Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

CHỦ NGHĨA HÌNH THỨC NGA-TRƯỜNG PHÁI CÁC TÂN NHẤT THẾ KỶ XX


Đó là lời nhận xét của nhà phê bình văn học Pháp Jean-Yves Tadié về chủ nghĩa hình thức Nga. Trong thế kỷ XX, lý thuyết văn học phát triển phong phú nhưng không có trường phái nào ghi dấu ấn sâu đậm bởi tính cách tân như chủ nghĩa hình thức Nga. Đặc biệt, hầu hết người theo chủ nghĩa hình thức đều ở tuổi 20 nhưng đã có suy tư thiên tài về các vấn đề lý thuyết văn học.

Những nhà hình thức Nga là những sinh viên văn học và ngôn ngữ học ban đầu chia thành hai nhóm: Nhóm Ngôn ngữ học Mát-xcơ-va được thành lập năm 1915 với các thành viên nổi bật là Roman Jakobson (1896-1982), Boris Tomashevsky (1890-1957)… Nhóm thứ hai là Hội nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca (OPOJAZ) được thành lập năm 1916 ở Saint Petersburg với các đại biểu là Viktor Shklovsky (1893-1984), Yury Tynyanov (1894-1941), Boris Eikhenbaum (1886-1959)…

Những nhà nghiên cứu trẻ tuổi kể trên đã đảo ngược nhận thức lâu đời về văn học khi cho rằng một tác phẩm văn chương là một chỉnh thể thống nhất, sinh động và có kết cấu. Điều này đặt ra vấn đề về tính tự trị của văn chương theo cách hoàn toàn mới mẻ. Chủ nghĩa hình thức Nga đã “chôn” phương pháp phê bình tiểu sử của Charles Augustin Sainte-Beuve (1804-1869) vốn nghiên cứu tác phẩm thông qua tác giả do quan niệm người ra sao thì văn cũng như vậy. Mạnh mẽ hơn, các nhà hình thức cho rằng: Văn chương không phải là sản phẩm quyết định luận của chính trị, kinh tế, tôn giáo... Họ cũng phê phán nốt quan điểm: Văn chương tư duy bằng hình ảnh của chủ nghĩa tượng trưng Nga đương thời.

Văn chương không thể thoát ly hiện thực nên trong tác phẩm ít nhiều có dấu vết của triết học, tâm lý học... Vì vậy, các nhà hình thức Nga tuyên bố: Đối tượng nghiên cứu của khoa học văn chương không phải là toàn bộ các yếu tố có trong tác phẩm văn chương mà chỉ là “tính văn chương” (literariness), tức cái làm cho một tác phẩm nào đó thành tác phẩm văn học. Và đó chính là hình thức.

Quan niệm truyền thống xem hình thức là phương tiện-chỉ là phụ, nội dung mới là chính, là mục đích như câu nói: “Bình cũ rượu mới”. Với các nhà hình thức Nga, hình thức không chỉ là phương tiện mà còn là mục đích. Chính hình thức (form) sẽ tổ chức các chất liệu (material) từ đời sống và ngôn từ hỗn độn trở thành nội dung (inhalt). Khi nội dung đã được hình thức hóa tức đã mang tính nghệ thuật sẽ tạo ra một văn phẩm nghệ thuật. Mối tương quan chặt chẽ giữa nội dung và hình thức được nhà triết học Đức G. W. F. Hegel (1770-1831) khái quát qua câu nói nổi tiếng: “Nội dung chẳng là gì cả ngoài sự hoán chuyển của hình thức vào nội dung, và hình thức chẳng là gì cả ngoài sự hoán chuyển của nội dung vào hình thức”.

