Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

VỀ DỰ ÁN "LẦN ĐẦU LÀM PHIM VỚI DISCOVERY": HỌC TÍNH CHUYÊN NGHIỆP

 
Việc 4 bộ phim của Việt Nam vừa được trình chiếu trên kênh Discovery có thể xem là một sự kiện của điện ảnh Việt Nam trong năm 2011 vì lẽ Discovery là kênh truyền hình chuyên về phim tài liệu hàng đầu thế giới với 431 triệu thuê bao ở 170 quốc gia thông qua 33 ngôn ngữ khác nhau. Đằng sau niềm tự hào được giới thiệu cuộc sống và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè năm châu, dự án còn giúp các nhà làm phim Việt Nam làm quen với quy trình làm phim tài liệu chuyên nghiệp.

1. Dự án làm phim tài liệu “Lần đầu tiên làm phim với Discovery” (FTFM) của kênh Discovery ra đời năm 1995 tại châu Âu. Đến tháng 9-2000, dự án FTFM lần đầu tiên thực hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với seri về 6 bộ phim của Ô-xtrây-li-a. Sau đó, dự án đến với các quốc gia châu Á khác như In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a…  

Trong gần hai năm phát động, có 68 hồ sơ đăng ký tham gia tham dự cuộc thi FTFM dành riêng cho Việt Nam. Cuối cùng, ngoại trừ bộ phim “Thành phố đam mê” của đạo diễn Phan Ý Ly không được phát sóng vì không hoàn thành kịp, còn lại 4 bộ phim của Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Mạnh Hà, Đào Thanh Tùng và Phan Duy Linh đều sản xuất đúng tiến độ và lên sóng lần lượt trên kênh truyền hình Discovery.

Discovery đã đưa ra tiêu chí đồng thời cũng là “đề bài” thử thách cho các nhà làm phim tài liệu Việt Nam đó là khám phá những chuyển biến nhanh chóng của quá trình đô thị hoá ở Việt Nam. “Đề bài” này có tính khả thi cao bởi Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa, các ý tưởng cho kịch bản là nhiều vô kể. Tuy nhiên, do đặc thù của Discovery là một kênh truyền hình trả tiền nên đề tài phải thực sự có tính mới mẻ, gây được hứng thú cho người xem; vì vậy để tìm một đề tài đáp ứng cả hai đòi hỏi nói trên là thực chất không hề dễ dàng.

Song, cả bốn bộ phim đều tìm được những đề tài thích hợp nhằm thỏa mãn những yêu cầu khách quan để tiến hành sản xuất. Bộ phim “Jam Busters” (tựa Việt: Những chiến binh chống tắc đường) của đạo diễn Phan Duy Linh phản ánh vấn nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội vào thời kỳ kinh tế phát triển “nóng” khác rất xa một Hà Nội yên tĩnh, thanh bình 20 năm trước. Bộ phim “Mr Long’s travelling cinema” (tựa Việt: Rạp chiếu phim di động của ông Long) của đạo diễn Hoàng Mạnh Cường kể về chiếc máy chiếu phim tự tạo độc đáo và cổ lỗ của ông Long trong bối cảnh người người đến rạp xem phim 3D. Bộ phim “City of a thousand years” (tựa Việt: Thành phố một nghìn năm) của đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà là câu chuyện của những thị dân Hà Nội vừa níu giữ nét văn hóa truyền thống như ca trù, vừa tìm cách truyền bá đặc sắc của văn hóa đương đại như nghệ thuật thị giác. Và cuối cùng là bộ phim “Digging up the death” (tựa Việt: Câu chuyện cải táng) của đạo diễn Đào Thanh Tùng giới thiệu một tập tục cải táng người chết vô cùng kì lạ của Việt Nam đang ngày càng ít phổ biến ở thành phố do quỹ đất hạn chế.

