Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

ĐẠI HỘI THÀNH LẬP HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM: "ĐƯỜNG XA NGHĨ NỖI SAU NÀY MÀ KINH"


Theo dự kiến, vào ngày 14-10 tới đây, Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam sẽ diễn ra tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam (Hà Nội) với sự tham gia của gần 300 hội viên sáng lập. Sự kiện này có thể xem một điểm sáng cho sinh hoạt khoa học văn chương vốn lâu nay trầm lắng.

1. Chúng tôi đến tìm nhà riêng TS Phan Tử Phùng (Trưởng ban vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam) ở số 2-Q37 Nguyễn An Ninh (Hà Nội) và được ông cho biết ngôi nhà này cũng là nơi đặt trụ sở tạm thời của Hội. Chưa có một trụ sở riêng với tiện nghi đầy đủ, có thể nhận ra sự khó khăn về kinh phí mà Hội đang gặp phải.

Tuy nhiên, TS Phùng tỏ ra lạc quan với vấn đề khó khăn tài chính bởi ông cho rằng khó khăn lớn nhất là Nhà nước cho phép Hội thành lập đã được giải quyết. Ông Phùng cho biết, Hội Kiều học được Bộ nội vụ cho phép thành lập theo quyết định số 1400/QĐ-BNV vào ngày 14-7-2011. Quyết định này chính thức kết thúc quá trình gần 3 năm ông Phùng cùng 13 người khác trong Ban vận động thành lập Hội làm hồ sơ xin phép Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch; và bổ sung thêm văn bản ý kiến của một loạt các cơ quan tổ chức là: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, Viện Hán Nôm, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Phùng giải thích, sở dĩ phải mất nhiều thời gian để được pháp luật thừa nhận do nhiều các cá nhân và tổ chức chưa nhận ra sự cần thiết phải của một Hội nghiên cứu chuyên sâu (thay vì là một Trung tâm nghiên cứu); trong khi lại mô hình Hội nghiên cứu chuyên sâu lại rất phổ biến ở nhiều nước như: Tổ chức Quốc tế nghiên cứu Balzac (GIRB) của Pháp hoặc Hội Hồng học (Hội nghiên cứu tiểu thuyết Hồng lâu mộng) của Trung Quốc…

Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng có thể nhìn thấy trước triển vọng phát triển của Hội cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trước tiên, Hội đã được các cơ quan chức năng công nhận để được hoạt động trong khuôn khổ các quy định của pháp luật, thêm nữa Hội còn có điều lệ cụ thể; cho nên, Hội sẽ có điều kiện phát huy ảnh hưởng của mình đối với hoạt động nghiên cứu Truyện Kiều trong nước và quốc tế một cách “chính danh”. Trong điều lệ của Hội Kiều học đã quy định hội viên của Hội có thể là bất cứ ai, miễn là người đó yêu mến Truyện Kiều và tuân thủ điều lệ của Hội. Vì vậy, sự lớn mạnh về số lượng và tầm ảnh hưởng đến dư luận chắc chắn sẽ được đảm bảo thay vì chỉ đặc tuyển hội viên là các nhà nghiên cứu.

Một điều nữa cần lưu ý, thước đo hiệu quả cao nhất trong hoạt động của bất cứ một Hội nghiên cứu nào vẫn là chất lượng của các công trình nghiên cứu. Sự khả thi trong kết quả nghiên cứu của Hội Kiều học là rất cao vì đa số nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội-nhân văn nói chung và nghiên cứu chuyên sâu truyện Kiều ở nước ta đều là thành viên sáng lập Hội như: GS Nguyễn Đình Chú, GS Nguyễn Duy Quý, GS Vũ Ngọc Khánh, GS Trần Đình Sử, PGS-TS Trần Nho Thìn, PGS-TS Đỗ Lai Thúy, PGS-TS Trương Đăng Dung… Thêm vào đó, một kiệt tác như Truyện Kiều thì không bao giờ cạn kiệt ý nghĩa vì mỗi lý thuyết văn học đều có thể khai triển thêm các ý nghĩa mới từ văn bản Truyện Kiều.

2. Trong dự thảo chương trình hoạt động của Hội Kiều học trình đại Hội có tất cả 18 hoạt động. Đương nhiên vì đang là dự thảo nên thích “vẽ” ra bao nhiều hoạt động cũng chẳng làm sao, để đi vào các hoạt động thực sự được tiến hành còn cần phải được toàn thể hội viên biểu quyết thông qua.

Ngoài các hoạt động chuyên môn chỉ đang là… ước mơ và còn lâu mới có thể thực hiện như: Xây dựng dự án nhà lưu niệm Nguyễn Du ở nơi ông từng sống là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Huế…; các hoạt động chuyên môn còn lại có tính thiết thực cao hoàn toàn tiến hành trong nay mai như: Tổ chức việc phục nguyên một bản Kiều Nôm đạt đến mức đồng thuận cao nhất về câu chữ của nguyên tác Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du (đã thất lạc), Hoàn chỉnh một bản Truyện Kiều quốc ngữ chính thức; Biên soạn và xuất bản cuốn Từ điển Truyện Kiều của Hội Kiều học trên cơ sở bổ sung, hoàn chỉnh cuốn Từ điển Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh (NXB Khoa học xã hội, 1974); Sưu tầm, sao chụp, in ấn những bản Kiều Nôm, Quốc ngữ và các bản dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài… Tuy thiết thực và cấp bách nhưng khó có thể thực hiện ngay vì ngoài khó khăn về vấn đề tài chính thì một điều hiển nhiên cần phải được lưu ý đó là rất khó để kêu gọi các nhà nghiên cứu chung tay hợp sức để nhanh chóng hoàn thành khối lượng công việc kể trên. Đơn cử, hiện tại, số lượng những người suốt đời nghiên cứu Truyện Kiều chỉ đếm trên đầu ngón tay; những nhà nghiên cứu văn học trung đại thì không ít nhưng họ còn có nhiều đối tượng nghiên cứu khác như: thơ Hồ Xuân Hương, Chinh phụ ngâm… Cho nên, Hội Kiều học rất dễ đi vào vết xe đổ là ôm đồm làm quá nhiều việc mà không hoàn thành được việc nào!

Thế nên, việc ra đời của Hội Kiều học Việt Nam là điều đáng mừng, nhưng với những công việc khó khăn của người trong cuộc thì những người ngoài cuộc cũng chỉ có thể nghĩ đến một câu Kiều để chia sẻ: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.  

HÀM ĐAN