Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

ĐỌC "VỊ TƯ LỆNH CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN-ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH"


Trong số các cuộc chiến tranh ở thế kỷ XX, chưa hề có một tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương đến tiền tuyến có quy mô lớn và kéo dài dưới mưa bom bão đạn như tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Không chỉ có nhân dân ta tự hào về đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mà nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh Việt Nam trên thế giới còn cho rằng: Quân đội Mỹ thất bại tại Việt Nam có nguyên nhân lớn là do không thể ngăn chặn “mạch máu” chi viện liên tục của miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho tiến tuyến lớn miền Nam thông qua đường Hồ Chí Minh.

Nhưng chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, khoảng thời gian đó, một thế hệ người Việt Nam trưởng thành và nhiều người trong số đó chưa thật hiểu rõ về tầm vóc to lớn và hiệu quả mà con đường huyền thoại đóng góp cho ngày toàn thắng của dân tộc. Việc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa mới tái bản cuốn sách “Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh” của Đại tá Phan Hữu Đại (Nguyên Chính ủy Sư đoàn ô tô cơ động vận tải 571) thêm một lần nữa muốn bạn đọc hôm nay, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về ý nghĩa lịch sử của đường Hồ Chí Minh và hình dùng được biết bao mồ hôi và xương máu của thế hệ cha anh đã đổ xuống trên con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Tác phẩm mang nhan đề “Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh” tức nói về Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559-một vị tướng tài ba, trí tuệ và bản lĩnh đã có công đầu chỉ huy bộ đội các binh chủng hợp thành đánh thắng kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho miền Nam; nhưng đồng thời cũng mô tả theo chiều sâu cuộc chiến đấu của bộ đội Trường Sơn cùng một mảng lớn về nghệ thuật quân sự được vận dụng một cách sáng tạo trên chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh mà tác giả Phan Hữu Đại đã thể hiện một cách phong phú và sinh động. Đặc biệt, thông qua phần III cuốn sách “Tỏa sáng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Trường Sơn” được chia làm 9 phần nhỏ khiến người đọc dễ hình dung về quá trình hình thành và phát triển của đường Hồ Chí Minh, cách thức tổ chức binh lực và cách quân và dân ta đánh thắng sự phá hoại tuyến đường của đế quốc Mỹ.

          Cuốn sách chỉ dày hơn 200 trang nhưng với tư cách một người trong cuộc, Đại tá Phan Hữu Đại đã có điều kiện khái quát những công lao to lớn của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên gắn với đường Trường Sơn huyền thoại trong việc xây dựng nên một nền nghệ thuật vận tải chiến lược quân sự, góp phần quan trọng vào nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tuy không phải là người nghiên cứu lịch sử hay nghệ thuật quân sự chuyên nghiệp nhưng tác giả cũng đã đưa ra những nhận xét chuẩn xác trên những tư liệu thực chứng.

Thiết nghĩ, những vấn đề được đề cập trong cuốn sách này có thể đem lại kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; đồng thời giúp bạn đọc-những ai mong muốn hiểu biết về thân thế và sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên-một vị tướng tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

LINH THIÊN


Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

TIẾNG VỌNG TỪ BỜ KIA THẾ GIỚI



Nhân sự kiện “Diễn đàn Văn học Việt-Mỹ: Nhìn lại và phát triển” do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts, Mỹ) tổ chức; mới đây, NXB Hội Nhà văn cũng vừa phát hành tập thơ Mỹ với nhan đề “Tiếng vọng từ bờ kia thế giới” gồm hơn 80 bài thơ của 11 tác giả. Vào năm 2004, tuyển tập thơ Mỹ “15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX” (NXB Hội Nhà văn) cũng đã gây được tiếng vang vì đã giới thiệu một cách có hệ thống những đỉnh cao thơ ca Mỹ trong thế kỷ XX. Lần nay, “Tiếng vọng từ bờ kia thế giới” mang giá trị khác bởi đây là tập thơ của các nhà thơ phần lớn là cựu binh Mỹ từng tham gia trong chiến tranh Việt Nam.

