Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

TIỂU THUYẾT VIỆT: THIẾU NHỮNG “CÚ SỐC”


Đời sống tiểu thuyết VN gần đây luôn diễn ra bình lặng. Nhưng đằng sau vẻ ngoài đó là sự phân hóa của các dòng tiểu thuyết, thái độ nhà văn lẫn thị hiếu người đọc.

Cứ thỉnh thoảng văn học Việt Nam lại xuất hiện những cú sốc tác phẩm nhưng hầu hết các tác phẩm lại thuộc về truyện ngắn như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Cơm chiều của Ngô Phan Lưu… Trong khi đó, thể loại “đàn anh” là tiểu thuyết vẫn chưa tạo ra một cú sốc nào trong dư luận lẫn trong những khám phá nghệ thuật.

TIỂU THUYẾT BỊ MẤT GIÁ

Có một thực tế ngược đời gần đây là vai trò quan trọng của tiểu thuyết bị xem nhẹ. Thái độ này nằm ở đa phần nhà văn trẻ (thuộc thế hệ 7x và 8x) - tương lai của nền văn học. Tiểu thuyết hiện nay bị xem như một thứ để làm sang cho thương hiệu của nhà văn chứ không phải để khẳng định tầm vóc sáng tạo của họ. Để khẳng định là một nhà văn “đích thực” dù muốn hay không những nhà văn trẻ đều cặm cụi để ra lò một tiểu thuyết. Chỉ cần có một cuốn tiểu thuyết nghiễm nhiên những tác phẩm ra đời sau của họ sẽ dễ dàng đăng tải hơn, tên tuổi họ dễ xuất hiện trên mặt báo hơn. Thân phận của tiểu thuyết có thể so sánh với bộ sưu tập thời trang để trình diễn trên sân khấu; từ những bộ sưu tập trình diễn, các công ty thời trang mới có uy tín để bán các sản phẩm mang tính ứng dụng.

Ngoài sự thực dụng mang tính thương mại, việc tiểu thuyết bị xem nhẹ còn nằm ở chính ở việc viết tiểu thuyết. Để viết được một cuốn tiểu thuyết cần kinh nghiệm đời sống cộng với sách vở và lẫn kinh nghiệm viết từ trước. Sự tích lũy các yếu tố cần phải có thời gian nhất định: ít thì vài ba năm, thậm chí cả chục năm. Thời gian thì luôn là vàng. Cho nên để thỏa mãn nhu cầu được-viết-văn nên thể loại mà các nhà văn trẻ theo đuổi chủ yếu vẫn là truyện ngắn.

Tiểu thuyết Việt bị mất giá còn do một nguyên nhân khách quan là tiểu thuyết nước ngoài được dịch rất nhiều hoàn toàn lấn át về mặt số lượng lẫn chất lượng. Khi đã có nhiều sự lựa chọn việc người đọc ít chú ý đến tiểu thuyết Việt là điều hệ quả tất yếu. Điều này khiến những cây bút trẻ có ý định viết tiểu thuyết cũng cảm thấy… nản.

HAI CON ĐƯỜNG CỦA TIỂU THUYẾT

Độc giả tiểu thuyết phương Tây ngày nay tách làm hai nửa rõ rệt: đại đa số có nhu cầu đọc để giải trí và số nhỏ thuộc diện đặc tuyển (gọi là những “siêu độc giả”) đọc tiểu thuyết để tìm những khoái cảm của hình thức, tính tư tưởng và những giá trị thẩm mỹ mới. Cho nên, hiện tượng những nhà văn best-seller như Marc Levy lại không được các giáo sư và những người “già kinh nghiệm” văn học xem trọng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Thị hiếu độc giả VN hiện nay bị phân hóa mạnh, qua đó cũng hình thành hai thị hiếu đọc tiểu thuyết riêng. Có thể lấy cuốn tiểu thuyết Và khi tro bụi (XB năm 2006) của nhà văn Đoàn Minh Phượng làm ví dụ. Giới “siêu độc giả” xem Và khi tro bụi là một cuốn tiểu thuyết giá trị vì có những yếu tố nghệ thuật hiện đại. Ngược lại, độc giả bình dân hoàn toàn thờ ơ bởi cuốn tiểu thuyết vượt khỏi tầm hiểu biết thông thường. Có hiện tượng trên vì sự tiếp nhận tiểu thuyết của độc giả bình dân VN lạc hậu gần 200 năm so với phương Tây, bởi các tác phẩm trong nhà trường phổ thông ở VN mới chỉ dừng lại ở văn học ảnh hưởng chủ nghĩa lãng mạn và hiện thực phương Tây thế kỷ 19. Trong khi đó, những tiểu thuyết ở VN chịu ảnh hưởng các trào lưu văn học hiện đại của thế kỷ 20 với những kỹ thuật cách tân tiểu thuyết không được đem vào giảng dạy như Nỗi buồn chiến tranh (1987) của Bảo Ninh hay Thiên sứ (1988) của Phạm Thị Hoài. Nhìn sang nước Đức, tiểu thuyết Người đọc (XB năm 1995) đã được vào môn văn bậc phổ thông.

