Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐẠI HỘI VIII HỘI NHÀ VĂN

“Hãy vì văn chương hơn nữa”

Hai vấn đề thường xuyên “có vấn đề” của Hội nhà văn (HNV) là kết nạp hội viên và trao giải thưởng. Với tư cách là người trong cuộc, các nhà văn là hội viên đã có những ý kiến thẳng thắn, trái chiều nhau:

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:

Theo tôi, việc kết nạp hội viên HNV còn nhiếu bất cập vì rất khó đánh giá do sự thẩm định văn chương đang loạn chuẩn, ngay trong hội đồng chuyên môn với BCH khó có sự đồng thuận cao. Khoảng cách nhà văn quá xa là điều nhức nhối nhất trong mỗi lần kết nạp hội viên mới, khiến xã hội bất bình với Hội nhà văn.

Tôi mong BCH và các Hội đồng hãy vì văn chương hơn nữa, hãy chú ý tới những người viết có văn, có tư tưởng và phong cách riêng; đừng màng bổng lộc từ những người muốn vào hội. Còn những người viết thì đừng vì cái danh hão mà tìm mọi cách để chui được vào hội.

Tôi thấy “phe” bảo thủ mạnh hơn “phe” cấp tiến. Vì vậy các hội đồng chỉ chấp nhận được những tác phẩm “vừa tầm” khó chấp nhận các tác phẩm phá cách. Lại nữa, có thành viên hội đồng không chịu đọc tác phẩm mà chỉ chấm theo “nghe nói”. Dù mỗi giải thưởng đều có tiêu chí riêng, nhưng sự lúng túng trong trao giải đã biểu hiện sự già cỗi và thiếu những “con mắt xanh” của Hội đồng chấm giải.

Tôi nghĩ, giải thưởng hàng năm của HNV nên chuyển thành Giải thưởng hàng năm của các Hội đồng chuyên môn. Còn Giải thưởng HNV chỉ nên trao 5 năm 1 lần, thì sẽ có điều kiện “nhìn lại” chuẩn xác hơn.

Nhà văn-dịch giả Lê Bá Thự:

Hội đồng văn học dịch mà tôi là ủy viên hiện nay có trong tay khoảng 25 lá đơn. Mỗi năm chỉ xét kết nạp được một, nhiều lắm là hai dịch giả. Như vậy để kết nạp hết số dịch giả còn lại thì cần ít nhất 12 năm. Đó là chưa kể những lá đơn mới. Nên, tôi nghĩ đây là vấn đề mà BCH nhiệm kì mới sẽ phải suy nghĩ lại.

Việc thẩm định về mặt chuyên môn, cụ thể tác phẩm, để xét kết nạp hội viên là công việc phải giao cho các hội đồng chuyên môn. Các thành viên hội đồng là những người dày dạn kinh nghiệm, có thành quả sáng tác không ai thẩm định chuyên môn tốt và chính xác hơn họ. Để nâng cao vị thế của các hội đồng, theo tôi, chủ tịch hội đồng chuyên môn phải là ủy viên Ban chấp hành Hội.

Giải thưởng là để động viên, khuyến khích, thậm chí kích thích những người làm công việc sáng tạo, kể cả người được giải lẫn người không được giải. Vậy nên, hàng năm cứ chọn những tác phẩm như thế mà trao giải thưởng là được rồi, khỏi phải cầu toàn. Tác phẩm lớn rồi sẽ đến, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Xin hãy đợi.

Nhà văn Phạm Việt Long:

Trong việc kết nạp hội viên, Hội nhà văn (HNV) cần quan tâm đến hội viên ở tỉnh xa. Vì không có cơ hội “mọc mũi sủi tăm” nên nhiều khi họ chịu thiệt thòi hơn các đồng nghiệp ở các thành phố lớn.

Trong việc kết nạp hội viên đúng là có chuyện quen thân nhờ vả nhưng không có chuyện hối lộ như đồn thổi. Muốn vào hội phải qua “ải” hội đồng chuyên trách, không qua coi như “trượt”. Sau hai lần “trượt”, tôi nói với ông bạn thân Hữu Thỉnh: “Tôi chán lắm rồi. Tôi không vào nữa đâu”. Ông Hữu Thỉnh an ủi: “Không được Hội đồng thông qua thì tôi cũng chịu”. Nhà văn nước mình không mấy đọc nhau nên dù có hai nhà văn nổi tiếng giới thiệu nhưng phải đến lần 3 tôi mới vào được vào hội.

Riêng về giải thưởng, tôi không có bình luận. Tôi nghĩ chúng ta không nên mất thời gian nói về giải thưởng mà tốt nhất nên chú tâm vào việc viết nếu vẫn còn có nhu cầu viết.

“Cần tạo sân chơi cho người viết trẻ”

Trước Đại hội lần thứ VIII, nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tuyên bố: “Bồi dưỡng nhà văn trẻ là nhiệm vụ sống còn của Hội nhà văn”. Còn các nhà văn trẻ kì vọng gì ở Hội nhà văn?

Nhà văn trẻ Vũ Thanh Huyền

Vai trò của Hội nhà văn vô cùng quan trọng trong thời buổi các giá trị văn chương lớn hay bé đều đang được bày bán trên cùng một sạp hàng. Hội nhà văn đã phần nào giúp loại bỏ những hạt sạn là những tác phẩm gây "sốc" để "hot" nhưng thực chất lại "nhạt". Vì thực tế những tác phẩm được Hội nhà văn xuất bản hay được Hội đánh giá cao hầu như là có chất lượng tốt.

Giả sử, sau này, tôi có tác phẩm mang chút ít giá trị và được chú ý thì tôi mới có đủ tự tin được gọi là nhà văn. Và khi đó, tôi mới cảm thấy mình thực sự xứng đáng để xin gia nhập Hội nhà văn, không vì danh tiếng, quyền lực hay bất cứ mục đích vụ lợi gì.

Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học

Việc kết nạp Hội Nhà văn VN chưa chú trọng đến lớp trẻ, những người kế cận. Người viết trẻ dường như không mấy mặn mà với Hội Nhà văn và trong họ, Hội không còn “thiêng” như trước. Việc kết nạp Hội sẽ còn được bàn nhiều và sẽ có nhiều thiếu sót, nếu như không có sự công tâm trong việc xét kết nạp vào các năm tới.

Một vấn đề tôi quan tâm là giải thưởng Hội nhà văn bởi việc này này ảnh hưởng khá lớn đến uy tín của Hội nhà văn đối người viết trẻ. Đơn giản là những người viết trẻ học hỏi được gì ở kĩ thuật viết của các bậc đàn anh? Nếu như chọn tác phẩm không xứng, các nhà văn trẻ sẽ mất niềm tin ở các tác phẩm mang tiếng là “đỉnh cao”. Những tác phẩm đoạt giải thưởng, tôi có đọc và thấy rằng Hội vẫn chọn được một số tác phẩm xứng đáng. Tình trạng mất mùa giải thưởng năm ngoái đã làm dư luận bức xúc. Đã tổ chức thì phải trao giải, không thì thôi, tại sao lại bỏ khuyết là điều mà dư luận đặt câu hỏi. Và việc xét giải hàng năm, thì việc chọn là một vài tác phẩm chất lượng của năm đó là việc không khó, chứ không thể so sánh với các tác phẩm của những năm trước mà xét.

Nhà thơ trẻ Thái Bảo Anh

Vào hội nhà văn là một “minh chứng” cho sự chuyên nghiệp trong nghiệp viết của mỗi người cầm bút. Dĩ nhiên, là một người viết trẻ nên sau này tôi cũng muốn mình được vào hội nhà văn nếu có tác phẩm làm “bảo hiểm”. Nếu là hội viên, tôi sẽ có nhiều hơn những cuộc giao lưu với nhà văn, tôi có nhiều hơn những cơ hội để học hỏi thêm không chỉ cách viết mà còn cả kiến thức và vốn sống. Và điều quan trọng hơn mà tôi nghĩ tới, đó là một hội để bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích của các hội viên.

Tôi thấy việc Hội nhà văn trẻ tổ chức các hoạt động cho những người mới cầm bút như trình diễn thơ là điều đáng hoan nghênh, và cần phải có nhiều “sân chơi” hơn. Đó là điều mà tôi hi vọng những người lãnh đạo mới của Hội nhà văn.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG & ĐẶNG NGỌC HÂN (ghi)
(Hai bút danh mới à nha:):))
 
“Muốn nghe một lời giải thích”

Các nhà báo luôn theo sát các hoạt động ở Hội nhà văn đặc biệt là vấn đề kết nạp hội viên mới. Đồng thời, họ cũng là những người đọc có kinh nghiệm luôn chú ý các tác phẩm đoạt giải của Hội nhà văn. Sau đây, là ý kiến của các nhà báo:

Nhà báo Lê Cẩm Vân Chi (Kênh truyền hình văn hóa Việt VTC10):
Nếu cuốn hồi kí mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng viết về việc kết nạp hội viên Hội nhà văn (HNV) là sự thật thì nhiều người hẳn sẽ hơi buồn. Kết nạp hội viên đồng nghĩa với việc đánh giá cao tài năng và đạo đức của nhà văn. Đạo đức thì có thể trắng đen rõ ràng nhưng đánh giá tác phẩm văn chương thì không đơn giản nên HNV có lẽ cần đổi mới để khiến đa số giới cầm bút tin tưởng vào sự công minh trong việc kết nạp hội viên.

