Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

CÂU CHUYỆN THỂ THAO: "PHÉP MÀU" CỦA NGƯỜI ĐỨC

Chỉ mất ba năm (1939-1942), phát xít Đức đã thôn tính gần như toàn bộ châu Âu khiến các quan sát viên thời đó bối rối không hiểu nước Đức đã làm như thế nào mà lại sở hữu tiềm lực hùng mạnh dù hai thập kỷ trước đã kiệt quệ do bại trận ở thế chiến thứ nhất. Mãi sau này, người ta mới dần khám phá ra “phép màu” của nước Đức. Hóa ra, chẳng có “phép màu” nào cả mà do óc duy lý người Đức đã vạch ra chiến lược dài hạn, phương pháp khoa học, tinh thần lao động cần cù đã giúp nước Đức cường thịnh.

Truyền thống duy lý của người Đức phát huy cho đến ngày nay giúp họ dẫn đầu nhiều lĩnh vực, trong đó có bóng đá. Mới đây, Liên doàn bóng đá châu Âu (UEFA) công bố hệ số điểm của bóng đá Đức ở các trận đấu ở các cúp châu Âu, theo đó, Bundesliga giành 69 điểm vươn lên thứ ba sau La Liga (81 điểm) và Premier League (85 điểm) và hơn Serie A 9 điểm. Với kết quả này, mùa bóng 2012-2013, Bundesliga sẽ thay thế Serie A khi có ba đội đứng đầu bảng xếp hạng sẽ vào thẳng vòng bảng Champions League, đội thứ tư đá vòng loại.

Vị trí mà Bundesliga có được là nhờ thành tích ở đấu trường Europa League, giải đấu mà người I-ta-li-a xem là “hạng hai”. Nhưng điểm cốt lõi, để Bundesliga vươn lên là nhờ cách làm bóng đá bài bản đến mức khó tìm thấy điểm chưa chuẩn.

Các câu lạc bộ (CLB) ở Bundesliga không sống bằng tiền bản quyền truyền hình tăng không đáng kể mà nhờ bán vé và kinh doanh.

Các sân vận động ở Đức luôn đầy chật các fan cuồng nhiệt. Khán giả ở Đức đến sân để cổ vũ các đội bóng, mặt khác, do các sân vận động được đầu tư nâng cấp sau World Cup 2006 trở thành địa điểm khiến người ta cảm thấy dễ chịu. Con số trung bình 41.802 người/trận bóng ở Đức là tỉ lệ cao hàng đầu thế giới. Có tới 15 CLB có tỉ lệ trên 90% khán đài được lấp kín, ngay một trận đấu ở hạng 2 là trận derby thủ đô Berlin giữa Hertha và Union cũng đạt 74.244 người, tương đương với số khán giả đến sân trận derby Milan-trận đấu lớn nhất ở I-ta-li-a.

Đội bóng Đức cũng giàu nhanh nhờ các dịch vụ ăn theo hàng ngàn khán giả, với tất cả các mặt hàng có thể nghĩ ra để bán. Trung bình mỗi trận ở sân Veltins của Schalke 04 là 30.000 lít bia. Allianz Arena của Bayern Munich mỗi trận bán được 5.000 ổ bánh mì kẹp và 20.000 xúc xích Đức.

Rủng rỉnh tiền bạc nhưng các CLB Đức không đổ tiền vô tội vạ vào các ngôi sao như ở I-ta-li-a mà chi mạnh vào đào tạo trẻ. Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đã thiết lập 266 trại đào tạo trẻ, 29 trung tâm đào tạo các nhà cầm quân. Tổng đầu tư cho chương trình lên đến nửa tỷ euro. Tổng số tiền mà tất cả CLB chơi ở Bundesliaga chi cho 42 trung tâm đào tạo cầu thủ là gần 100 triệu euro. Thành công của chiến lược đào tạo cầu thủ trẻ đã thành công mĩ mãn. Trong số 524 cầu thủ trong biên chế của các CLB ở Bundesliga có đến hơn một nửa xuất thân từ những lò luyện quân. Ở các giải đấu trẻ châu Âu, năm 2009, Đức đã vô địch ở các lứa tuổi U17, U19 và U21. Ở cấp đội tuyển quốc gia, những Schwensteiger, Podolski, Muller mới chỉ trên 20 tuổi đã đã đưa Đức lọt vào chung kết Euro 2008 và bán kết World Cup 2010. Những cầu thủ trẻ người khác như Mesut Oezil hay Khedira thì đang có suất trong đội hình chính ở “dải ngân hà” Real Madrid.

Tất cả những ưu điểm mà bóng đá Đức đã làm được lại chính là những nhược điểm của bóng đá I-ta-li-a. Người I-ta-li-a xem bóng đá qua ti-vi là chủ yếu vì các sân vận động đã quá xuống cấp, không có dịch vụ tiện ích và nhất là kém an toàn. Các cầu thủ trẻ vẫn được đào tạo nhưng không có đất diễn phải “bán mình” ra nước ngoài như trường hợp của Rossi, Balotelli... Những tifosi có quyền hoài niệm cho thời vàng son của bóng đá I-ta-li-a cách đây hơn 10 năm nhưng không nên nuối tiếc vì chính người I-ta-li-a đã tự hại mình. Và qua đó, có thể thấy “phép màu” mà bóng đá Đức làm được trong chưa đến 10 năm không phải là một điều bất khả đối với những nền bóng đá non trẻ như Việt Nam. Chỉ có điều là những người làm bóng đá nước ta có thực sự hành động hay không? Và, quan trọng là có đi đến cùng hay không?

MỘC LAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét