Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

OSCAR 2012: TRỞ LẠI GIÁ TRỊ CỔ ĐIỂN

Không có bất ngờ

Sáng 27-2 theo giờ Việt Nam, tâm điểm của giới truyền thông đổ dồn về Nhà hát Kodak ở Los Angeles (Mỹ) nơi diễn ra Lễ trao giải Oscar lần thứ 84. Lễ trao giải Oscar năm nay không có nhiều đổi mới, có chăng là các màn xen giữa các phần trao giải phong phú hơn. Người dẫn chương trình là “cố nhân” Billy Crystal-từng 8 lần đảm nhận M.C cho Oscar, đỡ “nhạt” hơn hẳn cặp dẫn chương trình gượng năm ngoái là James Franco và Anne Hathaway.

Điều quan trọng trong mỗi mùa Oscar vẫn là chất lượng các bộ phim. Năm nay, chỉ có 9 phim được đề cử thay cho con số 10 ở hạng mục Phim hay nhất, khiến nhiều người vội kết luận chất lượng các bộ phim Oscar 2012 kém đi. Nhưng nếu theo dõi kỹ, dễ dàng nhận ra rất hiếm có mùa Oscar nào quy tụ nhiều phim hay như Oscar 2012. Chất lượng các bộ phim đồng đều đến mức, có ít nhất 3 đến 4 phim hoàn toàn xứng đáng được vinh danh, thay vì cuộc đua “song mã” như các năm trước.

Oscar 2012 vắng bóng các bộ phim “bom tấn” thay vào đó các bộ phim đều tập trung vào đời tư thế sự, cố gắng khai thác tối đa trình độ diễn xuất của diễn viên và tư tưởng của bộ phim muốn gửi gắm. Nổi bật nhất là bộ phim Pháp The artist (Nghệ sĩ), bộ phim câm đen trắng quay lại với thời kỳ sơ khai của điện ảnh với lối diễn xuất sử dụng ngôn ngữ hình thể tinh tế.

Ở các cuộc đua tiền Oscar như: Quả cầu vàng, Cesar (Pháp), BAFTA (Anh)…, Nghệ sĩ đều tỏ ra “vô đối”. Ở Cannes 2011, Nghệ sĩ đã thất bại trên sân nhà trước kiệt tác điện ảnh của Mỹ The tree of life (Cây đời). Tại Oscar 2012, Nghệ sĩ đã trở nợ sòng phẳng khi cùng phim Hugo đoạt nhiều giải nhất (5 giải), trong đó có ba giải quan trọng là: Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhấtĐạo diễn xuất sắc nhất. Lý do Cây đời trắng tay tại Oscar năm nay là vì bộ phim này cần nhiều thời gian để nghiền ngẫm, nằm ngoài truyền thống của Oscar là vinh danh những bộ phim đơn giản mà sâu sắc.

Những hạng mục còn lại đều không có bất ngờ, Nghệ sĩ sẽ không là Phim hay nhất nếu không có sự diễn xuất xuất thần của tài tử Jean Dujardin. Tương tự, linh hồn bộ phim The iron lady (Bà đầm thép) là huyền thoại Meryl Streep, thủ vai cựu nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, Meryl Streep xứng đáng giành giải Oscar cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất vì đã thể hiện nhiều tính cách trong một con người ở nhiều thời điểm khác nhau, đặc biệt khi cựu Thủ tướng về già sống lủi thủi trong căn nhà với những kỷ niệm.

Dù còn nhiều nuối tiếc cho những tên tuổi tay trắng rời cuộc như đạo diễn Steven Spielberg, Terrence Malick; các diễn viên George Clooney, Brad Pitt, Bérénice Bejo…; tựu chung, Oscar năm nay đã làm hài lòng được số đông công chúng vì đã trao những tượng vàng cho những bộ phim và diễn viên gây được cảm tình cho người xem suốt thời gian qua.

Thay đổi khuynh hướng

Các bộ phim Oscar 2012 đã thay đổi khuynh hướng khi trở lại những giá trị cổ điển của nghệ thuật thứ bảy đó là: sức mạnh biểu cảm hình ảnh, kết cấu đơn giản nhưng đa nghĩa. Sự trở lại này đạt được hiệu quả tích cực không ngờ, khán giả sau thời gian mãn nhãn với các phim “bom tấn” đơn nghĩa, được xem những bộ phim mới lạ mà thân quen như lâu ngày xem lại một bộ phim kinh điển.

Trong hầu hết các bộ phim, các nhân vật chính đều rơi vào tình cảnh bi đát, nhưng cuối cùng nhờ sự nỗ lực của bản thân và giúp đỡ của người xung quanh, cuộc sống của các nhân vật trở lại tươi sáng. Như trong phim Nghệ sĩ, George Valentin là nam diễn viên phim câm đang ở đỉnh cao thì phim có tiếng đột ngột ra đời và anh trở thành người thừa. Nhưng cuối cùng với sự giúp đỡ của nữ diễn viên Peppy Miller-người được anh dìu dắt ở thủa hàn vi; George Valentin tái xuất trên màn ảnh.

Nhưng để đoạt giải Oscar Phim hay nhất đánh bại 8 bộ phim còn lại, Nghệ sĩ phải sử dụng thêm cách biểu đạt độc đáo. Bề ngoài mượn hình thức phim câm, Nghệ sĩ lại đạt được hiệu quả tương tự các bộ phim tâm lý thời hiện đại nhờ tiết tấu phim rất nhanh, nội dung ngồn ngộn kịch tính. Tài năng của những nhà sản xuất là tối giản hóa ý nghĩa hành động nhân vật nên dù phim câm, khán giả cũng có thể hiểu được diễn biến câu chuyện.

Không chỉ riêng Nghệ sĩ, các bộ phim dự Oscar thoạt xem có vẻ đơn giản trong nội dung nhưng cách kể câu chuyện không dễ dãi. Tiêu biểu nhất là phim The help (Người giúp việc) kể về câu chuyện của cô nhà báo da trắng tiếp cận người giúp việc da đen Aibileen Clark và những nữ giúp việc da đen khác, để ghi lại vui buồn nghề giúp việc. Cấu trúc của phim tưởng chừng là cấu trúc đóng khi bắt đầu và kết thúc xoay quanh một cuốn sách về những người giúp việc da đen. Nhưng cuối phim lại gợi mở việc nhân vật Aibileen Clark viết một cuốn sách để thực hiện tiếp ước mơ về người con trai đã chết là trong gia đình sẽ có một người trở thành nhà văn. Rút cuộc, kết cấu phim là mở; và không rõ ai là người kể lại câu chuyện trong phim từ đầu đến cuối. Bộ phim lại phải hiểu khác đi, có thể phim là câu chuyện của một nhà văn xuất thân từ nghề giúp việc.