Những vụ việc liên quan tới Giải thưởng HNV mấy năm qua theo tôi là không bình thường. Việc các tác phẩm được trao giải nhìn chung chưa thực sự xứng đáng, còn bỏ sót một số tác phẩm hay, nhất là thơ và phê bình văn học. Đôi khi, ở hai hạng mục này có tác phẩm xứng đáng nhận giải nhưng không hiểu vì lí do gì mà thường để trống. Nhiều người trong đó có tôi muốn nghe một lời giải thích từ những người có trách nhiệm ở Hội nhà văn.

Nhà báo-nhà thơ Trần Tuấn (Báo Tiền phong):
Tôi hơi lạ khi thấy có những nhà văn đăng đàn phát biểu cho rằng HNV là "Ngôi đền thiêng". Không rõ tính mục đích của những nhà văn ấy là gì, tác phẩm hay là tấm thẻ hội viên kèm theo những tiêu chuẩn ưu đãi?

Cá nhân tôi thấy vai trò của HNV theo mô hình tổ chức như hiện nay đã cũ. Từ cung cách bầu bán, kết nạp hội viên, chấm và trao giải thưởng ... đều cần phải có sự thay đổi toàn diện. Một thời đại văn chương mới đa chiều đa hướng đòi hỏi nhà văn có trách nhiệm với đất nước, với thân phận con người bằng một tư tưởng, cảm thức và cách thể hiện khác. Tôi ao ước có một sân chơi vui và trẻ, thoáng rộng cởi mở, tranh cãi học thuật đúng nghĩa và đúng luật để thúc đẩy nhau sáng tạo thực sự.

Một tác phẩm văn học có giá trị không nằm ở chuyện đoạt giải gì. Về giải thưởng HNV, tôi đánh giá cao những tác phẩm đoạt giả HNV của Bảo Ninh, Dương Hướng..., còn lại tôi xin miễn bình luận. Tôi nghĩ, trao giải cho một tác phẩm “nhỉnh” nhất trong năm như quan niệm xảy ra gần đây không cần thiết bằng trao giải cho tác phẩm đưa ra được một xu hướng văn chương mới, dù còn phải tranh cãi...

Nhà báo-nhà thơ Nguyễn Văn Quân (Tạp chí Truyền hình VTV):
Tôi nghĩ viết là một công việc độc lập. Việc có phải là hội viên hay không chẳng thể nâng cao chất lượng tác phẩm. Trong thời buổi toàn cầu hóa, HNV cần đóng vai trò cao hơn và có những hành động cụ thể hơn. Chỉ khi nào HNV làm được sứ mệnh cao cả, là ngọn đuốc dẫn đường thì mới thực sự thu hút những người viết mong muốn vào hội.

Vì thời gian có hạn nên tôi chỉ đọc những tác phẩm gây được sự chú ý của dư luận, không phân biệt tác phẩm có đoạt giải thưởng hay không. Tôi nghĩ là mọi thứ cũng chỉ mang tính chất tương đối, chúng ta đừng nên quá khắt khe theo kiểu “bới lông tìm vết” làm gì. HNV cũng nên công khai hóa công việc của hội mới tránh không bị những hiểu nhầm và thắc mắc không đáng có.

ĐẶNG NGỌC HÂN (ghi)


Những con số qua 7 kỳ Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam


Tất cả 7 kỳ Đại hội Hội nhà văn Việt Nam (ĐHHNVVN) từ trước đến nay đều được tổ chức tại Hà Nội; trong đó, 2 lần đầu tiên tổ chức tại Câu lạc bộ Đoàn Kết. Các lần Đại hội sau được tổ chức tại Hội trường Ba Đình.

ĐHHNVVN lần 1 diễn ra từ ngày 1 đến 4-4-1957. 165 hội viên đã tham gia sáng lập và thông qua điều lệ đầu tiên của Hội nhà văn Việt Nam. Đại hội đã bầu 32 nhà văn vào Ban chấp hành (BCH). Tháng 3-1958, hai nhà văn Hoàng Cầm và Hoàng Tích Linh rút khỏi BCH nên BCH còn lại 30 người. Chức danh Chủ tịch và Tổng thư ký đều có trong cơ cấu của ĐHHNVVN lần thư 1. Chủ tịch là nhà văn Nguyễn Công Hoan và Tổng thư ký là nhà văn Tô Hoài.

ĐHHNVVN lần thứ 2 diễn ra từ ngày 10 đến 12-1-1963 đang giữ kỉ lục là Đại hội có nhiệm kì dài nhất lên tới 20 năm (1963-1983). 250 đại biểu đã dự Đại hội bầu ra 33 vị vào BCH. Sau ngày giải phóng miền Nam, BCH HNVVN khoá 2 được bổ sung thêm 10 nhà văn. Như vậy, hết nhiệm kỳ khoá 2, BCH có 43 uỷ viên. Đại hội bãi bỏ chức danh Chủ tịch mà chỉ tồn tại chức danh Tổng thư kí. Nhà văn Nguyễn Đình Thi được bầu là Tổng thư kí HNVVN.

ĐHHNVVN lần thứ 3 diễn ra từ ngày 26 đến 28-9-1983. 150 đại biểu tham dự. BCH khóa 3 là BCH đông đảo nhất với 44 nhà văn. Nhà văn Nguyễn Đình Thi tiếp tục giữ chức Tổng thư ký HNVVN.

ĐHHNVVN lần thứ 4 diễn ra từ 28-10 đến 1-11-1989. Đây chính là Đại hội toàn thể đầu tiên của HNVVN với 396 hội viên tham dự. BCH gồm có 9 nhà văn. Nhà văn Vũ Tú Nam được bầu làm Tổng thư ký HNVVN khoá 4.

ĐHHNVVN lần thứ 5 diễn ra từ ngày 12 đến 14-3-1995 tiếp tục là Đại hội toàn thể. 496 nhà văn đã tham dự và bầu 5 nhà văn vào BCH. Ngày 29-11-1996, BCH tăng lên 7 ủy viên sau khi bổ sung thêm 2 nhà văn. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được bầu làm Tổng thư kí của HNVVN khóa 5.

ĐHHNVVN lần thứ 6 có thời gian tổ chức ngắn nhất (17&18-4-2000). 423 nhà văn đại diện đã dự Đại hội. BCH gồm có 9 nhà văn. Nhà thơ Hữu Thỉnh được bầu làm Tổng thư kí HNVVN.

ĐHHNHVN lần thứ 7 diễn ra từ ngày 23 đến 25-4-2005 có số lượng thành viên Ban chấp hành ít nhất (6 người) sau khi 557 đại biểu bỏ phiếu bầu. Đại hội lần thứ 7 bãi bỏ chức danh Tổng thư ký, chỉ tồn tại chức danh Chủ tịch. Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục giữ chức vụ cao nhất HNV. Ông cũng giữ kỉ lục 5 nhiệm kỳ liên tiếp trong BCH bắt đầu từ Đại hội lần thứ 3 (1983-1989). Tính đến nay, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng là người duy nhất vừa giữ chức danh Tổng thư ký vừa giữ chức danh Chủ tịch HNVVN.

TRẦN HÀM ĐAN (tổng hợp)


Đầu tiên là chọn “trúng”…

Nhìn ra thế giới, ngay giải Nobel văn chương cao quý năm nào cũng có những ý kiến không đồng tình nào là thiên vị nhà văn châu Âu hoặc tôn vinh tác phẩm “khiêu dâm” của E. Jelinek (Nobel 2004) cho đến vì động cơ chính trị mà trao giải cho Cao Hành Kiện (Nobel 2000)… Vì thế, bất cứ giải thưởng văn chương nào kể cả Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam đều mang tính tương đối. Sự tương đối, trước hết ở tiêu chí của giải. Thứ nữa, giới hạn “trường thẩm mĩ” những người quyết định trao giải, chẳng hạn có người cho rằng tiểu thuyết nhất thiết phải có cốt truyện nên thích trao giải cho những cuốn có các tình tiết được kể rõ ràng. Nếu chỉ hai lí do trên thì không ai phàn nàn gì về Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Sự thiếu chuẩn xác trong việc lựa chọn những tác phẩm có giá trị đích thực, đôi khi do những yếu tố ngoài văn chương chi phối. Cho nên muốn Giải thưởng văn học của Hội nhà văn trở thành “thương hiệu” nhất thiết phải lựa chọn “trúng” các tác phẩm văn học có giá trị dựa trên quy luật thẩm mĩ.

