Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

PHIÊU CÙNG “NHẠC MỚI”



Vào cuối tháng 10 này, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, diễn ra đêm nhạc I am me thuộc chương trình Hanoi new music meeting của 12 nghệ sĩ trong và ngoài nước. Buổi diễn đầu tiên diễn ra tại nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô thì Nhậm - HN) nhận được lời tán thưởng nồng nhiệt. Những tác phẩm âm nhạc thể nghiệm lần này đã thực sự khiến người nghe thủ đô “mãn nhĩ” và giúp họ bước đầu biết thưởng thức những loại hình nghệ thuật đương đại đầy mới mẻ và độc đáo.

MỚI LẠ VÀ ĐỘC ĐÁO

Tác phẩm mở đầu là tiết mục Nhạc ồn (Noisy music) của Nguyễn Hồng Giang. Nghệ sĩ trẻ đến từ Sài Gòn này lựa chọn những âm thanh rè, gắt như âm thanh của tàu hỏa, máy bay - những tiêng ồn nơi đô thị. Ấn tượng hơn là sự trình diễn của chính nghệ sĩ khi vào cúi gằm mặt xuống bàn, những cánh tay cử dộng như robot liên tục động chạm với những đồ chơi bày biện trên bàn cộng tiếng gào thét của nghệ sĩ. Một tác phẩm khác hình thành từ những tiếng vào những tiếng ồn là A Em 15 của Vũ Nhật Tân và Nguyễn Mạnh Hùng. Tác phẩm của Nguyễn Hồng Giang không có tên còn tác phẩm của Vũ Nhật Tân là một ký hiệu; cả hai tác phẩm đều không có một diễn giải nào từ phía tác giả nên người nghe phải tự diễn giải tùy theo cách hiểu của mỗi người. Nhưng hầu như người nghe nào cũng nhận ra lớp nghĩ đầu tiên: đơn giản nó diễn tả nỗi bất an nội tâm của con người trong cuộc sống đô thị quá nhanh và gấp.

Ấn tượng nhất trong số nghệ sĩ Việt Nam là màn trình diễn của một người quen trong những chương trình âm nhạc thể nghiệm - nghệ sĩ Kim Ngọc. Tác phẩm Tố nữ của chị có tính liên kết các biểu tượng văn hóa rõ rệt. Với người Việt Nam, mấy ai lại không biết đến hình tượng bức tứ bình tố nữ. Trong bộ áo dài nâu truyền thống, Kim Ngọc lần lượt nhập vai vào từng khuôn hình được khoắt rỗng trong tấm bình phong. Lần lượt, bốn lần chị nhập vào tố nữ nhưng chị không trình diễn các nhạc cụ truyền thống. Chỉ dùng hơi thở khi khẽ, khi rõ rệt và cuối cùng dùng tiêng hét để biểu đạt tâm trạng của mình. Người xem đã thực sự ngạc nhiên khi chỉ bằng hơi thở, đạo cụ biểu diễn đã trở thành một tác phẩm âm nhạc thực sự đa nghĩa cho số hiểu khác nhau: người thì nghĩ ngay đến thân phận người phụ nữ bị bó buộc trong khuôn khổ mà xã hội hay áp đặt cho họ, người thì nghĩ ngay đến thân phận người nghệ sĩ… Cách hiểu không thống nhất lại là điều đáng mừng bởi một tác phẩm nghệ thuật không bao giờ dừng lại ở một ý nghĩa trên bề mặt đơn giản.

Về phía nhạc sĩ nước ngoài, Pippa Murphy đem đến tác phẩm Những dòng chảy trái đất. Tác phẩm này là ví dụ sinh động cho tính ứng tác rất rõ. Ngoài một bản thu âm tiếng động có sẵn Pippa Murphy hòa thêm âm cho bàn nhạc sẵn ngay lúc biểu diễn. Trong khi một bản nhạc êm đềm, dễ chịu như nghe như tiếng thu nước chảy từ biển Caspian thì đột nhiên xuất hiện những tiếng động lạ khiến người ta liên tưởng ở việc sự sống đang nảy sinh dưới đại dương, sức mạnh của những con sóng… Nhờ có tính ngẫu hứng này mà sự sinh động mang lại tính biểu cảm trong tác phẩm tăng lên.