Với những cựu binh Mỹ tiến bộ, cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến phi nghĩa khiến những người trong cuộc bị ám ảnh tinh thần dai dẳng thường được gọi là “hội chứng chiến tranh Việt Nam”. Như một lẽ tất yếu, chiến tranh Việt Nam nhanh chóng trở thành một đề tài của văn học nghệ thuật ngay khi “mặt nạ” nhân nghĩa của giới cầm quyền của Mỹ bị lột trần. Với thơ ca, cuộc chiến Việt Nam hiện ra với tất cả sự khắc nghiệt thử thách không chỉ thể xác mà còn cả lương tâm con người:

“Cô bé bị đốt sau võng mạc của anh
Không gì có thể thay đổi được điều đó
Kể cả tình yêu nhân hậu của em
cả không khí mát lành sau mưa
cả rừng cỏ xanh đang mở ra trước mắt chúng ta
tất cả không thể chối bỏ được sự thật đó.”
(Bài thơ “Bài hát bom Na-pan” của Bruce Weigl)

Sau khi chiến tranh kết thúc, những nhà thơ-cựu chiến binh Mỹ yêu chuộng hòa bình kêu gọi Chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Một số cựu binh còn thành lập Trung tâm William Joiner để làm cầu nối cho văn hóa và văn học hai nước. Song hành với quá trình giao lưu văn học Việt-Mỹ, thơ của các cựu binh Mỹ cũng có bước chuyển trong nội dung nhằm khám phá cuộc sống và tâm lý đất nước và con người từng ở bên kia chiến tuyến. Chỉ có thấu hiểu lẫn nhau mới có thể xây dựng lòng tin và thơ đã trở thành một “cầu nối” vượt qua những biên giới vô hình của sự hận thù như như những câu thơ đầy khắc khoải trong bài thơ “Chơi bóng rổ với Việt Cộng” của nhà thơ Kevin Bowen tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng:

“Giờ ông đến gõ cửa nhà ta
Gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
Sau một hồi ông vụng về, bỡ ngỡ
Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao
...
Ông nhìn chúng ta mỉm cười
Đó là món quà để con người hạ súng”

Sau những chuyến đi trở lại Việt Nam, những cựu binh Mỹ đã cảm nhận sâu hơn về tính nhân bản của dân tộc Việt Nam-một dân tộc sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Nhờ đó, những câu thơ của những cựu binh Mỹ trở nên thú vị nhờ cái nhìn từ bên ngoài đã phát hiện nhiều chi tiết bất ngờ ra trong cuộc sống hậu chiến:

“Câu chuyện về sự ra đời của đứa con đầu lòng:
Anh đã trèo tường bệnh viện để ngó xem vợ.
Anh kể đã tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy con không bị tật nguyền
Anh đi được nửa đường về mới nhận ra chưa hỏi xem đứa trẻ là trai hay gái.”
(Bài thơ “Bài ca Dioxin” của Kevin Bowen)

          Đọc tập thơ của những nhà thơ từ bờ kia thế giới khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ nhưng nội dung các bài thơ lại quy về một thông điệp của tình bạn giữa người với người như nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết trong lời giới thiệu: “Họ đã đem đến cho chúng ta tình bạn, bằng thơ, bằng mọi hoạt động xã hội nhiều khi vượt ra khỏi khuôn khổ tư duy cũ kỹ và trịch thượng ngự trị lâu đời trên đất nước họ”.

HÀM ĐAN



Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

THỜI ĐÀM (XX): HỖ TRỢ XUẤT KHẨU VĂN CHƯƠNG VIỆT

Mấy năm qua, việc dịch văn học nước ngoài sang tiếng Việt đã có bước phát triển vượt bậc. Ngoài các loại sách best-seller, nhiều kiệt tác văn chương thế giới như: “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của I. Calvino, “Lolita” của V. Nabokov… cũng đã đến với độc giả Việt Nam. “Dịch xuôi” đã ổn nhưng ở chiều “dịch ngược”-tức dịch các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài không có tiến triển nào đáng ghi nhận. Dù đã có Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài cách đây đã 2 năm, chuyện xuất khẩu văn chương Việt vẫn nằm trên giấy. Giống như tình trạng “Cha chung không ai khóc”, người trong giới văn chương ai cũng đau đáu chuyện xuất ngoại văn chương Việt nhưng không có một cơ quan nào chỉ huy công việc “dịch ngược”; hệ quả là chẳng ai làm công việc nói trên!

