Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

MUELLER - NGÔI SAO TUỔI HAI MƯƠI!

Thô-mát Mu-lơ sinh năm 1989. 10 tuổi, anh gia nhập “hùm xám” Bayern Munich. Sự nghiệp “quần đùi áo số” của Mu-lơ phát triển khá thuận lợi. Tài năng của cầu thủ trẻ Mu-lơ đã lọt vào “mắt xanh” của những tuyển trạch viên. Mu-lơ lần lượt khác áo các đội tuyển từ U16 đến U21 của nước Đức. Đến kì World Cup 2010, anh chính thức có tên trong danh sách 23 tuyển thủ Đức bay đến Nam Phi với tư cách là cầu thủ trẻ nhất.

Trên danh sách báo chí, số 13 Mu-lơ là một tiền đạo thế nhưng HLV J. Lớp đã bố trí cho Mu-lơ ở vị trí tiền vệ tấn công hỗ trợ cho trung phong M. Klâu-dơ và tiền đạo lùi L. Pô-đônx-ki. Vị trí này tương tự với số 13 của đội trưởng Ba-lắc vắng mặt vì chấn thương. Trong cái rủi lại có cái may, Mu-lơ vượt trên vai trò đóng thế để chơi xuất sắc ở kì World Cup lần này với thành tích 4 bàn/ 5 trận. Sự tỏa sáng của Mu-lơ trong lần đầu góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh khiến nhiều người hoài cổ nhớ lại sự xuất hiện lần đầu của “hoàng đế” F. Bếch-ken-bau-ơ ở World Cup 1966.

Nên nhớ, Bếch-ken-bau-ơ là người phát minh và thiện thân hoàn hảo nhất của vị trí li-bê-rô trong bóng đá. Đó là cầu thủ làm nhiệm vụ chính là phòng ngự nhưng có thể tham gia tấn công tạo hiệu quả đến bất ngờ. Vị trí của Mu-lơ không mới nhưng dưới sự chỉ đạo chiến thuật của Lớp, Mu-lơ chính là một mắt xích không thể thiếu. Hai trận đấu giữa Anh và Ác-hen-ti-na, 4 cầu thủ Mu-lơ, Xgoai-tai-gơ, Pô-đônx-ki, Klâu-dơ luôn tạo sức ép để hủy diệt đối phương và trong 4 cầu thủ, 2 người đó trục dọc sân bóng là người dứt điểm. Một đấu pháp lạ lùng phát huy tối đa sức mạnh của tiền vệ công.

Sự vắng mặt đáng tiếc của Mu-lơ ở bán kết là một trong những nguyên nhân mà Đức đã thua Tây Ban Nha. Trận tranh giải 3 với U-ru-goay là cơ hội cuối cùng để Mu-lơ khẳng định tài năng ở giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới. Quá sớm để khẳng định Mu-lơ sẽ lập được những kì tích như các bậc đàn anh nhưng tương lai ở đội tuyển Đức và câu lạc bộ Bayern Munich đang rộng mở với Mu-lơ để anh thể hiện tài năng thiên bẩm của bản thân.

HÀM ĐAN

"QUÂN XANH" URUGUAY?

Trận tranh giải 3 theo truyền thống các kì World Cup thường kém hấp dẫn. Đội bóng nào duy trì động lực thi đấu thường là đội chiến thắng chứ không phải là đội bóng có đẳng cấp cao hơn.

Thất bại của U-ru-goay và Đức ở vòng bán kết là hệ quả của những kẻ yếu thế nên chẳng có niềm tiếc nuối lưu lại. Vì vậy, trận đấu tranh giải 3 của World Cup 2010 không thuộc logic nói trên. Với đội tuyển Đức ở tuổi đôi mươi, vị trí thứ 3 sẽ đem lại vinh quang cho các cầu thủ mới chập chững lên tuyển và nâng giá trị chuyển nhượng sau World Cup; nên, đội Đức sẽ không “buông” trận đấu này. Một khi người Đức đã lên “dây cót” tinh thần, “binh đoàn tăng” sẽ chẳng “ngán” bất cứ đối thủ nào. Ai cũng biết, vị trí thứ 3 với U-ru-goay là một giấc mơ còn lâu mới lặp lại nên trận đấu “thủ tục” trên sân vận động Vịnh Nen-xơn Man-đê-la có ý nghĩa tương đương một trận chung kết.

