Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

THỜI BÁO MÊ KÔNG RA SỐ ĐẦU TIÊN


 
(Một phút dành cho quảng cáo^^)

Thời báo Mê Kông cơ quan của Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia (Vlacaed) đã phát hành số báo đầu tiên vào ngày 4/10/2011 theo giấy phép xuất bản số 1144/GP-BTTTT (Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 25/7/2011). Trong quý 4/011, Báo ra hai tuần một kỳ, mỗi kỳ 32 trang, khổ 25,5 x 35,5cm.
Thời báo là một trung tâm thông tin các vấn đề về văn hóa, kinh tế - xã hội, khoa học giáo dục và các lĩnh vực khoa học về nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phát triển bền vững… trên mạng lưới thông tin khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và Đông Nam Á. Giữ vai trò Tổng biên tập Thời báo là nhà thơ Trần Anh Thái, Phó tổng biên tập: Nhà báo Phạm Nguyên Bảng cùng Hội đồng biên tập và Ban biên tập. Trụ sở chính của Thời báo đặt tại Nhà số 4, ngõ 25A – Phan Đình Phùng – Hà Nội cùng các văn phòng đại diện tại: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh,…
Số đầu tiên ra mắt bạn đọc, Thời báo Mê Kông chú trọng cập nhật, bình luận các thông tin, các vấn đề đang được dư luận quan tâm trên nhiều lĩnh vực. Trang Thời sự cận điểm, Thời báo đăng tải hai bài viết “Khi người Palestine tìm một chỗ đứng dưới ánh mặt trời” (Yên Ba) và “ASEAN một lần nhìn lên bản đồ thế giới” (Tạ Duy Anh). Đan xen giữa các thông tin kinh tế trong nước và quốc tế, trang Kinh tế & phát triển cũng đưa bài viết bình luận về Vụ án ở nông trường sông Hậu: Vì sao bà Sương “thà chết”? của tác giả Sáu Nghệ.
Bên cạnh đó, Thời báo Mê Kông hứa hẹn mang đến cho Quý độc giả nhiều góc nhìn thú vị bằng các chuyên trang về Thiên nhiên & môi trường với những hình ảnh hết sức sinh động, kì thú về nguồn tài nguyên thiên nhiên, và thế giới động vật ở vùng đất Mê Kông vừa thân thuộc mà vẫn đầy bí ẩn; Trang Pháp luật & đời sống giới thiệu bài viết về vấn đề Tội phạm trẻ hóa – một sự mất cân đối trong giáo dục và cũng là mặt trái của nền kinh tế thị trường với hàng chuỗi nguyên nhân đã tồn tại mà không được giải quyết; Trang ASEAN – lịch sử & sự kiện tiếp tục đưa đến các thông tin quan trọng về tổ chức ASEAN cũng như bài viết giới thiệu về tinh hoa văn hóa, kiến trúc độc đáo. Ngoài ra, Thời báo Mê Kông còn có các trang về Khoa học & giáo dục, Phương đông huyền kỳ, Thể thao & du lịch, Dân biết & Dân bàn, Thế giới hội nhậpKí ức Mê Kông…
Với phương châm: Thân thiện, hiểu biết, hữu nghị hợp tác và cùng chia sẻ, Thời báo Mê Kông cũng là nơi hội nhập mọi khác biệt về địa lý, kinh tế, chính trị. Bạn đọc có thể gặp gỡ ở đây trong một nỗ lực hết sức coi trọng các vấn đề hợp tác khu vực.
                                                                   Thời báo Mê Kông

CỒNG CHIÊNG MƯỜNG: HIỂU SÂU SẮC MỚI ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN



Trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình (1886-2011) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng”. Hội thảo có sự góp mặt của các nhà quản lý địa phương, giới nghiên cứu và nghệ nhân dân gian, đã tập trung làm rõ những điểm độc đáo của văn hóa nghệ thuật cồng chiêng Mường và đưa ra nhiều kiến nghị nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững.