Simon Rummel từ nước Đức đem đến người nghe một màn trình diễn độc đáo. Hiện lên trên màn hình là một danh sách 25 bản nhạc. Có hai chiếc điều khiển từ xa được khán giả chuyền tay nhau giúp chuyển bài. Ở trên sân khấu, Simon Rummel sẽ chơi piano để phục vụ. Vì thế mà tác phẩm được anh đặt tên là Hòa nhạc từ xa. Hẳn nhiên anh không chơi đàn thật mà chỉ đánh đàn “nhép”, những động tác ngẫu hứng, hài hước khi trình diễn trên chiếc piano nghiêm ngắn khiến cho tinh thần giễu nhại của nhạc mới có sức thuyết phục hơn.

ĐÔNG TÂY KẾT HỢP

Ba tác phẩm còn lại trong chương trình là sự kết hợp hay nói đúng hơn là một cố gắng dung hào âm nhạc cổ truyền Việt nam với âm nhạc hiện địa phương Tây. Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thuỷ hoà tấu cùng nữ nghệ sĩ saxophone Lotte Anker người Đan Mạch tác phẩm Những phong cảnh thoáng qua. Sự hoà tấu còn tiếp tục trong tác phẩm Trong khi thành phố ngủ của Staffan Storm dưới sự thể hiện qua tiếng đàn bầu của Ngô Trà My và đàn tì bà của Stefan Ostersjo (người Thụy Điển). Đầu tiên là sự gay gắt được có nghệ sĩ cố tình tạo ra. Âm thanh mềm mại đi sâu vào lòng người của đàn tranh dừng lại là lúc tiếng Saxphone ngẫu hứng không theo tiết tấu vang lên nhưng cuối cùng nó lại có thể hòa vào nhau tạo ra một bản nhạc mang âm vị “liêu trai”.

Sụ kết hợp các nhạc cụ không còn mới, điều quan trọng là đằng sau những âm thanh từ hai nền văn hóa khác nhau nó cần phải tạo ra những chủ đề ban đầu đi theo hai hướng khác nhau nhưng lại có thể xoắn quyện vào nhau tạo ra một sự biểu đạt nhuần nhuyễn. Yêu cầu từ lâu của số ít khán giả khó tính trên rất đáng lưu tâm. Thật trùng hợp, trong chương trình âm nhạc thử nghiêm này đã làm thảo mãn phần nào đòi hỏi trên, đó là tác phẩm: Một gương mặt số 4 của Sơn X. Nghệ sĩ Sơn X cũng là cái tên đi tiên phong trong âm nhạc mới Việt Nam khi làm nhạc cho chương trình múa của nghệ sĩ múa Thủy Ea Sola.

Mở đầu tác phẩm là một cô gái ăn mặc tân thời nhưng lại ca… cải lương về mối tình Lan và Điệp, kết thúc lời ca là tiếng nôt lớn như tiếng sét. Sau đó là mấy phút triền miên nhạc nổi lên. Bản nhạc tuy không ồn như của Vũ Nhật Tân nhưng không mấy “nên thơ” để người ta có thể liên tưởng đến chuyện tình Lan và Điệp. Song song với nhạc và màn hình video hiện lên những nét vẽ thủy mặc không rõ hình hài để có thể gắn với khung cảnh bến nước con đò, ngôi chùa, làng quê quen thuộc của vở cải lương nổi tiếng. Có một lần, trong bvaif giây đồng hồ, những nét vẽ tạo nên một hình vuông như một khung cửa , bên trong khung vuông mà ánh sáng chập chờn léo lên rồi tắt như là tia chớp. Khi tác phẩm đi đến hồi cuối, những đường vẽ nghệch ngoặc kia mới hiện lên. Hóa ra, đó là là cách nhìn gián tiếp của một tòa nhà cao tầng, cái khung vuông kia thực chất là một khung cửa sổ của một tòa nhà chung cư. Nhìn vào trong không thấy bóng người nào nhưng lại có tiếng “Nam mô a di đà Phật” vang lên, chậm dần rồi tắt hẳn. Khi tác phẩm này kết thúc, những ràng vỗ tay không ngớt vang lên vì một điều đơn giản là Một gương mặt số 4 đem đến cho người ta một cảm thức thực sự mới về nghệ thuật thời hậu hiện đại.

