Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

CÙNG BÀN LUẬN (IV): "NHÀ TRƯỜNG THẤT BẠI THÌ CẢ XÃ HỘI THẤT BẠI"

Ngày 10-10 là hạn chót để các trường đại học, cao đẳng hoàn tất việc nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 đã trôi qua. Tuy nhiên, nhiều ngành học ở hàng loạt trường đại học, cao đẳng đã lâm vào tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu, dẫn đến việc phải đóng cửa.

Nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh trên nằm ở cơ chế “một cửa” quá thông thoáng khiến việc mở nhiều ngành học mới quá dễ dàng. Thêm vào đó, khâu hậu kiểm còn “lỏng”, dẫn đến những kẽ hở để các trường đại học, cao đẳng không thực hiện đúng những cam kết về chất lượng đào tạo.

Trình trạng “cung đã vượt cầu” quá nhanh khiến ngày “sập tiệm” của một số trường đại học ngoài công lập đến sớm hơn, và các nhà đầu tư bắt đầu hiểu rằng: Giáo dục không phải là lĩnh vực dễ hốt bạc như tưởng tượng! Nhưng chịu thiệt thòi nhiều hơn là những sinh viên đã và đang học ở các ngành mới mở. Cơ sở vật chất của trường chủ yếu đều đi thuê nên không đảm bảo được khâu thực hành. Giáo trình được soạn một cách vội vàng, nặng tính lý thuyết mà không có tính ứng dụng, khiến cho các sinh viên ra trường không đủ năng lực để hoàn thành công việc. Cá biệt, nhiều sinh viên sau khi ra trường lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Nhưng xét rộng ra, thiệt hại lớn nhất chính là đất nước đã bỏ lỡ một cơ hội để hình thành một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, khiến cho việc phát triển kinh tế-xã hội sẽ gặp không ít khó khăn. Mối quan hệ nhân-quả này đã được nhà nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Anh Tuấn chỉ rõ: “Nhà trường thất bại thì cả xã hội thất bại”.  

Mới đây, Bộ Giáo dục đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17-2-2011: “Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng”. Thông tư này đã có những điều khoản bắt buộc để mở ngành đào tạo và có quy trình kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế về độ ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo. Đây có thể xem là bước sửa sai đúng lúc và đáng hoan nghênh nhưng vẫn chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.

Về lâu dài, giáo dục đại học cần có một chiến lược lâu dài xuất phát từ một triết lý giáo dục phục vụ cộng đồng. Những người có ý định mở một ngành học mới cần phải tránh tư duy “thương mại hóa”. Giáo dục là để nâng cao trình độ nhân lực, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước chứ bản chất của giáo dục không phải là một hoạt động kinh doanh thuần túy. Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng cần phải khảo sát nhu cầu nhân lực mà các địa phương đang cần, tránh tình trạng đào tạo tràn lan kiểu “sống chết mặc bay” làm lãng phí nhân lực đã được đào tạo. Các trường đại học cần phải được phần tầng hợp lý để chia sẻ trách nhiệm đào tạo. Không thể để tình trạng một như ở tỉnh nọ, một ngành đã đủ biên chế ở địa phương là “sư phạm tiểu học” mà hai trường đại học trong tỉnh đó vẫn cứ tuyển sinh hàng năm, trong khi tỉnh đó lại thiếu các giáo viên mầm non, ngoại ngữ và tin học. Giáo dục đại học cần tập trung vào các ngành công nghệ cao, bởi dù có nhập công nghệ hiện đại nhưng không có người sử dụng thì hiệu quả sản xuất không thể đạt mức tối đa. 

Từ nay đến năm 2020-cái mốc hoàn thành mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không còn bao lâu, yếu tố con người là cái gốc của mọi thành công; chính vì vậy, nền giáo dục đại học cần có những thay đổi triệt, hoàn thành trọng trách đáp ứng đủ nhân lực chất lượng cao để giúp đất nước phát triển bền vững.

HÀM ĐAN