Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

TIỂU THUYẾT VIỆT: THIẾU NHỮNG “CÚ SỐC”


Đời sống tiểu thuyết VN gần đây luôn diễn ra bình lặng. Nhưng đằng sau vẻ ngoài đó là sự phân hóa của các dòng tiểu thuyết, thái độ nhà văn lẫn thị hiếu người đọc.

Cứ thỉnh thoảng văn học Việt Nam lại xuất hiện những cú sốc tác phẩm nhưng hầu hết các tác phẩm lại thuộc về truyện ngắn như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Cơm chiều của Ngô Phan Lưu… Trong khi đó, thể loại “đàn anh” là tiểu thuyết vẫn chưa tạo ra một cú sốc nào trong dư luận lẫn trong những khám phá nghệ thuật.

TIỂU THUYẾT BỊ MẤT GIÁ

Có một thực tế ngược đời gần đây là vai trò quan trọng của tiểu thuyết bị xem nhẹ. Thái độ này nằm ở đa phần nhà văn trẻ (thuộc thế hệ 7x và 8x) - tương lai của nền văn học. Tiểu thuyết hiện nay bị xem như một thứ để làm sang cho thương hiệu của nhà văn chứ không phải để khẳng định tầm vóc sáng tạo của họ. Để khẳng định là một nhà văn “đích thực” dù muốn hay không những nhà văn trẻ đều cặm cụi để ra lò một tiểu thuyết. Chỉ cần có một cuốn tiểu thuyết nghiễm nhiên những tác phẩm ra đời sau của họ sẽ dễ dàng đăng tải hơn, tên tuổi họ dễ xuất hiện trên mặt báo hơn. Thân phận của tiểu thuyết có thể so sánh với bộ sưu tập thời trang để trình diễn trên sân khấu; từ những bộ sưu tập trình diễn, các công ty thời trang mới có uy tín để bán các sản phẩm mang tính ứng dụng.

Ngoài sự thực dụng mang tính thương mại, việc tiểu thuyết bị xem nhẹ còn nằm ở chính ở việc viết tiểu thuyết. Để viết được một cuốn tiểu thuyết cần kinh nghiệm đời sống cộng với sách vở và lẫn kinh nghiệm viết từ trước. Sự tích lũy các yếu tố cần phải có thời gian nhất định: ít thì vài ba năm, thậm chí cả chục năm. Thời gian thì luôn là vàng. Cho nên để thỏa mãn nhu cầu được-viết-văn nên thể loại mà các nhà văn trẻ theo đuổi chủ yếu vẫn là truyện ngắn.

Tiểu thuyết Việt bị mất giá còn do một nguyên nhân khách quan là tiểu thuyết nước ngoài được dịch rất nhiều hoàn toàn lấn át về mặt số lượng lẫn chất lượng. Khi đã có nhiều sự lựa chọn việc người đọc ít chú ý đến tiểu thuyết Việt là điều hệ quả tất yếu. Điều này khiến những cây bút trẻ có ý định viết tiểu thuyết cũng cảm thấy… nản.

