Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XVIII): CẨN TRỌNG LỰA CHỌN QUỐC PHỤC

Việc xây dựng lễ phục là nhằm khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, vị thế độc lập của nền văn hiến nước ta. Đây là điều cần thiết nếu đặt trong bối cảnh văn hóa đại chúng đang hòa tan các giá trị truyền thống của mỗi dân tộc, trong đó có các trang phục. Sau nhiều lần đặt ra không giải quyết triệt để, có vẻ như lần này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm tìm ra lễ phục Việt Nam thông qua Hội thảo “dọn đường” mới đây mang tên “Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn”.

Hơn một năm trước, khi đi tìm Quốc hoa Việt Nam đã có rất nhiều đề xuất trái chiều, song cuối cùng hoa sen hồng đã được đa số người dân lựa chọn. Hoa sen hồng trở thành Quốc hoa vì không chỉ là loài hoa phổ biến, mà sâu xa còn có tính biểu tượng cao cho cốt cách và tâm hồn người Việt. Nếu bây giờ chúng ta đi tìm lễ phục với mục đích trước tiên là dành cho lãnh đạo quốc gia sử dụng trong những ngày lễ lớn có tính Nhà nước, trong ngoại giao..., cũng khá quan trọng và hợp lý. Nhưng, thiết nghĩ lễ phục nên đồng nhất với Quốc phục vì mục đích cuối cùng là chọn ra trang phục duy nhất có tính biểu tượng cho hình ảnh quốc gia, để người nước ngoài chỉ cần nhìn người mặc là biết ngay đó là người Việt Nam.

Như vậy, Quốc phục trước tiên phải đạt được tiêu chí tính biểu tượng cao. Quốc phục dành cho nữ nhiều khả năng sẽ áo dài. Áo dài không chỉ có khắp ba miền mà bản thân áo dài là sản phẩm sáng tạo tuyệt vời mang tính hiện đại của người Việt từ gốc áo ngũ thân. Điều quan trọng trên hết là áo dài đã quá nổi tiếng trên toàn cầu với danh từ riêng “ao dai” trong tiếng Anh như “kimono” của Nhật Bản vậy.

Quốc phục cho nam giới mới là điều đáng bàn. Phương án nặng ký nhất vẫn là áo dài đi kèm với khăn đóng. Quả thật, khi trang phục âu hóa bén rễ từ đầu thế kỷ XX, áo dài khăn đóng chỉ được các đấng mày râu (chủ yếu là các bậc cao niên) vận vào các dịp trọng đại. Tuy vậy, áo dài khăn đóng vẫn có sức sống bền bỉ ở khắp nước. Đáng mừng hơn, khi việc tìm Quốc phục bỗng dưng “nóng”, một cuộc thăm dò nhỏ do một tờ báo tiến hành thì có tới gần 60% người được hỏi lựa chọn áo dài khăn đóng là Quốc phục cho nam giới!

Tuy nhiên, để kết quả chọn Quốc phục trở nên thuyết phục nhất, tránh tình trạng “năm người mười ý”, nhất thiết không thể nóng vội mà cần sự cẩn trọng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tham khảo kỹ các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để đưa ra nhiều phương án lựa chọn cho người dân khi tiến hành trưng cầu dân ý như việc tìm ra Quốc hoa.

Sau khi người dân đã chọn ra Quốc phục cho cả nam lẫn nữ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành một văn bản pháp quy quy định rõ một số chi tiết cơ bản trong Quốc phục. Giả dụ áo dài được chọn sẽ phải quy định một số chi tiết trên áo dài như thế nào để đúng tiêu chuẩn Quốc phục vì áo dài đã có quá nhiều biến thể khiến trang phục mất đi vẻ đẹp tinh tế như: Áo dài “cổ thuyền” khoét quá sâu, tà áo xẻ quá cao, quần không thụng mà thay bằng “quần tây”... Những biến thể Quốc phục được phép xuất hiện trên sàn thời trang như là một sự thử nghiệm nghệ thuật nhưng chúng không được phép xuất hiện và kiên quyết không thừa nhận tính chính thống của các biến thể ở những sự kiện trọng đại. Còn các họa tiết trên trang phục và chất liệu thì thiết nghĩ không nên quy định vì đó là quyền của mỗi người để in dấu “gu” thẩm mỹ cá nhân.

Điều quan trọng cuối cùng là khi đã có Quốc phục cần làm cho hình ảnh Quốc phục không chỉ quảng bá rộng rãi trong mắt bạn bè quốc tế, mà cần phải để người dân trong nước yêu thích và mặc Quốc phục thường xuyên hơn. Như vậy, Quốc phục mới đúng là Quốc phục!

HÀM ĐAN