Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

"NGUYỄN TRÃI ĐÁNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ LÀ ĐẠI THI HÀO"

Năm 2010, nhà thơ Nguyễn Đỗ (hiện định cư tại Mĩ) và nhà thơ Paul Hoover (Giáo sư sáng tác văn học, Đại học California, Mỹ) đã chung tay dịch tuyển thơ Nguyễn Trãi (1380-1422) sang tiếng Anh với nhan đề Beyond the Court Gate (Rời xa triều đình) do Counterpath Press (Mỹ) ấn hành. Cuối tháng 5 vừa qua, bộ đôi này đã đi xuyên Việt 10 ngày để giới thiệu tập thơ đến bạn đọc Việt Nam tại Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh.

1. Trước khi trình làng tập thơ Beyond the Court Gate, Nguyễn Đỗ-Paul Hoover (Pôn Hu-vơ) đã cùng nhau thực hiện tuyển thơ tiếng Anh của các nhà thơ Việt Nam đương đại mang tên Black dog, Black night (Chó mực, đêm đen) do Milkweed Editions (Mỹ) xuất bản năm 2008. Tập thơ Black dog, Black night là bước đột phá trong việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới vì lẽ đây là tập thơ đầu tiên được chuyển ngữ nhằm mục đích thương mại hóa (18 USD/cuốn) và đã thành công với lượng tiêu thụ khả quan; đồng thời được đánh giá cao khi tạp chí thơ Coldfront (Mỹ) uy tín bình chọn là tuyển thơ xuất sắc nhất năm 2008 của nước Mỹ

Theo cách suy nghĩ logic, sau Black dog, Black night thì việc thực hiện Beyond the Court Gate là một sự nối tiếp “thừa thắng xông lên”; song, nhà thơ Nguyễn Đỗ đã phủ nhận điều này. Ông cho biết: Khi còn ở Việt Nam, ông đã thích thơ Nguyễn Trãi. Năm 2003, ông gặp lại một người bạn thân là nhà thơ Hoàng Hưng lúc đó đang ở Mỹ dự một hội thảo về thơ. Cả hai đã cùng nhau đọc lại thơ Nguyễn Trãi: “Trưa Cali thơ Nguyễn Trãi lặng người” (tập thơ Hành trình của Hoàng Hưng-Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2006). Nguyễn Đỗ đã quyết chí dịch thơ Nguyễn Trãi dù lúc đó trình độ tiếng Anh của Nguyễn Đỗ chưa thật tốt, vì ông tin ở một quan niệm khá cực đoan: Chỉ có nhà thơ mới có thể dịch được thơ! Qua Hoàng Hưng, Nguyễn Đỗ gặp Paul Hoover-nhà thơ hậu hiện đại hàng đầu của Mỹ. Cả hai nhanh chóng đạt được đồng thuận để giới thiệu thơ Việt Nam ra thế giới.

2. Việc dịch thơ đã khó, dịch thơ trung đại như thơ Nguyễn Trãi càng khó gấp đôi. Ngoài chuyện khác biệt về ngôn ngữ, còn là sự khác biệt về văn hóa. Nhiều trường hợp dịch thơ trung đại Việt Nam đã không thoát được sự rườm rà của chú thích nên chưa làm rung động bạn đọc nước ngoài. Chỉ đến khi bác sĩ-dịch giả lỗi lạc Nguyễn Khắc Viện dịch Truyện Kiều (NXB Thế giới, 1965) sang tiếng Pháp mới thoát khỏi “rừng” điển tích để có một văn bản dịch Truyện Kiều thanh thoát, được công nhận là một bản dịch xuất chúng. Có thể xem Nguyễn Đỗ như là người nối tiếp cách chuyển ngữ trên. Dù tác phẩm nào, Nguyễn Đỗ đều truyền đạt được “linh hồn” tác phẩm, ông từ bỏ việc chuyển ngữ y sì như nguyên tác vì điều đó chỉ là ảo tưởng!

