Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

TÁI KHÁM PHÁ MỘT "KIỆN TƯỚNG" VĂN GIỚI



Với một nhân vật bị thời gian che mờ như học giả, nguyên đại biểu Quốc hội khóa I Lê Văn Hòe (1911-1968), ngay những người ở tuổi xưa nay hiếm cũng chẳng mấy ai tường tận. Thế nên, Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông do Hội Nhà văn Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Thư viện Hà Nội và trang web Sachxua.net đã thu hút rất đông người tham dự; đến mức, bảo vệ của Thư viện Hà Nội nói nhỏ: Chưa bao giờ thấy hội trường của thư viện phải có người đứng dự lễ! Ai nấy đều muốn tìm hiểu thân thế học giả Lê Văn Hòe và những đóng góp gì cho văn hóa nước nhà.  

Lê Văn Hòe (bút danh Vân Hạc) sinh ngày 1-11-1911 tại làng Mụ ven sông Đáy, thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Nội trong một gia đình Nho học. Trước khi học tiếng Pháp như bao cậu bé đương thời, Lê Văn hòe đã được cụ thân sinh dạy chữ Hán khi mới 6 tuổi. Bước đầu học vấn này sẽ đảm bảo cho Lê Văn Hòe dù được xếp vào kiểu trí thức Tây học-những ông Tây An Nam nhưng vẫn có căn cốt cổ học vững chắc, giúp ông trở thành một học giả uyên thâm cổ kim Đông Tây.

Biến cố đầu tiên của cuộc đời Lê Văn Hòe là việc phải thôi học Trường Bưởi do tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh (1926). Chẳng biết việc đứt gánh học vấn có bị ông xem là điều rủi hay không, nhưng với văn hóa nước nhà đây là một điều may vì nó đã buộc ông đi vào đời bằng nghề viết. Một năm sau rời ghế nhà trường, ông đã viết cuốn sách đầu tiên là “Khai tâm luân lý” ở tuổi 16. Bù lại cho sự thiếu hụt học vấn nhà trường, Lê Văn Hòe đã tự bổ túc tri thức bằng một quá trình tự học kiên trì để trở thành một học giả với gần 40 tác phẩm gồm: sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật, sách giáo khoa... gắn với tên tuổi NXB Quốc học thư xã do ông làm Giám đốc. Công trình giá trị nhất của Lê Văn Hòe là Truyện Kiều chú giải (1953). Công trình này đã sửa những lời chú giải hoặc chuyển ngữ sai lầm về Truyện Kiều, ví dụ: “Bạc mệnh là số phận mỏng manh, ý nói số khổ sở vất vả, trái với số mệnh dầy dặn là số sung sướng. Bạc là mỏng. Mấy bản dịch Pháp văn dịch bạc là “ingrat” tức bạc bẽo, thì sai”.


Một chiều kích khác trong sự nghiệp của Lê Văn Hòe là hoạt động báo chí sôi nổi. Năm 1936, trong phong trào Mặt trận Dân chủ sôi nổi, ông tham gia Ban biên tập báo Đời mới. Sau đó, ông làm chủ bút tờ Ngọ báo và phụ trách phần nghiên cứu của tờ Trung Bắc Chủ nhật. Năm 1945, ông làm chủ bút tờ báo hằng ngày Quốc gia do ông Trần Huy Liệu làm chủ nhiệm, đã công khai tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh.

Tựu chung, dù có làm báo hay viết sách, Lê Văn Hòe đều có chủ đích nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí như nhiều trí thức cùng thế hệ. Bao biến động dồn dập của lịch sử, nhiều người thời nay không hề đến những công trình cổ học giá trị của Lê Văn Hòe, việc tái bản Truyện Kiều chú giải mới đây chỉ là bước đầu để giới thiệu lại các công trình như: Khổng Tử học thuyết, Những bài học lịch sử, Tục ngữ lược giải... của “một kiện tướng trong văn giới Việt Nam” (Báo Thân dân số 35, ngày 5-6-1953).

HÀM ĐAN