Hàm Đan

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

VĂN HÓA ĐÔ THỊ: BỨC TRANH NHIỀU MÀU SÁNG


Đô thị Việt Nam đang mảnh đất màu mỡ để văn hóa đại chúng (pop culture) phát triển. Bức tranh văn hóa mới chưa thật rõ hình hài nhưng những gam màu sáng đang chiếm ưu thế.

Cách đây vài năm, vào mỗi dịp hè, việc một thiếu nữ mặc áo hai dây và quần soóc đi dạo trên đường bị “săm soi” bằng ánh mắt… e ngại hoặc ngạc nhiên là phổ biến; nay, nếu vào dịp hè mà vẫn ăn mặc “kín cổng cao tường” để đi chơi thì mới là điều lạ. Nhưng điều lạ đằng sau sự việc này là những người ăn vận lẫn những người quan sát đều thay đổi ý kiến chỉ sau một thời gian ngắn.

THAY ĐỔI BẢNG GIÁ TRỊ

Không chỉ có mỗi chuyện ăn mặc mà nếu nhìn rộng ra các hiện tượng khác của văn hóa thì chưa bao giờ văn hóa lại biến đổi nhanh đến vậy. Người ta thường nói một thế hệ cách nhau 20 năm nhưng hình như ngay trong bản thân thế hệ 8X cũng đã có sự khác biệt quá nhiều. Một người sinh đầu những năm 1980 rõ ràng là “lạc hậu” hơn nhiều so với đứa em sinh cuối thập niên. Người ta có cảm giác rằng đó là là hai thế hệ hoàn toàn khác nhau.

Sự biến đổi lạ lùng ấy là hệ quả tất yếu của việc mở cửa thị trường và tốc độ phát triển kinh tế nhanh của nước ta. Ngày hôm nay, người Việt Nam đã biết thưởng thức những sản phẩm văn hóa cùng lúc với thế giới như blog, fast food, truyền hình vệ tinh, giải trí… Có được những sản phẩm văn hóa ấy là nhờ công nghệ thông tin, mạng lưới bán lẻ mà có cơ hội xuất hiện. Việc tiếp nhận thông tin và văn hóa của thế giới thì sẽ dẫn đến việc giới trẻ sẽ suy nghĩ ở tâm thế mới khác hẳn với thế hệ trưởng thành ở thời chiến tranh, bao cấp – thời kỳ đóng cửa với thế giới. Những việc như: sống thử trước hôn nhân, sống độc thân, nhận con nuôi, thích đi làm trong ngành giải trí hơn là học đại học… được lớp trẻ xem là bình thường thì rõ ràng là một sự thay đổi lớn so với quan niệm khuôn thước của các bậc phụ huynh. Tóm lại, bảng giá trị về văn hóa cơ bản đã thay đổi.

