tùng tỏ ra xứng đáng làm người nối kết cuộc “giao lưu” thơ ca hiếm hoi này. Được bảo hiểm bởi kiến thức rất vững về thơ nên anh điều khiển cuộc “hỏi đáp” một cách chủ động, linh hoạt. Anh không chỉ hỏi, gợi mở để người được hỏi trở thành nhân vật chính mà chính anh với tư cách là người hỏi cũng đưa ra quan điểm, chính kiến của mình nên vị trí của anh ngang bằng với người trả lời.

Có người e ngại Thơ đến từ đâu sẽ lại là một thất bại về thương mại cho một cuốn sách giá trị về nội dung lẫn đẹp mắt về cách thức trình bày. Nhưng, thương mại không phải là mục đích của tác giả lẫn những người tham gia cuốn sách. Mục đích chính của cuốn sách “tử tế” này là chốn giao lưu giữa các nhà thơ, để tìm hiểu một cách sâu sắc về suy nghĩ của nhà thơ hôm nay về thơ ca, nhân sinh và phần nào kích thích sự sáng tạo giữa các nhà thơ Việt. Vậy nên, sẽ không quá lời khi cho rằng Thơ đến từ đâu là một hiện tượng văn học đầu tiên của năm 2010 ở nước ta.

Hàm Đan

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

TOP TEN ... OF MINE


Top ten films:

1. In the mood for love
2. The silence of the lambs
3. The hours
4. Hidden (Caché)
5. One flew over the cuckoo's nest
6. Farewell my concubine
7. The pianist
8. Schindler's List
9. Rashomon
10. Modern Times




Top ten books:

1. Soul mountain
2. One hundred years of solitude
3. Ficciones
4. Waiting for Godot
5. In Search of Lost Time
6. Desert
7. Mythologies
8. Tristes Tropiques
9. Immortality
10. The Metamorphosis

(continue)
.............................