Thứ Ba, 4 tháng 8, 2009

MÚA CÓ TỰ ĐỨNG ĐƯỢC?


Hễ bật TV xem các chương trình ca nhạc, chúng ta sẽ thấy vô vàn những tiết mục múa minh họa đi kèm. Múa đang đánh mất vị trí là một trong bảy bộ môn nghệ thuật để đóng vai trò “kẻ hầu” cho ca nhạc.

Ngoài thân phận “kẻ hầu”, múa không còn con đường nào khác tiếp cận với công chúng. Nếu trình diễn độc lập trên sân khấu rõ ràng cần sự nỗ lự từ các nghệ sĩ múa gấp trăm lần so với múa minh họa. Nhưng vấn đề cốt yếu là số ghế được lấp đầy sẽ là bao nhiêu? Nhất là khi múa đương đại Việt đang đi trước với khả năng tiếp nhận của người xem.

NỖI CÔ ĐƠN CỦA THỦY EA SOLA

Thủy Ea Sola là một nghệ sĩ múa người Pháp gốc Việt thành danh trên thế giới. Năm 1995, chị về VN chọn những người đàn bà buổi từ 50 đến 70 ở huyện Quỳnh Phụ và Đông Hưng (Thái Bình) làm diễn viên múa trong vở múa đương đại Hạn hán và cơn mưa 1. Mười năm sau, Ký ức - Hạn hán và cơn mưa 2 ra mắt với sự tham gia của 12 diễn viên múa tuổi từ 20 đến 30 của Nhà Nhà hát Nhạc vũ kịch VN. Hai vở diễn nói về chiến tranh thông qua sự biểu đạt của hai thế hệ trong và sau chiến tranh đã lưu diễn hàng chục nước và đã được tán thưởng. Cần phải khẳng định, múa đương đại Việt đã có mặt trên bản đồ múa đương đại thế giới là nhờ có Thủy Ea Sola.
Nhắc lại những sự kiện quá khứ trên bởi có thực tế đáng buồn là những nỗ lực phi thường của Thủy Ea Sola gây nên dư chấn trong nghệ thuật múa Việt nhưng rồi nhanh chóng bị… quên ở VN. Sự quên lãng có cả ở những chuyên gia về múa và những khán giả. Những chuyên gia về múa không chấp nhận tiết mục múa của Thủy Ea Sola là múa vì động tác không theo quy tắc múa luật động, đội hình múa cổ điển và không theo giai điệu, tiết tấu của nhạc truyền thống thậm chí còn không có nhạc “trợ giúp”. Về phía khán giả, do đã tiêm nhiễm những màn múa minh họa sơ sài và ngây thơ của ca nhạc quần chúng thời bao cấp trước đây; sau đó là những màn múa minh họa đơn giản và ngô nghê không kém trên các sân khấu nhạc trẻ khiến cho việc phát không vé mời họ đi xem múa đương đại cũng là điều hết sức khó khăn.
Cách phản ứng có thể khác nhau, nhưng tựu chung nguồn gốc là sự bảo thủ trong tư tưởng tiếp nhận cái mới và phông văn hóa thưởng thức nghệ thuật quá thấp. Sự bảo thủ thì thấy quá rõ. Những vở múa của Thủy Ea Sola không hề xa lạ, nó đang trở về với những động tác nguyên thủy của múa. Giá như, những người phê phán vở múa của Thủy Ea Sola có hiểu biết chút ít về lịch sử múa thì chắc họ đã suy nghĩ lại. Những động tác múa lễ hội mặt trời của người Inca ở Nam Mỹ, cầu mưa và cầu sinh sôi của cư dân trồng lúa… không theo một quy tắc nào về đội hình, họ nhảy múa bằng tất cả năng lượng để cầu cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trước đây, chúng ta quá đề cao một nền nghệ thuật phản ánh hiện thực theo kiểu “soi gương” nên khiến ngành múa – một ngành nghệ thuật trừu tượng lấy chất liệu là các động tác cơ thể trở nên bắt chước máy móc các động tác sinh hoạt hàng ngày khiến chất nghệ thuật của múa mất đi. Người xem múa có tâm lí chung là xem trang phục, các động tác của diễn viên có diễn tả đúng và thực so với nội dung của bài hát mà múa đang minh họa hay không? Chẳng hạn, múa minh họa cho bài hát về trận Điện Biên Phủ thể nào cũng là mấy diễn viên nam mặc áo trấn thủ, xếp theo đội hình hàng dọc hơi chéo làm động tác như đang kéo pháo. Những động tác ấy năm nào cũng “bổn cũ soạn lại”. Chính vì định hình trong đầu một tư tưởng thưởng thức múa như vậy nên sự phản ứng… tiêu cực và sự lãng quên những vở múa của Thủy Ea Sola là điều dễ hiểu bởi đó là những vở diễn mang tính tượng trưng, siêu thực chứ không phải là hiện thực.
Múa đương đại bắt người xem phải đồng sáng tạo với người biên đạo. Lấy ví dụ từ những vở múa của Thủy Ea Sola. Tên hai vở là Hạn hán và cơn mưa và chủ đề là chiến tranh. Người xem cần phải chú ý đến những động tác múa của diễn viên kết hợp với âm thanh để tự hình dung về khung cảnh hạn hán biểu trưng cho cuộc sống nghèo khó, khắc nghiệt trong chiến tranh và khung cảnh cơn mưa cũng là lúc con người hân hoan như đón hòa bình. Nhà biên đạo máu chỉ tìm cách gợi ý, gây ấn tượng mạnh lên các giác quan của người thưởng thức. Mỗi người xem được trao quyền là một “thượng đế” để sáng tạo ra thế giới tưởng tượng của mình. Nhưng khán giả VN không biết rằng mình đang là “thượng đế” và không thích sáng tạo ra cái riêng mà thích làm “thần dân” được các biên đạo múa áp đặt. Cho nên mới có tình cảnh gần như toàn bộ khán giả sinh viên được phát vé xem vở múa đương đại của Nhật Bản tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm - HN) ra về sau 15 phút. Khoảng 20 người kiên nhẫn xem đến hết khi ra về họ lại bàn luận về bộ phim chưởng của diễn viên điển trai Lưu Đức Hoa chiếu buổi trưa cùng ngày.
Với khán giả 8X, 9X họ xem múa chỉ tồn tại trên sân khấu nhạc trẻ. Họ không biết rằng đó chỉ là múa minh họa. Các biên đạo múa thường dàn dựng múa theo âm nhạc có sẵn trong khi máu đương đại buộc nhạc sĩ phải vừa làm nhạc ngay trên sân tập cùng với biên đạo múa. Cho nên, múa ở sân khấu nhạc trẻ đúng là “kẻ hầu” không hơn không kém. Những bài hát sôi động thì hơn một chục diễn viên xếp đội hình như đi duyệt binh nhảy các động tác như tập Aerobic, còn bài nào nhẹ nhàng thì diễn viên mặc đồ sáng màu, tay giơ cao như đang hái quả, xoay vài vòng là hết. Tóm lại, múa trên sân khấu VN hiện nay tất cả đều cũ kĩ và sáo rỗng.