Một trận đấu được dự đoán hấp dẫn, “điểm nóng” thường sẽ chỉ nằm ở khu vực giữa sân. Bởi trong bóng đá hiện đại hay chí ít ở kì World Cup 2010, đội bóng nào kiểm soát nhiều bóng hơn sẽ có nhiều pha bóng nguy hiểm dẫn đến bàn thắng, qua đó giành thắng lợi cuối cùng. Nhìn lại những trận đấu đã qua, rõ ràng hàng tiền vệ của Đức mạnh hơn hẳn U-ru-goay; nhất là khi mảnh ghép quan trọng T. Mu-lơ sẽ trở lại. Nếu bóng ở nhiều trong chân các cầu thủ Đức thì “điểm nóng” trên sân sẽ di chuyển xuống…sát khung thành thủ môn U-ru-goay. Chỉ cần vài cầu thủ Đức ở tuyến trên là đủ gây áp lực thường xuyên và các cầu thủ U-ru-goay chỉ còn mỗi một nhiệm vụ áp sát để “giải vây”. Trận đấu sẽ trở thành một buổi đá tập mà “quân xanh” sẽ là U-ru-goay!

Niềm hi vọng của U-ru-goay lại đặt vào Phoóc-lan. Số 10 không tỏa sáng, U-ru-goay sẽ không co bàn thắng để thi đấu “lên đồng” như 15 phút cuối ở trận bán kết với Hà Lan- khi đó, đội bóng áo xanh da trời mới có thể làm khó Đức.

Dự đoán Đức thắng 3-1
HÀM ĐAN

CARLES PUYON: NGƯỜI HÙNG THẦM LẶNG!

Các-lét Puy-on luôn được xếp vào diện cầu thủ… xấu trai nhất với mái tóc xù như búi rơm trên một khuôn mặt nhàu. Thế nên, anh chẳng “nổi” bằng các hậu vệ đẹp mã và hào hoa cùng thời như Ra-mốt, Te-ri, Câu, Nétx-ta… Nhưng xét về tài năng anh không hề thua kém; và nếu tính số danh hiệu, những tên tuổi “hot” kia chỉ đáng “xách dép” cho Puy-on.

Là người xứ Ca-ta-lăng, như mọi cậu bé có ước mơ gia nhập “gã khổng lồ” Barcelona; vào năm 1995 vừa tròn 17 tuổi, Puy-on gia nhập đội trẻ của câu lạc bộ này với vị trí hậu vệ phải. Song, vị trí trung vệ mới làm nên tên tuổi Puy-on. Từ đây, anh nổi lên như thủ lĩnh mới của đội bóng Barcelona thời “hậu L.Van Gaal”. Chiến tích Barcelona ở La Liga và Champions League 5 năm gần đây, ngoài sự đóng góp của hàng tiền vệ siêu kĩ thuật và hàng tiền đạo “nguyên tử”, còn là hàng thủ vững chắc dưới sự chỉ huy thầm lặng của trung vệ - đội trưởng Puy-on.

Trên đấu trường quốc tế, sau những vấp ngã đau đớn ở Euro 2004 và World Cup 2002, 2006; cuối cùng, quả ngọt đã đến với Puy-on khi Tây Ban Nha đã đăng quang Euro 2008.

Kì World Cup 2010 ở Nam Phi, Puy-on dẫu không còn trẻ vẫn được ông Bốtx-quê tin tưởng giao cho suất đá chính. Không thể nói Puy-on đã chơi suất sắc như Ca-na-va-rô năm 2006 nhưng ít nhất Puy-on đã thi đấu “tròn vai”. Anh không mắc những sai lầm tai hại, phối hợp bọc lót tốt với Pích-kê và như thường lệ, tinh thần thi đấu quên mình giúp cho những ai yêu Tây Ban Nha cảm thấy vững tâm.

Trận bán kết với “binh đoàn tăng” Đức là một thử thách cam go ngay cả với chiến binh lão luyện như Puy-on. Với kinh nghiệm dạn dày, anh đã “bắt chết” tay săn bàn Klâu-dơ. Điều đặc biệt với Puy-on trong trận đấu nghẹt thở này là anh có bàn thắng thứ 3 cho đội tuyển quốc gia. Phút 73, Tây Ban Nha được hưởng phạt góc, Puy-on đánh đầu dũng mãnh ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Sức ép tấn công nhằm tìm bàn gỡ hòa của Đức ở những phút còn lại là khủng khiếp. Nhưng Puy-on vẫn cùng với các đồng đội giữ vững cách biệt mong manh.

Kết quả trận chung kết vẫn còn ở thì tương lai song với tất cả những gì đã làm được, cái tên Puy-on xứng đáng được ghi nhớ như là một trong những trung vệ bóng đá xuất sắc đầu thế kỷ 21.

HÀM ĐAN