Làm sáng tỏ giá trị văn hóa cồng chiêng Mường

Văn hóa Mường đã được các nhà nghiên cứu chú trọng vì nghiên cứu văn hóa Mường chính là gián tiếp làm sáng tỏ văn hóa xa xưa của người Việt do người Mường và người Việt cùng chung một nguồn gốc. Nhưng với sự giàu có của văn hóa Mường nên công việc nghiên cứu vẫn chưa làm sáng tỏ đầy đủ các giá trị văn hóa tộc người này, trong đó có văn hóa cồng chiêng.

Sau sự kiện Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại (2005) khiến cho hiểu biết của đại bộ phận dân chúng cho rằng chỉ mỗi cồng chiêng Tây Nguyên là có giá trị! Cho nên, mục đích trước hết của cuộc hội thảo là phải làm sáng rõ những yếu tố văn hóa, nghệ thuật cồng chiêng trong đời sống văn hóa của người Mường và những nét đặc sắc trong nghệ thuật văn hóa cồng chiêng.

Các nhà nghiên cứu thống nhất, chiêng Mường đã cùng tồn tại với trống đồng Đông Sơn cách đây trên 2000 năm. TS Quách Văn Ạch cho biết, tại khu mộ cổ Chăm Mát (TP Hòa Bình), người dân đã tìm thấy một chiếc chiêng được úp trên mặt trống đồng, cả hai đều có mức độ ô-xi hóa giống nhau! Một quan niệm khác mà các nhà nghiên cứu tìm được tiếng nói chung đó là khái niệm “cồng chiêng” trong trường hợp nói về cồng chiêng Mường là để chỉ một loại hình văn hóa chứ không đơn thuần để nói về nhạc khí.

Tuy nhiên, còn nhiều điểm quan trọng còn gây tranh cãi. Đa số những người có tham luận tại Hội thảo, điển hình là ông Triệu Văn Tiến (Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình) chứng minh sự tồn tại của “không gian văn hóa cồng chiêng Mường” với 4 bộ phận đó là: Nhạc cụ cồng chiêng, người đánh cồng chiêng, bản nhạc tấu cồng chiêng không gian trình diễn. Song, TS Kiều Trung Sơn (hỗn danh là Sơn Mường)-nhà nghiên cứu chuyên sâu về cồng chiêng Mường tại Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam không đồng ý với việc “úp” các giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào cồng chiêng Mường. Ông lí giải, cồng chiêng Tây Nguyên là hiện tượng văn hóa-nghệ thuật của vùng Tây Nguyên với hơn 10 tộc người và còn được bảo lưu gần như nguyên vẹn; cho nên, sử dụng cụm từ “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là thích hợp. Cồng chiêng Mường khác ở điểm là sản phẩm của một tộc người và không gian văn hóa cồng chiêng Mường cổ truyền đã mất từ lâu. TS Sơn cho rằng, cái đúng nghĩa của không gian văn hóa cồng chiêng Mường chính là xắc bùa (Xắc bùa do một phường bùa xách cồng chiêng phục vụ các hoạt động mang tính chất cộng đồng như: đón khách, lễ hội, chúc phúc cho các gia đình nhân một sự kiện vui vẻ…). Ông đề nghị nên gọi là “cồng chiêng xắc bùa” vừa theo đúng cách gọi của người Mường, vừa có thể bao quát giá trị nghệ thuật của cồng chiêng Mường.

Cùng với TS Kiều Trung Sơn, nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra những điểm khác biệt của cồng chiêng Mường và cồng chiêng Tây Nguyên. Việc làm này không có dụng ý phân biệt giá trị cao-thấp mà trong văn hóa nghệ thuật chỉ đề cao tính khác biệt; qua đó chứng minh giá trị nghệ thuật độc đáo của cồng chiêng Mường. Và chính sự hiểu sâu sắc giá trị văn hóa nghệ thuật cồng chiêng Mường mới định hướng bảo tồn.