Tưởng chừng việc “dịch ngược” còn lâu mới tìm thấy lối ra thì bất ngờ Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Lệ Chi (nhãn hiệu sách Chibooks) của dịch giả Nguyễn Lệ Chi đã ký hợp đồng làm đại diện cho 10 nhà văn đương đại là: Phan Hồn Nhiên, Trần Thu Trang, Cấn Vân Khánh, Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang, Dương Bình Nguyên, Hồ Anh Thái, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Đình Tú, với 40 tác phẩm để chào bán ra nước ngoài trong vòng từ 8 đến 10 năm. Chibooks cũng sẽ đầu tư cho việc quảng bá thông tin và PR cho các tác giả tại nhiều quốc gia; ngược lại, Chibooks  nhận 10% giá trị hợp đồng bán bản quyền của mỗi tác phẩm. Trong năm 2012, Chibooks sẽ đi tham dự các Hội chợ sách quốc tế để chào bán bản quyền như: Hội chợ bản quyền sách Kuala Lumpur (Ma-lai-xi-a), Hội chợ sách quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc)… 

Khác với kiểu xuất khẩu hữu nghị do quan hệ cá nhân của các nhà văn đối với các NXB nước ngoài hoặc vì sự yêu thích của các dịch giả nước ngoài đối với tác phẩm văn học Việt Nam, dự án của Chibooks mang tính thương mại nên cần phải chiến lược bài bản mới có thể thành công. Được biết, công việc đầu tiên của Chibooks là dịch tóm tắt tác phẩm hoặc thậm chí dịch một chương đầu ra tiếng Anh, tiếng Trung… Và xây dựng cho mỗi tác giả, mỗi tác phẩm một hồ sơ riêng đầy đủ thông tin về sức ảnh hưởng trong xã hội, những bài báo đã đăng về tác giả hoặc tác phẩm… Công việc đầu tiên tưởng chừng chỉ là chuyện nhỏ lại hết sức quan trọng vì hầu như văn học Việt Nam không có tiếng vang nào với bạn bè quốc tế. Thế mới có chuyện, trong lần giao lưu văn học ở Hà Nội, giới văn chương Thủ đô ngạc nhiên tột bậc vì được một nhà Việt Nam học người Pháp cho biết danh tính một cuốn tiểu thuyết “thường thường bậc trung” lại được xem là tác phẩm văn học lớn của Việt Nam, trong khi nhiều tác phẩm có giá trị hơn lại không hề được biết tới.

Triển vọng của dự án xuất khẩu văn chương Việt có thể xem là khả quan vì Chibooks là đơn vị hiểu rõ các khâu mua bán bản quyền với các đối tác nước ngoài. Mặt khác, 40 tác phẩm mà Chibooks xuất khẩu ra nước ngoài đa phần đều đề cập đến cuộc sống và con người Việt Nam đương đại mới mẻ. Đất nước Việt Nam thường chỉ được biết đến thông qua chiến tranh Việt Nam nổi tiếng, còn một nước Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì chắc chắn không nhiều người nước ngoài biết rõ. Cho nên, các tác phẩm sẽ đáp ứng thói chuộng lạ (exotisme) của độc giả nước ngoài. Vô hình trung dự án cũng sẽ quảng bá hình ảnh đất nước hiệu quả, trong bối cảnh các loại hình văn hóa khác như điện ảnh hay âm nhạc chưa đủ tầm vượt ra ngoài biên giới hình chữ S.

Dự án xuất khẩu văn chương Việt là một nỗ lực đơn độc của một đơn vị tư nhân; thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ dự án như các nước khác vẫn đang thực hiện. Ví dụ như ở Hung-ga-ry có Quỹ sách Hung-ga-ry là một trung tâm thông tin văn học và hỗ trợ xuất bản được Bộ Văn hóa Hung-ga-ry thành lập. Quỹ này ngoài hỗ trợ các NXB của Hung-ga-ry còn trợ giúp tài chính cho các NXB nước ngoài muốn dịch và phát hành tác phẩm văn học Hung-ga-ry. Quỹ từng hỗ trợ tài chính để tiểu thuyết nổi tiếng “Không số phận” của nhà văn Hung-ga-ry Kertész Imre (Nobel Văn học 2002) xuất bản sang tiếng Việt năm 2010. Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, vậy tại sao một dự án có nhiều lợi ích thiết thực như dự án xuất khẩu văn chương Việt lại chưa được hỗ trợ?
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG      