Với quan niệm trên, các nhà hình thức Nga đã cấp nghĩa mới cho  hình thức, và đưa hình thức trở thành trung tâm của văn học. Nhưng làm thế nào mà hình thức lại tạo ra tính văn chương? Các nhà hình thức Nga trả lời đó là nhờ thủ pháp (device). Thủ pháp nghệ thuật (trong đó có văn học) là các cách thức biến những chất liệu chỉ có giá trị tiêu dùng, được sử dụng một cách phổ biến trở thành hạt nhân thẩm mỹ trong tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ, những bức ảnh phong cảnh bình thường được nhà văn Pháp André Breton (1896-1966) đưa vào trong tiểu thuyết “Nadja” (Bửu Ý dịch, NXB Hội nhà văn, 2003) với mục đích thay các đoạn tả cảnh; vì với ông, miêu tả là vô bổ.

Viktor Shklovsky trong bài viết nổi tiếng “Nghệ thuật như là thủ pháp” (1917) đi sâu hơn khi cho rằng: Không phải bất cứ thủ pháp nào cũng có giá trị mà chỉ có những thủ pháp “lạ hóa” (defamiliarization) mới có tính nghệ thuật. Ông lý luận rằng, con người nói chung (trong đó gồm cả nhà văn và người đọc) có xu hướng “tự động hóa” cảm thụ để tiết kiệm năng lượng nên bằng lòng “chung thủy” với một số hình thức nhất định; từ đó, ông cho rằng: Thủ pháp nghệ thuật phải tạo ra hình thức khó hơn, làm cho sự cảm thụ trở nên khó hơn và dài hơn. Ông đưa ra kết luận nổi tiếng: “Nghệ thuật là sự cảm nhận cách làm ra sự vật, còn cái được làm ra trong nghệ thuật thì không quan trọng”. Nhận định này thực sự táo bạo vì nó không coi trọng ý nghĩa có trong tác phẩm; đi ngược lại mục đích của tất cả các kiểu nghiên cứu theo khuynh hướng đạo đức, chính trị, xã hội, tâm lý học và phân tâm học.

Vì văn học là nghệ thuật ngôn từ nên các thủ pháp “lạ hóa” ngôn ngữ được quan tâm hơn cả. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu văn học là phân tích sự khác biệt trong ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ hàng ngày; phát hiện thủ pháp “lạ hóa” độc sáng gọi là chủ âm (the dominant)-tức là yếu tố chủ đạo. Chủ âm vốn là khái niệm mượn từ âm nhạc nay để chỉ yếu tố nào chủ đạo trong một thể loại, thậm chí cả một nền văn học. Chẳng hạn, yếu tố chủ đạo trong thơ Việt Nam trước thời kỳ Đổi mới là sự hài hòa âm thanh, sử dụng vần lưng và vần chân; 20 năm trở lại đây, chủ âm thơ Việt là hình thức tự do, ít chuộng tính nhạc.

Dù có nhiều đột phá trong lý thuyết nhưng chủ nghĩa hình thức Nga cũng đã có một số nhận định chưa đúng đắn. Chẳng hạn, do quá đề cao thủ pháp nên các nhà hình thức cho rằng: Nghệ sĩ chỉ cần hiểu rõ các thủ pháp là có ngay “chìa khóa vạn năng” để tạo dựng tác phẩm nghệ thuật. Điều này đã biến nghệ sĩ không khác người thợ thủ công làm theo “mẫu”. Chính vì thế những khiếm khuyết của chủ nghĩa hình thức Nga đã được các phương pháp khác như xã hội học, phân tâm học… bổ sung.

Chủ nghĩa hình thức Nga chỉ tồn tại khoảng 20 năm nhưng cũng đủ gây ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của các trường phái sau này đặc biệt là chủ nghĩa cấu trúc. Những đại diện hoặc những người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hình thức Nga như: Roman Jakobson, Mikhail Bakhtin (1895-1975), Vladimir Propp (1895-1970)… vẫn tiếp tục phát triển những nền tảng lý thuyết đã đạt được để trở thành những người “khổng lồ” trong khoa học xã hội và nhân văn thế kỷ XX.  

HÀM ĐAN