Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

CÂU CHUYỆN THỂ THAO: NIỀM VUI NHO NHỎ

Câu chuyện bóng nữ ít nhận được những quan tâm về tinh thần lẫn vật chất so với bóng đá nam đã là câu chuyện rất cũ: “Biết rồi, khổ lắm. Nói mãi!”. Có người chép miệng: Ở đâu trên thế giới này, bóng đá nữ vẫn cứ lép vế, đâu chỉ có nữ cầu thủ Việt Nam mới thiệt thòi; đến ngay như nước Anh, Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia (VĐQG) mới tổ chức trở lại với chỉ tám đội tranh tài.

Ngẫm lại, thời gian gần đây, bóng đá nữ dẫu còn lắm khó khăn nhưng đã được chăm lo toàn diện khiến người trong cuộc ấm lòng hơn. Chẳng hạn, bao nhiêu mùa giải VĐQG, chẳng đơn vị nào chịu tài trợ khiến giải đấu vẫn phải bám vào “bầu sữa” VFF. Năm nay, các cô gái đá bóng rốt cuộc cũng có được niềm vui khi Tập đoàn Dệt may Việt Nam quyết định tài trợ 1 tỉ đồng cho giải nữ VĐQG 2011. Số tiền này chỉ bằng 1/30 số tiền mà Ngân hàng Eximbank đang tài trợ cho sân chơi của các đồng nghiệp nam ở V-League, nhưng nó lại là nguồn động viên tinh thần vô giá cho sân chơi bóng đá nữ vốn kiếm tài trợ cực kỳ khó khăn.

Vấn đề nan giải kinh niên “đầu tiên” đã kết thúc có hậu, thì những câu chuyện khác liên quan đến lượt đi giải đấu năm nay đều chứa đựng những điều tốt lành, mang đến tất cả những người quan tâm đến bóng đá nữ những niềm vui nho nhỏ. Kết thúc lượt đi, đội bóng Phong Phú Hà Nam xếp thứ hai do thua về hiệu số bàn thắng bại với đội đứng đầu Hà Nội Tràng An 1. Thành công của đội bóng Phong Phú Hà Nam, có sự đóng góp lớn của huấn luyện viên trưởng kiêm cầu thủ Văn Thị Thanh. Đầu năm 2010, ở tuổi 25, quyết định giải nghệ của Thanh là một cú sốc lớn. Nguyên do là cô bận hoàn tất việc học tại khoa HLV bóng đá ở Đại học TDTT Từ Sơn để “lo cho tương lai”-như lời tâm sự Thanh. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 7-2010, Thanh lập tức theo học lớp tập huấn HLV Olympic do FIFA tổ chức trong vòng 10 ngày tại Hà Nội nhằm bổ sung kiến thức từ những chuyên gia nước ngoài. Trở về sau lớp tập huấn, Thanh được giao làm HLV trưởng đội U-19 nữ Hà Nam và giành chức vô địch U19 toàn quốc. Thanh được lãnh đạo tín nhiệm trao ghế HLV trưởng tham dự Giải bóng đá nữ VĐQG 2011 với chỉ tiêu lọt vào tốp ba.

Nếu như Văn Thị Thanh có bằng cấp, danh chính ngôn thuận ngồi trên ghế chỉ đạo; người ta thấy nhiều cầu thủ nữ đã giải nghệ như Kim Chi, Ngọc Mai đi cùng đoàn bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nam tranh tài. Hỏi ra mới biết, họ có chân trong ban huấn luyện dìu dắt các tài năng trẻ. Việc những người quản lý địa phương nhanh chóng bố trí công việc huấn luyện cho các cựu binh rõ ràng là hợp tình hợp lý; vừa tri ân đóng góp của các cầu thủ nữ, vừa tận dụng kinh nghiệm để truyền lại cho các đàn em tránh sự “đứt gãy” thế hệ. Vậy là hình ảnh năm nào của một cầu thủ nữ sau những giờ phút vinh quang trên sân cỏ phải đi bán bánh mì để kiếm sống chỉ là câu chuyện buồn quá vãng.

Nhưng có lẽ niềm vui nhất cho bóng đá nữ Việt Nam qua lượt đi Giải bóng đá nữ VĐQG 2011 là sự trưởng thành vượt bậc của các cầu thủ trẻ. Sau thế hệ vàng thống trị khu vực Đông Nam Á, một thế hệ cầu thủ nữ mới ra đời tiếp tục duy trì vị thế của bóng đá nữ Việt Nam. Những cái tên như: Bùi Thị Như, Nguyễn Thị Xuyến, Hồng Lĩnh, Bảo Châu, Hải Hòa, Nguyễn Thị Hòa... đã chứng tỏ sự thay thế xứng đáng cho các đàn chị đi trước. Tre đã già liền có măng mọc ngay, tín hiệu này mới đáng mừng nhất. Âu cũng là “quả ngọt” cho sự đầu tư “nhìn xa trông rộng” của những người quản lý bóng đá nước nhà.

MỘC LAN