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

FRANZ KAFKA, THIÊN TÀI ĐƠN GIẢN



Giới nghiên cứu văn học đều xem nhà văn Pháp Marcel Proust (1871-1922), nhà văn Ai-len James Joyce (1882-1941) và nhà văn Séc Franz Kafka (1883-1924) là “tam vị” thiên tài cách tân văn xuôi thế giới trong thế kỷ XX. Marcel Proust và James Joyce thường chỉ được một số ít người đọc yêu thích do lối viết của hai ông quá khó đọc; ngược lại, các tác phẩm của Franz Kafka rất dễ đọc và dễ hiểu.

F. Kafka là người gốc Do thái sinh ra tại TP Pra-ha (thời bấy giờ thuộc Đế quốc Áo-Hung) trong một gia đình thượng lưu. F. Kafka thông thạo tiếng Séc nhưng ông chỉ viết văn bằng tiếng Đức nên nhiều người vẫn xem ông là “vị vua được ngầm tôn vinh của văn xuôi Đức”, dù Cộng hòa Séc hiện nay xem ông là đại văn hào của đất nước và đặt một giải thưởng văn chương danh giá nhất mang tên Franz Kafka.

F. Kafka bẩm sinh cực kì thông minh, hơn 20 tuổi đã đỗ tiến sĩ luật nhưng ông chọn làm công chức bình thường để có thời gian viết văn. Sự nhập cuộc của Franz Kafka vào sinh hoạt văn chương cũng hạn chế, thậm chí trước khi chết vì bệnh lao ông còn nhờ người bạn thân Max Brod đốt hết các bản thảo. Thật may, Max Brod đã không theo lời dặn dò; nhờ đó, người đọc sau này mới khám phá một thiên tài văn chương nhạy cảm đến mức bệnh hoạn.

Những công trình về tiểu sử F. Kafka thường nhấn mạnh đến hai yếu tố ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông là nguồn gốc Do thái-dân tộc tha hương và chấn thương tâm lý thủa bé do sống cùng người cha hà khắc. Quả thật, đọc các tác phẩm của Kafka, dễ dàng nhận thấy những ẩn dụ bắt đầu từ hai yếu tố nói trên. Chẳng hạn, nhân viên đo đạc K.trong tiểu thuyết “Lâu đài” (Trương Đăng Dung dịch, NXB Văn học, 1998) được mời đến lâu đài để làm việc nhưng anh không thể vào được lâu đài như một đứa bé bị bỏ rơi, bị ngầm trừng phạt vô cớ. Ngay cả các tên nhân vật như K., Josef K., Samsa (biến âm Kafka) cũng mang tính quy chiếu đến bi kịch cá nhân của F. Kafka.  
          F. Kafka khiến người ta kinh ngạc vì dường như ông tiên đoán được tương lai. Trong tiểu thuyết “Vụ án” (Phùng Văn Tửu dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 2002), vào một buổi sáng, hai người mặc đồ đen đến nhà Josef K. tuyên bố anh ta có tội mà không hề giải thích và gần 1 năm sau giết Josef K. một cách thản nhiên. Cốt truyện này dường như tiên đoán được sự kết án vô cớ và giết hại thường dân vô tội của Đức quốc xã sau này. Thật ra, F. Kafka không có tài tiên tri mà chẳng qua ông nhìn thấu được sự tan rã các mối liên kết cuộc sống xã hội tiền hiện đại. Ông nhận ra xã hội hiện đại sẽ trở nên vô tình do kỹ thuật hoá và quan liêu hoá. 
Tất nhiên, F. Kafka là một nhà văn nên ông thể hiện các thông điệp thông qua hình tượng và hình ảnh chứ không bằng khái niệm, các mô hình nghiên cứu như nhà khoa học nhân văn. Để diễn đạt thế giới hiện đại vô tình, ông sáng tạo ra tình trạng con người lạc vào mê cung bị chi phối bởi thiết chế đầy quyền lực và bí ẩn thông qua hình tượng lâu tài, tòa án... Nhờ sự trừu tượng hóa nhân vật (nhân vật bị mất danh tính, tiểu sử chỉ còn lại tên gọi là ký hiệu như K.) và xóa nhòa tính cụ thể không gian và thời gian (không biết câu chuyện xảy ra thời điểm nào, ở địa danh nào cụ thể) nên các tác phẩm của F. Kafka có tính phổ quát cao, mang tính điển hình hơn hẳn chủ nghĩa hiện thực đang thống trị văn chương đương thời.