HAI CON ĐƯỜNG CỦA TIỂU THUYẾT

Độc giả tiểu thuyết phương Tây ngày nay tách làm hai nửa rõ rệt: đại đa số có nhu cầu đọc để giải trí và số nhỏ thuộc diện đặc tuyển (gọi là những “siêu độc giả”) đọc tiểu thuyết để tìm những khoái cảm của hình thức, tính tư tưởng và những giá trị thẩm mỹ mới. Cho nên, hiện tượng những nhà văn best-seller như Marc Levy lại không được các giáo sư và những người “già kinh nghiệm” văn học xem trọng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Thị hiếu độc giả VN hiện nay bị phân hóa mạnh, qua đó cũng hình thành hai thị hiếu đọc tiểu thuyết riêng. Có thể lấy cuốn tiểu thuyết Và khi tro bụi (XB năm 2006) của nhà văn Đoàn Minh Phượng làm ví dụ. Giới “siêu độc giả” xem Và khi tro bụi là một cuốn tiểu thuyết giá trị vì có những yếu tố nghệ thuật hiện đại. Ngược lại, độc giả bình dân hoàn toàn thờ ơ bởi cuốn tiểu thuyết vượt khỏi tầm hiểu biết thông thường. Có hiện tượng trên vì sự tiếp nhận tiểu thuyết của độc giả bình dân VN lạc hậu gần 200 năm so với phương Tây, bởi các tác phẩm trong nhà trường phổ thông ở VN mới chỉ dừng lại ở văn học ảnh hưởng chủ nghĩa lãng mạn và hiện thực phương Tây thế kỷ 19. Trong khi đó, những tiểu thuyết ở VN chịu ảnh hưởng các trào lưu văn học hiện đại của thế kỷ 20 với những kỹ thuật cách tân tiểu thuyết không được đem vào giảng dạy như Nỗi buồn chiến tranh (1987) của Bảo Ninh hay Thiên sứ (1988) của Phạm Thị Hoài. Nhìn sang nước Đức, tiểu thuyết Người đọc (XB năm 1995) đã được vào môn văn bậc phổ thông.

Khi thị hiếu đã chia làm hai thì hiển nhiên là sẽ mở ra hai con đường phát triển của tiểu thuyết. Con đường tiểu thuyết đại chúng và con đường thứ hai là “khám phá ra cái mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá được” (Herman Broch) – những yếu tố hình thức nghệ thuật.
Ở con đường thứ nhất, khi tiểu thuyết mang tính đại chúng nghĩa là tiểu thuyết phải viết về những vấn đề nhiều người tìm đọc bao gồm: trinh thám, hình sự, phiêu lưu, kinh dị ma quái, giả tưởng và những chuyện tình. Những đề tài này lâu nay thường bị chê là mang tính giải trí tầm thường. Điều này hoàn toàn sai. Ngày nay, tinh thần dân chủ đã khiến cho mọi đề tài đều có quyền bình đẳng ngang nhau. Điều cần phân biệt rạch ròi là đề tài và cách thức biểu đạt đề tài. Một cuốn tiểu thuyết trinh thám không hề tầm thường nếu tác giả của nó sáng tạo ra những điểm (dù nhỏ) khác với tiểu thuyết của Conan Doyle - cha đẻ thám tử Sherlock Holmes hoặc khác với tiểu thuyết của bà hoàng trinh thám Agatha Christie. Khi đã sáng tạo cái mới lập tức sẽ làm thay đổi cách đọc của độc giả. Từ đó, những cuốn sách giải trí cũng sẽ có ít nhiều giá trị vào di sản văn học. Tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung đã minh chứng cho điều này.

Theo hướng ngược lại, dòng tiểu thuyết nghệ thuật cũng gặp vô vàn khó khăn. Đầu tiên là văn học VN không có truyền thống viết tiểu thuyết nghệ thuật như bên Trung Quốc. Nhà văn VN có thói quen viết dễ hiểu, cấu trúc đơn giản, chủ đề rõ ràng, và phải có ý nghĩa tích cực đến chính trị và xã hội đương thời mang tính “tải đạo”. Ngoài ra, sự tụt hậu về tri thức hàn lâm cũng tác động không nhỏ đến các nhà văn khi muốn tìm tòi đổi mới kỹ thuật viết tiểu thuyết bởi ngày nay người ta không thể chỉ viết dựa theo mỗi kinh nghiệm sống. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu cần phải có lý luận tiểu thuyết.

