Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

REPORT SCHALKE 04-M.U: ĐÁNG LẼ PHẢI 5-0!

Đó là cảm tưởng chung của những người theo dõi trận bán kết lượt đi Champions League 2010-2011 giữa Schalke 04 và M.U. Khác với lối chơi “ru ngủ” thường thấy, ở trận này, M.U đã tấn công phủ đầu ngay từ khi tiếng còi khai cuộc và duy trì sức ép liên tục lên thủ môn Ma-nu-en Noi-ơ gần như trong 90 phút.

Qua trận đấu với M.U, giờ mới hiểu vì sao nhiều đại gia châu Âu sẵn sàng bỏ ra gần 20 triệu euro để sở hữu thủ môn Schalke 04-người vừa tuyên bố sẽ ra đi vào mùa hè này; bởi lẽ, chính Noi-ơ đã cản bóng thành công ở 6 lần giáp mặt với các cầu thủ M.U. Nhưng, một cánh én không làm nổi mùa xuân! Với một hàng tiền vệ không có khả năng tranh chấp bóng để phòng ngự từ xa, hàng thủ thiếu tập trung không kèm người ở những tình huống các cầu thủ M.U chạy chỗ thì dù Noi-ơ tài ba cũng phải vào lưới nhặt bóng hai lần.

Nếu có cái nhìn rộng lượng, khó trách các cầu thủ Schalke vì thực lực của họ đi đến bán kết đã là thành công ngoài mong đợi. Sau khi đánh bại đương kim vô địch Inter Milan ở tứ kết, yếu tố bất ngờ đã không còn, M.U đã vào trận với sự cảnh giác cao độ. Ngoài hai cầu thủ xuất sắc lập công là R. Gít (phút 67) và Ru-ni (phút 70), những cầu thủ khác đều thi đấu đúng như mong đợi. Điển hình như tiền vệ M. Ca-rích đang sa sút phong độ ở giải quốc nội lại bất ngờ tỏa sáng ở trận đấu then chốt tại đấu trường cúp châu Âu, anh càn quét khu trung tuyến khiến Giu-ra-đô, Bâu-giô-han không thể "bơm" bóng cho “Chúa nhẫn” Ra-un ở hàng công. Cặp trung vệ R. Phéc-đi-năng và Vi-đích như thường lệ, vững vàng che chắn cho khung thành E. Van Đờ Xa trước sự vùng lên của Schalke 04 ở cuối trận.

Với hai bàn thắng sân khách làm “vốn”, M.U hoàn toàn thảnh thơi ở trận lượt về tại “nhà hát của giấc mơ”. Việc còn lại của “quỷ đỏ” có lẽ là lên phương án đối phó với đối thủ ở trận chung kết: Real Madrid hoặc Barcelona tại “sân nhà” Wembley.

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

BÁN KẾT LƯỢT ĐI CHAMPIONS LEAGUE 2010-2011, REAL MADRID – BARCELONA: TRẬN CẦU CỦA TRÍ TUỆ

Ở trận cầu đẳng cấp cao với sự chênh lệch trình độ không đáng kể của hai đội như trận bán kết lượt đi giữa Real Madrid và Barcelona vào 1 giờ 45 phút (giờ Việt Nam) ngày 28-4, thì sự thành bại phụ thuộc khá nhiều vào cuộc đấu trí của những ông thầy ngồi trên băng ghế chỉ đạo.

J. Mô-ri-nhô và J. Goóc-đi-ô-la đều là những huấn luyên viên tuổi trẻ, tài cao hàng đầu thế giới. Sau hai trận siêu kinh điển mới đây, J. Mô-ri-nhô đã khiến mọi người phải ngả mũ trước thứ bóng đá đầy tính nghệ thuật... phòng ngự do ông sáng chế. Trước trận đấu, J. Mô-ri-nhô tuyên bố đã tìm ra phương cách đánh bại Barcelona. Đây không phải là một lời nói với mục đích làm vũ khí tâm lý chiến, mà lịch sử đã chứng minh J. Mô-ri-nhô là huấn luyện viên khiến Barcelona vỡ mộng nhiều nhất tại đấu trường Champions League từ khi “người đặc biệt” còn dẫn dắt Chelsea và Inter Milan.

Trước một Real Madrid đang có phong độ lẫn tinh thần tốt, cộng với lợi thế trên sân nhà thì chắc chắn chuyến hành quân đến Bernabeu của Barcelona được dự báo là cực kì khó khăn. J. Goóc-đi-ô-la vẫn chưa tìm ra lời giải hiệu nghiệm để chọc thủng phương án phòng ngự với gần 9 cầu thủ có mặt thường trực ở quanh khu cấm địa của Real và đồng thời khắc chế lối chơi phản công sắc sảo với “mũi tên” C. Rô-nan-đô. Vì vậy, ở trận đấu này, mọi sự chú ý sẽ tập trung vào tài điều binh khiển tướng của J. Goóc-đi-ô-la.

Nhưng, dù chơi với chiến thuật gì đi nữa, chắc chắn, trong trận đấu tới, Barcelona sẽ không chơi cầm chừng để chờ đợi cơ hội vì đơn giản tấn công là bản sắc của Barcelona cho dù “gã khồng lồ xứ Catalan” có ở hoàn cảnh bi đát nhất đi chăng nữa. Nhưng sẽ lại có một điều chắc chắn khác là các phương án tấn công của Barcelona sẽ phải điều chỉnh để gây ra sự bất ngờ cho một huấn luyện viên có sở thích dự liệu mọi tình huống như “người đặc biệt”. Một nhiệm vụ mà nhiều người tin là bất khả thi với J. Goóc-đi-ô-la nhưng thiểu số fan Barcelona lại tin vào tài trí của huấn luyện viên vừa mới bước sang tuổi 40. Niềm tin đó cũng tương tự như niềm tin vào số ít cổ động viên Real dành cho J. Mô-ri-nhô sẽ khiến Barcelona phải quy hàng trong thời điểm Barcelona đang bách chiến bách thắng ở mọi mặt trận.