Dư âm của Oscar 2012 không phải sự hoành tráng các cảnh quay, kỹ xảo cách tân; nhưng với nội dung thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc nên sẽ gây ám ảnh người xem lâu dài. Đặc biệt là thông điệp mà các nhà làm phim muốn chuyển tải là kêu gọi con người đoàn kết, không đầu hàng thực tại để bắt tay xây dựng tương lai tốt đẹp hơn như lời thoại của nhân vật Scarlett OHara trong bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới”.

BOX:

Một số giải thưởng khác của Oscar 2012: Nữ diễn viên phụ: Octavia Spencer (Người giúp việc), Nam diễn viên phụ: Christopher Plummer (Những người tập sự), Phim hoạt hình: Rango, Quay phim: Hugo, Chỉ đạo nghệ thuật: Hugo, Kịch bản gốc: Nửa đêm ở Paris, Kịch bản chuyển thể: Những người thừa kế, Phục trang: Nghệ sĩ, Hóa trang: Bà đầm thép, Phim nói tiếng nước ngoài: Sự chia ly (I-ran), Dựng phim: Cô gái có hình xăm rồng, Dựng âm: Hugo, Hòa âm: Hugo, Hiệu ứng hình ảnh: Hugo…

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

MARCEL PROUST, NGƯỜI CHIẾN THẮNG THỜI GIAN

("Dưới bóng những cô gái tuổi hoa"-tập II "Đi tìm thời gian đã mất", NXB Văn học in lần đầu 1992)
Đã 90 năm kể từ khi văn hào Pháp Marcel Proust (1871-1922) đi vào cõi vĩnh hằng; và cũng chỉ còn một năm nữa là tròn một thế kỷ, tập đầu tiên mang tên “Về phía nhà Swann” (1913) trong bộ tiểu thuyết bảy tập “Đi tìm thời gian đã mất” được xuất bản, mọi lời tuyên bố về một tiểu thuyết có thể tạo được cuộc cách mạng văn chương tương tự chỉ còn là những lời lẽ huênh hoang.

Thực ra, tiểu thuyết Pháp sau thời M. Proust cũng đã có những cách tân, như phong trào “Tiểu thuyết Mới” nhưng vẫn chưa đạt đến mức khiến các nhà văn đi sau không ngừng khiếp sợ và tự hiểu phải đi tìm một con đường sáng tạo khác. M. Proust đích thị là một “bóng ma” lởn vởn trong văn chương suốt thế kỷ XX!

Nhưng nếu biết về tiểu sử của M. Proust và dành thời gian nghiền ngẫm kiệt tác “Đi tìm thời gian đã mất”, những người viết sẽ không còn cảm giác “ngợp”, M. Proust sẽ như một “người bạn” đồng hành trong quá trình sáng tạo chông gai mà thú vị.

M. Proust đã giúp nhiều người trả lời câu hỏi đầu tiên: “Vì sao lại muốn viết văn?”, bằng bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” đồ sộ 3000 trang co chữ 8. Kiệt tác của M. Proust chỉ là câu chuyện về thiên hướng viết văn của người kể chuyện từ lúc trẻ đến lúc trưởng thành, anh ta đã tìm lại được thiên đường quá khứ thông qua hành động viết. Như vậy, tiểu thuyết và rộng ra là văn chương là hoạt động thuần túy tinh thần phi vụ lợi. Ở ngoài đời thực, “người khổng lồ văn chương” M. Proust có thể chất vô cùng kém, suốt đời ông bị chứng hen suyễn hành hạ. Bệnh tật và ý thức cái chết thường trực đã khiến M. Proust cách ly hẳn với đời sống nhiều năm liền, viết liên tục suốt ngày đêm, M. Proust là một tấm gương “tử vì đạo”. Người ta có thể đặt giả thiết, nếu khỏe mạnh, M. Proust có thể chỉ xem văn chương là nghề tay trái để theo đuổi một nghề thời thượng hơn như bác sĩ, luật sư…; và gần như chắc chắn, M. Proust nhiều khả năng đã không thể cách tân tiểu thuyết đến mức gần làm “cạn kiệt” thể loại này. M. Proust cũng để lại bài học quý giá, đã là người sáng tạo nghĩa là không thỏa hiệp, cho dù tác phẩm có thể không được chào đón do quá mới lạ. Sinh thời, M. Proust đã tiên liệu “Đi tìm thời gian đã mất” phải cần đến nửa thế kỷ mới được đọc rộng rãi, nhưng không cần chờ lâu như vậy, ngay từ năm 1919, ông sống trong vinh quang khi giành được giải Goncourt-giải thưởng văn chương danh giá nhất nước Pháp cho tập hai “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa” (Đây cũng là tập duy nhất trong “Đi tìm thời gian đã mất” được dịch sang tiếng Việt do Nguyễn Trọng Định dịch, NXB Văn học in lần đầu 1992, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam tái bản năm 2008). 