Một số người lớn tuổi không tán đồng với hiện trạng văn hóa hiện nay. Phản ứng bức xúc trước những hiện tượng văn hóa mới mẻ ùa đến sau một thời gian đóng của là điều có thể hiểu được. Tâm lý người Việt là thường dị ứng với cái mới; thêm vào đó, mặc cảm hậu thuộc địa khiến người Việt ghét những sản phẩm văn hóa của các nước thực dân. Bây giờ, người ta ghét nhảy Hiphop như 70 mươi năm trước ghét khiêu vũ cổ điển. Về ăn mặc, trước năm 1945, các nhà Nho đã phản đối kịch liệt chiếc áo dài Le Mur (tiếng Pháp có nghĩa là Cát Tường – tên người họa sĩ người Việt cách tân áo dài); và gọi những chiếc áo dài mà bây giờ chúng ta xem là quốc phục của phái đẹp là quần áo “đĩ thõa” của bọn “gái tân thời”. Một ví dụ khác, những năm 1960, ở miền Bắc, những cán bộ ngành văn hóa phê phán lối sống các nước Âu Mỹ là nhàm chán và thiển cận khi nhìn đời qua cái hộp sắt (tức là ti vi), di chuyển trong cái thùng nhôm (tức là ô tô) thì giờ đây “cái hộp sắt” ấy là vật không thể thiếu của mỗi gia đình, còn “cái thùng nhôm” lại là ước mơ của nhiều người Việt.

Việc ai đó thích hay không thích hiện trạng văn hóa hôm nay không còn quan trọng vì văn hóa ở đô thị sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đại chúng hóa và toàn cầu hóa như là quy luật tất yếu của lịch sử nếu như nước ta hội nhập với thế giới. Ngược lại, nếu đóng cửa biên giới, kinh tế và bưng bít thông tin thì biểu tượng tiên tiến của văn hóa và là người bạn của chúng ta sẽ là đài radio.

"LỨA QUẢ ĐIẾC"

Thế hệ 8X là thế hệ thuộc về văn hóa mới. Họ lớn lên khi tiếng súng đã yên và công cuộc đổi mới bắt đầu thu được những kết quả tốt. Chính thế hệ này vừa tiếp nhận và nuôi dưỡng văn hóa đại chúng ngay tại Việt Nam. Nền văn hóa đại chúng là vận hội không thể tốt hơn cho sự “thay máu” về văn hóa để tiến tới trở thành những công dân toàn cầu của giới trẻ Việt Nam. Từ đó, mới đưa nước ta hội nhập và cống hiến trở lại với văn hóa thế giới. Đó là trên lý thuyết nhưng thực tế thì y như câu nói cửa miệng của người Sài Gòn: “nói dzậy mà không phải dzậy”!

Bản thân việc tiếp thu văn hóa mang tính mô phỏng chứ chưa có sáng tạo nổi bật. Nhìn ở các bức hình graffiti ở Việt Nam vừa không có gì mới so với nước ngoài đã thế mô phỏng lại còn xấu hơn. Các hoạt động giải trí vừa thiếu chuyên nghiệp vừa kém tính giải trí. Sự tiếp thu văn hóa mới hết sức lỗ mỗ, thiếu hệ thống mang tính hình thức bên ngoài mà chưa thật sự sống, suy nghĩ và hòa nhập với văn hóa mới. Vì thế ở Việt Nam mới có cảnh đi ăn fast food mất 2 giờ vì mải buôn chuyện, nhân dịp lễ Noel thì tổ chức ăn nhậu… Nhiều người lớn tiếng phê phán mặt trái của văn hóa đại chúng. Nhưng sự thực lỗi không thuộc về bản thân văn hóa đại chúng mà lỗi thuộc về những người tiếp nhận. Không khó để liệt kê các nguyên nhân: tâm lý tiểu nông, cơ chế, giáo dục… Ví dụ, nếu được giáo dục ý thức về sinh hoạt công cộng tốt như ở các nước phương Tây thì không bao giờ những nam thanh nữ tú của thủ đô lại ngang nhiên vặt trụi hoa anh đào đem từ nước Nhật xa xôi.