Trận đấu tới mới chỉ là trận lượt đi, mọi sai lầm của hai ông thầy lẫn những sai lầm cá nhân của các cầu thủ-những người cụ thể hóa các chiến thuật đều có thể làm lại ở trận lượt về-trận siêu kinh điển thứ 4-có ý nghĩa còn hơn một trận chung kết.

Nhưng trước mắt, trận lượt đi cũng hứa hẹn chứa đựng hấp dẫn và sự kịch tính đến phút chót với nhiều khả năng Real thắng với tỉ số thắng 1-0.


HÀM ĐAN

CÂU CHUYỆN THỂ THAO: "PHÉP MÀU" CỦA NGƯỜI ĐỨC

Chỉ mất ba năm (1939-1942), phát xít Đức đã thôn tính gần như toàn bộ châu Âu khiến các quan sát viên thời đó bối rối không hiểu nước Đức đã làm như thế nào mà lại sở hữu tiềm lực hùng mạnh dù hai thập kỷ trước đã kiệt quệ do bại trận ở thế chiến thứ nhất. Mãi sau này, người ta mới dần khám phá ra “phép màu” của nước Đức. Hóa ra, chẳng có “phép màu” nào cả mà do óc duy lý người Đức đã vạch ra chiến lược dài hạn, phương pháp khoa học, tinh thần lao động cần cù đã giúp nước Đức cường thịnh.

Truyền thống duy lý của người Đức phát huy cho đến ngày nay giúp họ dẫn đầu nhiều lĩnh vực, trong đó có bóng đá. Mới đây, Liên doàn bóng đá châu Âu (UEFA) công bố hệ số điểm của bóng đá Đức ở các trận đấu ở các cúp châu Âu, theo đó, Bundesliga giành 69 điểm vươn lên thứ ba sau La Liga (81 điểm) và Premier League (85 điểm) và hơn Serie A 9 điểm. Với kết quả này, mùa bóng 2012-2013, Bundesliga sẽ thay thế Serie A khi có ba đội đứng đầu bảng xếp hạng sẽ vào thẳng vòng bảng Champions League, đội thứ tư đá vòng loại.

Vị trí mà Bundesliga có được là nhờ thành tích ở đấu trường Europa League, giải đấu mà người I-ta-li-a xem là “hạng hai”. Nhưng điểm cốt lõi, để Bundesliga vươn lên là nhờ cách làm bóng đá bài bản đến mức khó tìm thấy điểm chưa chuẩn.

Các câu lạc bộ (CLB) ở Bundesliga không sống bằng tiền bản quyền truyền hình tăng không đáng kể mà nhờ bán vé và kinh doanh.

Các sân vận động ở Đức luôn đầy chật các fan cuồng nhiệt. Khán giả ở Đức đến sân để cổ vũ các đội bóng, mặt khác, do các sân vận động được đầu tư nâng cấp sau World Cup 2006 trở thành địa điểm khiến người ta cảm thấy dễ chịu. Con số trung bình 41.802 người/trận bóng ở Đức là tỉ lệ cao hàng đầu thế giới. Có tới 15 CLB có tỉ lệ trên 90% khán đài được lấp kín, ngay một trận đấu ở hạng 2 là trận derby thủ đô Berlin giữa Hertha và Union cũng đạt 74.244 người, tương đương với số khán giả đến sân trận derby Milan-trận đấu lớn nhất ở I-ta-li-a.

Đội bóng Đức cũng giàu nhanh nhờ các dịch vụ ăn theo hàng ngàn khán giả, với tất cả các mặt hàng có thể nghĩ ra để bán. Trung bình mỗi trận ở sân Veltins của Schalke 04 là 30.000 lít bia. Allianz Arena của Bayern Munich mỗi trận bán được 5.000 ổ bánh mì kẹp và 20.000 xúc xích Đức.

Rủng rỉnh tiền bạc nhưng các CLB Đức không đổ tiền vô tội vạ vào các ngôi sao như ở I-ta-li-a mà chi mạnh vào đào tạo trẻ. Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đã thiết lập 266 trại đào tạo trẻ, 29 trung tâm đào tạo các nhà cầm quân. Tổng đầu tư cho chương trình lên đến nửa tỷ euro. Tổng số tiền mà tất cả CLB chơi ở Bundesliaga chi cho 42 trung tâm đào tạo cầu thủ là gần 100 triệu euro. Thành công của chiến lược đào tạo cầu thủ trẻ đã thành công mĩ mãn. Trong số 524 cầu thủ trong biên chế của các CLB ở Bundesliga có đến hơn một nửa xuất thân từ những lò luyện quân. Ở các giải đấu trẻ châu Âu, năm 2009, Đức đã vô địch ở các lứa tuổi U17, U19 và U21. Ở cấp đội tuyển quốc gia, những Schwensteiger, Podolski, Muller mới chỉ trên 20 tuổi đã đã đưa Đức lọt vào chung kết Euro 2008 và bán kết World Cup 2010. Những cầu thủ trẻ người khác như Mesut Oezil hay Khedira thì đang có suất trong đội hình chính ở “dải ngân hà” Real Madrid.

