Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

THỜI ĐÀM (VIII): VINH QUANG CHO NGƯỜI "MỞ ĐƯỜNG"

         Ông tự nhận là người yêu văn chương từ nhỏ nhưng lớn lên lại “trốn” theo nghiệp toán. Đến khi “đời ngoài tuổi năm mươi/ mong gì hương sắc lạ” thì tình yêu văn chương tưởng đã ngủ quên lại bừng giấc, ông quyết định cầm bút viết tiểu thuyết. Như bao người viết mới bước vào nghề, ông cũng phải lần dò “con đường” cho riêng mình. Một bạn văn của ông khuyên: “Sao bác không viết tiểu thuyết về toán học nhỉ?”. Nhà văn “trẻ” liền đáp: “Mình muốn viết tác phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến thế sự hơn là theo đuổi những vấn đề ít người đọc quan tâm!”.

Ngẫm lời khuyên viết văn về toán học kia không phải là hoàn toàn vô ích. Ở các nền văn học lớn đã có những tiểu thuyết lấy các vấn đề khoa học làm chất liệu, xưa thì có tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới đáy biển (1870) của nhà văn Pháp J. Verne (1828-1905), gần đây thì có tiểu thuyết Đo thế giới (2005) của nhà văn Đức Daniel Kehlmann viết về cuộc đời của nhà toán học C.F. Gauss (1777-1855) và nhà vật lý-tự nhiên học A. Von Humboldt (1769-1859). Khác một chút, có những tác phẩm tưởng là tiểu thuyết thuần túy lại mục đích viết là để nghiên cứu một vấn đề nào đó như trường hợp tiểu thuyết Tôtem sói (2004) của nhà văn Trung Quốc Khương Nhung dùng câu chuyện tự thuật của nhân vật để nghiên cứu tôn giáo và dân tộc học của người du mục. Ngày nay, người ta gọi hai khuynh hướng trên là tiểu thuyết khoa học.

Nhìn lại văn học Việt Nam hiện đại không khó nhận ra chưa có một tiểu thuyết khoa học nào đúng nghĩa. Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi…những ông vua, ông quan đã là nhân vật chính trong tiểu thuyết nhưng chưa nhà văn nào ở ta viết về chiều kích nhà khoa học như của Trạng Lường Lương Thế Vinh, cùng lắm mới chỉ là anh thợ-“kiến trúc sư” Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Loại tiểu thuyết viết với mục đích nghiên cứu thì thậm chí còn chưa được “mở đường”.

Viết tiểu thuyết vốn đã không phải là thế mạnh của nhà văn Việt Nam, lại thêm tri thức khoa học nặng nề, kén người hiểu thì dù nhiều người có vốn tri thức khoa học dày dạn như nhà văn “trẻ” nọ không dám đi tiên phong cũng là điều dễ hiểu. Song, thiết tưởng, từ cổ chí kim từ Đông sang Tây, lịch sử văn chương ngoài việc ghi dấu những tác phẩm đỉnh cao có giá trị trường tồn thì cũng luôn có chỗ cho những tác phẩm “mở đường”.

Tác phẩm “mở đường” dĩ nhiên thường chỉ có giá trị… mở đường, là “cột mốc” để nhà văn lớp sau đổi mới và vượt qua. Những người hôm nay phải học về tiểu thuyết trước năm 1945 đều phải tìm đọc tác phẩm Tố Tâm (1925) của nhà văn Hoàng Ngọc Phách (1896-1973). Ai đọc xong cũng cảm thấy chán; không chán sao được khi một cốt truyện tình lâm ly giản đơn, ngôn ngữ văn chương cũ mèm cách đây gần 90 năm. Nhưng, nên nhớ đây là tiểu thuyết tâm lý mở đường, ca ngợi tự do luyến ái chống lại cái hủ tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, đã thế tính nghệ thuật còn hơn hẳn những tiểu thuyết trước đó của Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh… Cho nên, dù nghệ thuật tiểu thuyết nước ta đã “trưởng thành” nhưng không ai quên Tố Tâm với tư cách là tiểu thuyết mở đường xuất chúng.  

Trường hợp Số đỏ (1936) của nhà văn Vũ Trọng Phụng là một ngoại lệ khi một tiểu thuyết trào phúng mở đường đồng thời là một kiệt tác đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào sánh kịp. Xin nói thêm, kể cũng lạ, một đất nước nổi tiếng là lạc quan và hay cười như nước ta đáng lẽ ra tiểu thuyết trào phúng là thế mạnh ấy vậy mà lại thành của hiếm!

Trở lại câu chuyện về nhà văn “trẻ”, thực ra, lời khuyên vẫn chỉ là lời khuyên, nhà văn muốn có tác phẩm để đời thì thường chỉ viết về đề tài nào ám ảnh anh ta nhất. Toán học dù là thế mạnh về hiểu biết nhưng không gây sự ám ảnh như những câu chuyện thế sự thì sự kiên định đề tài kể trên chứng tỏ nhà văn “trẻ” đang đi đúng đường, chí ít là đã trả lời câu hỏi: “Viết cái gì?”.

Cũng cần nói thêm, tiểu thuyết khoa học nếu viết hay thì tác động tới những vấn đề thời sự không hề nhỏ như thành công của Tôtem sói đã đề cập đến bài học lớn, đó là: con người muốn sinh tồn phải duy trì văn hóa truyền thống và sống hài hòa với thiên nhiên. Vậy nên, đâu cần phải viết về những “đại tự sự”-những câu chuyện lớn thì tiểu thuyết mới có giá trị! Đâu cần phải viết lại và viết tiếp những đề tài “mòn nhẵn” trong khi vinh quang cho người mở đường vẫn còn bỏ ngỏ!

                                                HOÀNG BÌNH PHƯƠNG