Vị thế độc nhất vô nhị của F. Kafka trong văn chương được định danh vì ông được xem là nhà văn đầu tiên sử dụng tính phi lý là đối tượng nhận thức khách quan ẩn đằng sau đời sống bề ngoài hợp lý. Cuộc cách mạng văn chương của Kafka còn thông qua lối viết đặc biệt thường được gọi là “lối viết độ không” đầy dửng dưng, khách quan đến mức lạnh lùng vô cùng thích hợp với nội dung về cái phi lý.

Bề ngoài truyện của Kafka có vẻ hoàn toàn bình thường thậm chí nếu đọc lướt có thể xem là nhạt nhẽo do ông vẫn giữ toàn bộ cấu trúc truyền thống của giao tiếp ngôn ngữ với tính mạch lạc và logic cú pháp nhưng ông đã đưa vào tính phi logic, tính rời rạc và phi lý của nội dung. Hiệu quả đặc biệt lối viết kiểu F. Kafka là tất cả đều rõ ràng, không có gì khó hiểu ngoài một biến cố thường ở đầu truyện. Ví dụ, trong truyện vừa kinh điển “Hóa thân” (Tuyển tập Franz Kafka, NXB Hội Nhà văn, 2003), ngay câu đầu tiên là một sự cố biến dạng: “Một buổi sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một con côn trùng khổng lồ”. Điều lạ lùng nằm ở điểm dù trong hình hài con bọ nhưng tâm tính G. Samsa vẫn là con người và anh ta dần thích nghi với hình hài con bọ như chưa hề có sự cố hóa thân. Khác với motif người hóa thành động vật trong truyện cổ tích (người hóa thành động vật sau đó lại thành người như truyện “Tấm Cám” của Việt Nam), con bọ-người G. Samsa chỉ có thể có kết cục là cái chết để giải thoát do không thể trở lại thành người, nghĩa là cái phi lý biến thành cái bình thường hàng ngày. Và như vậy, F. Kafka cũng phần nào ngầm phê phán sự tha hóa bản tính tốt đẹp của con người dưới tác động của hoàn cảnh. Sự phi logic và sự phi lý bắt đầu khi con người tỉnh giấc, đó được xem là “chìa khóa” để hiểu kỹ xảo thiên tài đơn giản đến không ngờ của F. Kafka.    

          Những tư tưởng và thủ pháp độc đáo của F. Kafka ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nhà văn trong thế kỷ XX và cả ở các loại hình nghệ thuật khác sử dụng yếu tố huyền thoại và huyễn tưởng. Vì vậy, thực ra chiều kích F. Kafka vượt khỏi phạm vi văn chương để ông là một trong những người mở đường cho nghệ thuật hiện đại.

          HÀM ĐAN

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (VII): NỖ LỰC ĐA DẠNG HÓA SẢN PHẨM DU LỊCH


Dù chưa phải mùa cao điểm du lịch nhưng mỗi ngày TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) vẫn đón hàng nghìn khách ghé thăm, chủ yếu là khách nước ngoài. Du khách du lịch Hội An không chỉ du ngoạn phố cổ, thưởng thức ẩm thực, ngắm đèn lồng hoa đăng rực rỡ trong mỗi đêm rằm, mà còn được trải nghiệm trong một hình thức du lịch hoàn toàn mới: “Một ngày làm nông dân phố cổ”. Bỏ ra khoản phí từ 3 đến 5 triệu đồng, các du khách phương xa sẽ đội nón lá, mặc áo nhà nông trực tiếp xắn quần lội ruộng cày cấy, trồng rau và tham gia các hoạt động xay lúa, giã gạo, làm bánh… như một người nông dân Việt Nam đích thực. Hiệu quả bước đầu của hình thức du lịch trên là tích cực khi những du khách nước ngoài đều tỏ ra thích thú được tập làm nông dân Việt Nam chỉ trong vài giờ ngắn ngủi.