Tất cả những ưu điểm mà bóng đá Đức đã làm được lại chính là những nhược điểm của bóng đá I-ta-li-a. Người I-ta-li-a xem bóng đá qua ti-vi là chủ yếu vì các sân vận động đã quá xuống cấp, không có dịch vụ tiện ích và nhất là kém an toàn. Các cầu thủ trẻ vẫn được đào tạo nhưng không có đất diễn phải “bán mình” ra nước ngoài như trường hợp của Rossi, Balotelli... Những tifosi có quyền hoài niệm cho thời vàng son của bóng đá I-ta-li-a cách đây hơn 10 năm nhưng không nên nuối tiếc vì chính người I-ta-li-a đã tự hại mình. Và qua đó, có thể thấy “phép màu” mà bóng đá Đức làm được trong chưa đến 10 năm không phải là một điều bất khả đối với những nền bóng đá non trẻ như Việt Nam. Chỉ có điều là những người làm bóng đá nước ta có thực sự hành động hay không? Và, quan trọng là có đi đến cùng hay không?

MỘC LAN

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

LƯỢT ĐI BÁN KẾT CHAMPIONS LEAGUE 2010-2011, SCHALKE 04-M.U: TRẬN CẦU RÌNH RẬP

Cho đến lúc này, nhiều người theo dõi Champions League mùa giải 2010-2011 vẫn khó lòng cắt nghĩa vì sao một đội bóng làng nhàng Schalke 04 với những cái tên cầu thủ chỉ được nhớ mang máng lại có thể lọt vào vòng của tứ đại gia. Có lẽ, nguyên nhân lớn nhất để Schalke 04 lọt tới vòng bán kết là do… may mắn; vì trừ gặp “đại gia” Inter Milan ở vòng tứ kết, các đối thủ của Schalke 04 trước đó đều chỉ ngang bằng hoặc dưới tầm trình độ.

Chiến thắng chung cuộc 7-3 của Schalke 04 trước Inter chẳng qua đến từ sự chủ quan của đối thủ. M.U cũng sẽ gặp nạn như Inter nếu xem Schalke 04 là đội bóng “chiếu dưới”, đó là điều mà Sir Alex cảnh cáo các học trò trước cuộc làm khách trên sân Veltins-Arena vào 1 giờ 45 phút (giờ Việt Nam) ngày 27-4 tới đây.

Lẽ dĩ nhiên, M.U sẽ không dại gì dồn lên tấn công ào ạt hòng tìm một trận thắng đậm ngay từ lượt đi bởi nó sẽ tạo điều kiện cho bài phản công quen thuộc và cũng là duy nhất của đội bóng Đức phát huy hiệu quả. Thay vào đó, nhiều khả năng M.U sẽ tìm cách giữ nhiều bóng hòng kéo dãn hàng phòng thủ của Schalke 04 và chọn một thời điểm bất ngờ đẩy nhanh tốc độ tấn công để xé toang mành lưới Schalke 04. Thời điểm M.U gia tăng sức ép vào lúc nào thì chỉ có Chúa mới biết. Rất nhiều lần trong mùa giải năm nay, M.U đều chiến thắng với phương cách trên, đặc biệt trước những đội bóng yếu hơn chọn lối chơi phòng ngự ngay từ đầu kiểu như Schalke 04. Mục tiêu của M.U ở chuyến hành quân đến đất Đức có thể chỉ là một chiến thắng tối thiểu hoặc chí ít là một trận hòa có bàn thắng để lấy ưu thế bàn thắng trên sân khách. Điều họ hướng đến chính là màn kết liễu Schalke 04 ở lượt về tại “Nhà hát của những giấc mơ”-nơi mà M.U bất bại tại Champions League mùa này.

Ở phía bên kia, Schalke 04 thừa hiểu thực lực của họ không thể nào chơi đôi công sòng phẳng với M.U. Vậy nên, cách duy nhất là phòng ngự từ xa, đá rắn để hạn chế sự hưng phấn của đối phương. Và chờ đợi sai lầm của M.U để tạo dựng những tình huống nguy hiểm cho riêng mình.

Tư tưởng chơi bóng của cả hai đội như dự tính nói trên sẽ dẫn trận đấu đến một thế trận rình rập không thích hợp cho người ưa chuộng một trận cầu hấp dẫn từ đầu chí cuối, nhưng lại hợp cho những người thích những điều bất ngờ trong chốc lát. Dĩ nhiên, trong trận cầu rình rập này, M.U sẽ là người chủ động để cố gắng định đoạt kết quả trận đấu.

Dự đoán: M.U thắng 2-1.

HÀM ĐAN

NHỚ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG VỀ!

Nếu phải chọn ra khoảng mười nhà thơ tiêu biểu nhất của thơ ca chống Mỹ, khó có thể bỏ sót cái tên: Nguyễn Duy. Bởi lẽ, ngay từ khi khởi nghiệp thơ, Nguyễn Duy đã tạo dựng một phong cách nghệ thuật độc đáo. Thơ của ông tuy vẫn nằm trong dàn đồng ca mang tính sử thi cổ vũ cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta; nhưng ông phản ánh cuộc sống thời chiến gián tiếp thông qua những đề tài bình dị, rõ nhất trong các bài thơ để đời như: Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm… Thế nên, nhà phê bình Chu Văn Sơn đã có lý khi gọi ông là “thi sĩ thảo dân”.