M. Proust cũng đã trực tiếp chứng minh: Một kiệt tác không nhất thiết phải liên quan đến một đề tài lớn. Khác với các tiểu thuyết thế kỷ XIX, trải suốt “Đi tìm thời gian đã mất”, M. Proust không đặt trọng tâm vào những sự kiện lớn của xã hội và cả biến cố hệ trọng của người kể chuyện trở thành cái cớ để làm thay đổi cốt truyện. Ví dụ nổi tiếng nhất là mẩu bánh madeleine: “Một lúc sau, lòng nặng trĩu vì đã qua một ngày buồn tẻ và trước viễn cảnh ngày hôm sau sẽ u ám, như một cái máy, tôi đưa lên một thìa nước chè trong đó tôi đã để mềm một mẩu bánh madeleine. Nhưng ngay đúng giây lát mà hớp nước lẫn với vụn bánh chạm vào miệng tôi, tôi bỗng rùng mình, cảm thấy một cái gì đó kỳ lạ đang diễn ra trong tôi. Một niềm vui thích tuyệt vời lan tỏa trong tôi, tách biệt, mà không gắn gì với khái niệm về một nguyên nhân nào cả. Niềm vui đó đột nhiên khiến mọi thăng trầm trong cuộc sống trở nên hoàn toàn không quan trọng, các tai họa chẳng còn ý nghĩa, và sự ngắn ngủi của cuộc đời trở nên hão huyền, giống như tác động của tình yêu, bằng cách khiến cho con người tôi tràn ngập một tính cách quý giá: hay nói đúng hơn, tính chất đó không phải ở trong tôi, nó chính là tôi. Tôi không còn cảm thấy mình tầm thường, vớ vẩn và dễ tiêu vong” (Trích “Về phía nhà Swann”). M. Proust chỉ nhờ sự việc tầm thường, toàn bộ ký ức đã quay trở lại với người kể chuyện. Sau M. Proust, không còn nhiều nhà văn ham hố đi xây dựng tiểu thuyết “biên niên sử” như trong “Tấn trò đời” của H. de Balzac (1799-1850) hay là một dòng họ trong “Gia đình Rougon-Macquart” của E. Zola (1840-1902).

Chất liệu trong “Đi tìm thời gian đã mất” chỉ quanh quẩn trong giới thượng lưu Paris thời hoa lệ đầu thế kỷ XX, M. Proust đã bị nhiều nhà văn lớn chỉ trích vì thiếu “dấn thân” và sự bé mọn của ý nghĩa; thực ra, M. Proust đã thực hành một điều quan trọng: Chỉ nên viết những gì thông thuộc nhất với cuộc đời mình. M. Proust sinh ra trong một gia đình thượng lưu, tuổi trẻ của ông gắn bó với xã hội thượng lưu như một lẽ tự nhiên ông sử dụng chất liệu xã hội thượng lưu làm chất liệu cho tác phẩm. M. Proust đã đẩy đến cùng cái viết về một chất liệu vi mô nên ông đã gặp cái vĩ mô. Ông đã phân tích chi ly các lề thói xã hội thượng lưu đến mức miêu tả được những bản tính muôn đời của con người, nhất là cái thói đua đòi (snobisme).

Nhưng trên hết vẫn là khám phá đặc biệt của M. Proust trên rất nhiều phương diện nghệ thuật tiểu thuyết, đặc biệt là cấu trúc tiểu thuyết. Cấu trúc “Đi tìm thời gian đã mất” là một thế giới ký hiệu tương ứng, văn bản thời gian hiện tại chồng lên văn bản thời gian quá khứ. M. Proust là người đầu tiên thoái khỏi cái mô hình văn chương phản ánh cuộc sống như những gì cuộc sống vốn có; mà ông phản ánh theo sự chủ quan của ý thức để tạo nên một thế giới độc nhất vô nhị. Thế nên, “Đi tìm thời gian đã mất” được xem là tiểu thuyết vĩ đại nhất trong thế kỷ XX. Nhờ đó, M. Proust đã chiến thắng được sự tàn phá vô hình và vô tình của thời gian!

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

DỰ ĐOÁN OSCAR 2012


Như mọi năm bổn blog được báo nhà giao viết về giải Oscar nên trước giờ trao giải (Sáng 27-2 theo giờ Việt Nam), thử làm Gia Cát Dự xem thế nào?

Các đề cử Oscar năm nay do gần 6000 thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) lựa chọn. Chỉ có 9 phim được đề cử thay cho 10 đề cử ở hạng mục “Phim hay nhất”, khiến nhiều người vội vàng kết luận chất lượng các bộ phim năm nay có vẻ sụt giảm hơn so với vài màu Oscar trước. Thực ra, gần chục năm trở lại đây, chưa bao giờ chất lượng các phim tranh giải “Phim hay nhất” lại khá đồng đều; đặc biệt, ba bộ phim xứng đáng được gọi là kiệt tác là: “Nghệ sĩ” (The artist), “Cây đời” (The tree of life) và “Chiến mã” (War horse).

Tuy Oscar 2012 hoàn toàn vắng bóng các bộ phim “bom tấn” kiểu như “Avatar” nhưng lại có nhiều bộ phim được thực hiện theo phong cách mới lạ khiến Oscar năm nay có sự thay đổi khuynh hướng rõ rệt. Nổi bật nhất là bộ phim “The artist” (Nghệ sĩ), bộ phim câm đen trắng muốn quay lại với thời kỳ sơ khai của điện ảnh với lối diễn xuất tinh tế giàu chất nghệ thuật của các diễn viên. Phim “Nghệ sĩ” là bộ phim câm đầu tiên trong 83 năm qua được đề cử tại Oscar để tranh giải “Phim hay nhất”, nhưng người ta tin chính “Nghệ sĩ” sẽ có nhiều cơ hội đoạt giải “Phim hay nhất” bởi nhờ sự diễn xuất hoàn hảo của tài tử Pháp Jean Dujardin, nhịp điệu nhanh và dễ hiểu của bộ phim sẽ là “món lạ” khi khán giả đã chán những bộ phim hành động, tâm lý như các năm trước. Dự đoán có vẻ chắc chắn hơn, khi ở các giải thưởng “tiền Oscar” như Quả cầu vàng, phim “Nghệ sĩ” tỏ ra “vô đối”

Đe dọa Oscar cho hạng mục “Phim hay nhất” của phim “Nghệ sĩ” chính là kiệt tác điện ảnh đầy chất thơ của đạo diễn Mỹ Terrence Malick là “The tree of life” (Cây đời). Thật sự thú vị khi hai bộ phim được đánh giá cao nhất tại LHP Cannes 2011 tái chạy đua tại giải thưởng danh giá nhất của nghệ thuật thứ bảy. Ở Cannes 2011, “Cây đời” đã chiến thắng khi giành giải Cành cọ vàng nhưng sẽ khó có thể có cú đúp cho “Cây đời”. Sở dĩ “Cây đời” bị đánh giá thấp hơn “Nghệ sĩ” ở hạng mục “Phim hay nhất” là do nghệ thuật tự sự trong phim này hay thì thật là hay, nhưng khó hiểu và không hợp với gu phim của người Mỹ.

