Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

THƠ ĐẾN TỪ... ĐỐI THOẠI



Thơ đến từ đâu với văn giới đã không còn xa lạ bởi một số bài viết trong cuốn sách đã xuất hiện trên báo mạng từ mấy năm trước. Nhưng khi tập hợp thành sách nó vẫn tạo ra được dư luận trái chiều, đó là một điều hiếm có với một cuốn sách phi hư cấu và cũng không hề dễ đọc.

Hội tao đàn “giao lưu”…

Thơ đến từ đâu có thể ví như là một chiếu rượu để các nhà thơ Việt Nam đương đại họp mặt. Tác giả cuốn sách - người chủ trò là bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, anh “mời” ai họp mặt là sự lựa chọn mang tính chất cá nhân của anh. Nhưng, nhìn vào danh sách 25 nhà thơ, ta thấy sự lựa chọn này có cân nhắc chứ không phải là việc làm ngẫu hứng.

Các nhà thơ góp mặt trong tuyển sách ở các thời kỳ lịch sử khác nhau như: nhà thơ Hoàng Cầm sinh năm 1923 trong khi nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh sinh năm 1982; không gian khác nhau: các nhà thơ như Du Tử Lê, Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh., Trần Nghi Hoàng… sau năm 1975 ở hải ngoại. Nhưng quan trọng nhất là các nhà thơ trên là đại diện cho các những dòng thơ chủ đạo suốt một thế kỷ qua: Hoàng Cầm và Lê Đạt nổi tiếng trước năm 1954; Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo là nhà thơ – chiến sĩ tiêu biểu của thế hệ thanh niên chống Mỹ; Ngô Tự Lập, Lê Vĩnh Tài, Trần Hữu Dũng… lại nổi lên sau thời kỳ Đổi mới. Hiển nhiên, còn nhiều nhà thơ “đại gia” khác không góp mặt mà chính Nguyễn Đức Tùng thừa nhận là không có duyên gặp gỡ: “Ví dụ cách đây vài năm ở Sài Gòn, qua sự giới thiệu của anh Du Tử Lê, tôi định gặp và phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Duy, nhưng vào lúc ấy, tôi bận đi Hà Nội và nhà thơ thì bận đi Mỹ”. Thơ đến từ đâu đã phần nào phác thảo rất ngắn về thơ ca Việt chứ mục đích cuốn sách không phải là một tham vọng làm hợp tuyển như các cuốn tuyển tập bày trên giá sách vẫn nuôi ý định.

Điều thú vị cho những người đọc cuốn sách này là họ có thể tự dựng cho mình một hình dung về diện mạo của thơ ca Việt đương đại vốn đa dạng hơn nhiều trong ý nghĩ của nhiều người. Thơ Nam Dao có ảnh hưởng thơ Đường, thơ “bóng chữ” của Lê Đạt, thơ tân hình thức và thơ “ảnh” của Đỗ Kh.,thơ lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh… là những xu hướng thơ tồn tưởng chừng như “cãi” lẫn nhau nhưng thực tế chúng chung sống một cách bình đẳng, không một xu hướng nào vượt lên làm chủ đạo.

Đằng sau một catalogue về thơ Việt hôm nay, theo nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì Thơ đến từ đâu là “một cách tự hóa giải”hay nói như nhà thơ Lê Đạt là: “Tôi chủ trương cần có sự hòa thuận giữa người VN ở miền Bắc và ở miền Nam, người trong nước và người ở hải ngoại”. Nhưng “hòa thuận” không có nghĩa là thiếu tinh thần giúp đỡ, kích thích sự sáng tạo bởi theo nhà thơ Lê Đạt thì “chỉ có tranh luận và dân chủ (chỉ trong lĩnh vực văn chương - PV) thì mới có tiến bộ” như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về thơ Nguyễn Quang Thiều: “Thơ Thiều chứng tỏ một sức vóc vạm vỡ giàu chất văn xuôi hiện đại, giàu hình ảnh, nhưng ít gặp ở anh những bài thơ, câu thơ xuất thần, thảng thốt… thơ Nguyễn Quang Thiều không có bài kém và cũng hiếm bài thật hay”.