Năm 1975-chiến tranh kết thúc, thơ Nguyễn Duy chuyển sang đề tài đời tư thế sự với biết bao bộn bề của cuộc sống thường nhật. Song, kí ức về những trải nghiệm chiến tranh vẫn tiếp tục ám ảnh ông không dứt. Được sống hạnh phúc trong một không khí hòa bình, như một lẽ tự nhiên nhà thơ sẽ dễ hồi tưởng cuộc sống gian khổ của người lính trong chiến tranh vừa mới kết thúc. Thực ra, nhiều nhà thơ đã đi qua chiến tranh chống Mỹ cũng có mạch tư duy nghệ thuật như Nguyễn Duy, chỉ có điều Nguyễn Duy ghi lại dấu ấn sáng tạo là nhờ tiếp tục duy trì cách thức phản ánh tâm lý hậu chiến thông qua điều bình dị. Lựa chọn góc nhìn thường nhật để phản ánh một đề tài sử thi dễ biến thành công thức sẽ đem lại sự khác lạ gây hứng thú trong tiếp nhận với người đọc. Đó có thể xem là cội nguồn và cũng là nét đặc sắc đầu tiên của bài thơ hậu chiến nổi tiếng nhất của Nguyễn Duy: Nghe tắc kè kêu trong thành phố.

Kí ức hậu chiến không phải từ việc trở lại chiến trường xưa với những trận đánh ác liệt, tứ thơ được khởi đầu qua một xúc cảm đến từ một điều tình cờ: nhà thơ nghe tiếng tắc kè kêu ở “góc đường Công Lý cũ” vào thời điểm “cái tết hòa bình thứ ba đã tới”. Tắc kè là loài vật thường sống ở rừng vì vậy nhà thơ ngạc nhiên: “Con tắc kè/ Sao mày ở đây?”. Tiếng kêu của một con vật bé nhỏ đó biến thành cái cớ cho nhà thơ quanh ngược thời gian trở về thời điểm: “Mùa khô năm một ngàn chín trăm bảy tư” với hình ảnh: “Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn/ Ngủ ôm súng suốt cả thời tuổi trẻ”. Khoảng thời gian này, cuộc chiến đang đến những hồi cuối cùng. Những người lính đã có thể cảm nhận được ngày toàn thắng sắp đến: “Đêm trăn trở đố nhau: Bao giờ về thành phố?”. Và như một sự tình cờ: “Con tắc kè nghe, nhanh nhẩu nói: Sắp về!”. Tiếng kêu đặc trưng của loài tắc kè đã được biến âm như nói hộ tâm tư giản dị của của người lính: Sẽ về thành phố-đồng nghĩa với quê hương sẽ được giải phóng-hòa bình sẽ đến.

Để trở thành bài thơ hay không chỉ dựa vào mỗi nội dung, vì một bài thơ hay khi và chỉ khi hình thức và nội dung phải là hòa vào nhau không thể tách rời. Với một nội dung đơn giản cho nên nhà thơ phải tìm một hình thức tương xứng. Và Nguyễn Duy đã thành công. Đọc bài thơ, không khó để nhận ra giọng điệu bài thơ như lời trò chuyện rủ rỉ thân mật gần gũi mà cũng như đang tự thuật chuyện quá khứ. Nhà thơ không “uốn éo” ngôn ngữ mà đều dùng những chữ “mộc”, và sử dụng thể thơ tự do phóng khoáng tạo ra tính nhạc ở tương quan vỏ âm thanh từng từ trong mỗi câu thơ.

Điểm đặc sắc thứ hai của bài thơ nằm ở cấu trúc bài thơ, đó là tạo ra sự đối lập xuyên suốt mang tính nhị phân: rừng/thành phố, hòa bình/chiến tranh, nằm lại/về, tết rừng/tết hòa bình, không hương khói/đốt nhang… tạo ra sự tương phản giữa cuộc sống hậu chiến an lành với những giây phút chiến tranh gian khổ, thiếu thốn. Song song với việc tạo ra sự đối lập, nhà thơ sử dụng các biểu tượng lặp lại như: tiếng tắc kè, hàng me… nhưng lại đặt chúng ở các khoảng không gian và thời gian khác nhau, điều này diễn đạt sự biến dịch của các thời điểm lịch sử từ chiến tranh sang hòa bình khiến nhiều thứ đã thay đổi. Không chỉ là tên con đường đã được đổi, không chỉ là những hàng me thay lá mà chính kí ức những con người trải qua cuộc chiến đã lãng quên quá khứ tưởng rằng không thể nào quên. Chính vì thế, thông điệp của bài thơ thể hiện ở phần cuối, đã là con người thì phải thấu rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sống trong thời bình thì phải luôn ghi nhớ sự hi sinh cuộc sống với những ước mơ dang dở của những con người không về hưởng nền hòa bình, chứ đừng đợi đến con tắc kè kêu để mà giật mình tưởng nhớ:

Qua hai mùa thay lá những hàng me

Cái tết hòa bình thứ ba đã tới

Chao ôi nhớ tết rừng không hương khói

Đốt nhang lên

Chợt hiện tiếng tắc kè


Tôi giật mình

Nghe

Có ai nói ở cành me:

Sắp về!...

