Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

CÓ MỘT "BẢO TÀNG LỐI SỐNG:..

1. Nhiều người hay qua lại Hàng Bạc ngỡ nhầm nhà số 115 đã lâu ngày không có người ở bởi cánh cửa gỗ sơn màu xanh lục của ngôi nhà luôn khóa trái. Ít ai biết rằng hơn nửa thế kỷ trước, cánh cửa ấy luôn mở rộng cả ngày để đón người vào ra nhộn nhịp bởi ngôi nhà là dinh thự của ông Phạm Văn Thanh mà nhiều người già sống quanh đó vẫn quen gọi là ông Quảng Thái – chủ hiệu chuyên nghề lọc vàng nhãn hàng Sư Tử. Nay, đằng sau lối đi ra Hàng Bạc vẫn còn tồn tại ngôi nhà vườn duy nhất còn lại ở phố cổ Hà Nội. Trong nhà, còn vợ ông Quảng Thái là bà Phạm Thị Tề sinh sống cùng các con cháu. Xuân này, bà bước sang tuổi 97. Tuổi đã cao nhưng bà vẫn còn minh mẫn đủ để nhớ về thời vàng son của gia tộc hồi đầu thế kỷ.


2. Gia đình họ Phạm ở Châu Khê (Bình Giang – Hưng Yên) có nghề gia truyền lọc vàng cha truyền con nối. Từ đời bố chồng bà Tề mới lên Hàng Bạc lập nghiệp. Thủa ấy, những người miền ngược vùng Kim Bôi (Hòa Bình) hay mang “vàng cốm” lên phố cổ đổi lấy quần áo và thức ăn. Những mẩu vàng mới đào lên từ lòng đất được những người phố tranh nhau mua. Họ mang sang nhà ông Quảng Thái thuê lọc thành vàng bốn con chín. Một lạng vàng được năm lá rưỡi vàng gói trong giấy dầu. Người ta lấy vàng có nhãn Sư Tử để giành cho những việc trọng đại như mua nhà chẳng hạn. Nghề lọc vàng ăn nên làm ra, ông Quảng Thái mua ngôi nhà ống thông hai mặt phố Hàng Bạc và Đinh Liệt làm tư gia. Năm 1945, ông cho sửa nhà nhưng rồi chiến tranh chống Pháp nổ ra nên mãi tận năm 1949 mới hoàn thành. Ngôi nhà được xây dưới sự giúp đỡ thiết kế của kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ - người sau này tham gia thiết kế lăng Bác. Dưới sự thiết kế của người kiến trúc sư tài hoa đã biến ngôi nhà ống đơn thuần trở thành ngôi nhà kết cấu hai tầng với 16 phòng mang đậm phong cách trường phái kiến trúc Đông Dương – một kiến trúc sáng tạo kết hợp hài hòa hai nền văn hóa Pháp và Việt. Kiến trúc kiểu Pháp biểu hiện ở cầu thang gỗ, nhà nhiều phòng, những chiếc cột với nhiều ô cửa kính mờ. Kiến trúc Việt lại đậm ở mái nhà lợp ngói, uốn cong vút ở đầu đao. Dấu ấn văn hóa Việt có thấy rõ ở mỗi góc đầu đao có gắn hình bóng mây cách điệu. Điều đặc biệt của triền mái là do thế đất không được vuông khiến một góc mái không thể xây dựng đầu đao dài và cong bình thường như ba phần còn lại; vì thế, một góc mái có những hai đầu đao để đúng khỏi khuyết để hợp phong thủy.

Diện tích mảnh đất là 560 m2 ; trong đó, khuôn viên vườn chiếm tới 200 m2. So với nhà vườn Huế thì nhà vườn 115 Hàng Bạc có diện tích nhỏ hơn. Nhưng nên nhớ, vị trí của nó nằm ngay phố cổ Hà Nội - nơi tấc đất là tấc vàng chỉ dành cho buôn bán chứ không phải để nghỉ ngơi như vùng ngoại ô Kim Long ven sông Hương. Vì thế mà, ngôi nhà vườn 115 Hàng bạc trở nên nổi tiếng có tên trong rất nhiều sách hướng dẫn du lịch phố cổ, tiêu biểu như cuốn The 36 Guild streets area Hanoi’s Ancient Quarter của Nhật Bản. Khác với nhà vườn Huế là loại vườn tạp, chủ nhân trồng những cây phục vụ đời sống thanh đạm, chỉ trồng cây trái dùng phục vụ cúng bái, cây hương liệu, rau thơm… thì nhà vườn Bắc Bộ, từng mảnh đất trồng rau cỏn con bao quanh từng nhà ở. Có được cây lâu năm nào như mít, xoan... thì cố đẩy vào gần rào, để dành diện tích cho hoa. Khu vườn nhà 115 Hàng Bạc rộng xanh mát với các loài cây hoa, lộc vừng, tre đằng ngà, trúc quân tử... để chủ nhân ngắm cảnh, di dưỡng tinh thần.