Có người cho rằng biết nhiều lý thuyết quá không viết được tiểu thuyết. Điều này chỉ đúng một nửa. Một lí thuyết bao giờ cũng có những thủ pháp đã được khái quát hóa mang tính khuôn mẫu. Nếu chăm chăm bắt chước thì nguy cơ tiểu thuyết rất dễ thành một “nồi lẩu”. Nhưng mặt khác, nghiên cứu lý thuyết rất có lợi vì muốn viết văn chuyên nghiệp, dài lâu và muốn tìm tòi nghệ thuật thì cần đề cao các yếu tố kỹ thuật viết văn và phải gắn liền với tinh thần tự giác nghiên cứu. Điều cốt yếu là phải làm sao lí thuyết tự ngấm vào tiềm thức của nhà văn để khi thực hành động tác viết sẽ không bao giờ phạm phải những lỗi sơ đẳng. Chẳng hạn, nếu nhà văn đọc các lí thuyết về cốt truyện thì anh ta sẽ biết cốt truyện giờ đây đã linh hoạt hơn trong cấu trúc khi đã mang tính phân mảnh, mang tính thơ hơn là mang tính truyện kể. Vì thế mà viết cái gì không quan trọng nữa. Quan trọng là cách diễn đạt bởi nó là mục đích tối thượng của tiểu thuyết. Sau khi đã biết đến tính phân mảnh trong cốt truyện, việc còn lại là tìm một cách diễn đạt tính phân mảnh, đây lại là câu chuyện về năng lực sáng tạo của cá nhân không liên quan đến lí thuyết.

Hai con đường mà tiểu thuyết Việt sẽ đi hiện nay vẫn mới chỉ có những nhà văn đầu tiên đi mở đường vì thế không nên có kỳ vọng có ngay những tác phẩm vượt qua những tiểu thuyết thời kỳ đầu Đổi mới. Nhưng cũng không còn sớm sủa để chờ một “cú sốc” nâng tầm ảnh hưởng của tiểu thuyết trên văn đàn.
Hàm Đan

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2009

TRẮNG NÓNG - KHƠI GỢI SỰ TƯỞNG TƯỢNG


“Trắng nóng” là tên triễn lãm thủy tinh mỹ thuật đương đại Australia diễn ra đầu tháng 7/ 2009 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Cuộc triển lãm mở ra cho người thưởng thức ở VN một cái nhìn mới về thủy tinh. Nó không chỉ có tính ứng dụng cao trong đời sống mà còn là một vật liệu cho phép truyền tải những thông điệp mang tính nghệ thuật một cách kín đáo và mới mẻ.
Lấy thủy tinh làm vật liệu đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ phải nắm vứng những yếu tố kĩ thuật riêng của thủy tinh từ nhiệt độ nóng chảy, các cách pha màu, mài thủy tinh... trước khi muốn thực thi ý tưởng nghệ thuật. Tám nghệ sĩ tuy đến từ các quốc gia khác nhau nhưng đều học tập ở các khoa chuyên ngành về thiết kế thuộc các trường đại học danh tiếng nhất ở Australia. Ở đây, có các xưởng thủy tinh (glass workshop) đủ các trang thiết bị hiện đại cho việc hcọ tập. Khi yếu tố kĩ thuật đã được giải quyết cũng là lúc họ phải suy nghĩ về chiều sâu của tác phẩm của mình.