Thử đặt một trường hợp giả định là sau khi Hội nhà văn chọn được nhiều tác phẩm hay, tạo phản ứng tốt trong dư luận và Giải thưởng Hội nhà văn thành một “thương hiệu” thì viễn cảnh sách sẽ bán rất chạy sau khi đoạt giải như các giải thưởng văn chương trên thế giới. Đó là chuyện ở thì tương lai, nhưng là một tương lai không xa. Vì vậy, ngay từ bây giờ, có lẽ Hội nhà văn cần chuẩn bị tốt công việc quảng bá tác phẩm đoạt giải để tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Hiện nay, những cuốn sách Hội nhà văn trao giải đều rất khó tìm tìm ở những nơi bán sách, trừ những cuốn sách liên kết xuất bản với các đơn vị làm sách tư nhân. Những cuốn sách trước và sau đoạt giải của các công ty truyền thông hay các nhà sách đều làm công tác tiếp thị rất tốt. Tất nhiên, không cần phải giải thưởng thì cuốn sách của một số công ty đã rất tốt từ khâu biên tập, trình bày…nên khá “đắt hàng”. Và, nếu được giải thưởng thì cuốn sách càng có giá và có cơ hội tái bản hoặc in nối bản. Nhưng, cần nhắc lại, điều cần làm đầu tiên, nằm ở phần gốc là phải chọn đúng tác phẩm hay dựa trên tinh thần công minh.

LINH THIÊN

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

KHI TIỂU NÔNG ĐỘC QUYỀN...

Gần đây, dư luận đang phẫn nộ với vụ việc dịch vụ truyền hình vệ tinh K+ nâng giá thuê bao sau khi có bản quyền tất cả các giải bóng đá hấp dẫn nhất trong ba mùa giải bắt đầu từ mùa giải 2010-2011. Muốn xem vọn vẹn các trận cầu vào cuối tuần thì các fan của trái bóng tròn phải bỏ ra 1,5 triệu đồng mua đầu thu của K+ và phải trả thuê bao 250 nghìn đồng/tháng cho gói kênh Premium nghĩa là gấp 4 lần số tiền trước đây để xem tất cả trận bóng đá ở các dịch vụ truyền hình khác. Với thị dân rõ ràng để hưởng sự sung sướng từ môn thể thao vua là “chuyện nhỏ” nhưng với vùng nông thôn là cả một sự nâng lên đặt xuống khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ có tăng chứ không giảm.

Không ai phủ nhận muốn xem chương trình truyền hình hay thì cần phải trả tiền nhưng điều đó không có nghĩa là muốn tăng bao nhiêu cũng được một khi có bản quyền phát sóng, tăng giá vô tội vạ là biểu hiện của độc quyền trong kinh doanh. Ngoài bản quyền bóng đá, 70 kênh của gói kênh Premium của K+ không khác số kênh của Trung tâm truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) – hình thức truyền hình trả tiền mà đa số người dân đang sử dụng; nghĩa là K+ “bắt buộc” số thuê bao VCTV phải chuyển đổi trong khi hai dịch vụ truyền hình này đều có “cha chung” là Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Cần nhắc lại rằng: 51% cổ phần của K+ do Đài truyền hình Việt Nam (VTV) nắm giữ. Suy ra, VTV đi ngược lại nhiệm vụ chính trị vì đã hạn chế nhu cầu chính đáng của đông đảo người dân là được thưởng thức những trận cầu hay vào mỗi dịp cuối tuần. Xem bóng đá sẽ là rất có ích cho giới trẻ hơn là mấy trò giải trí độc hại như game online. Việc K+ giữ độc quyền phát sóng các giải đấu bóng đá với chi phí đầu tư cao là không thể chấp nhận, thể hiện cách nhìn thiển cận đặc trưng của người tiểu nông khi chỉ thấy lợi nhuận trước mắt mà quên đi cái hại đang tiềm ẩn.

Ngoài việc lên tiếng tẩy chay K+, có ý kiến cho rằng: Các đài truyền hình cần liên kết thành một hiệp hội truyền hình rồi mua bản quyền để cùng hạ giá thuê bao. Điều này khó thực hiện bởi hiện tại, đầu óc của người kinh doanh truyền hình vẫn mang nặng tính tự trị, cục bộ địa phương của văn hóa làng xã nên mới có cảnh tranh nhau mua và cùng nhau chèn ép khách hàng; trong khi truyền thống kinh doanh của phương Tây là nhà đầu tư nào mạnh thì liên kết với khách hàng để triệt hạ đối thủ. Đã thế, theo phản ánh của những người mới dùng K+ thì chất lượng hình ảnh, lỗi từ đầu thu và thái độ của nhân viên K+ là không như những lời cam kết “có cánh” trước đó. Chữ tín trong văn hóa kinh doanh đang bị vi phạm trắng trợn nhưng người xem không biết kêu ai và không thể chuyển sang dịch vụ khác tốt hơn.

Nếu diễn biến vụ việc không có gì đổi khác, e rằng nó sẽ tạo tiền lệ xấu không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà gián tiếp làm văn hóa trong ứng xử đi xuống.

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

BÓNG ĐÁ CHÂU TRƯỚC MÙA GIẢI 2010 - 2011: NHỘN NHỊP MUA BÁN

Real Madrid & Barcelona: “Săn” dự bị “hạng sang”

Trước ngày La Liga khởi tranh, báo chí săn tin những mục tiêu “mua sắm” của Real Madrid và Barcelona. Ưu tiên số 1 của hai gã khổng lồ là săn tìm những dự bị chất lượng hỗ trợ một bộ khung toàn sao.

Chưa biết cầu thủ nào và chiến thuật gì sẽ được Mourinho sử dụng; nhưng chắc chắn “người đặc biệt” sẽ tái thiết Real dựa trên “dàn sao” mua từ năm ngoái. Real cũng đã mua được những tân binh mới để “đóng thế” khi cần như Di Maria, Pedro Leon… Danh sách tân binh sẽ chưa “chốt sổ” khi “biên chế” ở vị trí tiền vệ trụ và hậu vệ trái đang để trống. Sự xáo trộn ở đội hình ra sân có chăng nằm ở khả năng các tuyển thủ Đức dự World Cup 2010 như Khedira, Schweinsteiger, Oezil… đến với sân Bernabeu. Khi đó, rất có thể các cầu thủ này sẽ làm Real thay đổi bản sắc biến thành Chelsea thời Mourinho. Để có tiền tuyển tân binh, Real sẽ lại “bán tống bán tháo” những dự bị như Van der Vaart, Guti, M. Diarra và cả… “công thần” Raul.

Nhưng việc trước mắt của “người đặc biệt” là nâng cao thể lực cho các cầu thủ bởi triết lí bóng đá của Mourinho là lối chơi chặt chẽ dựa trên nền tảng thể lực sung mãn. Mourinho sẽ có lần cầm quân đầu tiên khi Real đá giao hữu với Club America tại San Francisco (Mỹ) vào ngày 4-8.

Ở xứ Catalan, mọi chuyện diễn ra bình lặng, tân chủ tịch S. Rosell hoàn toàn ủng hộ mọi quyết định tuyển dụng của J. Guardiola. Mục tiêu số 1 của Barcelona là C. Fabregas có tới 90% ở lại Arsenal nên HLV 39 tuổi vẫn sẽ sử dụng bộ khung “ăn 6” cách đây 2 năm. Barcelona chỉ bổ sung vị trí trung vệ và hậu vệ phải để dự bị cho Puyol và Alves. Barcelona sẽ đi thi đấu giao hữu từ 30-7 đến 26-8.

Ngoại hạng Anh: Đại gia án binh

Trong khi Man xanh đang tính “đảo chính” khi đã chiêu mộ hàng loạt hảo thủ như Y. Toure, D. Silva và đang lăm le sở hữu M. Balotelli (Inter) thì “tứ đại gia” ngoại hạng Anh chưa có thương vụ nào đình đám.

Nếu tính về nhu cầu thì Chelsea là đội phải bỏ hầu bao lớn nhất khi Ballack, J.Cole đã ra đi và hầu hết các cầu thủ sắp trở thành lão tướng. M.U mới chỉ sắm Javier Hernandez và Chris Smalling – những cầu thủ “tiềm năng”. Ưu tiên của M.U và Liverpool bây giờ là giữ chân các trụ cột như Vidic, Evra, Gerrard, Torres… Arsenal bộc lộ kì vọng vô địch ở mùa giải mới sau những mùa giải trắng tay và chăm lo “vườn trẻ”. “Giáo sư” A. Wenger tìm mọi cách giữ chân đội trưởng Fabregas và đã vung tiền shopping các tiền đạo là Chamakh, Koscielny.

Inter Milan: Chờ Benitez trổ tài!

Tin vui cho các fan Inter là những người hùng trong cú “ăn ba” vừa qua là Sneijder, Milito đều gia hạn hợp đồng. Chủ tịch Moratti cũng đã phớt lờ 28 triệu Euro của Real để Inter “nhả” Maicon.

Ban lãnh đạo Inter dự tính chỉ bán một số cầu thủ quá “băm” và kẻ nổi loạn Balotelli; những tân binh nếu đến cần phải chờ cái “gật đầu” của thuyền trưởng mới R. Benitez. Bản thân R. Benitez cũng muốn ổn định đội hình để có sự khởi động trước khi mùa giải mới. Ông thừa hiểu chỉ cần giữ đội hình hiện tại, Inter cầm chắc vô địch Serie lần thứ 6 – điều này sẽ giúp ông tại vị yên ổn trước khi nghĩ đến chuyện bảo vệ chức vô địch Champions League.