Dự đoán các giải thưởng chính

Phim hay nhất: Nghệ sĩ hoặc Chiến mã
Đạo diễn: Michel Hazanavicius
Nam diễn viên chính: Jean Dujardin
Nữ diễn viên chính: Meryl Streep
Nam diễn viên phụ: Jonah Hill
Nữ diễn viên phụ: Bérénice Bejo
Kịch bản gốc: Nghệ sĩ
Kịch bản chuyển thể: Hugo
Phim hoạt hình: Kung Fu Panda 2





Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

THỜI ĐÀM (XIX): ĐI VÀO CHIỀU SÂU...


Vài năm trước, có một đơn vị làm sách ra đời với mục tiêu in dòng sách công cụ kinh điển của nước ngoài. Giới làm sách khi đó tin rằng, đơn vị kia sớm muộn cũng lâm vào cảnh lao đao vì một lẽ đơn giản: Loại sách kia hay thì thật là hay, nhưng rất khó đọc.

Ấy thế mà, sau gần 5 năm ra đời, đơn vị làm sách vẫn “sống” khỏe, in hàng trăm đầu sách công cụ chất lượng, người khó tính cũng phải khen ngợi. Đặc biệt, có sách triết học chính trị nói về sự tự do của Anh ở thế kỷ XIX tái bản tới bốn lần. Nỗi lo về nguy cơ không có bạn đọc ban đầu hóa ra là không chính xác, là thừa!

Thành công của đơn vị làm sách công cụ kinh điển trên khiến người ta có thể khẳng định thêm về một chiến lược kinh doanh biết tôn trọng quy luật thị trường. Là đơn vị sinh sau đẻ muộn, thấy sách nào có khả năng bán chạy là lao đầu vào bất kể dòng sách gì thì làm sao cạnh tranh nổi với các “anh cả” đang làm mưa làm gió trên thị trường. Thôi thì nhất nghệ tinh nhất thân vinh, chọn lấy một dòng sách kén người đọc làm chủ đạo cũng có thể có lãi như thường, và nhất là sách kén người đọc thì không lo bị… in lậu. Một khi chất lượng sản phẩm đã đảm bảo, lập tức thương hiệu sách công cụ kinh điển của đơn vị nọ thu hút sự chú ý của người đọc.

Điều quan trọng là đơn vị kia đã nhìn thấy cơ sở bảo đảm thành công của dòng sách kinh điển đó là mặt bằng dân trí nước ta đang ngày càng được nâng cao. Sau thời gian đọc các loại sách giải trí, sách nhập môn dễ hiểu và nhờ thế giới ngày càng “phẳng” nên những kiến thức phổ thông đã trở nên bão hòa với một bộ phận bạn đọc; nhu cầu được hiểu sâu một vấn đề nào đó của nhiều người trở nên tất yếu. Dòng sách công cụ kinh điển của đơn vị làm sách nọ ra đời chẳng khác nào cơn mưa đúng lúc khô hạn. 

Nhìn sang số lĩnh vực khác như giáo dục đại học chẳng hạn, câu chuyện không vui vẻ chút nào. Nhiều nhà đầu tư giáo dục lợi dụng tâm lý sở hữu cái bằng đại học quá mãnh liệt trong xã hội nên mở hàng loạt trường đại học dân lập. Nhưng thực tế, chất lượng sinh viên ra trường của các trường dân lập kém đến nỗi, nhiều đơn vị muốn tuyển dụng phải ghi rõ chỉ nhận hồ sơ đối với sinh viên tốt nghiệp đại học có tiếng tăm. Thế là không kèn không trống, nhiều đại học dân lập tự động đóng cửa khi không đủ sinh viên, bởi những tân tú tài nhận ra không thể mong chờ gì với những trường đại học có tư duy kinh doanh chụp giật.

Nhìn rộng ra các lĩnh vực kinh doanh thuần túy hơn đều chưa phát triển bền vững, chẳng hạn bất động sản, chứng khoán... cũng kẻ khóc người cười. Nguyên nhân sâu xa là nhiều người kinh doanh mà không hiểu quy luật cung cầu, thấy người ta làm được, đang lúc cao điểm bội thu mình lại lao vào tưởng ngon xơi. Đó là nhìn đơn thuần dưới góc độ kinh tế. 
       
Khổ nỗi, trong xã hội, cái tâm lý đám đông, làm theo phong trào còn ăn sâu bám chặt vào tư duy nhiều người nên không xác định được cho mình một con đường. Thấy người ta làm thơ có vẻ dễ quá, thế là mình cũng làm thơ, bán cả gà, lợn trong chuồng đi để lấy tiền in thơ, in xong thì... vứt xó. Dân gian xưa đã mỉa mai những người không có bản lĩnh, cứ theo đuôi thiên hạ trong làm ăn là: "Thấy người ta ăn chè đỗ đen, mình xúc cứt dê đổ bị". Và như thế, nhiều người thất bát quá lại gây cho xã hội những nỗi lo, bớt đi của xã hội những tiếng cười.

Không đi vào chiều sâu, không sống sâu sắc, sống say sưa với điều mình muốn, việc mình làm; không đủ lý trí để kìm hãm lòng tự phụ; không đủ tầm nhìn để biết mình biết người xem mình là ai và đang đứng ở đâu... thất bại là cái chắc.
                                                         
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

KURT VONNEGUT, BẬC THẦY CHÂM BIẾM


Ngày 11-4-2007 sẽ là ngày bình lặng với nước Mỹ, nếu không có một hung tin: Nhà văn Kurt Vonnegut qua đời ở tuổi 85. Dư luận Mỹ đau buồn trước sự ra đi của một trong những nhà văn xuất sắc nhất, nhưng K. Vonnegut hồi còn sống luôn tự mỉa mai đã sống quá lâu. Trong tác phẩm cuối cùng được xuất bản là “A man without a country-A memoir of life in George W. Bush’s America”, 2005 (“Người không quê hương-Hồi ký về nước Mỹ thời George W. Bush” do Nguyễn Khánh Toàn dịch, NXB Thông tấn & Nhã Nam, 2011), ông đùa rằng: “Tôi sẽ kiện công ty thuốc lá Brown&Williamson, nhà sản xuất thuốc lá hiệu Pall Mall, đòi bồi thường 1 tỷ đô!... Và đã nhiều năm nay, ngay trên báo thuốc, Brown&Williamson hứa sẽ giết tôi. Nhưng giờ thì tôi tám mươi hai tuổi rồi”. Suốt cả văn nghiệp với gần 30 tác phẩm, K. Vonnegut luôn thích đùa như vậy vì ông nổi tiếng là bậc thầy châm biếm, kết hợp hoàn hảo “hài hước đen” (black comedy) với các phong cách khác để tạo ra thế giới nghệ thuật độc sáng, tiêu biểu cho chủ nghĩa hậu hiện đại.