HÀM ĐAN


NGHE TẮC KÈ KÊU TRONG THÀNH PHỐ

NGUYỄN DUY

Tắc kè
Tắc kè..tôi giật mình
Nghe
Trên cành me
Góc đường Công Lý cũ
Cái âm thanh của rừng lạc về thành phố

Con tắc kè
Sao mày ở đây?
Sáng ra nhìn soi mói mỗi cành cây
Chả thấy con tắc kè đâu cả
Khi chùm đèn thuỷ ngân xanh lên trong vòm lá
Tắc kè kêu như tiếng vọng về

 
Chợt hiện về thăm thẳm núi non kia
Dưới lá là hầm, là tăng, là võng
Là cơn sốt rét rừng vàng bủng
Là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn…
 
Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn
Ngủ ôm súng suốt cả thời tuổi trẻ
Đêm trăn trở đố nhau: Bao giờ về thành phố?
Con tắc kè nghe, nhanh nhẩu nói: Sắp về!
 
Sắp về
Sắp về…
Người bạn tôi rung võng cười khoái trá
Ấy là lúc những cánh rừng trút lá
Mùa khô năm một ngàn chín trăm bảy tư
Ăn tết rừng xong
Từ giã chú tắc kè
Chúng tôi xuôi – ào ào cơn lũ đổ
Các binh đoàn tràn vào thành phố
Đang mùa thay lá những hàng me

Lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè
Chồi xanh lăn tăn nới đầu cành run rẩy
Cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy
Hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay

Người bạn tôi không về tới nơi này
Anh gục ngã bên kia cầu xa lộ
Anh nằm lại trước cửa vào thành phố
Giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh

Đồng đội bao người không “về tới” như anh
Nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù và xa nữa…
Tất cả họ, suốt một thời máu lửa
Đều ước ao thật giản dị:
Sắp về!

Qua hai mùa thay lá những hàng me
Cái tết hòa bình thứ ba đã tới
Chao ôi nhớ tết rừng không hương khói
Đốt nhang lên
Chợt hiện tiếng tắc kè
 
Tôi giật mình
Nghe
Có ai nói ở cành me:
Sắp về!...

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

CÂU CHUYỆN THỂ THAO: LẤN SÂN

Từ vị thế thống trị làng túc cầu xứ sương mù, sau một năm, có tới 99% khả năng Chelsea trắng tay khi mùa giải kết thúc. Vị thuyền trưởng C. Ancelotti tuyên bố mình chẳng có trách nhiệm gì về thất bại của The Blues.

Trên các mặt báo, ông đổ lỗi cho đội hình tuổi “băm” hụt hơi ở chặng nước rút. Nghe lời than thở đó, nhiều người sẽ lầm tưởng chiến lược gia Italia đang đổ lỗi cho cầu thủ nhưng thực ra Ancelotti “cáo già” đã khôn khéo đá “quả bóng” trách nhiệm sang ông chủ R. Abramovich.

Nhà tài phiệt Nga chi ít đi để mặc Ancelotti phải “liệu cơm gắp mắm” với đội hình thiếu chiều sâu chinh chiến tới 4 mặt trận khác nhau. Nhưng điều Ancelotti muốn ngầm trách R. Abramovich hơn cả chính là ông chủ Nga “lấn sân” vào lĩnh vực chuyên môn qua hành động tự ý đưa về bản hợp đồng trị giá 50 triệu bảng F. Torres. Kết quả, sau hơn 2 tháng thi đấu, tiền đạo nhận mức lương 180.000 ngàn bảng/tuần vẫn chưa ghi nổi một bàn thắng. Ai cũng thông cảm cho Torres vì vị trí sở trường của Torres không phù hợp với công thức thiến thắng 4-4-3 của Chelsea lâu nay.

Abramovich có lẽ chưa rút ra bài học từ bản hợp đồng thất vọng A. Shevchenko năm nào, đó là: Việc mua cầu thủ cần phải tham khảo ý kiến huấn luyện viên trưởng bởi chỉ có ông ta mới có thể đưa ra đánh giá về tiềm năng tỏa sáng của cầu thủ trong lối chơi chung của toàn đội. Hai thương vụ Shevchenko và Torres đều dựa theo ý thích của tỷ phú Nga xuất phát từ ước muốn cháy bỏng đăng quang tại mặt trận Champions League. Song, thảm bại trước M.U ở tứ kết Champions League đã chứng minh, tốt nhất Abramovich tiếp tục kiên nhẫn đầu tư và không nên “lấn sân” vào công việc chuyên môn.

Abramovich cõ lẽ phải cắp sách đến học gia đình Glazer-chủ sở hữu M.U. Ở Anh, huấn luyện viên (coach) có quyền hành khá lớn nên thường được gọi với danh từ manager (quản lý), riêng với huấn luyện viên vĩ đại của M.U Sir Alex Ferguson thì được gọi là boss (ông chủ). Sir Alex từng tỏ thái độ không thích nhà Glazer thâu tóm Quỷ đỏ, lẽ thường nhà Glazer hoàn toàn có thể sa thải Sir Alex. Nhưng với bản chất thực dụng của người Mỹ, nhà Glazer thừa hiểu sa thải Sir Alex không khác gì hành động tự sát. Không những để Sir Alex tiếp tục huấn luyện M.U, nhà Glazer hoàn toàn không can thiệp vào chuyên môn, sẵn sàng chi tiền để mua cầu thủ theo ý của Sir Alex. Kết quả, dù đổi chủ sở hữu nhưng danh hiệu Ngoại hạng Anh và Champions League vẫn tiếp tục tìm đến “nhà hát của những giấc mơ”.