NHỮNG NỖI ÁM ẢNH CÁ NHÂN


Chiều sâu của 16 tác phẩm trong triển lãm bắt nguồn từ những nỗi ám ảnh mang tính cá nhân của người nghệ sĩ.
Deirdre Feeney đã chú thích về tác phẩm sắp đặt Tôi nghĩ tôi đã nhìn thấy bạn một lần nữa và Cô ấy không bao giờ thực sự sống ở đây kết nối giữa mô hình một ngôi nhà tầng làm bằng thủy tinh mờ và những hình ảnh được máy chiếu phóng đại chồng lên nhau: “Thử nghiệm của tôi là kết nối giữa thủy tinh và hình ảnh động được phóng chiếu nhằm thăm dò sự chồng chéo của kiến trúc và trí nhớ. Những tòa nhà, như con người có thể không biết đang lưu trữ rất nhiều kỷ niệm. Tôi làm hoán đổi vật liệu thủy tinh mờ và video sôi động để tìm ra chủ đề của trí nhớ, thời gian và không gian rỗng không, sử dụng kiến trúc thủy tinh để biểu diễn sự tương tác cả trong lẫn ngoài”.
Không tìm cách “ăn mày dĩ vãng” như Deirdre Feeney nhưng Nadège Desgenétez thích chiêm nghiệm sự va chạm giữa hai giai đoạn của đời người: “Tôi từng thích thú khi ký ức và kinh nghiệm tác động vào nhau. Sự thiếu chính chắn thời trẻ con/ nhận thức đầy đủ khi trưởng thành. Họa tiết kể chuyện điển hình về sự hồi tưởng thời thơ ấu của cá nhân cho phép tôi khám phá ý tưởng của kí ức, nơi chốn và giới tính”. Đó là lí do cô đánh bóng thủy tinh làm nổi lên những gam màu tươi xếp sọc với nhau ở tác phẩm Chaussette “Đen và xanh lá cây” gợi nhớ về chiếc kẹo xanh của tuổi thơ và những cơ thể phụ nữ trưởng thành trong tác phẩm Dáng dấp.
Itzell Tazzyman sinh trưởng ở Chile (Nam Mỹ) - quê hương của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo lại đưa cái nhìn mang tính tượng trưng siêu thực vào tác phẩm đê bởi cô quan niệm: “Mỗi vật liệu đều có một câu chuyện. Thủy tinh có mặt quanh chúng ta. Tôi thích thú với điểm giao nhau, ở nơi thuộc về câu chuyện con người của chính chúng ta, tỉnh táo, cái chết, tri giác, và linh hồn nối liền với thủy tinh. Lần lượt, thử nghiệm của tôi gồm có điêu khắc sắp đặt đó là điều đáng chú ý, sử dụng thủy tinh để diễn đạt chất thơ”. Itzell Tazzyman đã làm biến dạng một khối thủy tinh trắng thành hai quả cầu tròn vẫn còn dính liền phía trên và dưới của một chiếc ghế tựa. Hai quả cầu có thể hiểu như sự diễn đạt về tế bào sống đầu tiên tách làm hai. Và đó là lí do để cô đặt tên tác phẩm là: Tiết lộ bản chất đầu tiên của chúng ta. Tác phẩm khác của cô dùng thủy tinh đen làm hai con ngươi của mắt đặt trên một ghệ gỗ hình thành từ bàn và ghế theo mô hình cầu thang. Một tác phẩm khó cầu kì với một cái tên khó hiểu hơn: Sự vắng mặt trói buộc chúng ta như cái bóng của một người đàn bà mù. Ý tưởng của tác phẩm đã có trong tên tác phẩm sau mỗi người thưởng thức cần phải dùng kinh nghiệm của bản thân để lấp vào ý nghĩa còn thiếu của các phẩm và điều này cần có một “nhãn quan mới” như cách nói của một nghệ sĩ Tom Moore.
Không mang tính triết học, thâm trầm như Itzell Tazzyman, Tom Moore đem đến triển lãm hai tác phẩm độc đáo là Con chồn và Nàng Búa. Ý tưởng ban đầu của hai tác phẩm này khá hài hước: “Thủy tinh sẽ tồn tại mãi trừ phi tôi đập vỡ chúng”. Và anh cũng thừa nhận điều này: “Điều đó có vẻ như như là điều nực cười nhất dành cho việc làm nên hai kẻ du hành tầm thường, thông báo một cách vui vẻ về sự hủy hoại của chính chúng”.