Ngoài giá trị cố kết cộng đồng, cồng chiêng Mường còn là nghệ thuật diễn tấu độc đáo không theo thang âm cũng như điệu thức như cồng chiêng Tây Nguyên mà tuân thủ quy luật “hạt nhân”. “Hạt nhân” trong các bài chiêng Mường được tạo thành bởi sự tương tác giữa hai cao độ cộng với tiếng “khầm” mà người Mường gọi là “boòng beng khầm”, có giá trị biểu tượng. Trong đó, nhờ có “khầm” (Khầm là từ tượng thanh mà người Mường dùng để gọi chùm âm do số đông người tham gia dàn chiêng cùng gõ) mà dàn chiêng hàng trăm chiếc có thể cùng tham gia hòa tấu mà không hỗn loạn.

Tuy còn một số điểm chưa thống nhất, nhưng với các giá trị văn hóa nghệ thuật của cồng chiêng Mường đã được chứng minh tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Cồng chiêng Mường hoàn toàn xứng đáng được vinh danh là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

Giải toán bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Trong Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều lời khen cho các các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình trong những nỗ lực nghiên cứu, kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng Mường. Ông Đinh Văn Hòa (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình) cho biết, năm 2000, Hội nghiên cứu Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình hoàn thành đề tài “Sưu tầm biên soạn âm nhạc cồng chiêng dân tộc Mường Hòa Bình” của nhà nghiên cứu Bùi Chỉ, đã thu âm và ký âm 50 bài chiêng chưa từng công bố. Năm 2010, Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình cũng thực hiện thống kê có 9960 chiếc chiêng trên địa bàn tỉnh.

Công việc trước mặt đặt ra với cơ quan quản lý di sản văn hóa cồng chiêng Mường là bảo tồn giá trị văn hóa nghệ thuật của cồng chiêng Mường trước nguy cơ mai một. Những việc cần làm ngay đã nhanh chóng đạt được sự đồng thuận đó là: Khuyến khích bà con Mường tham gia sinh hoạt cồng chiêng; có các dự án cụ thể đưa âm nhạc cồng chiêng vào đời sống văn hóa; có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân còn lưu giữ các bài chiêng bằng trí nhớ; tập huấn cho những người trong ngành văn hóa để tổ chức điều tra, sưu tầm các bài chiêng. Ông Bùi Văn Cửu (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình) cam kết, tỉnh Hòa Bình và các tỉnh bạn có người Mường sinh sống sẽ xây dựng cơ chế, chính sách nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Và sẽ đề xuất với Bộ VH,TT&DL xây dựng chiến lược tổng thể, những biện pháp cụ thể nhằm phát triển văn hóa cồng chiêng trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhiều ý kiến lo xa để tránh buồn gần cho cồng chiêng Mường khi cho rằng việc bảo tồn và phát huy di sản cần hết sức cẩn trọng. Trước tiên, cần phải tuyên truyền các giá trị độc đáo của di sản đến các cấp quản lý và người dân để họ hiểu sâu sắc “báu vật” đang phải gìn giữ. Trong quá trình bảo tồn di sản, không nên áp đặt ý kiến chủ quan của cán bộ văn hóa vào hoạt động cồng chiêng nếu chưa hiểu rõ nghệ thuật cồng chiêng sẽ rất dễ dẫn đến những quyết định sai lầm.

Hiện tại, ở Hòa Bình, du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh. Nghệ thuật cồng chiêng Mường với tính độc đáo và duy nhất ở miền Bắc hiện đã góp phần tích cực thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế những đội chiêng bán chuyên nghiệp thương mại hóa, bởi không khuyến khích nghệ thuật cộng đồng trong dân chúng, vô hình trung sẽ tách dần khỏi nhân dân và môi trường trình diễn truyền thống.

Với nhận thức đúng mức của các ban ngành địa phương tỏ rõ trong Hội thảo, cùng sự chung tay của các nhà nghiên cứu và nghệ nhân dân gian, có thể hi vọng về một “báu vật” văn hóa độc đáo của đất nước ta là cồng chiêng Mường sẽ được gìn giữ và phát huy bằng các kết quả khả quan trong tương lai

HÀM ĐAN