Tài năng của Benitez không ai có thể phủ nhận nhưng với cá tính của mình, không hiểu Benitez có thay đổi lối chơi của Inter để tránh “mang tiếng” “ăn hôi” thành quả Mourinho hay không? Thay đổi lối chơi là điều cần làm những sớm quá cũng nhiều khi phản tác dụng.

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

TS TRẦN QUANG ĐẠO: TIN Ở CHẤT LƯỢNG CHUYÊN MÔN!


Đến hẹn lại lên, Giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng toàn quốc 2010 tranh cúp Yamaha được tổ chức vào kì nghỉ hè giúp các em độ tuổi nhi đồng (U11) và thiếu niên (U13) có một sân chơi bổ ích và góp phần phát hiện tài năng trẻ cho bóng đá nước nhà. Những trận đấu bảng của Vòng chung kết cho lứa tuổi thiếu niên đang diễn ra ở Bình Đình, Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn TS Trần Quang Đạo – Tổng biên tập Báo Nhi đồng, Trưởng ban Tổ chức xung quanh giải đấu năm nay.


Phóng viên: Là một giải đấu có truyền thống 15 năm, hẳn công tác chuẩn bị cho giải đấu đã rất kĩ càng?

TS Trần Quang Đạo: Tất cả các khâu từ công tác nhân sự tránh sự gian lận tuổi, tổ chức thi đấu vòng loại, lựa chọn địa điểm và thời gian tổ chức vòng chung kết và kêu gọi tài trợ không gặp trở ngại nào đáng kể. Mừng hơn khi công ty Yamaha Motor Việt Nam sẽ còn tài trợ cho giải trong 3 năm tới.

Phóng viên: Xin ông cho biết qua về những đội bóng thiếu niên đáng chú ý ở vòng chung kết 2010?

Sau vòng loại, 16 đội bóng mạnh nhất cùng với nhà vô địch năm 2009 Long An và đội chủ nhà Bình Định được chia làm 4 bảng đấu như mọi năm. Những đội bóng đáng chú ý không phải là những địa phương có sự đầu tư tốt cho bóng đá trẻ như Đà Nẵng, Viettel; thậm chí những “lò” đào tạo nổi tiếng như Nghệ An lại bị loại ở vòng bảng. Ở các giải trẻ, luôn có những bất ngờ từ những đội bóng “vô danh”. Nhìn chung, chất lượng các đội năm nay khá đồng đều thể hiện ở thế trận các trận đấu đã diễn ra giằng co.

PV: Thưa, ông có nhận định gì về chất lượng chuyên môn những trận đấu đầu tiên của giải thiếu niên đã diễn ra?

Những trận đấu đầu tiên nói chung diễn ra rất hấp dẫn và gay cấn, có chất lượng tốt đơn cử như An Giang hòa Ninh Thuận 2 đều, Bình Bịnh thắng Hà Nội 4-2. Điều hơi tiếc là nhiều trận đấu có ít bàn thắng, cụ thể là có 2 trận diễn ra với kết quả 0 đều. Song, bản sắc của Giải đấu cho các em thiếu niên là sự hồn nhiên thì vẫn là điểm nhấn đáng chú ý. Tôi tin càng vào vòng trong, giải đấu sẽ có chất lượng chuyên môn cao hơn và sẽ có những bất ngờ thú vị.

PV: Báo Nhi đồng có kế hoạch nào khác để cùng với các nhà quản lí để tạo điều kiện cho các em phát triển tài năng?

Báo Nhi đồng đã đề nghị Liên đoàn bóng đá Việt Nam thành lập một trung tâm huấn luyện bóng đá trẻ để giúp đỡ các em có năng khiếu để theo đuổi bóng đá. Tuy chưa thực hiện ngay nhưng chúng tôi sẽ kiên trì vận động để trung tâm sớm ra đời.

HÀM ĐAN (thực hiện)

PHIM REMAKE: HƯỚNG ĐI CỦA THỜI ĐẠI

Năm châu cùng “remake”

Ngày nay, ở Hollywood, số lượng phim remake (phim làm lại) trong danh sách phim mới ngày càng nhiều (75 phim trong năm 2010). Phim remake hiểu theo nghĩa hẹp là làm lại phim kinh điển như The Wolfman (Người sói) (2010) làm lại bộ phim cùng tên sản xuất năm 1941. Nhưng remake hiểu theo nghĩa rộng là những phim mới sử dụng lại gần như toàn bộ chất liệu, phong cách, cấu trúc của các phim đình đám năm xưa. Đơn cử gần đây như: Public enemies (Tạm dịch: Kẻ thù quốc gia) (2009) làm lại phim Dillinger (1945), phim King Kong có những 3 phim làm năm 1933, 1976 và 2005.

Hiểu theo nghĩa rộng, có nhiều cấp độ remake khác nhau. Thông thường, người ta xem “điểm nhấn” mà bộ phim mới đã đạt được để so sánh với các phim trước. Chẳng hạn, nội dung phim Hero (Anh hùng) (2002) của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu không làm lại một bộ phim nào song “điểm nhấn” đáng chú ý của bộ phim là kĩ thuật tự sự lại gần như copy của phim Rashomon (Cổng thành Rashomon) (1950) của Akira Kurosawa; khi sự thật của câu chuyện hoàn toàn không thể xác định do sự sai khác qua lời tự thuật của các nhân vật; nên Hero thực chất là phim remake của Rashomon. Ngược lại, câu chuyện tình lãng mạn giữa anh chàng hạ lưu Jack với quý bà Rose trong Titanic (1997) của James Cameron y chang mối tình “chị em” Isabella và Wynn trong loạt phim truyền hình Titanic (1996); nhưng Titanic của James Cameron trở nên vĩ đại làm lu mờ những phim Titanic trước đó bởi hiệu quả của kĩ xảo điện ảnh đạt đến đẳng cấp bậc thầy.

Không mấy người cho rằng phim làm tiếp (sequel) là remake cho dù diễn viên chính phim sau hoàn toàn từ phim trước nhưng mỗi tập phim có cốt truyện, kĩ thuật tự sự riêng. Các nhà sản xuất không cố định số phần cho mỗi bộ phim, nên có loạt phim về điệp viên 007 đã lên tới hàng chục bộ phim. Thường các bộ phim sequel có 3 phần (trilogy), đỉnh cao nhất có lẽ là bộ ba của đạo diễn Hong Kong Vương Gia Vệ gồm Days of being wild (Những ngày hoang dại) (1991), In the mood for love (Tâm trạng khi yêu) (2000) và 2046 (2004). Cái hay của bộ ba này là tuy nội dung và hình thức mỗi phim trái ngược nhau nhưng xét tổng thể thì thông điệp nghệ thuật, tinh thần lãng mạn bao trùm trilogy tạo nên phong cách không thể bắt chước; đến nỗi nhắc đến phim nghệ thuật của Hong Kong là nhắc đến phim của Vương Gia Vệ.

Không chỉ có những nền điện ảnh đi sau như Hàn Quốc, Hong Kong, Ấn Độ remake thường xuyên và liên tục phim Âu-Mĩ mà ngay cả “anh cả” Hollywood cũng chẳng ngại remake phim của đám “hậu sinh” như trường hợp phim The departed (Kẻ quá cố) (2006) đoạt giải phim hay nhất Oscar 2006 remake Infernal Affairs (Vô gian đạo) (2002) của Hong Kong.

Trào lưu tất yếu

Nhiều khán giả ngây thơ xem phim thỉnh thoảng thốt lên: Đạo diễn “đạo phim”! Điều này là hoàn toàn sai lầm. Khi chuẩn bị remake một bộ phim nào đó nhà sản xuất tuyên bố một cách công khai: Phim này là phim remake! Và chuyện bản quyền ở nước ngoài rất nghiêm nên chẳng bao giờ có trường hợp bị kiện vì remake.

Việc “chôm” ý tưởng thì chẳng ai cấm, phim của đạo diễn hàng đầu hiện nay có thể “gom” từ 100 phim khác nhau. Điều này xuất phát từ thực tế: mọi chất liệu, đề tài đã đã được khai thác. Kể từ kịch bản phim The hour (Những giờ khắc) (2002) làm tất cả kinh ngạc với kịch bản sử dụng kĩ thuật dòng ý thức làm đồng hiện các khoảng khắc thời gian một cách nhuần nhuyễn thì hầu như các bộ phim khác đều lặp lại các motif hay kết cấu có sẵn. Bí kịch bản nên remake là điều nghiễm nhiên. Nhưng, mặt khác, văn hóa hậu hiện đại khuyến khích sự sáng tạo lại trên chất liệu là các tác phẩm cũ như bên văn chương có khuynh hướng rewrite (viết lại). Dĩ nhiên, sáng tạo lại không có nghĩa là copy 100% mà phải có sự sáng tạo mới ở điểm nào đó. Trong điện ảnh là kĩ xảo, kĩ thuật tự sự… để một bộ phim là một chỉnh thể nghệ thuật.