Chuyện “lấn sân” ở nền bóng đá chuyên nghiệp hơn 50 năm thỉnh thoảng mới có và cũng khá kín tiếng; còn ở nền bóng đá mới lên “chuyên” 10 năm như V-League đã từng (chắc chưa dừng lại) xảy ra nhiều vụ “lấn sân” căng hơn dây đàn. Nhất khi nhiều ông chủ doanh nghiệp bỏ tiền bao đội bóng để đánh bóng thương hiệu đều muốn “đốt cháy giai đoạn” để thành công. Thế nên mới có giai thoại rằng: một ông chủ có tí hiểu biết bóng đá ngồi trên khán đài “ngứa mắt” với cách chơi của đội nhà bèn xuống sân chỉ đạo cầu thủ phải đá thế này, thế kia... Ông huấn luyện viên trưởng-vốn là người cá tính có “số má” xẵng giọng ngay: Chỗ ngồi của ông là trên kia, chỗ này là của tôi! Với màn “lấn sân” thiếu lịch sử ngay giữa thanh thiên bạch nhật của ông bầu nọ, không ai ngạc nhiên khi lần lượt các vị thuyền trưởng đến rồi đi vì chẳng ai chịu nổi việc ông chủ cao hứng là lại “lấn sân”. Hậu quả là đội bóng của ông bầu nọ chưa bao giờ vươn lên top 5 bảng xếp hạng V-League.

Mới hay, muốn làm bóng đá thời hiện tại nên học theo lời khuyên của Đức Khổng Tử: chính danh định phận. Làm tốt phận sự của mình là đã góp phần mang đến thành công chung cho đội bóng như tâm niệm của ông Trần Văn Đường (GĐĐH Becamex Bình Dương)-một trong những GĐĐH được xem là thành công nhất trong lịch sử V-League khi tiết lộ bí quyết: “Tôi không bao giờ đá lộn sân”.

MỘC LAN
(Thêm một bút danh mới:))

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

CHUNG KẾT CÚP NHÀ VUA 2010 - 2011: CỨU CÁNH CỦA REAL!

Mùa giải 2010-2011 là một mùa giải đặc biệt với các fan của Real Madrid và Barcelona bởi trong vòng chưa đến 25 ngày, họ đã được xem 4 trận “siêu kinh điển”.

Nếu ở trận hòa 1-1 ở lượt về La Liga hôm 16-4 không có nhiều ý nghĩa bởi ở mặt trận này Real đã sớm giương cờ trắng thì ba trận đấu còn lại là những trận đấu sống còn, quyết định thành bại của mùa giải. Và trận đấu đầu tiên chính là chung kết Copa del Rey (Cúp nhà vua) sẽ diễn ra vào 2 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 21-4 tại sân Mestalla của Valencia.
Lịch sử đã lặp lại khi trận chung kết gần đây nhất giữa hai gã khổng lồ tại Copa del Rey cách đây 11 năm cũng diễn ra tại sân Mestalla, ở trận đấu đó, Barcelona đã giành cúp sau khi đả bại Real 2-0. Và kết quả có vẻ sẽ không thay đổi nếu dựa vào tương quan sức mạnh của hai đội ở thời hiện tại. Barcelona vẫn nhỉnh hơn Real một bậc và việc họ giành chiến thắng để duy trì thành tích giành nhiều Cúp nhà vua nhất không phải là điều bất khả. Thế nhưng, trên băng ghế chỉ đạo Real lại là “người đặc biệt” J. Mô-ri-nhô-người đã nhiều lần viết lại lịch sử.

Dấu hiệu rõ nhất cho màn lật đổ của Real, chính là diễn biến trận hòa tại La Liga cách đây ít ngày. Nhờ tài cầm quân siêu việt của J. Mô-ri-nhô, Real đã kiếm một trận hòa chỉ với 10 cầu thủ. Ông đã đưa “hòn đá tảng” Pepe-vốn là trung vệ lên đá tiền vệ trụ phía trên 4 hậu vệ. Kết quả, lối chơi tiqui-taca Barcelona đã bớt linh nghiệm.

Mô-ri-nhô đã tài nhưng Góc-đi-ô-la cũng chẳng kém. Ông cũng nổi danh với điều chỉnh chiến thuật chẳng ai ngờ. Vì vậy, nếu không có những bước ngoặt bất ngờ, trận chung kết Copa del Rey sẽ được định đoạt từ màn đọ trí giữa hai tướng trẻ tài cao. Và trận đấu cũng có thể xem là một thử nghiệm chiến thuật cho hai trận quyết chiến tại Champions League sắp tới, nhất là phía Mô-ri-nhô. Ai cũng biết ông chủ F. Pê-rết đưa Mô-ri-nhô về Real cốt là để đạt đến mốc 10 chiếc cúp Champions League.

Barcelona đã có thể ung dung với việc 99% đoạt La Liga; còn với Real, một danh hiệu ít danh giá như Copa del Rey là một cứu cánh cho một mùa giải chưa hoàn hảo cho đến lúc này.

Dự đoán: Real thắng 2-1.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

GARETH BALE, TÀI KHÔNG ĐỢI TUỔI!

Vượt qua 6 cầu thủ khác tại Giải ngoại hạng, ngôi sao chạy cánh của Tottenham Hotspur Ga-rết Bêu đã chính thức được vinh danh là Cầu thủ xuất sắc nhất màu giải 2010-2011 do Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) bình chọn.

Giải thưởng này được xem là xứng đáng bởi Bêu chính là nhân tố chính giúp “gà trống” thăng hoa tại Giải ngoại hạng (xếp thứ 5) và lọt vào vòng tứ kết Champions League ngay lần đầu tham dự. Có lẽ, chỉ có Sir Alex và những fan Manchester United là những người không vui bởi M.U đã từng có cơ hội sở hữu G. Bêu nhưng đã không quyết liệt dẫu cho đã biết rõ một tài năng không đợi tuổi từ rất lâu.