          Ông Vích-ram Chan-na, Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và phát triển của Discovery Networks khu vực châu Á-Thái Bình Dương đánh giá cao 4 bộ phim của Việt Nam: “Mỗi bộ phim tài liệu đều thể hiện được những ý tưởng độc đáo lồng vào những câu chuyện cụ thể về sự chuyển biến ở Việt Nam thời kỳ đô thị hóa dưới nhãn quan của chính người Việt”. Phản ứng của người xem đa phần là lời khen, song nhiều người vẫn còn băn khoăn ở nội dung của một số bộ phim, chẳng hạn trong phim “Những chiến binh chống tắc đường” nhiều khán giả dị ứng với cách dùng các sinh viên tình nguyện để chắn đường trong một phương án chống ùn tắc. Sự khen chê là điều dễ hiểu vì không tác phẩm nào có thể chiều lòng tất cả mọi người, điều quan trọng là 4 bộ phim đã gây được sự chú ý rộng rãi của người xem trên toàn cầu.

2. Phim tài liệu từ trước đến nay luôn là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam do đặc trưng phản ánh khách quan hiện thực của phim tài liệu phù hợp với tinh thần tả thực của nghệ thuật Việt Nam. Phim tài liệu là thể loại phi hư cấu nên dễ “tha hóa” thành những thước phim nhàn nhạt, vô thưởng vô phạt. Một bộ phim tài liệu hay là phải phát hiện một mâu thuẫn hoặc một xung đột đằng sau câu chuyện đời sống bình dị đang tiếp diễn. Ví dụ, bộ phim “Câu chuyện cải táng” về bản chất là giới thiệu một phong tục cải táng quen thuộc với người Việt Nam nhưng lại vô cùng kì dị với những nước ngoài. Song, bộ phim còn phản ánh những quan niệm của những người khác thế hệ. Chị Mai-người con dâu kể lại mong ước của bố chồng lúc sinh thời muốn được cải táng vì hỏa táng sẽ khiến cụ “nóng trong người”; còn chị Mai lại tâm sự, bản thân chị sau này chỉ muốn hỏa táng để tránh sự đau buồn cho người còn sống và những điều phiền toái khác của lễ cải táng. Đồng thời, bộ phim còn được lồng vào sự vui buồn nghề nghiệp của những công nhân bốc mộ khi lễ cải táng ngày một ít đi. Như vậy, muốn tạo ra sự mâu thuẫn và xung đột, bộ phim cần phải tạo dựng ra nhiều tuyến nhân vật, nhiều cách kể chuyện… xoay quanh câu chuyện về lễ cải táng.

Đó mới chỉ là nội dung, để có thể được phát sóng trên kênh Discovery, về phần hình thức và kĩ thuật cũng phải đạt các tiêu chuẩn mà Discovery đề ra ví dụ như: quay phim chuẩn HD, âm thanh stereo, tách, thậm chí thu đồng bộ. Phỏng vấn một nhân vật 2-3 lần cùng một câu hỏi…

Discovery không áp đặt mà chỉ trao đổi với các nhà làm phim, nhất là trong cách tiếp nhận hiện thực để nhà làm phim thỏa sức sáng tạo. Đơn cử như phim “Những chiến binh chống tắc đường”, đạo diễn Phan Duy Linh đã chọn âm nhạc nhẹ nhàng và hơi nghịch nghịch tạo nên cảm xúc ngạc nhiên và hài hước trong cảnh những người khách du lịch nước ngoài tìm cách sang đường ở phố cổ Hà Nội; qua đó, giúp một đề tài chính luận trở nên gần gũi với người xem hơn.

Với một quy trình chuyên nghiệp như trên, dễ hiểu vì sao các bộ phim phát sóng trên kênh Discovery ít khi bị nhận lời chê trách. Từ kinh nghiệm làm phim với kênh Discovery có thể hy vọng chất lượng phim tài liệu Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ được nâng lên, chiếm lĩnh những đỉnh cao nghệ thuật mới.

HÀM ĐAN