Yếu tố thương mại góp phần khiến trào lưu remake là điều tất yếu. Việc thưởng thức nghệ thuật (trong đó có phim ảnh) của khán giả thường đi bị “tự động hóa” nên vài chục năm họ vẫn thích một kiểu anh hùng làm việc gì cũng giỏi và không bao giờ chết khi đọ súng để lập chiến tích như cứu người đẹp. Hễ phim về anh hùng còn hút khán giả là sẽ remake hay sequel để thu lời cho các nhà sản xuất. Ai thích làm “nhà cách mạng” sẽ phải chấp nhận “được ăn cả, ngã về không” bởi cái mới mấy ai chấp nhận ngay. Như phim Rashomon trước khi ẵm giải Sư tử vàng LHP Venice (1951) và Oscar phim nước ngoài hay nhất (1952) đã từng bị khán giả Nhật xếp là phim dở nhất trong năm do họ không hiểu nội dung phim.

Remake, sequel hay phim gốc thực ra không quan trọng. Người xem phim đòi hỏi một bộ phim phải có cái gì đó khác. Nếu không bộ phim đó coi như xem để giết thời gian chứ không thể ám ảnh người xem được. Muốn để người xem “mất ngủ” thì những người sản xuất phải là những tài năng.

Chuyện ở Việt Nam: Remake “vô thức”

Ở Việt Nam giờ cũng có phim remake. Xuất hiện ồ ạt bằng các phim sitcom như Ngôi nhà hạnh phúc, Cô gái xấu xí… dưới cái mác “phiên bản Việt Nam”, “Việt hóa”. Nguyên nhân của việc phim Việt remake có thể mất cả tháng để bàn luận từ thiếu tiền, thiếu tài, cơ chế… Nhưng, sâu xa nhất là tư duy của người làm phim “đang giậm chân tại chỗ” một cách “vô thức”. Chẳng hạn phim hài tình cảm Lấy vợ Sài Gòn (2005) là câu chuyện của anh nhà quê vụng về sống ở đô thị nhưng vô tình vớ được tiểu thư chân dài. Motif này thực ra là sự lặp lại phim Tứ quái Sài Gòn có minh tinh Thẩm Thúy Hằng đóng ở miền Nam trước năm 1975.

Hơn 30 năm, thêm hai thế hệ khán giả mới đồng nghĩa “gu” thưởng thức đã khác xa, vậy mà vẫn vô tư đem cái tư duy làm phim “xưa như Trái đất” để hòng “lấy tiền thiên hạ”. Chả trách, khán giả Việt không muốn quay lưng lại với phim Việt nhưng không thể vừa xem vừa nhặt “sạn” nên đành ùn ùn đến rạp tạo kỉ lục 1 triệu USD doanh thu bán vé cho phim Avatar.

Có người đặt ra vấn đề remake một vài phim Việt Nam trụ được theo thời. Điều này có thể làm nhưng cần thận trọng. Lấy ví dụ phim Biệt động Sài Gòn. Nếu làm lại riêng về tiết tấu phim chắc chắn chất hình sự của Biệt động Sài Gòn sẽ hay hơn hẳn nhưng ai dám chắc lớp diễn viên mới sẽ đóng thành công những nhân vật không cùng tâm thế.

Trước mắt không nên remake vì có những đề tài và cách thức biểu đạt nhiều tiềm năng chưa chạm tới. Chỉ cần trông sang khu vực châu Á, những phim của Iran, Thái Lan, Hàn Quốc… đạt giải thưởng lớn trên thế giới gần chục năm lại đây có chất liệu lấy từ đời thường và kinh phí sản xuất ngang bằng một bộ phim Việt được bao cấp không ai xem.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

PHAN KHÔI: NHÀ BÁO - NHÀ TRÍ THỨC LỚN

Trong trí nhớ hậu thế, Phan Khôi (1887 - 1959) là một người yêu nước thuộc thế hệ nho sĩ cuối mùa. Ông từng hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tham gia biểu tình đòi giảm thuế, ông bị bắt giam. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được Bác Hồ mời từ Quảng Nam ra Hà Nội với cương vị một nhà văn hóa. Hòa bình lập lại (1954), Phan Khôi về Hà Nội tiếp tục hoạt động văn hóa cho đến khi qua đời.

Về sự nghiệp, hầu như, Phan Khôi (1887 - 1959) chỉ được xem như là người chính thức mở đường cho phong trào Thơ mới (1932 - 1945) bằng bài thơ Tình già đăng trên báo Phụ nữ tân văn (số 122 ra ngày 10-3-1932). Thế nhưng, từ năm 2003 đến nay, 5 cuốn sách “Tác phẩm báo chí” của Phan Khôi (từ năm 1928 đến 1932) do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tâm và biên soạn đã tái phát hiện sự nghiệp của một nhà báo lớn, một học giả khoa học xã hội và nhân văn uyên bác.

Đỗ tú tài năm 18 tuổi song ông bỏ bút lông sang cầm bút sắt học chữ Quốc ngữ và Pháp ngữ. Kiến thức Đông Tây kim cổ hình thành dần nhờ tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên của một ông đồ Quảng. Số “vốn” dày dặn đã giúp Phan Khôi “động” bút, thậm chí là chủ bút “ngầm” các tờ báo quan trọng nhất Đông Dương như Đông Pháp thời báo, Nam Phong, Sông Hương, Tràng An, Thần chung, Lục tỉnh tân văn… Lịch sử báo chí chắc chắn không thể bỏ qua Phan Khôi như một trong những nhà báo lớn nhất.

Vế sau con người Phan Khôi như một nhà trí thức dần lộ diện qua buổi seminar “Về Phan Khôi như một trí thức qua hoạt động báo chí”, trong khuôn khổ chương trình tọa đàm “Góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức” của Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh tổ chức ngày 9-7 vừa qua.

Trí thức trước là một người chuyên môn giỏi. Song, để là một trí thức đích thực, cần phải có tiếng nói vào phản biện các vấn đề xã hội một cách khách quan và trung thực. Phan Khôi là cháu ngoại Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, lại thừa thông minh để để thi đỗ làm quan nhưng suốt đời, Phan Khôi chỉ là một học giả “ngoài lề” góp tiếng nói phản biện; ngay cả làm báo, ông chỉ sống bằng nhuận bút chứ không hề dùng báo chí để làm chính trị hay “kinh doanh”. Cho nên, Phan Khôi rất thẳng thắn trong tranh biện cho dù “đối thủ” tranh biện có là quan Thượng thư Phạm Quỳnh, nhà cách mạng Hải Triều hay người có quan hệ họ hàng như Lê Dư…

Sự tranh biện của Phan Khôi không chỉ xuất phát từ tính cách con người “Quảng Nam hay cãi”; sâu xa hơn, những vấn đề tranh luận mà Phan Khôi khơi ra hoặc tham gia tranh luận trên báo chí là những vấn đề phát sinh trong đời sống văn hóa-xã hội đòi hỏi phải đặt lại cách nhìn nhận mới trong bối cảnh Việt Nam đầu thế kỷ XX mới bước đầu bước ra thế giới. Chẳng hạn, Phan Khôi lên tiếng về vai trò người phụ nữ có quyền tham gia các hoạt động xã hội, có quyền được học hành và nuôi chí tiến thủ, chủ trương phải tạo nên một môi trường sống bình đẳng cho người phụ nữ qua hàng loạt các bài viết: Văn học với nữ tánh, Chữ trinh, cái tiết và cái nết, Vấn đề giải phóng phụ nữ với nhân sinh…

Sự tranh biện của Phan Khôi không phải để triệt hạ người khác, để chứng tỏ mình giỏi hơn mà để góp phần tiệm cận, làm sáng rõ chân lí giúp cho nhận thức dư luận xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ. Đó đích thực là những việc làm của một trí thức, một người yêu nước bằng ngôn luận.

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

H. WEBB: "CÒI VÀNG" 2010?

Tuần trước, FIFA đã công bố tổ trọng tài sẽ điều khiển trận chung kết World Cup 2010 là tổ trọng tài người Anh gồm có trọng tài chính H. Óep-bơ (sinh năm 1971) và hai trợ lí trọng tài là Đa-ren Can (sinh năm 1969) và Mai-cơn Mu-lắc-cây (sinh năm 1970). Điều này không làm nhiều người bất ngờ vì tổ trọng tài này đã điều khiển 3 trận đấu gồm 2 trận ở vòng bảng là Tây Ban Nha – Thuỵ Sĩ, Xlô-va-ki-a – I-ta-li-a và trận vòng 1/8 Bra-xin – Chi-lê khá tốt.

Hai vị trợ lí trọng tài của trận chung kết sắp tới đều được phong trọng tài FIFA cách đây 3 năm. Điều đó không có nghĩa họ non kinh nghiệm bởi nơi mà hai vị trọng tài làm nhiệm vụ chạy dọc đường biên là Giải ngoại hạng Anh – nơi tốc độ trận đấu diễn ra chóng mặt. Hai trợ lí gắn kết với Óep-bơ trở thành tổ trọng tài chuyên môn giỏi nhất của Anh; hầu như, những giải đấu do FIFA tổ chức đều phải mời bằng được bộ ba đến “cầm cân”.