Nội thất trong ngôi nhà khiến nhiều khách tham quan cảm thấy ngưỡng mộ. Đoàn du khách Pháp từng kinh ngạc trước bộ salon có họa tiết của theo phong cách Louis XIV, theo lời con trai trưởng cụ Tề là ông Phạm Ngọc Giao cho biết tuổi thọ bộ salon còn hơn tuổi thọ Nhà hát Lớn. Cạnh bàn thờ gia tiên là chiếc bình gốm pháp lam đặc trưng thời Nguyễn có tuổi thọ hơn trăm năm. Một đôi câu đối làm bằng gỗ khác có lai lịch rõ ràng: năm Bảo Đại thứ nhất (1926)… Thời gian đi qua, giờ đã gần hết thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, những di vật của thế kỷ XX trong ngôi nhà cổ này quả là vô giá nếu đặt trong bối cảnh Hà Nội trong quá trình đô thị hóa vũ bão.

3. Những con người sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà 115 Hàng Bạc ít khi nói về những di sản vật chất đáng giá tiền tỉ. Với họ, chúng vẫn chỉ là những đồ vật. Điều họ trân trọng hơn và luôn lo sợ mất đi là nếp sống, gia phong của người Hà Nội đã tồn tại đầu thế kỷ XX.

Nếp sinh hoạt trong nhà ngày hôm nay vẫn giữ như đầu thế kỷ trước. Người trong nhà đi lại không gây tiếng ồn, không ai nói to, khi hỏi và trả lời đều thưa gửi theo đúng địa vị người thượng lưu. Ai đến thăm nhà đều xem là khách quý. Khách đến, đôi khi chỉ xem rồi đi ngay nhưng gia chủ vẫn tận tình dẫn đi thăm quan và lại còn thay nhau làm “hướng dẫn viên du lịch”.

Bên bàn trà là ấm nước vối quen thuộc pha thêm nước chanh có vị là lạ, ông Giao dẫn chuyện nếp sống xưa bằng một vấn đề “thời sự”: “Bây giờ người ta kêu cứ khó kiếm Ôsin…” Ông kể tiếp: “Gia đình chúng tôi thì khác, chúng tôi đối xử với người giúp việc như người nhà. Các cụ nhà tôi làm ăn thật thà, lọc vàng đúng tiêu chuẩn và lấy tiền công phân minh. Chữ tín trong làm ăn có từ nếp nhà mà ra. Những người giúp việc gọi ông bà chủ là “cậu”, là “mợ” như cách anh em chúng tôi vẫn gọi cha mẹ. Ngày xưa, vàng lá sau khi lọc bày la liệt trên sập không bao giờ mất. Người giúp việc gái nhà tôi phải lòng anh bếp được cậu mợ tôi cho làm lễ cưới đàng hoàng. Người giúp việc trai tản cư theo gia đình trong kháng chiến xin phép nhà chủ gia nhập Việt Minh. Có người ôm bom ba càng hy sinh anh dũng. Người khác sau chiến tranh còn sống, làm lãnh đạo Đoàn thanh niên thỉnh thoảng vẫn tới thăm hỏi thăm sức khỏe “mợ”. Chúng tôi luôn sống theo lời dặn tổ tiên như câu đối trong nhà: “Cư gia hữu hằng quy trịnh công tương nhẫn/ Xử thế vô biệt pháp liễu thứ lâu khiêm” có nghĩa là “Ở nhà có quy định không đổi coi trọng tính công bằng và tính nhẫn/ Ứng xử không gì bằng như sự mềm mại của cành liễu”.