Con người ưa hài hước ấy lại có tiểu sử không vui khi sớm đối diện sóng gió cuộc đời. Ông sinh ngày 11-11-1922 tại TP Indianapolis, bang Indiana (Mỹ) trong một gia đình người Mỹ gốc Đức. Cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 đã làm gia đình ông khánh kiệt, bà mẹ mất vì dùng thuốc ngủ quá liều. Lớn lên, ông gia nhập quân đội Mỹ tham chiến trong Đệ nhị thế chiến, bị bắt làm tù binh và suýt chết trong cuộc ném bom kinh hoàng của quân Đồng minh xuống TP Dresden (Đức). Trải nghiệm đó đã làm nền cho tác phẩm nổi tiếng nhất của K. Vonnegut là tiểu thuyết “Lò sát sinh số 5” (1969). Không giống các tác phẩm ai oán viết về Đệ nhị thế chiến, K. Vonnegut sử dụng tính châm biếm và khoa học giả tưởng, đưa anh lính Billy Pilgrim vào một cuộc du hành xuyên thời gian làm nhân vật hài hước trong chiến tranh.

Các tác phẩm tiếp theo là “Bữa sáng của các nhà vô địch” (1973), “Dick mù” (1982), “Quần đảo Galápagos” (1985)… khẳng định vị trí hàng đầu của K. Vonnegut trên văn đàn; các tác phẩm của ông dần dần được giảng dạy trong nhà trường và được đọc đi đọc lại bởi nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, mới chỉ dịch tác phẩm “Người không quê hương”.

Các nhà phê bình xếp “Người không quê hương” là tiểu luận nhưng đúng ra cuốn sách này phi thể loại vì tác phẩm kết hợp hồi ký, tiểu luận trên một kết cấu linh hoạt. Cuốn sách tập hợp 12 đoản văn, 1 bài thơ và các tranh tự họa hài hước (họa sĩ là nghề tay trái của K. Vonnegut) đề cập các vấn đề như: Chính trị, nghệ thuật, tình ái… “Người không quê hương” là những suy nghĩ của K. Vonnegut dưới cái nhìn nhân văn và phong cách châm biếm. Chính hai yếu tố này là “xương sống” của tác phẩm khiến “Người không quê hương” tuy phi thể loại, nội dung ở mỗi đoản văn không thống nhất nhưng khiến người đọc chú ý bởi sau tính hài hước, lập tức phải suy ngẫm đến những vấn đề “nóng” của thời cuộc. Chẳng hạn, mở đầu đoản văn “Tôi sẽ cho bạn biết một tin”, K. Vonnegut tếu táo bàn chuyện con người lạm dụng các chất gây nghiện, nhưng tiếp đó ông lại chuyển sang vấn đề nghiêm túc là việc con người khai thác vô độ nhiên liệu hóa thạch, ông viết: “Chúng ta đều là những con nghiện nhiên liệu hóa thạch nhưng lại không chịu thừa nhận.” Lời phê phán của K. Vonnegut không có gì mới mẻ vì triết học chính trị gần đây không chỉ bàn đến vấn đề cổ điển về nhà nước, cá nhân và xã hội… mà còn quan tâm đến vấn đề môi trường. Triết gia số một nước Đức hiện giờ là Jürgen Habermas nhận định rằng: “Sự tăng trưởng của chủ nghĩa tư bản rút cuộc sẽ bị chặn đứng bởi nguồn tài nguyên hữu hạn của trái đất”. Nhưng K. Vonnegut lật lại vấn đề cũ bằng phong cách hài hước sẽ khiến người đọc ghi nhớ lâu hơn.

Trọng tâm của “Người không quê hương” là phê phán xã hội Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush. K. Vonnegut từng hy vọng nước Mỹ nhân văn và hiểu lý lẽ nhưng ông sớm thất vọng khi chính quyền Tổng thống Bush tiếp tục phạm sai lầm trong quá khứ, đặc biệt là đưa nước Mỹ vào cuộc chiến tranh với các nước Hồi giáo mà không có mục đích cụ thể nào, y như cuộc chiến Việt Nam trước đây. Ông phê bình một cách hài hước: “Nói tới chuyện lao vào chiến tranh, bạn có biết tại sao tôi nghĩ George W. Bush bị người Ả Rập làm cho tức điên lên không? Họ mang đến cho chúng ta môn đại số. Cả những con số chúng ta sử dụng, gồm cả ký tự số không, cái mà người châu Âu trước đó chưa bao giờ có. Bạn nghĩ người Ả Rập ngốc nghếch à? Cứ thử làm phép chia với chữ số La Mã đi xem”.

K. Vonnegut đã tiếp nối truyền thống “đề kháng thụ động” của Henry David Thoreau (1817-1862), Allen Ginsberg (1926-1997), Noam Chomsky…, tiếp tục nghi ngờ một cách sáng suốt đối với những siêu tập đoàn và những cơ quan nhà nước đại diện cho bộ mặt đất nước và cho chính sách đối ngoại. Sự nghi ngờ đó chẳng bao giờ thừa và đang diễn ra như tiên đoán, sau khi K. Vonnegut qua đời vài tháng, nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính mà thủ phạm là các ông chủ và các chính trị gia bất tài, tham lam.

Vậy là, có thể xem K. Vonnegut là một nhà nhân văn lớn cho dù ông luôn tự chế giễu điều này: “Tôi, một cách tình cờ, là Chủ tịch Danh dự Hội những nhà Nhân văn Hoa Kỳ, kế nhiệm nhà văn khoa học viễn tưởng vĩ đại quá cố Issac Asimov trong cái vai trò hữu danh vô thực ấy. Chúng tôi tổ chức lễ tưởng niệm Isaac vài năm trước, lúc đó tôi phát biểu và có đoạn tôi nói, “Isaac bây giờ đang trên thiên đàng”. Đó là điều hài hước nhất tôi có thể nói với khán giả là những nhà nhân văn. Tôi đã làm họ cười lăn cười bò… Và nếu tôi có chết, phỉ phui, tôi hy vọng bạn sẽ nói, “Kurt bây giờ đang trên thiên đàng.” Chuyện đùa tôi thích nhất đấy”.    