Khi thị hiếu đã chia làm hai thì hiển nhiên là sẽ mở ra hai con đường phát triển của tiểu thuyết. Con đường tiểu thuyết đại chúng và con đường thứ hai là “khám phá ra cái mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá được” (Herman Broch) – những yếu tố hình thức nghệ thuật.
Ở con đường thứ nhất, khi tiểu thuyết mang tính đại chúng nghĩa là tiểu thuyết phải viết về những vấn đề nhiều người tìm đọc bao gồm: trinh thám, hình sự, phiêu lưu, kinh dị ma quái, giả tưởng và những chuyện tình. Những đề tài này lâu nay thường bị chê là mang tính giải trí tầm thường. Điều này hoàn toàn sai. Ngày nay, tinh thần dân chủ đã khiến cho mọi đề tài đều có quyền bình đẳng ngang nhau. Điều cần phân biệt rạch ròi là đề tài và cách thức biểu đạt đề tài. Một cuốn tiểu thuyết trinh thám không hề tầm thường nếu tác giả của nó sáng tạo ra những điểm (dù nhỏ) khác với tiểu thuyết của Conan Doyle - cha đẻ thám tử Sherlock Holmes hoặc khác với tiểu thuyết của bà hoàng trinh thám Agatha Christie. Khi đã sáng tạo cái mới lập tức sẽ làm thay đổi cách đọc của độc giả. Từ đó, những cuốn sách giải trí cũng sẽ có ít nhiều giá trị vào di sản văn học. Tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung đã minh chứng cho điều này.

Theo hướng ngược lại, dòng tiểu thuyết nghệ thuật cũng gặp vô vàn khó khăn. Đầu tiên là văn học VN không có truyền thống viết tiểu thuyết nghệ thuật như bên Trung Quốc. Nhà văn VN có thói quen viết dễ hiểu, cấu trúc đơn giản, chủ đề rõ ràng, và phải có ý nghĩa tích cực đến chính trị và xã hội đương thời mang tính “tải đạo”. Ngoài ra, sự tụt hậu về tri thức hàn lâm cũng tác động không nhỏ đến các nhà văn khi muốn tìm tòi đổi mới kỹ thuật viết tiểu thuyết bởi ngày nay người ta không thể chỉ viết dựa theo mỗi kinh nghiệm sống. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu cần phải có lý luận tiểu thuyết.

Có người cho rằng biết nhiều lý thuyết quá không viết được tiểu thuyết. Điều này chỉ đúng một nửa. Một lí thuyết bao giờ cũng có những thủ pháp đã được khái quát hóa mang tính khuôn mẫu. Nếu chăm chăm bắt chước thì nguy cơ tiểu thuyết rất dễ thành một “nồi lẩu”. Nhưng mặt khác, nghiên cứu lý thuyết rất có lợi vì muốn viết văn chuyên nghiệp, dài lâu và muốn tìm tòi nghệ thuật thì cần đề cao các yếu tố kỹ thuật viết văn và phải gắn liền với tinh thần tự giác nghiên cứu. Điều cốt yếu là phải làm sao lí thuyết tự ngấm vào tiềm thức của nhà văn để khi thực hành động tác viết sẽ không bao giờ phạm phải những lỗi sơ đẳng. Chẳng hạn, nếu nhà văn đọc các lí thuyết về cốt truyện thì anh ta sẽ biết cốt truyện giờ đây đã linh hoạt hơn trong cấu trúc khi đã mang tính phân mảnh, mang tính thơ hơn là mang tính truyện kể. Vì thế mà viết cái gì không quan trọng nữa. Quan trọng là cách diễn đạt bởi nó là mục đích tối thượng của tiểu thuyết. Sau khi đã biết đến tính phân mảnh trong cốt truyện, việc còn lại là tìm một cách diễn đạt tính phân mảnh, đây lại là câu chuyện về năng lực sáng tạo của cá nhân không liên quan đến lí thuyết.

Hai con đường mà tiểu thuyết Việt sẽ đi hiện nay vẫn mới chỉ có những nhà văn đầu tiên đi mở đường vì thế không nên có kỳ vọng có ngay những tác phẩm vượt qua những tiểu thuyết thời kỳ đầu Đổi mới. Nhưng cũng không còn sớm sủa để chờ một “cú sốc” nâng tầm ảnh hưởng của tiểu thuyết trên văn đàn.
Hàm Đan

1 nhận xét:

  1. Đọc bài này sau nhưng phải nói ngay là "và khi tro bụi ' là một cuốn hay hiếm hoi gần đây. Tôi đã mua cả tá để tặng dần những người phụ nữ đi qua " đời " mình.

    Trả lờiXóa