Dĩ nhiên, Óep-bơ - trọng tài chính được biết tiếng hơn. Nếu không làm nghề trọng tài, Óep-bơ sẽ mãi chỉ làm công việc cảnh sát thầm lặng ở Nam Gióoc-sai. Năm 1989, tận dụng thời gian nghỉ phép, Óep-bơ bắt đầu bước vào nghề trọng tài ở giải đấu địa phương. Mãi đến năm 1998, ông mới tham gia các trận đấu các nhất ở giải ngoại hạng với vai trò là trợ lí trọng tài. Và phải mất thêm 5 năm nữa mới được cầm còi thổi phạt những cầu thủ như Câu, Lam-pát, Ru-ni… Đọc lí lịch của Óep-bơ cũng đủ thấy chẳng phải ai cũng theo được nghề “làm dâu trăm họ” và phải có “số” mới “nổi” lên được. Óep-bơ để lại ấn tượng với cái đầu trọc và khuôn mặt bặm trợn nhìn uy phong không kém trọng tài về hưu P. Cô-li-na. Năm 2005, Óep-bơ được phong trọng tài FIFA và được bắt chính ở trận siêu cúp nước Anh giữa Chelsea và Liverpool. Đến cuối năm, ông được bắt trận quốc tế đầu tiên là trận giao hữu giữa Bắc Ai-len và Bồ Đào Nha.

Đến Euro 2008, Óep-bơ mới bị dính tai nạn nghề nghiệp khi tưởng tượng một quả phạt đền dành cho đội đồng chủ nhà Áo trong trận tiếp Ba Lan. Lẽ dĩ nhiên, người ta cũng chóng quên sai lầm rất… con người và sau cú vấp đó, Óep-bơ vẫn cầm còi một cách chuẩn xác.

Năm 2010, Óep-bơ cầm còi trận chung kết Champions League giữa Inter Milan và Bayern Munich. Óep bắt chính xác đến nỗi chẳng ai có thể “vạch” lỗi nhỏ nào. Cho nên, việc chọn Óep-bơ bắt chính trận chung kết World Cup 2010 là quyết định “an toàn” của FIFA trong bối cảnh các trọng tài “bắt toàn sai” đến độ “còi vàng” lừng danh I-ta-li-a Rô-sét-ti tuyên bố giải nghệ.

Ngoài việc ủng hộ cho “gà nhà”, có lẽ các fan cũng nên cầu mong để bộ ba nước Anh, đặc biệt “gã đầu trọc” Óep-bơ không mắc sai sót ở thời điểm quan trọng khiến diễn biến trận đấu không bị ảnh hưởng. Nếu Óep-bơ bắt tốt đồng nghĩa ông chính là người xứng đáng được báo chí thế giới ngợi ca “còi vàng” 2010!

HÀM ĐAN

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

MUELLER - NGÔI SAO TUỔI HAI MƯƠI!

Thô-mát Mu-lơ sinh năm 1989. 10 tuổi, anh gia nhập “hùm xám” Bayern Munich. Sự nghiệp “quần đùi áo số” của Mu-lơ phát triển khá thuận lợi. Tài năng của cầu thủ trẻ Mu-lơ đã lọt vào “mắt xanh” của những tuyển trạch viên. Mu-lơ lần lượt khác áo các đội tuyển từ U16 đến U21 của nước Đức. Đến kì World Cup 2010, anh chính thức có tên trong danh sách 23 tuyển thủ Đức bay đến Nam Phi với tư cách là cầu thủ trẻ nhất.

Trên danh sách báo chí, số 13 Mu-lơ là một tiền đạo thế nhưng HLV J. Lớp đã bố trí cho Mu-lơ ở vị trí tiền vệ tấn công hỗ trợ cho trung phong M. Klâu-dơ và tiền đạo lùi L. Pô-đônx-ki. Vị trí này tương tự với số 13 của đội trưởng Ba-lắc vắng mặt vì chấn thương. Trong cái rủi lại có cái may, Mu-lơ vượt trên vai trò đóng thế để chơi xuất sắc ở kì World Cup lần này với thành tích 4 bàn/ 5 trận. Sự tỏa sáng của Mu-lơ trong lần đầu góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh khiến nhiều người hoài cổ nhớ lại sự xuất hiện lần đầu của “hoàng đế” F. Bếch-ken-bau-ơ ở World Cup 1966.

Nên nhớ, Bếch-ken-bau-ơ là người phát minh và thiện thân hoàn hảo nhất của vị trí li-bê-rô trong bóng đá. Đó là cầu thủ làm nhiệm vụ chính là phòng ngự nhưng có thể tham gia tấn công tạo hiệu quả đến bất ngờ. Vị trí của Mu-lơ không mới nhưng dưới sự chỉ đạo chiến thuật của Lớp, Mu-lơ chính là một mắt xích không thể thiếu. Hai trận đấu giữa Anh và Ác-hen-ti-na, 4 cầu thủ Mu-lơ, Xgoai-tai-gơ, Pô-đônx-ki, Klâu-dơ luôn tạo sức ép để hủy diệt đối phương và trong 4 cầu thủ, 2 người đó trục dọc sân bóng là người dứt điểm. Một đấu pháp lạ lùng phát huy tối đa sức mạnh của tiền vệ công.

Sự vắng mặt đáng tiếc của Mu-lơ ở bán kết là một trong những nguyên nhân mà Đức đã thua Tây Ban Nha. Trận tranh giải 3 với U-ru-goay là cơ hội cuối cùng để Mu-lơ khẳng định tài năng ở giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới. Quá sớm để khẳng định Mu-lơ sẽ lập được những kì tích như các bậc đàn anh nhưng tương lai ở đội tuyển Đức và câu lạc bộ Bayern Munich đang rộng mở với Mu-lơ để anh thể hiện tài năng thiên bẩm của bản thân.

HÀM ĐAN

"QUÂN XANH" URUGUAY?

Trận tranh giải 3 theo truyền thống các kì World Cup thường kém hấp dẫn. Đội bóng nào duy trì động lực thi đấu thường là đội chiến thắng chứ không phải là đội bóng có đẳng cấp cao hơn.

Thất bại của U-ru-goay và Đức ở vòng bán kết là hệ quả của những kẻ yếu thế nên chẳng có niềm tiếc nuối lưu lại. Vì vậy, trận đấu tranh giải 3 của World Cup 2010 không thuộc logic nói trên. Với đội tuyển Đức ở tuổi đôi mươi, vị trí thứ 3 sẽ đem lại vinh quang cho các cầu thủ mới chập chững lên tuyển và nâng giá trị chuyển nhượng sau World Cup; nên, đội Đức sẽ không “buông” trận đấu này. Một khi người Đức đã lên “dây cót” tinh thần, “binh đoàn tăng” sẽ chẳng “ngán” bất cứ đối thủ nào. Ai cũng biết, vị trí thứ 3 với U-ru-goay là một giấc mơ còn lâu mới lặp lại nên trận đấu “thủ tục” trên sân vận động Vịnh Nen-xơn Man-đê-la có ý nghĩa tương đương một trận chung kết.

Một trận đấu được dự đoán hấp dẫn, “điểm nóng” thường sẽ chỉ nằm ở khu vực giữa sân. Bởi trong bóng đá hiện đại hay chí ít ở kì World Cup 2010, đội bóng nào kiểm soát nhiều bóng hơn sẽ có nhiều pha bóng nguy hiểm dẫn đến bàn thắng, qua đó giành thắng lợi cuối cùng. Nhìn lại những trận đấu đã qua, rõ ràng hàng tiền vệ của Đức mạnh hơn hẳn U-ru-goay; nhất là khi mảnh ghép quan trọng T. Mu-lơ sẽ trở lại. Nếu bóng ở nhiều trong chân các cầu thủ Đức thì “điểm nóng” trên sân sẽ di chuyển xuống…sát khung thành thủ môn U-ru-goay. Chỉ cần vài cầu thủ Đức ở tuyến trên là đủ gây áp lực thường xuyên và các cầu thủ U-ru-goay chỉ còn mỗi một nhiệm vụ áp sát để “giải vây”. Trận đấu sẽ trở thành một buổi đá tập mà “quân xanh” sẽ là U-ru-goay!

Niềm hi vọng của U-ru-goay lại đặt vào Phoóc-lan. Số 10 không tỏa sáng, U-ru-goay sẽ không co bàn thắng để thi đấu “lên đồng” như 15 phút cuối ở trận bán kết với Hà Lan- khi đó, đội bóng áo xanh da trời mới có thể làm khó Đức.

Dự đoán Đức thắng 3-1
HÀM ĐAN

CARLES PUYON: NGƯỜI HÙNG THẦM LẶNG!

Các-lét Puy-on luôn được xếp vào diện cầu thủ… xấu trai nhất với mái tóc xù như búi rơm trên một khuôn mặt nhàu. Thế nên, anh chẳng “nổi” bằng các hậu vệ đẹp mã và hào hoa cùng thời như Ra-mốt, Te-ri, Câu, Nétx-ta… Nhưng xét về tài năng anh không hề thua kém; và nếu tính số danh hiệu, những tên tuổi “hot” kia chỉ đáng “xách dép” cho Puy-on.