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

TÁC PHẨM LÀM THAY ĐỔI VĂN HỌC CHÂU PHI



Chinua Achebe sinh ngày 16-11-1930 tại thị trấn Ogidi, miền Nam Ni-giê-ri-a trong một gia đình tộc người Ibo theo Thiên Chúa giáo. Từ nhỏ, C. Achebe đã được thừa hưởng nền giáo dục tiên tiến của Anh quốc giúp ông trở thành một người uyên bác sau này. Trong cuộc đời sôi động của mình, ông tham gia nhiều hoạt động như: Báo chí, chính trị, giáo dục; nhưng trên hết vẫn là sáng tác văn chương đều đặn. Sự nghiệp văn chương của C. Achebe khá đồ sộ với hơn 30 tác phẩm đủ mọi thể loại, nên các nhà phê bình thường gọi ông là “Người cha của văn học châu Phi hiện đại”.
        
Sự tôn vinh C. Achebe đến khá sớm, ngay từ tác phẩm đầu tay của ông là tiểu thuyết “Things fall apart”-“Mọi thứ đều tan vỡ”, 1958 (Bản dịch tiếng Việt có nhan đề “Quê hương tan rã” do Nguyễn Hiến Lê và Hoài Khanh dịch, NXB Ca dao in lần đầu năm 1970,  NXB Văn hóa Sài Gòn tái bản năm 2008).

Ở lứa tuổi 20, khi bắt tay vào viết “Quê hương tan rã”, tầm suy tư của C. Achebe đã già dặn một cách đáng ngạc nhiên. Lý do ông viết “Quê hương tan rã” là muốn xác định vị trí bản thân và đất nước Ni-giê-ri-a giữa dòng chảy của lịch sử. Suy nghĩ đó nghe có vẻ cao siêu nhưng thực ra lại rất thiết thực. Vì hồi đó, châu Phi vẫn chứa nhiều bí ẩn, chỉ được những người da trắng giới thiệu ra thế giới không thực sự chính xác và khách quan. C. Achebe muốn thay đổi thực trạng đáng buồn trên thông qua một tác phẩm hư cấu. Và ông đã thành công, “Quê hương tan rã” được xem là tác phẩm làm thay đổi văn học châu Phi.

Nội dung của tiểu thuyết “Quê hương tan rã” xoay quanh câu chuyện của một người hùng của tộc người Ibo tên là Okonkwo. Okonkwo tạo được danh vọng và tài sản nhờ ý chí tự lập sắt đá dù chàng lớn lên trong cảnh nghèo khó do người cha bất tài và lười nhác. Một lần do phạm tội ngộ sát, Okonkwo phải tự lưu đày bên nhà vợ bảy năm. Khi mãn hạn lưu đày, Okonkwo trở về cũng là lúc người da trắng tới và làm thay đổi quê hương của Okonkwo.

Đi đầu trong công cuộc thâm nhập miền đất mới của người da trắng là các nhà truyền giáo. Người dân Ibo dù không thích tôn giáo mới, nhưng vì hiếu khách đã cho phép các nhà truyền giáo lập giáo đường và thuyết giáo. Số người dân bản địa theo đạo mới ngày càng đông, kể cả những vị có chức sắc. Bước tiếp theo, người Anh lập chính quyền, tòa án, quân lính... để ép người bản địa theo luật pháp của chính quốc. Ngoài ra, họ còn mở các cửa hàng để vơ vét lâm thổ sản địa phương. Những hành động của người da trắng đã làm chia rẽ nghiêm trọng bộ lạc Ibo. Okonkwo đại diện cho những người thiểu số trọng cổ tục, trước nguy cơ biến mất của các giá trị truyền thống đã kêu gọi đồng bào nổi dậy chống lại người Anh. Nhưng không ai muốn làm theo Okonkwo, ngay cả đứa con trai của Okonkwo là Nwoye cũng theo tôn giáo mới và từ bỏ cha mình.

Cao trào của cốt truyện xảy ra khi Okonkwo bị lừa nhốt vào nhà giam, phải nộp tiền chuộc mạng. Quá uất ức, Okonkwo đã chém đầu một tên tay sai. Hành động của Okonkwo không khiến cộng đồng của anh vùng dậy mà thay vào đó là nỗi sợ hãi. Kết thúc tiểu thuyết là tâm trạng tuyệt vọng vì không thể thuyết phục đám đông theo mình, Okonkwo đã treo cổ tự vẫn-một cái chết mà người Ibo xem là tủi nhục nhất.

Xuyên suốt tiểu thuyết “Quê hương tan rã”, người đọc bị cuốn hút vì C. Achebe đã dựng lại quá khứ của một xã hội bộ lạc nguyên thủy với tất cả sự giàu có về văn hóa, giàu tính nhân bản trong quan hệ gia đình và làng xóm... Nhưng đây không phải là tác phẩm mượn hình hài tiểu thuyết cốt để nói chuyện phong tục dành cho những người đọc chuộng lạ mà C. Achebe muốn miêu tả lại thời khắc va chạm giữa nền văn hóa bản địa cổ truyền và văn hóa ngoại lai. C. Achebe tuy là người Ibo nhưng ông rất khách quan trong giọng điệu và từ ngữ, không lên án người da trắng vì ông hiểu sự phai nhạt các giá trị truyền thống của một xã hội có trình độ văn minh thấp kém hơn là điều không thể tránh khỏi của quy luật lịch sử, nhất là khi chủ nghĩa thực dân phát triển mạnh mẽ. Chỉ có điều, giá mà giữa các nền văn hóa có sự đối thoại để hiểu nhau thì kết quả của sự tiếp biến văn hóa không phải trả giá quá đắt.