Không chỉ họp mặt, mà Thơ đến từ đâu thực sự đã là một diễn đàn cho các nhà thơ nói về về thơ mình, thơ bạn một cách thẳng thắn trên tinh thần đối thoại tích cực.

… và đàm luận

Nhan đề cuốn sách là một câu hỏi mang tính bản thể luận, nghĩa là lời hỏi chỉ là một, nhưng lời đáp thì có thể là nhiều. Đây là con đường thích hợp cho việc “thăm hỏi” chuyện kĩ thuật, lí luận… thơ ca một cách dễ chịu đối với các nhà thơ.

Nếu nhìn vào hình thức của các văn bản trong cuốn sách, dễ nhầm đây là một tập phỏng vấn các nhà văn. Thực ra, các bài trong Thơ đến từ đâu là thể loại đàm luận (t.Pháp: entretien) chứ không phải là phỏng vấn (interview). Trong các giáo trình báo chí, có phân biệt rõ hai thể loại này. Nếu trong phỏng vấn, phóng viên đi khai thác thông tin là chính, nhân vật trung tâm là người trả lời; thì trong đàm luận, cả phóng viên cũng đưa ra quan điểm, chính kiến của mình trao đổi với người khác, vị trí đàm luận là ngang bằng.

Vì là thể loại đàm luận nên Thơ đến từ đâu không khai thác khía cạnh đời tư, những giai thoại để “kiếm chuyện làm quà” mà chỉ chú trọng đến chuyện “bếp núp” nghề thơ và sinh hoạt thơ. Đã đi theo hướng chuyên sâu thì hiển nhiên sức thu hút với người đọc phổ thông sẽ nhanh chóng chấm dứt bởi đơn giản không phải ai cũng được trang bị kiến thức đủ để hiểu các vấn đề được bàn luận. Ở điểm kết thúc “khoái cảm” đọc của độc giả phổ thông cũng là điểm bắt đầu công việc đọc với những “siêu độc giả”. Thơ đến từ đâu chứa nhiều giá trị học thuật vượt xa các cuốn sách dưới dạng “hỏi đáp” từng xuất hiện trước đây như: Hỏi chuyện các nhà văn của Nguyễn Công Hoan, Nhà văn nói về tác phẩm của Hà Minh Đức, Tác giả nói về tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều… Cho nên, có thể xem Thơ đến từ đâu là một cuốn sách nghiên cứu văn học dưới dạng đàm luận.

Để hoàn thành cuốn sách nghiên cứu văn học theo bằng một cách làm đàm luận đòi hỏi người thực hiện phải là người am hiểu về thơ ca nói chung, lẫn am hiểu phong cách thơ của từng nhà thơ được phỏng vấn mới có thể đưa ra những câu hỏi “sát sườn” nhằm làm lộ ra “tướng tinh” của thơ và một phần nào là tính khí của nhà thơ đó. Nguyễn Đức Tùng tỏ ra xứng đáng làm người nối kết cuộc “giao lưu” thơ ca hiếm hoi này. Được bảo hiểm bởi kiến thức rất vững về thơ nên anh điều khiển cuộc “hỏi đáp” một cách chủ động, linh hoạt. Anh không chỉ hỏi, gợi mở để người được hỏi trở thành nhân vật chính mà chính anh với tư cách là người hỏi cũng đưa ra quan điểm, chính kiến của mình nên vị trí của anh ngang bằng với người trả lời.

Có người e ngại Thơ đến từ đâu sẽ lại là một thất bại về thương mại cho một cuốn sách giá trị về nội dung lẫn đẹp mắt về cách thức trình bày. Nhưng, thương mại không phải là mục đích của tác giả lẫn những người tham gia cuốn sách. Mục đích chính của cuốn sách “tử tế” này là chốn giao lưu giữa các nhà thơ, để tìm hiểu một cách sâu sắc về suy nghĩ của nhà thơ hôm nay về thơ ca, nhân sinh và phần nào kích thích sự sáng tạo giữa các nhà thơ Việt. Vậy nên, sẽ không quá lời khi cho rằng Thơ đến từ đâu là một hiện tượng văn học đầu tiên của năm 2010 ở nước ta.

Hàm Đan