Là người xứ Ca-ta-lăng, như mọi cậu bé có ước mơ gia nhập “gã khổng lồ” Barcelona; vào năm 1995 vừa tròn 17 tuổi, Puy-on gia nhập đội trẻ của câu lạc bộ này với vị trí hậu vệ phải. Song, vị trí trung vệ mới làm nên tên tuổi Puy-on. Từ đây, anh nổi lên như thủ lĩnh mới của đội bóng Barcelona thời “hậu L.Van Gaal”. Chiến tích Barcelona ở La Liga và Champions League 5 năm gần đây, ngoài sự đóng góp của hàng tiền vệ siêu kĩ thuật và hàng tiền đạo “nguyên tử”, còn là hàng thủ vững chắc dưới sự chỉ huy thầm lặng của trung vệ - đội trưởng Puy-on.

Trên đấu trường quốc tế, sau những vấp ngã đau đớn ở Euro 2004 và World Cup 2002, 2006; cuối cùng, quả ngọt đã đến với Puy-on khi Tây Ban Nha đã đăng quang Euro 2008.

Kì World Cup 2010 ở Nam Phi, Puy-on dẫu không còn trẻ vẫn được ông Bốtx-quê tin tưởng giao cho suất đá chính. Không thể nói Puy-on đã chơi suất sắc như Ca-na-va-rô năm 2006 nhưng ít nhất Puy-on đã thi đấu “tròn vai”. Anh không mắc những sai lầm tai hại, phối hợp bọc lót tốt với Pích-kê và như thường lệ, tinh thần thi đấu quên mình giúp cho những ai yêu Tây Ban Nha cảm thấy vững tâm.

Trận bán kết với “binh đoàn tăng” Đức là một thử thách cam go ngay cả với chiến binh lão luyện như Puy-on. Với kinh nghiệm dạn dày, anh đã “bắt chết” tay săn bàn Klâu-dơ. Điều đặc biệt với Puy-on trong trận đấu nghẹt thở này là anh có bàn thắng thứ 3 cho đội tuyển quốc gia. Phút 73, Tây Ban Nha được hưởng phạt góc, Puy-on đánh đầu dũng mãnh ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Sức ép tấn công nhằm tìm bàn gỡ hòa của Đức ở những phút còn lại là khủng khiếp. Nhưng Puy-on vẫn cùng với các đồng đội giữ vững cách biệt mong manh.

Kết quả trận chung kết vẫn còn ở thì tương lai song với tất cả những gì đã làm được, cái tên Puy-on xứng đáng được ghi nhớ như là một trong những trung vệ bóng đá xuất sắc đầu thế kỷ 21.

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

DIEGO FORLAN: NGÔI SAO SÁNG MUỘN!

Năm 2010, có thể xem là một năm thành công của tiền đạo Đi-ê-gô Phóc-lan. Với câu lạc bộ Atlético Madrid, anh ghi cả 2 bàn trong chiến thắng 2-1 trước Fulham (Anh) tại chung kết Europa League. Đó là phần thưởng muộn mằn cho tiền đạo đã 31 tuổi và từng lận đận trong màu áo Manchester United và Villarreal (Tây Ban Nha). Ở vòng loại World Cup khu vực Nam Mỹ, Phóc-lan ghi 7 bàn giúp U-ru-goay đến Nam Phi thông qua suất play-off. Bước vào kì World Cup lần thứ 19, Phóc-lan chính là ngôi sao lớn nhất, là niềm hi vọng của “cựu vương” U-ru-goay.

Bằng tốc độ, kĩ thuật, khả năng dứt điểm toàn diện, số 10 của U-ru-goay đã không phụ sự kì vọng của các fan. Anh lập cú đúp trong chiến thắng 3-0 trước chủ nhà Nam Phi. Chiến thắng bản lề này đưa U-ru-goay xếp đầu bảng đấu có sự góp mặt của á quân Pháp. Phát hiện mới ở Phóc-lan tại giải đấu này chính là khả năng kiến tạo; đường chuyền dọn cỗ cho người đá cặp Xu-a-rét đã khiến “những con hổ châu Á” Hàn Quốc về nước sớm.

Trận tứ kết với “những ngôi sao đen” Ga-na, Phóc-lan chơi xuất sắc khi ghi 1 bàn trong 2 hiệp chính và là người đầu tiên thực hiện màn “đấu súng” căng như dây đàn. Chiến thắng đã mất “vui” khi Xu-a-rét – người đá cặp ăn ý với Phóc-lan bị truất quyền thi đấu sau một tình huống “chơi bóng chuyền”.

Cặp “song sát” “mỗi người một ngả” đồng nghĩa với cơ hội lọt vào trận chung kết chỉ còn là hy vọng mong manh khi đối thủ là “những người Hà Lan bay”. Một mình cô độc trên hàng công, ngỡ tưởng Phóc-lan sẽ “lạc lối” trước hàng thủ Hà Lan chơi kín kẽ thì anh đã gỡ hòa 1-1 bằng một bàn thắng “để đời” từ cú sút chân trái đẳng cấp. Nhưng đó chưa phải là điều đáng khen nhất về Phóc-lan trong trận bán kết; trong trận đấu này, anh chứng minh mình là thủ lĩnh đích thực khi dẫn dắt lối chơi, là điểm tựa tinh thần cho của tập thể có trình độ tầm trung và đã bị dẫn tới 2 bàn. Nếu trận đấu có thêm vài phút nữa, không khéo U-ru-goay đã có thể gỡ hòa 3-3, tinh thần quật khởi của U-ru-goay dưới sự chỉ huy của đội trưởng Phóc-lan (thay cho Lu-ga-nô bị chấn thương) là một minh chứng cho sức mạnh tinh thần của U-ru-goay.

Dù không thể lọt vào chung kết như 60 năm trước nhưng Phóc-lan có thể tự hào khi vượt qua thành tích lọt vào tứ kết của người cha Páp-lô Phóc-lan tại World Cup 1966. “Con hơn cha là nhà có phúc” – nếu bóng đá U-ru-goay có thêm những tài năng như Phóc-lan, lần thứ 3 xưng vương tại World Cup không phải là chuyện nói chơi.

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

ÁO DÀI NHÌN TỪ HÀ NỘI

Qua mấy tấm hình chụp những quý bà Tonkin ngồi trên sập hút thuốc hồi người Pháp mới đặt Hà Nội là thủ phủ Liên bang Đông Dương đến vô vàn ảnh chân dung “gái mới” vén liễu Bờ Hồ hồi Mặt trận bình dân, đủ giúp đám cháu chắt bây già các cụ hình dung sự tiếp biến bất ngờ và tuyệt diệu từ áo ngũ thân đến áo dài Le mur do ông họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu ở hiệu may phố Hàng Da.

Như bao điều mới mẻ và mang tiếng “lai căng”, “thời thơ ấu” của áo dài không thi vị như hình ảnh “tóc dài, tà áo vờn bay” (Ngày xưa Hoàng thị) đi vào thơ, nhạc sau này. Riêng cách gọi người vận áo dài là “gái mới”, “gái tân thời” cũng biển hiện thái độ xách mé. Có giai thoại kể rằng: một bà nạ dòng không hiểu do ghen tuông hay vì ngứa mắt đã hùng hổ xé rách áo dài “gái tân thời” ngay trên một con phố Hà Nội.

Nhờ sự đỡ đầu của lớp người Âu hóa cuồng nhiệt như hình mẫu họa sĩ Typn trong Số đỏ; dần dà, áo dài được phái đẹp chuộng khắp ba kì. Nguyên do sâu xa để áo dài chinh phục giới nữ có phần hơi tế nhị. Áo dài thoạt nhìn thì kín đáo, đoan trang; song nếu nhìn nghiêng thì đường cong đặc ân của nữ tính khơi gợi thấp thoáng. Áo dài ra đời, vô hình trung đáp ứng tâm lí thầm kín của phụ nữ là muốn phô bày vẻ đẹp thân thể trong một xã hội nông nghiệp Nho giáo mấy nghìn năm lảng tránh chuyện sắc giới đang chuyển đổi giá trị và hình mẫu thẩm mĩ.

Hơn bảy mươi năm dòng thời gian trôi, ở Hà Nội, kiểu mẫu áo dài không mấy thay đổi. Những cải tạo trang phục này đều diễn ra ở mảnh đất phương Nam. Ở Sài Gòn, hơn bốn muơi năm trước, kiểu may áo dài với cách ráp tay raglan ra đời. Cách ráp này đã giải quyết được những nếp nhăn thường xuất hiện hai bên nách; đồng thời, cải biến ở chỗ hàng nút cài được bố trí chạy từ dưới cổ xuống nách, rồi kế đó chạy dọc một bên hông. Cũng vào thời gian này, cuộc cách mạng thay đổi hình dáng áo dài xảy ra, đầu trò là “bà đầm thép” Trần Lệ Xuân chưng áo dài “cổ thuyền”, áo dài gilet cho chị em Nam phần đua đòi theo cũng không mấy người hưởng ứng. Vẻ đẹp hài hòa, có chừng mực của áo dài Hà Nội xưa khó lay chuyển được. Sự khác của áo dài Sài thành có chăng là ở màu sắc sặc sở, chất liệu nhẹ phù hợp với xứ quanh năm nắng nôi.