Tác phẩm “Quê hương tan rã” được viết bằng tiếng Anh theo hình thức tiểu thuyết cổ điển của thế kỷ XIX nên không có nhiều cách tân về mặt thể loại. Nhưng nếu so với mặt bằng văn học châu Phi thời đó thì quả là bước nhảy vọt về chất lượng. Chưa bao giờ, người ta thấy một nhà văn châu Phi viết về chính lịch sử đau thương của châu Phi một cách sâu sắc bằng nghệ thuật tự sự lão luyện. Vượt ra khỏi phạm vi đất nước Ni-giê-ri-a và châu Phi, “Quê hương tan rã” đã thể hiện chính xác kinh nghiệm xương máu của các dân tộc thuộc địa đối diện với chủ nghĩa thực dân trước đây. Đó cũng là lý do vì sao “Quê hương tan rã” ngay từ khi ra đời đã được xem là một tác phẩm văn chương kinh điển, được dịch ra hàng chục thứ tiếng và tiêu thụ tới 11 triệu bản.    

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

FESTIVAL THƠ CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG LẦN I: THƠ CA LÀ SỨ GIẢ VĂN HÓA



Diễn ra từ ngày 2 đến 6-2 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) và Hà Nội, Festival Thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (gọi tắt là Festival) có chủ đề “Thơ ca vì một châu Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” đã quy tụ hơn 70 nhà thơ đến từ 24 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Qua Festival, các nhà thơ đã đồng thuận cho rằng, vai trò của thơ ca hiện nay là sứ giả văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực.

         Gắn kết các nền thơ ca châu Á

Hình thức Festival thơ không còn xa lạ trên thế giới nhưng với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì tổ chức Festival thơ là một nỗ lực vượt bậc khi phải lo vấn đề kinh phí cho đến những việc khác như nội dung hoạt động, dịch các bài thơ và tham luận, vẽ biểu trưng…  Rất may, những hoạt động tại Vịnh Hạ Long-kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh tạo mọi điều kiện tốt nhất. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phụ trách đối ngoại cho biết: “Lý do chọn Hạ Long là nơi tổ chức Festival bởi bản thân vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long cũng quá… nên thơ. Mặt khác, một hoạt động tôn vinh thơ được tổ chức tại một địa danh vừa trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới là thích hợp”.

Khi chúng tôi hỏi câu hỏi “hai trong một” rằng: “Trước khi đến tham dự Festival, ông (bà) đã biết đến nền thơ ca Việt Nam chưa? Lý do nào để ông (bà) nhận lời tham dự Festival?”, thì nhận được câu trả lời khá đồng nhất là các nhà thơ không biết nhiều về thơ ca Việt Nam. Nhà thơ Mamatha Giriraj Sagar (Ấn Độ) chia sẻ: “Việc thơ ca Việt Nam không được biết nhiều không đồng nghĩa Việt Nam ít nhà thơ tài năng, vấn đề có thể nằm ở khâu dịch thuật chưa tốt. Tiếng tăm của thơ ca Ấn Độ hiện thời cũng tương tự như vậy”. Về lý do các nhà thơ đến Festival tại Việt Nam chủ yếu muốn tìm hiểu các nền thơ ca trong khu vực và muốn biết tiếng nói của các nhà thơ về những vấn đề về thơ ca và thời cuộc.

Mục đích Festival mà Hội Nhà văn Việt Nam đề ra ban đầu là nơi giao lưu giữa các nhà thơ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không ngờ rằng Festival đã trở thành một hoạt động ngoại giao văn hóa khi đã giới thiệu hình ảnh Việt Nam là đất nước của thơ ca. Qua trao đổi của chúng tôi, các nhà thơ đều ấn tượng bởi tình yêu thơ của người Việt Nam. Nhà thơ, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) nhận xét: “Việt Nam là đất nước nên thơ, con người Việt Nam luôn yêu thích thơ. Trong tiếng Việt, thơ không những là một danh từ, mà còn chuyển nghĩa sang một tính từ, nó chỉ một cái gì đó rất đẹp”. Nhà thơ Sue Wootton (Niu Di-lân) tỏ vẻ ngạc nhiên: “Tôi rất ít thấy đất nước nào thành kính với thơ như Việt Nam, nào là lễ kéo cờ thơ, lễ dâng hương tưởng niệm Hoàng đế-thi sĩ Lê Thánh Tông và màn thả thơ… Tất cả đều rất tuyệt vời!”.  

Các nhà thơ cũng tỏ ra hào hứng khi vào sáng nay, Chủ nhật ngày 5-2, được tham dự khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X và được đọc thơ tại sân thơ quốc tế trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Họ cho rằng, thơ ca ngày nay rất ít người đọc vì vậy đây là cơ hội hiếm hoi giới thiệu thơ ca của cá nhân và đất nước mình với người đọc tại một đất nước khác.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, tiếp nối Festival lần thứ nhất, Hội Nhà văn Việt Nam cố gắng tổ chức Festival lần tới có thể 3 năm nữa để biến Festival thơ ở Việt Nam trở thành một Festival thơ có uy tín trong khu vực và sẽ thu hút nhiều nhà thơ lớn tham dự. 
         
Nhận định vai trò của thơ ca đương đại

Một trong những hoạt động tạo nên chất lượng học thuật của Festival là Hội thảo “Thơ ca vì một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị và phát triển”. Ai cũng biết rằng, văn học-nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng chỉ gián tiếp giúp cuộc sống con người trở nên nhân bản hơn. Nhưng vai trò của thơ ca đương đại với đời sống tinh thần khu vực trong thời buổi toàn cầu hóa như thế nào thì chưa được làm rõ; chính vì vậy, hầu hết các tham luận đều muốn bàn luận chủ đề kể trên.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có bản tham luận khái quát, được các nhà thơ quốc tế đánh giá cao về bản chất thơ ca khi cho rằng: “Thiền định dạy chúng ta phép vệ sinh tinh thần trong trạng thái tĩnh. Thơ ca dạy ta phép nuôi dưỡng tâm hồn trong tư thế động. Đó là vẻ đẹp của tư tưởng nhập thế Phương Đông. Và hiệu ứng xã hội mà nó mong đạt tới là đồng điệu và gắn kết. Về điều này, thơ ca không cần phải cạnh tranh với tôn giáo, bởi chính thơ ca đã là một tôn giáo. Tôn giáo của niềm tôn vinh con người. Vì thế, còn con người thì còn thơ ca”.

