Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

E-BOOK, XU HƯỚNG MỚI CỦA VĂN HÓA ĐỌC

Thiết bị đọc sách điện tử (e-reader) chuyên dụng ra đời cách đây 6 năm được xem như một sự đột phá của công nghệ cao; đồng thời, nó cũng chính thức đưa sách điện tử (e-book) trở thành một sản phẩm thông dụng, phương thức đọc này đã trở thành cú huých văn hóa đọc theo chiều hướng tích cực.

Trăm điều lợi!

Trước khi có e-reader, nhiều người đã đọc các tài liệu và các sách trên các thiết bị điện tử khác như máy tính, điện thoại di động. Song, mục đích sản xuất thiết bị trên không phải dành cho đọc sách nên nó có những hạn chế như màn hình quá nhỏ, không lật trang dễ dàng, không chỉnh sửa hay đánh dấu trang, không bổ sung đường dẫn…

Cùng với việc số hóa tài liệu và biến chúng trở thành sản phẩm của thương mại điện tử, hơn chục nhà sản xuất cũng bắt tay vào việc sản xuất e-reader với chức năng chính là đọc sách. Sau vài năm cạnh tranh, chỉ có các “đại gia” như Sony, Amazon, Samsung, Barnes & Noble nổi lên cùng nhau chia “miếng bánh” thị phần e-reader với các nhãn hàng như Kindle, Reader Touch Edition, Papyrus, Nook lừng lẫy.

Theo báo cáo của Hãng nghiên cứu thị trường Yankee Group, 8 tháng đầu năm 2010 đã có 6 triệu e-reader được tiêu thụ, theo dự báo doanh số sẽ là 19 triệu vào năm 2013. Doanh thu tăng bởi sự những ưu điểm vượt trội của việc đọc thông qua e-reader so với thói quen đọc sách in.

Đầu tiên là sự tiện dụng của e-reader. Với khối lượng chỉ vài trăm gam, người sử dụng có thể luôn mang theo bên mình. Với dung lượng bộ số khoảng 4GB có thể chứa tới hơn 3000 cuốn sách. Thử tưởng tượng, một người vừa đi học vừa đi làm, số lượng sách và tài liệu cần mag theo là rất lớn. Nếu tất cả gói gọn trong thiết bị e-reader thì thuận tiện biết bao!

Mặt khác, số lượng e-book luôn được cập nhật, thay đổi thường xuyên, ngoài ra còn có thể sửa chữa thông tin để phù hợp với người sử dụng. Việc tải sách từ kho sách chỉ mất vài chục giây tiện hơn việc phải lùng sục các hiệu sách để tìm cuốn sách cần sử dụng. Điểm vượt trội của sách e-book so với sách in là ngoài đọc có thể nghe sách tiếng, xem video bổ sung… Ngoài chức năng chính là đọc sách, e-reader còn có khả năng tích hợp các tiện ích khác lướt web, tra từ điển, tham gia các mạng xã hội như facebook...

Một điểm nữa, theo các nhà xuất bản là e-book tiết kiệm chi phí sản xuất khi một phiên bản e-book có giá thành sản xuất chỉ bằng 2/3, thậm chí là 1/3 so với giá thành một phiên bản sách in. Đã vậy, thời gian cho ra đời một phiên bản e-book nhanh hơn so với sách in và không tốn bột giấy nên có tác động tốt tới môi trường tự nhiên. Và e-book tồn tại trên môi trường mạng nên cũng không cần tốn diện tích nhà kho để chứa như sách in.

Chính vì những ưu điểm trên mà có tới 50% số người sau khi sử dụng e-book không còn dùng sách in nữa (Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường PR Bowker). Theo TS Christoph Links (trợ lý Ban giám đốc NXB Aufbau – Verlag Berlin và Weimar, người sáng lập NXB Ch.Link) cho biết: theo dự đoán, doanh thu sách điện tự sẽ tăng 15% trong vòng 5 năm tới. Cản trở lớn nhất với sự phát triển của e-book có chăng là thói quen đọc sách trên e-reader còn quá mới mẻ so với thói quen đọc sách in. Nhiều chuyên gia dự đoán, vấn đề chỉ làm ở thời gian, nếu thường xuyên sử dụng e-book thường xuyên người đọc cũng sẽ quen dần như cách người ta làm quen với việc đọc trên giấy và quên hẳn cách đọc trên da thú, thẻ trúc…

E-book ở Việt Nam: “Con đường sáng”

Theo báo cáo từ Vietnam Net Index của Yahoo, vào năm 2010, Việt Nam có 28 triệu người sử dụng internet-đứng thứ 6 châu Á. Sở dĩ, phải đưa số người sử dụng internet để nói về triển vọng số người sử dụng e-book ở Việt Nam bởi phải là người thường xuyên sử dụng internet mới có khả năng tiếp cận “kho” sách e-book. Hiện nay, chưa có thống kê về số người sử dụng e-book ở Việt Nam, nhưng theo anh Thái Sơn (Điều hành tiki shop, A2 Lương Định Của, quận 2, TP Hồ Chí Minh) thì tháng cao điểm cửa hàng bán được vài trăm e-reader. Qua đó, chúng ta có thể thấy việc sử dụng e-book đang dần trở nên quen thuộc.