Vốn là thành phố có tính mở, tận đầu thế kỷ XXI, ở Sài Gòn, thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện vài bộ thiết kế các dài “lạ mắt” trên sàn thời trang hay bìa tạp chí. Nhiều nhà thiết kế áo dài có tiếng đồng loạt lên tiếng phủ nhận những cách tân, mà chỉ xem là các bộ thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ áo dài. Công việc hiện nay của các nhãn hiệu áo dài nổi tiếng chỉ là “tô son điểm phấn” lên thiết kế đã thành khuôn mẫu cổ điển của các tiền nhân.

Như thủa xưa, thị dân mặc áo dài nhiều hơn người dân quê. Ở quê, họa hoằn lắm cô thôn nữ lam lũ mới ngơi tay đồng áng mặc áo dài đi chơi hội. Ở đô thị, kiều nữ đến trường, đến sở làm, đi tiếp khách mặc áo dài nhiều khi lại được nhiều ánh mắt mày râu chú ý hơn những hàng hiệu này nọ. Thế nên, có người còn mắc chứng “nghiện”, hễ ra đường là mặc áo dài.

Hà Nội nay không khốn khó đến độ chỉ mặc áo dài ở vài dịp trọng đại. Trong tủ quần áo con gái Hà thành không thể thiếu một bộ áo dài. Chẳng mấy khi được diện nên dù gia cảnh có thế nào thì chị em không tiếc tiền sắm một chiếc cho “tử tế”. “Tử tế” hiểu là đẹp, cái đẹp nếu mua được thì không rẻ. Không ai ra tiệm may áo dài yêu cầu may một bộ vừa đẹp, vừa rẻ như đi mua đồ điện tử. Cũng không ai đi sắm áo dài may sẵn vì áo dài tính cá nhân rất cao: mỗi chiếc chỉ may cho một người; người đi may lấy số đo thật kỹ; may xong phải qua một lần mặc thử để sửa mới hoàn thiện. Người Hà Nội vốn kĩ tính trong chuyện mặc nên dễ dàng bỏ vài triệu và khoảng thời gian tới hai tháng để sở hữu một bộ áo dài ưng ý.

Một bộ áo dài đẹp ngoài chuyện chất liệu, kĩ thuật may thì các họa tiết trang trí trên áo dài đặc biệt coi trọng. Các trang phục nữ giới cùng khu vực như Kimono của Nhật hay Hanbok của Triều Tiên được người ta xem là một tác phẩm nghệ thuật cũng bởi vẻ đẹp và kỹ thuật xử lí các họa tiết.

Vào các tiệm áo dài Hà Nội, để trang trí các họa tiết, phổ biến nhất là người ta thường vẽ lên áo dài bằng một dung môi đặc biệt. Ưu điểm của kỹ thuật này là thực hiện nhanh và không nhăn vải và giá thành rẻ. Nhưng chính điều này đã làm cho vẻ đẹp áo dài xuống cấp bởi một bộ áo dài được vẽ thì nghiễm nhiên trở thành một tác phẩm hội họa. Không một họa sĩ nổi tiếng nào lại vẽ mẫu áo dài cho nên áo dài vẽ chủ yếu là từ những họa sĩ nghiệp dư. Sẽ chẳng lạ nếu khách hàng nhìn thấy hình ảnh phố cổ bên nguyên xi lên tà áo qua cách thức sao chép theo kiểu soi gương. Hội họa cần có một sự phản ánh hiện thực có chiều sâu mới làm nới rộng chiều kích thẩm mĩ. Kĩ thuật thêu truyền thống, đính cườm hiện đại mới chính là đưa tính thẩm mĩ áo dài tiến thêm một bước. Hiển nhiên, vai trò của nhà thiết kế thời trang trong việc lựa chọn họa tiết gì và bố trí ở đâu trên tà áo dài để tôn lên vẻ đẹp của người mặc.

Xem ra trên bộ áo dài đã định hình, tưởng yên ổn còn bao điều ngổn ngang để những người gắn bó với quốc phục dồn tâm huyết hoàn thiện vẻ đẹp trang phục quê hương bởi đi tận cùng vẻ đẹp dân tộc ta sẽ hòa nhập với thế giới.

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

URUGUAY - GHANA (1H30 A.M 3-7)

“Ngựa ô” đọ tài

Sở dĩ gọi U-ru-goay và Ga-na là “ngựa ô” vì cả hai đội đều không được đánh giá cao nhưng lại lọt tới tận tứ kết. Con đường góp mặt trong nhóm “bát hùng” có khác nhau nhưng ít nhiều được “trải hoa” khi các đối thủ (nhất là ở vòng nốc-ao đầu tiên) chưa phải là các “đại gia”.

Đây là một trận đấu của hai đội chỉ ở dạng tầm trung thế giới nhưng sẽ hấp dẫn. Thứ nhất, “phần thưởng” cho kẻ chiến thắng là điều mà cả hai đội đều khao khát. Lần gần nhất U-ru-goay lọt vào bán kết cách đây tròn 40 năm. Với Ga-na, họ sẽ là đội bóng Phi châu đi xa nhất ở sân chơi World Cup. Ngoài niềm vinh dự vì màu cờ sắc áo, có lẽ hành trình ở World Cup của hai chú “ngựa ô” sắp chấm dứt. Vòng bán kết ư? “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”; bởi đối thủ tương lai là Đức hoặc Ác-hen-ti-na quá mạnh. Thứ hai, phong cách thi đấu của hai đội khác nhau “một trời một vực”. U-ru-goay luôn nổi bật với kỹ thuật và khả năng “dội bom” của cặp “song sát” Phóc-lan và Su-a-rét. Trái lại, Ga-na có thể lực châu Phi tuyệt vời làm nền tảng cho lối chơi nhanh, tốc độ; ưu điểm mới của Ga-na là ít nhiều có tính tổ chức, biết chọn thời điểm công hay thủ hợp lí – thành quả “nhào nặn” của HLV người Xéc-bi-a M. Ra-dê-vắc.

Bài học thua trận do đua sức với Ga-na ở hiệp phụ của Mĩ vẫn còn hiển hiện. Vì vậy, U-ru-goay muốn thắng họ sẽ phải giải quyết trận đấu trong 90 phút. Điều này là khả thi vì chất lượng đội hình của U-ru-goay hơn Ga-na và kinh nghiệm thi đấu là điều mà đội bóng Nam Mỹ vượt trội so với đội bóng châu Phi.

Dự đoán: U-ru-goay thắng 2-1

HÀM ĐAN

URUGUAY - GHANA (1H30 A.M 3-7)

“Ngựa ô” đọ tài

Sở dĩ gọi U-ru-goay và Ga-na là “ngựa ô” vì cả hai đội đều không được đánh giá cao nhưng lại lọt tới tận tứ kết. Con đường góp mặt trong nhóm “bát hùng” có khác nhau nhưng ít nhiều được “trải hoa” khi các đối thủ (nhất là ở vòng nốc-ao đầu tiên) chưa phải là các “đại gia”.

Đây là một trận đấu của hai đội chỉ ở dạng tầm trung thế giới nhưng sẽ hấp dẫn. Thứ nhất, “phần thưởng” cho kẻ chiến thắng là điều mà cả hai đội đều khao khát. Lần gần nhất U-ru-goay lọt vào bán kết cách đây tròn 40 năm. Với Ga-na, họ sẽ là đội bóng Phi châu đi xa nhất ở sân chơi World Cup. Ngoài niềm vinh dự vì màu cờ sắc áo, có lẽ hành trình ở World Cup của hai chú “ngựa ô” sắp chấm dứt. Vòng bán kết ư? “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”; bởi đối thủ tương lai là Đức hoặc Ác-hen-ti-na quá mạnh. Thứ hai, phong cách thi đấu của hai đội khác nhau “một trời một vực”. U-ru-goay luôn nổi bật với kỹ thuật và khả năng “dội bom” của cặp “song sát” Phóc-lan và Su-a-rét. Trái lại, Ga-na có thể lực châu Phi tuyệt vời làm nền tảng cho lối chơi nhanh, tốc độ; ưu điểm mới của Ga-na là ít nhiều có tính tổ chức, biết chọn thời điểm công hay thủ hợp lí – thành quả “nhào nặn” của HLV người Xéc-bi-a M. Ra-dê-vắc.

Bài học thua trận do đua sức với Ga-na ở hiệp phụ của Mĩ vẫn còn hiển hiện. Vì vậy, U-ru-goay muốn thắng họ sẽ phải giải quyết trận đấu trong 90 phút. Điều này là khả thi vì chất lượng đội hình của U-ru-goay hơn Ga-na và kinh nghiệm thi đấu là điều mà đội bóng Nam Mỹ vượt trội so với đội bóng châu Phi.

Dự đoán: U-ru-goay thắng 2-1

HÀM ĐAN