Xét cho cùng, trong tâm lý thế hệ 8X vẫn đang bị giằng xé giữa hai hình thái văn hóa mới và cũ khiến cho sự hình thành một mẫu người văn hóa trong con người họ trở nên bất bình thường như lứa “quả điếc” không bao giờ chín.

TẠO LẬP MỘT "BỘ LỌC" MỚI

Việc thu nhận văn hóa của các nước khác trên thế giới chỉ làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Nhưng nhiều người e ngại sẽ làm văn hóa truyền thống dân tộc bị mai một, thế hệ trẻ sẽ thành những người “mất gốc”. Điều này sẽ dẫn tới hai trạng thái tâm lý đầy mâu thuẫn: vừa muốn bảo tồn vừa muốn cách tân vì chủ nghĩa dân tộc đòi hỏi sự thuần khiết và tính truyền thống trong văn hoá, trong khi chủ nghĩa hiện đại lại đòi hỏi sự cách tân triệt để và chống lại truyền thống.

Sự thực là đã có nhiều nước trên thế giới làm được cả hai việc này một cách thành công. Lấy ví dụ là Hàn Quốc – một nước khá gần gũi với chúng ta. Họ làm khá tốt việc gìn giữ các giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần văn hóa truyền thống biến nó trở thành sản phẩm của ngành du lịch và phương thức PR của đất nước. Bằng chứng là mấy cô gái Việt Nam một dạo tết tóc truyền thống hàn Quốc theo nàng Dae Chang Kum, cũng mặc thử bộ Hanbok… Hàn Quốc cũng như các nước Á Đông khác khi bước vào toàn cầu hóa phải đối mặt văn hóa đại chúng từ phương Tây. Nhưng thái độ của họ phải khiến chúng ta suy ngẫm. Họ tuyên bố: “Người Hàn Quốc không cần sợ bị mất bản sắc văn hoá của mình. Tốt hơn, họ nên sợ mất cơ hội thưởng thức các văn hoá khác”. Họ đã biết vận dụng phương tiện truyền thông, kỹ năng tổ chức giải trí của văn hóa đại chúng để tạo ra “làn sóng Hàn Quốc” thống trị châu Á trên lĩnh vực ca nhạc và điện ảnh. Nhờ phim ảnh, ca nhạc những giá trị văn hóa truyền thống Hàn Quốc mới được biết đến sâu rộng như vậy. Rõ ràng, truyền thống văn hóa không mất đi mà còn có cơ hội đi ra khỏi biên giới đất nước.

Khi mà nỗi lo lớn nhất là sự xung đột truyền thống và hiện đại trong văn hóa được gỡ bỏ thì việc cần làm là tạo dựng một “bộ lọc”. “Bộ lọc” đó sẽ tạo nên ý thức hòa nhập chứ không chịu hòa tan của trao đổi, học hỏi và tiếp thu văn hóa phải trong tinh thần bình đẳng bởi toàn cầu hoá lại bao hàm ý nghĩa giới thiệu đến nhau và tiếp thu từ nhau những đặc trưng văn hoá dị biệt, một cách tự giác và bình đẳng. Mài sắc bản lĩnh cá nhân tạo ra cá tính riêng biệt để cống hiến, sáng tạo trong lĩnh vực tham gia chứ không phải dựa vào chủ nghĩa cá nhân để ngụy biện cho những hành động vô chính phủ như đua xe, đánh nhau, sử dụng ma túy…

Không những tốt cho văn hóa mà nếu xét về kinh tế, một người trẻ có ý thức cá nhân cao, biết rõ giá trị của mình để phấn đấu làm việc khẳng định bản thân đã đồng thời gián tiếp tạo ra vật chất cho xã hội tránh dựa dẫm vào nguồn sữa tài chính được bao cấp từ gia đình. Ngày hôm nay, chúng ta thấy nhiều người trẻ vừa đi học vừa đi làm stylish, make up, chụp ảnh, viết báo tự do, dịch sách… có thể tự nuôi sống bản thân và đi kèm là một cuộc sống năng động, hiện đại. Đó là những chủ nhân tích cực của văn hóa đô thị mà chúng ta còn cần số lượng nhiều hơn nữa.