Những lợi thế khác để e-book phát triển ở Việt Nam trong tương lai có thể kể ra như: Việt Nam là nước đang phát triển, có nhu cầu lớn trong việc học tập, tìm hiểu, nghiên cứu. Cơ cấu dân số Việt Nam thuộc vào loại trẻ nên có khả năng tiếp cận và ưa thích các sản phẩm công nghệ cao. Các đơn vị kinh doanh xuất bản sẽ nắm lấy cơ hội bán e-book nhằm mở rộng thị phần và liên kết xuất bản…

Bên cạnh nhiều thuận lợi, vẫn còn một số thách thức để e-book phát triển ở Việt Nam. Hiện nay, sự kinh doanh sách điện tử là nhỏ lẻ và tự phát; các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản chưa liên kết với nhau để đưa doamh thu e-book tăng trưởng. Mặt khác, giá thành e-reader còn khá cao trên dưới 300 USD/chiếc, trong khi theo chị Tố Linh (Giám đốc Tiếp thị và phát triển kinh doanh của Vinabook.com) cho rằng: E-reader chỉ trở thành một sản phẩm cho đại chúng khi có giá dưới 100 USD/chiếc. Vì vậy, theo quan sát của người điều hành của cửa hàng Hi-tech USA (23 Hàng Bài) cho hay: Hiện nay, những người mua e-reader vẫn là những người từ 20 đến 40 tuổi và thuộc tầng lớp trung lưu.

Ngoài ra, cần phải khắc phục nhược điểm là người dùng e-book vẫn thường xuyên tải những sách không có bản quyền, họ vẫn chưa quen với việc trả phí khi tải e-book mà vẫn thích dùng bản e-book miễn phí. Và, theo ông Ngọc Bình (Phòng pháp chế, Cục Xuất bản) cho hay: Hiện chưa có điều luật quy định việc xử phạt những hành vi vi phạm bản quyền e-book. Những người muốn trả phí e-book đi nữa thì cơ sở hạ tầng thương mại điện tử và thanh toán điện tử chưa cao sẽ là rào cản để cho phân phối e-book.

Những dự đoán chỉ là những dự đoán, song với những ưu điểm tự thân của e-book thì triển vọng cho sự phát triển ở Việt Nam được đánh giá là “con đường sáng”; còn hiện tại, e-book vẫn đang là một nét mới tích cực, giúp người đọc có thêm những sự lựa chọn mới.

HÀM ĐAN

NGA GIÀNH QUYỀN ĐĂNG CAI WORLD CUP 2018: CHIẾN THẮNG KHÔNG BẤT NGỜ

Tối 2-12 giờ Việt Nam, tại trụ sở FIFA ở Du-rích đã công bố nước chủ nhà World Cup 2018 và 2022. Theo đó, Nga là nước chủ nhà của World Cup 2018, 4 năm sau vinh dự này sẽ thuộc về Ca-ta. Chiến thắng của Ca-ta giành quyền đăng cai World Cup 2022 không làm quá nhiều người bất ngờ. Lí do là Ca-ta “đại gia dầu khí” vùng Tây Á, kinh phí hàng tỉ USD để tổ chức World Cup chỉ là “chuyện nhỏ”. Họ cũng sở hữu những sân vận động tuyện vời từng phục vụ ASIAD 15 năm 2006. Mặt khác, đến nay, châu Á mới chỉ một lần tổ chức World Cup vào năm 2002 khi “liên minh” Nhật Bản-Hàn Quốc là đồng chủ nhà, nên Ca-ta được ưu tiên hơn so với những đối thủ đã từng đăng cai gần đây là Hàn Quốc và Hoa Kỳ (từng tổ chức World Cup 1994).

Với Nga, việc Nga trở thành chủ nhà của World Cup 2018 với kết quả 13/22 phiếu ủng hộ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhất là khi đánh bại đối thủ sừng sỏ là Anh, liên minh Bỉ-Hà Lan và liên minh Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha. Nhưng nếu nhìn tổng thể, việc Nga giành quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh là một kết quả tất yếu.

Trong chuyến thị sát tới Nga, các quan chức FIFA có ấn tượng tốt về các sân vận động của nước này. Nga hiện sở hữu 16 sân có sức chứa trên 20.000 chỗ ngồi, trong đó có sân vận động nổi tiếng như: Luzhniki, Dynamo ở Mát-xcơ-va, Republican Spartak ở Vladikavkaz, Sân trung tâm ở Volgograd… Cơ sở hạ tầng khác phục vụ World Cup là đường sá, khách sạn… cũng được đánh giá tốt. Dĩ nhiên, Nga thừa hiểu cần phải chi mạnh tay để nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng để đảm bảo một kì World Cup hoành tráng không hề kém cạnh các nước khác.

Về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thể thao, Nga và Liên Xô trước đây đều từng thành công với các hoạt động thể thao mang tầm thế giới như Olympic Mát-xcơ-va 1980. Gần nhất, Nga đã tổ chức thành công trận chung kết Champions League 2008 tại sân Luzhniki. Ngoài ra, bóng đá Nga sau thời hậu Liên Xô đang tìm lại sức mạnh trong quá khứ. Đội tuyển Nga lọt vào bán kết Euro 2008; ở cấp câu lạc bộ, CSKA Moskva và FC Zenit Saint Petersburg giành UEFA Cup vào năm 2005 và 2008.

Ngoài lĩnh vực thể thao thì một nguyên nhân khác giúp Nga giành quyền đăng cai World Cup cũng một phần nhờ vị thế chính trị của Nga, đất nước này đang trở lại vị trí “siêu cường” và đi cùng với đó là những đồng rúp dầu mỏ cũng đủ giúp họ không phải suy nghĩ trong việc đăng cai World Cup. Dĩ nhiên, cũng cần thêm những yếu tố khác như Nga chưa lần nào được đăng cai các giải bóng đá lớn như Worlp Cup hay Euro; hay tình yêu bóng đá vô bờ của người Nga… cũng giúp họ nhận được sự “ưu ái” của FIFA.

HÀM ĐAN