Ga-rết Bêu sinh năm ngày 16-7-1989 tại Cardiff (xứ Wales). Tố chất thể thao của G. Bêu phát lộ rất sớm ngay từ hồi còn học tiểu học; đặc biệt là tốc độ với thành tích chạy 100 mét hết 11,4 giây. Ngay lập tức câu lạc bộ Southampton tuyển Bêu trong học viện đào tạo.

Ở tuổi 16, Bêu giúp đội U18 trường anh vô địch giải Cardiff&Vale Senior Cup. Một năm sau, khi mới 16 tuổi và 275 ngày, Bale đã trở thành cầu thủ trẻ thứ hai từng thi đấu cho Southampton (sau Thê-ô Oăn-cốt) khi anh được đưa vào sân trong trận đấu với Millwall. Ngày 6-8, Bale ghi được bàn thắng đầu tiên bằng một pha đá phạt trong trận hoà gặp Derby County.

Phong độ xuất sắc của G. Bêu đã khiến nhiều “đại gia” như Arsenal, M.U, Tottenham Hotspur... săn đón chữ ký của tài năng trẻ được xem là truyền nhân của “mũi tên bạc” Rai-ân Gít. Thế nhưng, mức phí 5 triệu bảng cộng với các khoản trả thêm lên tới 10 triệu bảng cho một cầu thủ mới chỉ chơi bóng chuyên nghiệp hơn một năm có thể xem là mạo hiểm. Rút cuộc, chỉ có “gà trống” tích cực nhất và họ đã có “viên ngọc thô” xứ Wales vào kì chuyển nhượng mùa hè 2007 với bản hợp đồng 4 năm.

Bêu đã có sự khởi đầu như mơ với 3 bàn thắng chỉ trong 4 trận. Song, ác mộng chấn thương đã sớm đến với Bêu sau pha vào bóng của F. Mu-am-ba trong trận đấu với Birmingham City tại Premier League ngày 2-12-2007. Kết quả, Bêu phải nghỉ thi đấu phần còn lại của mùa giải.

Những mùa giải tiếp theo, Bêu chơi chỉ tròn vai và nhiều người đã sớm kết luận: anh chỉ là “ngôi sao xẹt”. Một phần dó chấn thương liên tiếp tái phát, phần nữa hậu trường “gà trống” không yên ả, cộng với một đội hình thiếu chiều sâu đã không giúp Bêu tỏa sáng như kì vọng.

Với sự đầu tư mạnh mẽ ở mùa hè 2010 và với tài năng cầm quân HLV Ha-ri Rếch-náp, Bêu đã chơi như “lên đồng”. Những pha xử lý khéo léo, cộng với tốc độ bứt phá của một vận động viên điền kinh, Bêu chính là nỗi khiếp đảm của các hàng thủ đối phương. Trận đấu đáng nhớ nhất của Bêu trong mùa giải năm nay là cú hat-trick tuyệt đẹp vào lưới đương kim vô địch Inter Milan tại vòng bảng Champions League.

Phong độ tuyệt vời của Bêu đã khiến ban lãnh đạo “gà trống” phải nhanh chóng gia hạn hợp đồng với Bêu tới năm 2015.

HÀM ĐAN

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

ĐỪNG SỢ "BI"! (REVIEW PHIM "BI, ĐỪNG SỢ!")


Sau một thời gian chu du khắp các LHP thế giới như Cannes (Pháp), Hồng Kông (Trung Quốc), Stockholm (Thụy Điển)… và gặt hái những giải thưởng uy tín, bộ phim Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di chính thức ra mắt khán giả trong nước vào cuối tháng 3 vừa qua. Ngay sau khi bộ phim được trình chiếu đã nổ ra một cuộc tranh luận xung quanh nội dung bộ phim và đặc biệt là những cảnh “nóng”.

Xét về thể loại, bộ phim Bi, đừng sợ! thuộc dòng phim hiện thực tâm lý. Phim chỉ kể lại những thời khắc sống thường nhật của cậu bé Bi (Phan Thành Minh thủ vai) với những người thân bao gồm: bố (diễn viên Hà Phong), mẹ (diễn viên Kiều Trinh), người cô muộn chồng làm nghề giáo viên (diễn viên Hoa Thúy), bà vú (NSƯT Mai Châu) và ông nội (NSND Trần Tiến) đang mắc bệnh mới từ nước ngoài về.

Nếu chỉ bám sát vào hiện thực thì Bi, đừng sợ! sẽ không khác có gì đáng xem, điều độc đáo của bộ phim chính là kĩ thuật tự sự. Nội dung phim được kể theo thì hiện tại tiếp diễn, không có một chút hồi tưởng về dữ kiện trong quá khứ (thậm chí cả lí lịch nhân vật!) giúp khán giả có thể tự giải mã tâm lý nhân vật theo quan hệ nhân quả. Chẳng hạn, phim chỉ cho người xem biết bố Bi có một công việc ổn định, hay la cà ở quán bia, anh ta lãnh cảm với vợ và dửng dưng với cả người cha đang có bệnh, song lại có tình cảm cuống nhiệt lạ thường với một cô gái làm nghề gội đầu. Người xem phải chấp nhận anh ta là người “máu lạnh” mà không biết nguyên nhân nào dẫn anh ta trở thành một con người vô cảm. Có thể anh ta thiếu tình thương của bố nên khi ông bố trở về anh ta vẫn cứ dửng dưng? Phải chăng cuộc hôn nhân của anh ta chỉ là sự sắp đặt mà không hề có tình yêu? Thậm chí, có thể vì vợ anh ta đã từng “lầm lỡ” trong quá khứ khiến anh ta lãnh cảm với vợ?