LÀM LẠI TỪ ĐẦU

Sự kiện múa gây xôn xao đầu năm 2009 là hai đêm diễn mang tên Vũ của nghệ sĩ múa Linh Nga tại HN và TP HCM. Hai đêm diễn như là sự ra mắt sau 10 năm tu nghiệp ngành múa ở Trung Quốc. Người xem rất đông và phản ứng tích cực. Sự thành công của hai đêm diễn nhìn chung không khiến người ta ngạc nhiên. Hai đêm diễn đầu tư công phu từ âm nhạc, trang phục, phông cảnh. Và tất nhiên là cả những động tác múa điêu luyện của diễn viên Linh Nga. Mặt khác, những tiết mục múa của Linh Nga như Thập diện mai phục, Phật bà quan âm không quá xa lạ với người xem vì họ đã từng xem trên TV khi mà phim Trung Quốc đang tràn ngập.
Nhưng không mấy nghệ sĩ múa được may mắn như Linh Nga. Cô sinh trưởng trong gia đình cả bố và mẹ là diễn viên nổi tiếng. Được đi tu nghiệp nước ngoài bài bản. Cô có ngoại hình khiến… phụ nữ cũng phải mê. Đó là chưa kể đêm diễn của cô được tài trợ. Nhìn vào các diễn múa khác. Họ phải học từ 3 đến 6 năm ở các trường có đào tạo múa. Điều kiện tuyển sinh lại rất ngặt nghèo như: Thí sinh có thể hình cân đối (lưng không được dài hơn chân, chân thẳng và dài, không có khuyết tật như gù vai, gù lưng, chân vòng kiềng), khuôn mặt thanh tú, có sức khoẻ theo học ngành múa. Thí sinh phải có độ mềm của các khớp xương (vai, lưng, cổ chân, ngón chân và ngón tay, phải có độ mở của xương hông). Theo sự hướng dẫn của giáo viên, thí sinh có khả năng thực hành được các động tác ép đằng trước ở tư thế đứng hoặc ngồi, uốn lưng sau, xoạc chân dọc, ngang hoặc nhấc chân ở các hướng trước, cạnh, sau với độ cao từ 900 đến 1800. Thí sinh phải có sức bật tốt (nhảy cao trong tư thế thẳng người). Và khi ra trường cát xê của họ chỉ là 100 nghìn đồng cho một tiết mục. Đa số diễn viên đều tham gia múa minh họa cho nhạc trẻ mới mong tồn tại được.
Đào tạo diễn viên múa diễn viên đã khó nhưng dẫu sao vẫn có thể đãi cát tìm vàng, còn chuyện biên đạo múa tình trạng nguy cấp hơn nhiều. Sau thế hệ đào tạo ở Liên Xô cũ không có thế hệ biên đạo mới lấp vào chỗ trống. Các biên đạo múa hiện nay chỉ nâng cấp tiết mục múa dân tộc hay dàn dựng lại các vở ballet kinh điển như Hồ thiên nga. Dàn dựng các tiết mục mới thì họ chưa đủ tầm và còn sợ… không ai xem. Với tư duy như vậy thật khó cho múa tự đứng độc lập trên sân khấu được.
Muốn phát triển ngành múa trước tiên là phải phục hồi lại vai trò độc lập của ngành múa. Cần phải có thêm nhiều Linh Nga hơn nữa để kéo người xem đến với múa. Trong khi đó đội ngũ biên đạo cần phải mạnh dạn thay đổi thói quen xem múa với những cách dàn dựng mới mẻ, vượt qua những quy tắc giáo điều. Rõ ràng, với một núi việc phải làm như vậy không chỉ có mỗi nỗ lực của những cá nhân tài năng nhưng đơn độc như Thủy Ea Sola hay Linh Nga.

Hàm Đan