Hàm Đan

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

TÍNH DỤC TRONG NGƯỜI TÌNH CỦA DURAS: MỘT DIỄN NGÔN VỀ SỰ NGĂN CÁCH CỦA CHỦNG TỘC VÀ GIAI CẤP




Nhắc đến Marguerite Duras (1914 - 1996) là nhắc đến một tượng đài đứng độc lập trong nền văn chương Pháp hiện đại. Vị trí của bà đối với Việt Nam cũng hết sức đặc biệt. M. Duras là nhà văn Pháp hiện đại được dịch nhiều nhất ở Việt Nam, thậm chí có hai cuốn sách nghiên cứu về bà cũng được dịch. Thêm vào đó, bà sinh ra ở Sài Gòn và sống ở đây cho đến năm mười tám tuổi. Nam Bộ luôn là khung cảnh trở đi trở lại trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của bà. Nhưng có điều đáng tiếc là bà không được nhiều người đọc Việt Nam chú ý.

Lấy cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất là Người tình (L’Amant) làm ví dụ. Cuốn sách là một best-seller quốc tế đã đoạt giải Goncourt 1984 và có một bộ phim được chuyển thể cùng tên của đạo diễn Claude Berri do nam tài tử Hong Kong Lương Gia Huy (Tony Leung Ka Fai) thủ vai. Chừng ấy, vẫn chưa đủ hấp dẫn với người đọc Việt Nam. Bằng chứng là Người tình luôn nằm ngoài các bảng danh sách sách bán chạy nhất ở thời điểm nó được phát hành rộng rãi ở Việt Nam (năm 2007).

Trừ những siêu độc giả ra, tất cả đều xem đây là một cuốn sách không có nhiều điều đặc biệt. Điểm đáng chú ý nhất trong câu chuyện là những lần quan hệ của một cô bé người Pháp mười lăm tuổi với một người đàn ông Trung Quốc gấp đôi số tuổi của cô. Những chi tiết của những quan hệ tình dục không trọn vẹn bị loãng bởi những câu chuyện khác về gia đình, trường học của người Pháp. Thêm vào đó, một câu chuyện chỉ nên thu gọn trong một khuôn khổ của truyện ngắn lại tãi ra thành một cuốn tiểu thuyết với những câu văn mang tính bình luận, diễn đật cảm xúc trùng lặp và …sến.



Gạt bỏ đi những chi tiết tiểu sử học xung quang cuộc đời M. Duras và cuốn tiểu thuyết Người tình mà chỉ chú trọng đến văn bản tiểu thuyết dễ tưởng rằng những lời nhận xét trên kia là đúng. Thử xét về vấn đề tính dục trong cuốn tiểu thuyết này thì rõ ràng, Người tình dường như đã được PR quá mức so giá trị thực của nó. Nhưng có một “mưu kế” nằm dưới câu chuyện sex giật gân bởi dù mang tính tự truyện cao nhưng Người tình lại nằm trong mạch văn bắt đầu từ Moderato Cantabile (1958), ở mỗi tác phẩm M. Duras luôn tìm cách “đánh lừa” độc giả khi cho câu chuyện đi tới cao trào rồi kết thúc mà không có điểm cởi nút cho kịch tính của câu chuyện.