Nhà thơ, nhà báo Nikolai Preiaslov (Nga) lưu ý các đồng nghiệp về khía cạnh thơ ca giữ lại phần tinh túy truyền thống văn hóa mỗi dân tộc trong xu hướng toàn cầu hóa. Ông không tin vào các biện pháp hành chính như cấm quảng bá các tác phẩm độc hại sẽ có tác dụng tích cực mà cần phải sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng để lưu giữ văn hóa truyền thống ở từng dân tộc. Và ông so sánh thơ ca như một “loại thuốc giải độc cực mạnh” vì thơ ca là bảo tồn tâm hồn của chính nhân dân, truyền thống sinh hoạt và đạo lý của cha ông.

Đặt ra câu hỏi và tự trả lời về sứ mạng của thơ ca ngày nay, nhà thơ Rida Liamsi (In-đô-nê-xi-a) tin rằng: Nếu thực sự thành tâm, thơ ca có thể giúp cuộc sống tốt đẹp hơn, chan chứa tình bạn, nhân ái hơn giữa tình trạng của thế giới nhiều sự thay đổi trong giá trị cuộc sống. Thơ ca là vai trò đối thoại giữa các nền văn hóa.

Đồng tình với nhà thơ đến từ “đất nước vạn đảo”, nữ thi sĩ Nhật Bản Moritaka Tsukagoshi trong tham luận “Vượt biên giới bằng thơ ca” lấy ví dụ các nhà thơ Việt Nam đã chia sẻ an ủi người dân Nhật Bản sau trận động đất tháng 3-2011. Bà cho rằng, đây là khoảnh khắc thơ ca đi qua biên giới hữu hình và vô hình giữa các dân tộc, các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau.

Một chủ đề nổi bật được một số tham luận đề cập đến là việc quảng bá thơ. Nhà thơ, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) phản đối một số người cho rằng thơ không thể dịch được. Ông cho rằng, tiêu chuẩn dịch thơ là đúng và hay như thế mới quảng bá thơ hiệu quả. Nhà thơ Sukrita Kuman (Ấn Độ) cũng cho rằng: Thơ có thể dịch được nhưng những bản dịch tiếng Anh-ngôn ngữ phổ thông nhất thế giới, về thơ châu Á rất ít chất lượng. Vì vậy, những hoạt động như Festival thơ tại Việt Nam lần này rất quan trọng và cần thiết cho thơ ca châu Á, cho thân thiện giữa các quốc gia./.

HÀM ĐAN

DỰ ÁN "KHÁM PHÁ VỊNH HẠ LONG-CÁI NHÌN XUYÊN BA THẾ KỶ"


Nghề nghiệp ngoài đời của Đoàn Bắc (sinh năm 1975) là một kiến trúc sư (KTS), nhưng anh được biết nhiều với sở thích sưu tầm ảnh cổ, áng chừng số lượng khoảng 7000 tấm. Các bức ảnh của anh được chụp từ giữa thế kỷ XIX đến trước năm 1954, có những tấm ảnh thuộc loại xưa nhất được chụp ở Việt Nam. Anh đã từng thực hiện các cuộc trưng bày ảnh cổ về Sài Gòn xưa, Hà Nội xưa... Dự án mới nhất anh thực hiện liên quan đến vịnh Hạ Long-một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới mang tên “Khám phá vịnh Hạ Long-cái nhìn xuyên 3 thế kỷ”.

Ý tưởng của dự án bắt đầu khi nhà báo Trương Anh Ngọc (Báo Thể thao và Văn hóa) hỏi KTS Đoàn Bắc: “Sau khi có kết quả bình chọn vịnh Hạ Long chúng ta sẽ làm gì?” Như để đáp lại lời gợi ý đó, KTS Đoàn Bắc đã chọn 150 bức ảnh quý hiếm về cảnh vật và con người vịnh Hạ Long từ năm 1885 đến 1950 kèm theo khá đầy đủ các thông tin liên quan để thực hiện dự án. Xin mở ngoặc, KTS Đoàn Bắc tâm sự, các bức ảnh trong bộ sưu tập của anh phần lớn là được tặng; chẳng hạn như hậu duệ những người Pháp từng chụp ảnh Hạ Long ở đầu thế kỷ XX đã biếu không bộ ảnh của cha ông họ cho anh để anh có thể phát huy giá trị của những bức ảnh ngay nơi nó được sinh ra.

Điểm độc đáo của dự án là các bức ảnh cổ sẽ là căn cứ để KTS Đoàn Bắc và những người bạn thực hiện lại bằng ảnh toàn cảnh panorama 360 độ. Loại ảnh này từ những bức ảnh được chụp với nhiều góc độ khác nhau tại cùng một vị trí đặt máy, tạo nên khoảng không gian 360 độ giúp người xem có cảm giác như đang đứng tại vị trí của người chụp và có thể nhìn khắp các hướng xung quanh. Thêm vào đó, ảnh cổ là ảnh đen trắng không thể biểu đạt vẻ đẹp vịnh Hạ Long vào các mùa trong năm, các khoảng khắc trong ngày như ảnh 360 độ mà dự án sẽ thực hiện.

Các bức ảnh cổ vốn được chụp từ nhiều vị trí khác nhau: Trên mặt đất, dưới thuyền và từ trên máy bay. Khó khăn nhất vẫn là những bức ảnh chụp trên không, cách duy nhất để thực hiện là thuê trực thăng của Công ty bay dịch vụ miền Bắc. Theo KTS Đoàn Bắc cho biết, giá thành một giờ bay khoảng 5000 USD và để thực hiện các bức ảnh trên không phải mất vài chuyến bay. Cho nên, kinh phí thực hiện dự án được trông đợi vào các nguồn xã hội hóa, mà công ty Trung tâm Điện toán truyền số liệu VDC1 là đơn vị nhận đứng ra đỡ đầu cho nhóm tác giả để tổ chức thực hiện và vận động tài trợ.
  
Khó khăn là vậy, nhưng KTS Đoàn Bắc và những người bạn đã bắt tay thực hiện dự án. Mục tiêu không phải là để mô phỏng ảnh cổ mà đúng hơn là tạo dựng cái nhìn lịch sử về vẻ đẹp của vịnh Hạ Long qua 3 thế kỷ gần đây. Hy vọng dự án sẽ được các nhà hảo tâm khắp nơi ủng hộ để sớm hoàn thành. Và qua đó giúp người dân trong nước và bạn bè quốc tế có cái nhìn mang chiều sâu lịch sử về vẻ đẹp của kỳ quan thiên nhiên vịnh Hạ Long.

HÀM ĐAN