SỨC MẠNH CỦA ẨN DỤ


Ngoài Hà Nội, thì Bangkok và Đài Loan là hai nơi triển lãm “Trắng nóng” diễn ra. Cuộc triển lãm nằm trong chương trình Asialink của Đại học Melbourne và Chính phủ Australia. Nó không chỉ thuần túy về mặt giao lưu, kết nối các tác phẩm nghệ thuật cảu các nghệ sĩ khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn là những thông điệp về vấn đề biến đổi khí hậu ở một khu vực xanh của biển và rừng trên thế giới.
Những vấn đề mà đa phần cộng đồng quan tâm hiện nay là sự biến đổi môi trường sinh thái tự nhiên và vấn đề lối sống con người trong xã hội kỹ trị cũng được các nghệ sĩ thể hiện trong các tác phẩm thủy tinh mỹ thuật dưới phép ẩn dụ kín đáo. Bởi nhờ có chất liệu thủy tinh –trong suốt, lung linh rực rỡ khi được chiếc sáng và sự kết hợp với các chất kim loại để tạo đủ các màu “huyền ảo” sẽ tạo ra những hiệu ứng thị giác đặc biệt.
Wendy Fairclough với tác phẩm Tĩnh vật 6, những đồ chứa nước được mài bằng cát đem lại một màu vàng như bụi phủ kết hợp với đèn chiếu màu vàng nhằm mô tả sự cạn kiệt của tự nhiên: “Tác phẩm của tôi thăm dò ý nghĩ về nhà cửa, đất đai, sự an toàn và các cảm giác thân thuộc – xuyên suốt đề tài tĩnh vật. Trong lúc sáng tạo ra tác phẩm này, tôi đã từng nghĩ về cuộc sống ở trạng thái khô cạn – bụi và khô khốc, việc cầu mưa. Sự tuyệt vọng của những vật chứa nước trống rỗng đề phòng sự đổ vỡ nào đó.”
Jessica Loughlin bằng hai tác phẩm mang tên Sự thay đổi 2007 và 2008 diễn tả một giai đoạn trong quá trình tuần hoàn của nước là khi hới nước ngưng tụ trong không khí: “Việc bay hơi ở trong không khí, kết tụ ở trên cao, sắp xếp trong tối tăm mờ đục ở đường chân trời. Những tác phẩm này nhằm tìm kiếm không gian yên lặng bên trong nguời quan sát”. Đó là điều hiển nhiên không mấy ai để ý song trong bức tranh sự ngưng đọng hơi nước diễn ra khi những mảng tối chiếm hết ưu thế. Phải chăng lại thêm một điều cảnh báo cho vấn đề môi trường ở thời tương lai?
Janice Vitkovsky sử dụng màu xanh nước biển làm màu chủ đạo trong tác phẩm Đắm chìm 2008. Trên một mảng thủy tinh mờ, Janice Vitkovsky tìm cách khắc những gợn sóng đặt cách lớp thủy tinh thành những cấu trúc riêng. Những gợn sóng này là phương thức mà nghệ sĩ muốn đánh thức chúng ta về một sự biến đổi của môi trường đang diễn ra âm thầm.


Thứ Năm, 9 tháng 7, 2009

HAKUNA MATATA


Hakuna Matata (hay câu chuyện giữa Pumbaa và Timon) Hakuna Matata như lời nhân vật lợn rừng Pumbaa nghĩa là không lo âu. Chú lợn rừng Pumbaa và chú chồn Timon rời bỏ cánh rừng quen thuộc đi tìm miền đất khác nơi không có ai xa lánh họ. Sau này có thêm Simba - thái tử sư tử lưu lạc tới đây. Ba người đã tìm được miền đất ấy, tuyệt hơn họ tìm thấy mảnh đất thiên đường ở đó họ không phải lo âu điều gì. Nhưng ngày vui không kéo dài lâu, họ vẫn phải lo âu một điều gì đó. Và, trong khó khắn tình bạn mới thực sự là điều đáng quý nhất. Hakuna Matata sẽ chẳng có nghĩa lí gì nếu phải sống một mình. Một cách nói về cô đơn cho trẻ con (và cả người lớn) không thể khéo léo hơn. Hình thức kể chuyện của bộ phim đã là một cách sáng tạo không ngờ: hai nhân vật xem lại bộ phim quay về câu chuyện của họ một liên hình ảnh, chỗi câu chuyện liên quan đến phim Vua sư tử trước đó. Bằng cách này, vua sử tử Simba chỉ còn là nhân vật phụ, nhân vật thứ ba tạo ra biến cố cho câu chuyện. Hakuna Matata vẫn là bộ phim hoạt hình khiến người ta phải xem quá một lần.