Tính dục trong Người tình nằm ở mối quan hệ xác thịt của cô bé da trắng và người đàn ông Trung Hoa nhưng tính dục còn được chuyển di sang những đối tượng nằm trong taboo theo quan niệm không chỉ phương Đông mà cả phương Tây. Cô bé da trắng độc thoại: “Tôi bủn rủn người vì thèm muốn Hélène Lagonelle. Tôi bủn rủn người vì thèm muốn”. Đi cùng với điều này là một ý định “kì quái”: “Tôi muốn trao Hélène Lagonelle cho người đàn ông đã làm điều đó với tôi để đến lượt anh làm điều đó với cô ấy. Làm trước mặt tôi, sao cho cô ấy làm điều đó theo ước muốn của tôi, sao cho cô ấy dâng hiến. vậy là vòng qua thân thể Hélène Lagonelle, xuyên qua thân thể của cô ấy mà khoái lạc sẽ có thể truyền từ anh đến tôi, lúc ấy sẽ là niềm khoái lạc tột cùng. Có thể chết đi được vì điều đó”. Thậm chí, nhân vật trong truyện còn tự huyễn tưởng rằng mình là con gái và người đàn ông Trung Hoa kia là cha. Và suy mối quan hệ tình dục trên là loạn luân.

Sẽ là mất công nếu đi chuẩn đoán bệnh lí tâm thần cho một nhân vật giả hư cấu nhưng điều rõ ràng là bản năng chết (thanatos) hiện hữu trong cô gái người Pháp là điều rõ ràng. Xét từ môi trường gia đình: một bà mẹ gàn dở vì đã cảnh nghèo, một người anh cả nghiện thuốc phiện hung bạo, người anh thú yếu ớt; trường học của cô cũng không khá hơn đó là một trường nữ sinh khép kín, chỉ có cô và Hélène Lagonelle là học sinh da trắng ở nội trú với nỗi lo học xong sẽ đi làm y tá ở bệnh viện dành cho người hủi… Điều đặc hơn, chính là những chi tiết về hoàn cảnh sống của cô, một cô gái da trắng ở mộ xứ thuộc địa nhưng lại đi về nhà trên chiếc xe hàng với người bản xứ da vàng. Tất cả những điều này dẫn cô đến một quyết định là quan hệ tình dục với người đàn ông Trung Hoa xa lạ. Không chỉ đơn thuần là việc ham muốn nhục dục mà là đi tới chỗ tự hủy diệt thể xác, tâm hồn. Động lực cho điều này là một huyễn tưởng lai chủng tộc. Một nỗ lực cố gắng tác ra khỏi chủng tộc da trắng ốm yếu, nhàm chán để cố hòa nhập một cách tuyệt vọng vào phần da vàng thấp kém trong quan niệm thực dân.

M. Duras tả rất kĩ sự hoảng loạn, sự đau khổ, nỗi lo lắng của người đàn ông Trung Hoa với mặc cảm tình dục nhược tiểu, gánh nặng đạo đức và pháp luật ở trên vai trong mỗi cuộc làm tình. Anh ta thật thảm hại trong mắt một cô bé da trắng khi vừa quan hệ vừa run rẩy và khóc lóc. Ngoài vấn đề diễn ngôn về chủng tộc thì Người tình còn nhằm chứa một diễn ngôn về giai cấp đó hoàn cảnh của một co bé gia trắng cao quý về chủng tộc nhưng nghèo và một anh chàng Trung Hoa thấp kém chủng tộc nhưng giàu có. Không phải ngẫu nhiên mà M. Duras lại ra kĩ bộ trang phục, những đồ dùng cá nhân của hai người, điều này cho thấy mối ngăn cách về giai cấp quá rõ ràng. Bản thân cô gái cũng tự đánh đồng mình khi đối mặt về vấn đề giai cấp khi tự gọi mình là “con điếm nhãi ranh”. Chàng trai Trung Hoa luôn dùng tiền để che lấp mặc cảm về màu da nhất là khi đi ăn cùng với gia đình cô gái. Và cố dùng tiền để tìm kiếm một mối quan hệ lâu dài. Cô gái có thể thua kém về tiền bạc nhưng về lại là người làm chủ những cuộc truy hoan bởi cô tìm đến sự giao hoan thể xác không nhằm một mục đích có lợi cho mình, đồng nghĩa với sự tính toán mà là để kết thúc những bế tắc trong cuộc sống. Và sự kết thúc đến khi cô trở về Pháp: “Mười tám tuổi mà mọi thứ đã là quá muộn”

