Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

GUILLAUME APOLLINAIRE, NHÀ THƠ CUỐI CÙNG ĐƯỢC... THUỘC THƠ!


Hai mươi năm đầu tiên của thế kỷ XX, nước Pháp là một “chiến trường” giao tranh của đủ các trường phái nghệ thuật, nóng bỏng nhất có lẽ là thơ ca. Hầu hết các cách tân hình thức thơ và quan trọng hơn là cách cảm nhận thế giới của nhà thơ không chỉ của thơ ca Pháp mà rộng ra là nền thơ ca hiện đại đều xuất phát từ thời điểm then chốt nói trên.  

Thời kỳ này là sự giao tranh của một loại thơ truyền thống có âm vận (rime), tiết điệu (rythme) và ngôn ngữ hợp lý chính xác (logique oratoire) với một loại thơ từ chối sử dụng ngôn ngữ thường ngày, ý tứ đứt đoạn. Loại thơ mới xuất phát từ nhiều yếu tố phức tạp như: Các nhà thơ không còn tin vào chủ nghĩa duy lý của xã hội kỹ trị; ảnh hưởng của thuyết thần khải (illuminisme) khi cho rằng thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh của một thế giới bí ẩn mà khoa học thực nghiệm không thể khám phá ra mà chỉ có nhà thơ mới có năng lực thể hiện những điều mơ hồ... Và sau một thời gian giằng co, thơ mới đã chiến thắng khi không mấy nhà thơ viết thơ để diễn đạt tình ý, làm vật trang trí và cũng không nhà thơ nào phí công viết thơ để mà nói những gì mà người ta có thể viết bằng văn xuôi (tả cảnh, kể chuyện...).

Cũng vì đi theo hướng quá chuyên sâu và bí hiểm mà thơ ca không còn thuộc về số đông! Nhưng đó là kết quả chiến thắng sau này của chủ nghĩa siêu thực (surréalisme)-tiên phong của các loại thơ mới với “Bản tuyên ngôn siêu thực lần thứ nhất” (1924) đầy trọng lượng của chủ soái André Breton (1896-1966); còn ở thời kỳ giao tranh căng thẳng giữa thơ mới/cũ trên vẫn có một tượng đài thơ ca độc đáo vượt lên tất cả, đó là nhà thơ Guillaume Apollinaire (1880-1918).

Cuộc đời của G. Apollinaire có rất nhiều sự kiện nhưng có thể nói tóm tắt, ông đã sống một cuộc đời phóng túng, đầy chất nghệ sĩ. Cuộc đời sáng tạo của ông phong phú không kém, nếu chỉ tính trong thơ thì thơ của G. Apollinaire là sự tổng hòa những yếu tố mới và cũ. Những cách tân mở đường của G. Apollinaire đưa tên tuổi ông nổi tiếng khắp thế giới; ở Việt Nam, đã xuất bản cuốn “Thơ Apollinaire” (Hoàng Hưng dịch, NXB Hội Nhà văn, 1997) tập hợp các bài thơ tiêu biểu nhất của ông.

G. Apollinaire làm thơ từ năm 17 tuổi, nhưng mãi đến năm 1911 ông mới có tập thơ đầu tay mang tên “Ngụ ngôn cầm thú hay đoàn tùy tùng của Orphée” với minh họa tranh khắc gỗ của họa sĩ theo trường phái Dã thú Raoul Dufy (1877-1953). Mỗi bài thơ viết về một con vật theo lối thơ cổ điển với những bức tranh minh họa độc đáo tạo ra một kiểu sách nghệ thuật kiểu mới.

Ngay sau đó, tâm trạng của G. Apollinaire trở nên u ám do buồn phiền vì bị cảnh sát hỏi thăm khi quen biết một tên trộm tranh và bị người tình Marie Laurencin bỏ rơi. Sau một thời gian trấn tĩnh, G. Apollinaire xuất bản tập thơ “Rượu” vào tháng 5-1913 với sự thể hiện mỹ thuật của ông bạn Pablo Picasso (1881-1973). Đây là tập thơ tập hợp các bài thơ trong khoảng 10 năm sáng tạo, thể hiện tinh túy nhất tài thơ của G. Apollinaire. Trong tập thơ này, vẫn tồn tại những bài thơ tuyệt phẩm mang đậm tính trữ tình truyền thống của thơ ca Pháp như bài thơ “Cầu Mirabeau”: Dưới cầu Mirabeau trôi dòng Seine/ Và tình ta nữa/ Chẳng biết anh còn nên nhớ/ Niềm vui lại đến sau nỗi ưu phiền/ ...Ngày qua rồi lại tuần qua/ Mà quá khứ/ Và những cuộc tình không trở lại/ Dưới cầu Mirabeau trôi mãi dòng Seine/ Đêm cứ đến và giờ cứ điểm/ Tháng ngày đi anh vẫn còn đây.

Điểm độc đáo của tập thơ “Rượu” là không hề có dấu câu. Điều này tạo cho câu thơ mối liên kết với câu thơ khác tạo ra nhiều nghĩa hơn và đó là thủ pháp đồng hiện rất gần với hội họa lập thể của P. Picasso. Đồng thời, nó cũng tạo ra nhịp điệu và cách ngắt câu thơ mới. Vì thế, G. Apollinaire là nhà thơ cuối cùng được... thuộc thơ! Quan trọng hơn, các bài thơ ở tập “Rượu” đã bắt kịp với hơi hướng hiện đại hóa thơ phá vỡ sự liền mạch trong cấu trúc ngữ pháp, tính thống nhất của chủ đề, sự tuyến tính thời gian... như mấy câu trong bài thơ “Vùng”: Một quả chuông giận dữ sủa giữa trưa/ Những dòng chữ trên tường trên các biểu hiệu/ Những tấm bảng những thông báo keng kéc như vẹt. Tất nhiên, thời đó, không phải ai cũng thích những cách tân này, có người nhận xét: “Tập thơ có đặc tính đồng nát”.

G. Apollinaire đã đẩy những cách tân của mình đi xa hơn trong tập thơ “Thơ hình vẽ” (Calligrammes, 1918). Có những bài thơ nổi tiếng như “Mưa”, “Chiếc xe hơi nhỏ” vẽ hình thù của mưa và xe hơi bằng chính các con chữ.

Không ai dám chắc, nếu còn sống, G. Apollinaire còn đẩy thơ mình đi xa đến đâu. Nhưng với những thử nghiệm này, G. Apollinaire đã đặt nền móng cho việc xóa nhòa thơ ca với các thể loại khác khi sử dụng các thủ pháp của hội họa và điện ảnh; sau này, đến cuối thế kỷ XX sinh ra thơ trình diễn-một kiểu thơ không sử dụng chữ viết mà bằng các phương tiện khác như hình thể của chính nhà thơ! Bài học trong sáng tạo của G. Apollinaire để lại rất rõ ràng: Làm thơ luôn đổi mới nhưng không có nghĩa là chạy theo các trường phái như kiểu theo mốt quần áo; quan trọng cái mới vẫn xuất phát từ nhu cầu thực sự muốn đổi mới và từ tình cảm, trí tuệ của bản thân nhà thơ.

HÀM ĐAN