Sự khó hiểu của bộ phim với khán giả còn được đẩy cao ở chuỗi hành động của người cô muộn chồng làm nghề giáo viên. Cô được giới thiệu một anh chàng chủ thầu xây dựng khỏe mạnh và quyết định chóng vánh sẽ lấy anh ta. Dù chuẩn bị cưới, cô lại có khao khát tình dục trong tâm tưởng với nam sinh đẹp trai và cao lớn (“hotboy” Huỳnh Anh thủ vai) nơi mình đang dạy học. Chính ở tình cảm “nhập nhằng” của người cô, “phe” chê phim Bi, đừng sợ! có lý khi cho rằng phim đã bôi đen hiện thực, đưa nhiều cảnh “nóng” để câu khách... Những lý lẽ phê phán tưởng đúng nhưng lại chưa thuyết phục. Những người phê phán đã nhầm lẫn giữa viêc cảnh “nóng” là mục đích hay là phương tiện diễn đạt của bộ phim. Nếu cảnh “nóng” là mục đích thì bộ phim đích thực là “phim cấp ba”, song phim Bi, đừng sợ! mượn cảnh “nóng” là phương tiện biểu đạt ẩn ức tính dục phức tạp. Ai cũng biết ở mọi nơi trên thế giới không riêng gì Việt Nam, chuyện tình cảm thầy trò không được khuyến khích, nhất lại là cô giáo có tình cảm với nam sinh lại càng là một điều cấm kị. Nó như một “ba-ri-e” ngăn cấm người cô “vượt giới hạn” với nam sinh mà cô có tình cảm. Điều này khiến cô bị giằng xé giữa việc lấy chồng để yên bề gia thất với những khao khát tính dục thầm kín. Nghệ thuật không chỉ có tô hồng tôn vinh con người, nghệ thuật còn có nhiệm vụ khám phá những mảng tối con người để nhìn nhận con người một cách toàn diện. Diễn đạt một cách tinh vi bề sâu của góc khuất tâm lý không dễ thể hiện như vậy, Bi, đừng sợ! nghiễm nhiên là một phim nghệ thuật đích thực hiếm hoi của nước ta những năm gần đây. Nhưng vì Bi, đừng sợ! diễn tả cái bi kịch của con người nên khán giả vẫn chưa quen mà đâm ra sợ một bộ phim có nội dung chủ yếu là cái “bi”.

Với cách biểu đạt lạ thường, lẽ dĩ nhiên nhiều khán giả trong đó có cả những nhà phê bình cho rằng bộ phim mô tả hiện thực theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa. Hầu như ai xem bộ phim này đều có cảm giác phim chỉ ghi chép sinh hoạt đời thường và chêm vào các cảnh “nóng” mà không có sáng tạo nào đặc biệt. Nhưng thực ra, đạo diễn Phan Đăng Di đã phải dụng công để sử dụng một hệ thống các biểu tượng khiến bộ phim tự nhiên như là... phim tài liệu. Rõ rệt nhất là các biểu trưng của nước xuyên suốt bộ phim. Từ cây nước đá ở thể rắn, đến thể lỏng khi tan chảy và thể hơi là tượng trưng cho giai đoạn phát triển của của một người đàn ông. Ngay cả việc bố Bi uống bia (cũng là một dạng nước!) liên tục không chỉ biểu đạt “nghĩa đen” cho lối sống bê tha mà thực ra ngầm thể hiện nỗi thèm khát sự mới mẻ trong cuộc sống. Chính nhờ hệ thống biểu tượng phong phú trên khiến bộ phim trở nên đa nghĩa-đây là một trong những yếu tố quyết định cho tính nghệ thuật của bộ phim.

Điều đáng tiếc của bộ phim là cái kết của bộ phim không nhất quán với nội dung trước đó. Cái kết bộ phim là cảnh giỗ đầu của ông nội Bi. Bố Bi thắp hương cúi lạy cha như là sự tạ lỗi, người cô đưa chống sắp cưới ra mắt họ hàng... Cái kết của phim ngả sang một cái kết có hậu (happy ending) mâu thuẫn với những điều khác thường trước đó. Phim có thể kết thúc ở cảnh đám ma ông nội Bi trước đó một năm, đoàn người đưa tang cúi xuống đất, chỉ có cậu bé Bi vẫn ngược mắt lên nhìn máy bay thì sức ám ảnh của bộ phim sẽ lưu lại nhiều hơn. Một điều đáng tiếc nữa là bộ phim được nhìn dưới góc độ của người kể chuyện là một người trưởng thành chứ không phải bé Bi khiến bộ phim mất những cái nhìn trẻ thơ khác lạ.

Song điều đáng tiếc nhất của bộ phim là khi trình chiếu rộng rãi bộ phim đã bị cắt đi những cảnh “nóng”. Việc các cơ quan chức năng cắt cảnh “nóng” ở thời điểm này có thể xem là một việc làm đúng đắn. Vì, đáng buồn, cụm từ “bi đừng sợ cảnh nóng” cho kết quả tìm kiếm nhiều nhất trên mạng. Chứng tỏ, đa số xem phim chỉ chăm chăm xem cảnh “nóng” để thỏa mãn nhu cầu giải tri thấp kém mà không tìm cách xem trọn vẹn bộ phim để thưởng thức hết tinh túy nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức cái đẹp. Hiện thực buồn đó mới là một điều đáng sợ!

HÀM ĐAN
(Viết bài này xong mệt hơn làm tình:))