Nhưng ngay từ đầu, mối quan hệ này là phi vật chất nó chỉ là cuộc tự hủy diệt của cô gái để đào sâu vào những hoảng tưởng về chủng tộc mà cô tự vẽ ra. Người đàn ông Trung Hoa cũng không khá hơn, số phận anh ta gần giống những nhân vật nam người Hoa giàu có trong các cuốn tiểu thuyết thời hiện đại. Họ tiếp xúc với tự do nhưng không được sống tự do vì người Trung Hoa truyền thống gia tộc rất mạnh, quá giàu để thôi có khát vọng làm giàu trong máu người Hoa, điều quan trọng là tìm một ý nghĩa để sống nhưng tất cả đều bế tắc. Sự bế tắc hiện diện trong khung cảnh, ánh sáng, mù của căn nhà ở Chợ Lớn. Anh rơi vào một vòng xoáy không có lối thoát: sự quyến rũ nhục dục từ cô bé da trắng; mong ước về một sự dài lâu, bền chặt trong tình cảm nhưng đó chỉ là ảo tưởng; không phải vì bố anh ngăn cấm, không phải từ gia đình cô bé mà chính ở bản chất mối quan hệ này sẽ không dẫn đến hôn nhân mà là một sự khám phá bản thân của cô bé. Cô sẽ ra đi và điều này anh không thể níu giữ được. Kết thúc tất yếu của cuốn tiểu thuyết là sự chia tay của đôi tình nhân kì lạ để lại đằng sau những mối liên hệ bị ngăn cách còn dang dở. Một cái kết tưởng chừng như rất… sến khi người đàn ông Trung Hoa nói với cô gái sau bao nhiêu năm xa cách: “Anh nói rằng mọi việc ẫn như trước, rằng anh vẫn yêu cô, rằng anh không bao giờ có thể ngừng yêu cô được, rằng anh sẽ yêu cô cho đến chết”. Chính những điều còn dang dở từ sự khám phá những điều thầm kín, những điều chưa nói được về diễn ngôn bỏ dở của cuốn tiểu thuyết Người tình khiến cho đoạn kết này lại một lần nữa và cũng là lần chót “đánh lừa” người đọc.

Vì những diễn ngôn đằng sau đề tài tính dục nên chẳng ai phản đối khi người ta xếp M. Duras là một nhà văn của chủ nghĩa hậu thực dân hay nữ quyền luận. Ngay từ khi còn sống, bà đã không ưa những sự dán nhãn bà chỉ thích được gọi nhà văn viết về tình yêu vì bà cho rằng tình yêu điều đó là điều tuyệt vời nhất.

Hàm Đan

Tài liệu tham khảo:



1. Catherine Bouthors-Paillart: Duras: Người đàn bà lai, NXB Văn học 2008

2. Lydia Alix Fillingham & Moshe Susser: Nhập môn Foucault, NXB Trẻ 2006

3. Julie Rivkin & Michael Ryan: Literary theory: an anthology, Blackwell Publishers Inc, 1998

4. Đặng Thị Hạnh (chủ biên): Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XX, NXB ĐH QG HN 2005

5. Marguerite Duras: Người tình (Lê Ngọc Mai dịch), NXB Hội nhà văn, 2007

6. Marguerite Duras: Đập ngăn Thái Bình Dương (Lê Hồng Sâm dịch), NXB Văn học, 1997

7. Lê Hồng Sâm: Tình yêu và cái chết trong tiểu thuyết Duras, dẫn theo cuốn Chân trời có người bay của Đỗ Lai Thúy, NXB VHTT 2006

8. Liễu Trương: Tiếp cận văn học Pháp, NXB Văn học 2007