GRAVE OF FIREFLIES


Căn hầm đom đóm (Tiếng Nhật: Hotaru no Haka; Tiếng Anh: Grave of the Fireflies nên đáng lẽ phải dịch là Mộ đom đóm mới đúng nhưng chắc sợ nhan đề phim khiến trẻ con sợ, âu cũng phải!) là một bộ phim hoạt hình Nhật Bản (anime) đang được chiếu đi chiếu lại trên VTC11 (kênh thiếu nhi). [Xem thông tin liên quan ở đây, xem online thì ở đây].
Về nội dung bộ phim không cần nói nào là tinh thần phản chiến rồi nỗi đâu chiến tranh và còn tình anh em etc khiến ai xem phim này cũng phải xúc động (đó là chưa kể lấy nhiều nước mắt của chị em). Các thủ pháp phim này hướng đến một bộ phim tả thực cho nên đối tượng tiếp nhận phim này nói là trẻ em nhưng thực ra trẻ em đã đi học cấp 1 chứ mấy đồng chí vẫn dùng bô thì không hiểu phim này bởi các bố chỉ cần các hình ảnh vui mắt chứ không cần hiểu ý nghĩa của hình ảnh.
Ai cũng biết ngành phim ảnh hoạt hình, truyện tranh của Nhật luôn dẫn đầu thế giới chính vì sử dụng nhiều công nghệ kỹ thuật số khiến nhiều khi phim rơi vào màu sắc khoa học viễn tưởng. Bộ phim Căn hầm đom đóm là một trong số ít các bộ phim hoạt hình thể hiện được bản sắc văn hóa Nhật Bản. Chữ hòa nổi lên để làm thích ứng có yếu tố mâu thuẫn với nhau thấy điều này rõ nhất ở nhân vật người anh vừa có sức chịu đựng hiếm có đồng thời cũng rất hiền hậu. Các cảnh trong phim cũng vậy: sự khốc liệt của bom đạn và chất thơ của những con đóm đóm bay lên trong đêm.

HÀ NỘI TRONG MẮT AI


Hà Nội trong mắt ai (Xem phim online ở đây) là một bộ phim tài liệu của đạo diễn NSDN Trần Văn Thủy (Xem tiểu sử ông ở đây) đoạt giải vàng liên hoan phim VN năm 1988. Tuy nhiên Trần Văn Thủy không phải là người viết ra kịch bản mà kịch bảnbộ phim là của NSND Đào Trọng Khánh. Nhưng nghe đâu, Đào Trọng Khánh không đủ tiền nên đành nhượng lại kịch bản để Trần Văn Thủy thực hiện. Báo Hà Nội mới đã có bài về bộ phim này khá cụ thể ai quan tâm thì đọc ở đây. Với nhiều người, nhất là các teen có thể không thích những ẩn dụ về "chính trị" trong phim. Nhưng nên đặt bối cảnh bộ phim vào năm 1988. Một Hà Nội đói khổ đầy chán nản, bao nét đẹp xưa mất mát tàn tạ. Bộ phim là tiếng chuông vọng về dĩ vãng của một Hà Nội xưa. Dùng chuyện xưa để nói những chuyện bất cập thời nay. Chính vì thế mà bộ phim khiến giới cầm quyền điên tiết và bộ phim bị cấm chiếu. Đến nay, nhờ có internet nhiều người yêu Hà Nội mới có cơ hội xem lại một bộ phim hay về Hà Nội. Đến bây giờ, những chuyện thế sự thời xưa Hà Nội trong mắt ai vẫn nguyên tính thời sự thời nay.
Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh nghệ sĩ guitar mù Văn Vượng đang chơi bản nhạc Hà Nội trong mắt ai do anh sáng tác để nói thay khá vọng được nhìn thấy Hà Nội dù chỉ một lần. Và những hình ảnh của bộ phim là Hà Nội của một ai đó nhìn hộ cho người nghệ sĩ mù. Đạo diễn đã dụng công dùng chuyện xưa và nay lồng vào nhau để nói chuyện về những di sản tinh thần bất diệt tinh thần Hà Nội có thể tồn tại được theo thời gian thay thế cho những di sản vật chất không bao giờ được chú ý giữ gìn.