Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

DƯ LUẬN SAU KHI BỘ PHIM BÍ THƯ TỈNH ỦY KẾT THÚC: BƯỚC NGOẶT CỦA PHIM CHÍNH LUẬN

Bộ phim truyền hình Bí thư tỉnh ủy do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất đã chính thức khép lại sau gần 4 tháng trình chiếu liên tục trên kênh VTV1. Ngoài dấu ấn là bộ phim chính luận dài nhất Việt Nam từ trước đến nay, bộ phim còn được khán giả cũng như những chuyên gia đánh giá là bộ phim truyền hình chất lượng, tạo đà cho việc sản xuất các bộ phim chính luận và cả những bộ phim lịch sử dài hơi khác.

Bộ phim “4 sao”

PGS-TS, đạo diễn điện ảnh Trần Duy Hinh cho rằng, nếu chấm điểm theo thang bậc 5 sao thì phim truyền hình Bí thư tỉnh ủy xứng đáng được 4 sao. Theo ông, mục tiêu lớn nhất mà bộ phim đặt ra đã được hoàn thành xuất sắc là nêu lên bài học lớn: đường lối xây dựng đất nước phải xuất phát từ thực tế cuộc sống mới có tính khả thi để đem lại cuộc sống no ấm cho người dân.

Ngoài tính chính luận có giá trị tuyên truyền, bộ phim cũng được khán giả đánh giá cao khi tái hiện lại hoàn cảnh điển hình một thời đại đã qua ở nông miền Bắc thời bao cấp. Bác Ngọc Oanh (cán bộ hưu trí phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Xem phim Bí thư tỉnh ủy, ngạc nhiên ở tài năng của đoàn làm phim khi đã dựng lại những chuyện cách đây mấy chục năm mà vẫn sống động như mới diễn ra. Dù địa điểm nơi câu chuyện phim diễn ra không phải là vùng quê nơi tôi từng sống thời thanh niên, song tôi cứ có cảm giác như chuyện ở quê mình”. Đi vào chi tiết hơn, một khán giả nữ giấu tên ở tỉnh Nghệ An cho hay: “Tôi rất thích các chi tiết về chuyện sản xuất nông nghiệp thời hợp tác xã có trong phim Bí thư tỉnh ủy. Thú thật, hồi trẻ, tôi cũng đã từng có lần làm dối như khi gánh thì một đầu nặng một đầu nhẹ, khi cân thì chỉ cân đầu nặng rồi nhân lên để tính công điểm. Xem phim như được sống lại thời kỳ sản xuất nông nghiệp mà người ta gọi là “cha chung không ai khóc”.

Nói về nhân vật chính bí thư Hoàng Kim, bà quả phụ Lê Thị Liên (nay đã hơn 90 tuổi) của cố bí thư Kim Ngọc-nguyên mẫu nhân vật nhận xét rằng: “Nhìn chung, bộ phim là tốt. Chọn diễn viên là ông Dũng Nhi rất giống ông nhà tôi từ vóc dáng, cho đến cách đi đứng. Và, bộ phim cũng đã nói lên được trăn trở vì nông dân của ông nhà tôi lúc còn đang làm việc”.

Trên kia là đánh giá của những người từng trải qua thời kỳ báo nên ít nhiều có thể đồng cảm được với nội dung phim Bí thư tỉnh ủy; nhưng với khán giả trẻ sinh ra khi đất nước đã bước vào thời kỳ Đổi mới thì tác động của bộ phim khá hạn chế. Khảo sát nhanh nhất là trên các diễn đàn mạng của giới trẻ và đặc biệt là các chuyên trang về điện ảnh, ít thấy xuất hiện chủ đề bàn luận về bộ phim. Song, cũng có một số ít bạn trẻ theo dõi không sót tập nào chẳng hạn như nhóm sinh viên ở ký túc xá trường Đại học văn hóa Hà Nội. Dù trời lạnh cắt da, họ vẫn tập trung trước màn hình để xem những tập cuối của bộ phim. Khi được hỏi lí do theo dõi bộ phim Bí thư tỉnh ủy, các bạn sinh viên trả lời rằng: xuất thân các bạn đều từ vùng nông thôn, nên… tò mò muốn biết thời báo cấp, người nông dân đã sống như thế nào? Nhưng sau khi theo dõi bộ phim lại cảm thấy khâm phục nhân cách người lãnh đạo như bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim.

Qua những khảo sát sơ bộ có thể thấy rằng: bộ phim Bí thư tỉnh ủy là một trong những bộ phim truyền hình tạo được dấu ấn nhất trong năm 2010.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Bên cạnh những lời khen, bộ phim cũng nhận được những góp ý của khán giả về những khuyết điểm chẳng hạn trang phục đôi chỗ không phù hợp với nhân vật, lời thoại chưa tự nhiên… Ngay từ khi phim chưa khởi chiếu, bản thân đạo diễn Quốc Trọng đã thừa nhận những khuyết điểm nói trên; ông viện lí do là do thiếu những điều kiện cần thiết để có thể thực hiện bộ phim tốt hơn. Đúng như đạo diễn Quốc Trọng tâm sự, quả thật, nếu đặt bộ phim vào bối cảnh chung của nền điện ảnh Việt Nam thì những khuyết điểm trên là điều khó tránh khỏi. Một khi quy trình làm phim truyền hình chưa chuyên nghiệp như việc chưa có trường quay cho từng giai đoạn lịch sử cụ thể, chưa có những người chuyên môn có tay nghề về trang phục và đạo cụ như hiện nay thì chưa thể đòi hỏi một phim chính luận lấy bối cảnh đã qua của nước ta lại có thể sánh cùng với các bộ phim truyền hình lịch sự của nước châu Á như: Ông trùm (Hàn Quốc), Cuộc đời tôi (Trung Quốc), Oshin (Nhật Bản)…

Đồng ý với ý kiến của đạo diễn Quốc Trọng về hạn chế của bộ phim, PGS-TS, đạo diễn Trần Duy Hinh lý giải thêm: Vì là một bộ phim truyền hình nên việc phải tãi cốt truyện để kéo dài nhiều tập phim nên việc xuất hiện nhiều tình tiết và cả lời thoại thừa, lặp và thiếu tự nhiên là điều hiển nhiên ngay cả các bộ phim truyền hình ở các nước tiên tiến cũng đôi khi vấp phải. Song, điều quan trọng nhất là cấu trúc bộ phim Bí thư tỉnh ủy đã cân đối được giữa việc trung thành với sự thật lịch sử mà vẫn có những yếu tố hư cấu nên không nhạt nhẽo như các bộ phim hoặc là quá nệ sử hoặc hư cấu quá mức. Cho nên, sản xuất được một bộ phim chất lượng như phim Bí thư tỉnh ủy là một nỗ lực đáng khen của ê kíp sản xuất. Quan trọng hơn, với vai trò như một bộ phim thử nghiệm, bộ phim Bí thư tỉnh ủy đã giúp đoàn làm phim thu được nhiều kinh nghiệm cho những bộ phim chính luận tiếp theo.

Nếu đầu tư có chiều sâu hơn như những gì đã đầu tư sản xuất bộ phim Bí thư tỉnh ủy, tương lai của dòng phim chính luận trở thành dòng phim chủ đạo ở nước ta phải chăng sẽ không còn xa?

HÀM ĐAN