Hẳn là bất cứ ai nghe xong những lời kể của ông Giao đã có thể hiểu phần nào về cái gọi là sự thanh lịch của người Hà Nội mà lâu nay sách báo hay nhắc đến. Những người bi quan cho rằng: Nét đẹp đối nhân xử thế của người Hà Nội đã lui vào dĩ vãng, đôi khi nhắc lại như là một sự hoài niệm. Thực ra, dù thời thế thay đổi, phẩm tính đó chỉ thu hẹp lại, tồn tại bền bỉ trong những gia đình lâu đời ở Hà Nội. Những gia đình đó chính là “những bảo tàng lối sống” - đó là điều mà gia chủ ngôi nhà vườn ở Hàng Bạc vẫn nhắc lại trong những lời cuối trước khi tiễn khách ra về.

Hàm Đan

KHÔNG HỌC, SINH VIÊN LÀM GÌ?

Cho đến tận bây giờ ở một Khoa văn học người ta vẫn truyền nhau một “kì tích” gần 10 năm trước, đó là một nam sinh viên chỉ mất hai năm đã đọc xong toàn bộ sách trong thư viện của Khoa. Giờ, đi tìm một sinh viên chăm lên thư viện là điều khó khăn. Thậm chí, ngày nay, có không ít sinh viên còn chểnh mảng việc lên giảng đường. Câu hỏi là: Nếu không học thì sinh viên sẽ làm những gì?

101 lí do bỏ bê học hành

Trước khi “điều tra thực tế” sau khi bỏ bê học hành sinh viên làm gì thì có lẽ cũng cần rẽ đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao sinh viên lại chểnh mảng học hành đến vậy. Lí do thì vô vàn và được khổ chủ bảo vệ đến cùng.

Thanh - sinh viên học về quản lí văn hóa than thở: “Anh hỏi rõ hay! Học làm gì? Ngành em học, ra trường xin việc ở đâu? Chỗ nào cũng đầy người cả rồi. Nếu có xin được với đồng lương 1 triệu đồng thì sống ở nông thôn cũng chẳng đủ. Cho nên, các môn em chỉ học “phất phơ” để trả bài thôi. Đi xin việc cũng chẳng ai ngó đến cái bằng “cờ kèn đèn trống” của em làm gì. Ra trường đi bán quần áo thôi anh ạ”. Hỏi dò thêm: “Vậy thì còn học đại học làm gì? Sao không học nghề?” Trả lời rất “hồn nhiên”: “Ôi dào, có cái bằng đại học để có tiếng là trí thức anh ạ. Không có bằng đại học thì nhà em bị đánh đồng với nhà bán rau à”.

Xuân – sinh viên ngành ngữ văn buồn rầu tâm sự: “Hồi cấp ba em đã là giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhưng lên đại học em không theo kịp vì những kiến thức rồi cách học ở đại học khác quá. Các thầy cứ nói chuyện triết, lí thuyết đâu đâu bên Tây, bên Tàu ai mà biết được. Với lại các thầy cô chẳng chịu đọc cho bạn em chép nữa. Em đâm ra nản, chẳng muốn học”.

Bảo Anh – sinh viên ngành báo: “Em quê Hà Tĩnh. Tới năm 18 tuổi nhập học đại học. Cuộc sống ở thành phố có nhiều thứ hoạt động khiến em không thể tập trung học tập như trước nữa”.

Một vài sinh viên gặp chuyện đỗ vỡ về tình yêu, về gia tình như bố mẹ chia tay… đều cảm thấy mệt mỏi, sức học xuống rõ.

Vân và vân…

Những lí do kể trên vẫn còn có thể xem là “bình thường”. Nhưng còn một số lí do mà nhiều bậc phụ huynh nếu đọc được sẽ không tin con mình – những sinh viên đang ngồi trên giảng đường chính là người trong cuộc.