Sự khó khăn ở dịch thơ Nguyễn Trãi còn vấp phải “chướng ngại vật” về khác biệt về hình thức thể thơ. Tiếng Việt gồm những từ một âm tiết, cùng với việc sử dụng thanh điệu đa dạng tạo ra một tiết tấu hoàn toàn khác với những từ đa âm tiết của tiếng Anh. Vì thế, dịch giả không thể tái lập nhịp của một bài thơ có niêm luật như thơ Nguyễn Trãi (một số âm tiết nhất định cho mỗi dòng, thường là bốn hay năm) mà phải dựa vào nhịp của tư duy và giọng điệu.

Nhiệm vụ của của Paul Hoover là từ văn bản của Nguyễn Đỗ, ông sẽ “sáng tác” lại thành những bài thơ tiếng Anh hay nhất có thể. Một số bài đạt được ngay từ vài phác thảo đầu tiên, những bài khác pahỉ nhiều lần thay đổi. Điều Paul Hoover nhấn mạnh là tìm kiếm mục tiêu của bài thơ, đặc biệt là logic trí tuệ và cảm xúc.

3. Việc hai nhà thơ bắt tay dịch thơ Nguyễn Trãi là sự tự nguyện, chẳng có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra bảo trợ công việc trên. Lợi nhuận thu được chỉ trông chờ vào việc bán sách và thù lao thuyết trình (500 đến 2.000 USD). Thật may, việc thuyết trình thơ Nguyễn Trãi rất được chờ đón ở Mỹ như lời Paul Hoover chia sẻ: “Ở Mỹ, chúng tôi đã có nhiều cuộc thuyết trình về thơ Nguyễn Trãi, và công chúng rất thích thông qua các bản dịch tiếng Anh”. Cũng cần nói thêm, chẳng có bất cứ lời mời nào để bộ đôi đến Việt Nam giới thiệu tập thơ, mà việc sang Việt Nam xuất phát từ ý tưởng khá “dị” của Paul Hoover: “Tôi muốn biết đất nước đã sinh ra ông ngày nay có còn biết đến con người của ông, nhất là những bài thơ của ông nữa hay không? Vậy nên, tôi và Nguyễn Đỗ đã đến đây như một cuộc khảo sát từ đó tìm cách truyền bá thơ Nguyễn Trãi một cách hiệu quả hơn”.

Nói ra những điều trên chỉ để phản ánh một thực trạng, việc quảng bá văn học Việt Nam vẫn chỉ là công việc của một số người tâm huyết, trong khi những chuyển động của các cơ quan chức năng vẫn chưa rõ rệt sau cái mốc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam đầu năm 2010. Dù nền văn học Việt Nam không phải là nền văn học lớn trên thế giới, nhưng các tác phẩm có giá trị vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi, và vì thế, vị thế văn học Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn. Lấy ngay ví dụ từ Nguyễn Trãi, Paul Hoover cho rằng, Nguyễn Trãi đáng được công nhận là một đại thi hào ngang tầm với William Shakespeare (Anh) và Đỗ Phủ (Trung Quốc) với một tầm tư tưởng trong thơ mang tính nhân loại, bao trùm mọi thời đại, nhất là tư tưởng nhân dân qua hai câu bất hủ trong bài Quan hải-Ngắm biển (Nguyễn Trãi toàn tập, 1969, Đào Duy Anh dịch): Phúc chu thủy tín dân do thủy/ Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên (Lật thuyền, thấm thía: dân như nước/ Cậy hiểm mong manh: mệnh ở trời). Đáng tiếc, tầm vóc của Nguyễn Trãi chưa được hiểu hết do chưa được dịch sang một ngôn ngữ quốc tế.

Sau tuyển tập Beyond the Court Gate, Nguyễn Đỗ và Paul Hoover sẽ thực hiện dự án “Tổng tập tinh hoa thơ Việt Nam xưa-nay” bao gồm thơ dân gian, thơ cổ điển, thơ hiện đại và đương đại góp phần quảng bá văn học Việt Nam đến với thế giới, đặc biệt là người đọc Mỹ. Dĩ nhiên ai cũng mừng và hoan nghênh việc làm nói trên của hai nhà thơ-dịch giả, nhưng chẳng lẽ chúng ta chỉ hoan nghênh suông thôi sao?

HÀM ĐAN