11 giờ trưa là bình minh…

Trở lại với sinh viên tên Thanh nghe anh chàng kể về một lịch sinh hoạt một ngày bình thường: “Trường em một giờ chiều mới vào học nên 11 giờ em mới dậy. Thông thường em vào trường điểm danh sau đó “chuồn”. Em đi ngồi café ngồi “chém gió” với mấy thằng bạn. Đợi 5 giờ chiều đón con “bồ” tan trường rồi hai đứa đi ăn, đi chơi tận 11 giờ đêm thì về. Nếu là cuối tuần thể nào em cũng thức xem bóng đá còn không thì “chat chít”. Chẳng bao giờ em đi ngủ trước 2 giờ sáng cả”. Hỏi Thanh: “Thế lịch sinh hoạt thế bố mẹ không kêu ca gì à”. Vẫn giọng tỉnh bơ, Thanh trả lời: “Lớn rồi, ai quản được nữa”.

Dưới cái nhìn “khoan dung” thì Thanh vẫn thuộc diện “ngoan” bởi những việc làm ngoài giờ của anh chàng vẫn “vô hại”. Trường hợp xem 11 giờ trưa là bình minh như Thanh không phải là cá biệt. Huy – sinh viên trường Y suốt ngày la ca với các trò chơi điện tử khiến kết quả học tập của cậu chỉ thuộc dạng trung bình cho dù ngày cấp 3, cậu học thuộc diện đứng đầu tỉnh.

Huy cũng thuộc “câu lạc bộ” “đệ tử Lưu Linh” của trường Y. Một tuần 7 ngày thì cậu và đám bạn làm 5 cuộc nhậu. Đồ mồi trong cuộc nhậu sinh viên thì không có gì cao sang tốn tiền cả, chỉ có điều sau cuộc nhậu ấy không nói ai cũng biết đám sinh viên chỉ còn nước lên giường “kéo gỗ” chứ khi ấy mắt đã hoa làm sao còn học được. Và sau những những cuộc “nghiên cứu giấc mơ” ấy thì bài giảng không lưu lại chút gì để ghi nhớ.

Xét về độ chơi đêm, các kiều nữ sinh viên mới đứng đầu. V.H là một sinh viên mĩ thuật quê ở miền núi phía Bắc. Nhà cô thuộc diện nghèo, khi học đại học cô thường xuyên “over night” (qua đêm) với một “cậu ấm” sinh viên. Sau đó, cô cặp với một doanh nhân và bỏ học giữa năm thứ hai để kinh doanh.

Trường hợp V.H còn may mắn, nhiều kiều nữ sinh viên chấp nhận làm vợ bé của các đại gia. Như L vốn là sinh viên báo chí được một “đại gia” kinh doanh gỗ “bao” khi còn là sinh viên khi ra trường. Hiển nhiên, đổi lại cô có tiền, mọi vật chất mà bất cứ nào phụ nữ cũng mơ ước. Nhưng cô cũng để lại tai tiếng dù có kiếm được việc trong ngành báo.

Trường hợp M còn bi đát hơn. Chưa đến tuổi trăng răm, M đã khăn gói lên thủ đô học múa. Sau bao nhiêu năm rèn luyện, cô được đánh giá là nghệ sĩ múa trẻ triển vọng nhất so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng cuộc đời cô rẽ sang hướng khác khi cô quen với T – một thiếu gia nhà phố cổ. Không hiểu, T đã “dụ dỗ” hay tự M sa ngã, mà một năm sau quen T thì M đã trở thành con nghiện như người yêu.

Hết thuốc chữa!

Câu chuyện của M điển hình cho hoàn cảnh bất hạnh những sinh viên từ nông thôn ra thành thị sa ngã do nhẹ dạ cả tin. Những cô gái sinh ra ở đô thị như trường hợp sau thì “hết thuốc chữa”. H. sẵn sàng… “lên giường” với bất cứ ai mà trả tiền shopping chừng vài triệu cho cô. Cô thường xuyên quan hệ kiểu “quần hôn” với nhiều bạn trai. Một vài thói quen thời thượng khác, H đều thuộc dạng “dân chơi”: rượu, thuốc lá, thậm chí “chơi đá” ( tức là chất methamphetamin – một loại ma túy tổng hợp). Với chuyện học hành, cô xem không quan trọng.

Năm trước, dư luận từng ngạc nhiên về vụ việc sinh viên sư phạm Kim Anh giết người tình. Nhưng với tình trạng xem thường việc học hành, sa đà vào những cuộc chơi thời thượng thì rõ ràng những hiện tượng tương tự xảy ra trong tương lai sẽ không còn là hiếm.

Hàm Đan