Lợi ích tour du lịch này là tăng thời gian lưu trú của khách du lịch, trực tiếp làm gia tăng giá trị nguồn thu. Tour du lịch này còn có điểm độc đáo khi bản thân toàn bộ cộng đồng người dân bản địa được tham gia làm du lịch; giúp cư dân vừa bảo lưu truyền thống văn hóa, vừa chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt hơn, thông qua tour du lịch bản thân Hội An nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung có thể giới thiệu rộng rãi nền văn minh lúa nước đã có lịch sử hàng ngàn năm.

Hình thức du lịch mang tính cộng đồng, giúp du khách dễ dàng hòa mình vào các hoạt động như người bản địa đã có từ lâu trên thế giới. Ngay ở một số nước Đông Nam Á như In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, vài năm trước, đã hình thành những khu du lịch sinh thái mà thực chất là những làng xóm chuyên canh lúa nước. Câu hỏi được đặt ra là vì sao nước ta có truyền thống trồng lúa nước lại đi sau ở hình thức du lịch này? Câu trả lời là các địa phương ở nước ta chưa nhận thức được tầm quan trọng của các loại hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để nỗ lực đưa các hình thức du lịch mới vào khai thác. Tình trạng chung trong hoạt động du lịch của đa số các địa phương ở nước ta vẫn dừng lại ở việc “ăn sẵn” vào các di sản vật thể hoặc cảnh quan tự nhiên-xem đây là thứ “vốn” duy nhất để phát triển du lịch.

Được biết, tour du lịch “Một ngày làm nông dân phố cổ” ở TP Hội An là do chàng thanh niên Trần Văn Khoa (Giám đốc Công ty TNHH lữ hành Khoa Trần Hội An Eco-Tour) thực hiện. Tour du lịch tưởng chừng có vẻ đơn giản này để đi vào thực tế không hề dễ dàng. Dự án của Khoa sẽ không thực hiện được nếu chính quyền Hội An không có tầm nhìn xa, quyết giữ lại các khoảng xanh và đồng ruộng để phục vụ du lịch bền vững. Có thể xem, việc đưa hình thức du lịch “Một ngày làm nông dân phố cổ” đã chứng minh TP Hội An là một trong những địa phương đi đầu trong việc đa dạng sản phẩm du lịch, biết kết hợp hài hòa giữa lợi thế sở hữu di sản thiên nhiên thế giới phố cổ Hội An với nét văn hóa bản địa độc đáo.

Kinh nghiệm từ tour du lịch “Một ngày làm nông dân phố cổ” ở TP Hội An có thể áp dụng ở bất cứ nơi đâu trên đất nước ta vì mỗi địa phương đều có nét văn hóa và cách thức sinh hoạt riêng. Vấn đề là những người làm du lịch ở từng địa phương có thực sự thay đổi nhận thức, quyết tâm đa dạng hóa sản phẩm du lịch để hướng tới một nền du lịch bền vững hay không?

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

RYUNOSUKE AKUTAGAWA, NGƯỜI CHA CỦA TRUYỆN NGẮN NHẬT BẢN

 (Tuyển tập truyện R. Akutagawa, Vũ Minh Thiều dịch, NXB Gió Bốn Phương, Sài Gòn, 1967)
Trong thời trị vì của Thiên hoàng Minh Trị (1867-1912), Nhật Bản đã tiến hành công cuộc hiện đại hóa một cách mạnh mẽ để trở thành một đế quốc. Với tư tưởng “thoát Á nhập Âu”, đời sống văn hóa tinh thần nói chung và văn học nói riêng ở xứ sở mặt trời mọc bước sang thời hiện đại một cách mau lẹ. Sau thời gian đầu làm quen, mô phỏng văn học phương Tây, bước sang những năm đầu thế kỷ XX, văn học Nhật Bản bắt đầu có những sáng tạo kết tinh. Một trong những cái tên nổi bật, đặt nền móng cho văn học hiện đại Nhật Bản là nhà văn Ryunosuke Akutagawa (1892-1927). Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng R.Akutagawa đã để lại những truyện ngắn được liệt vào hàng kiệt tác, đưa ông đến danh xưng "Người cha của truyện ngắn Nhật Bản".       
    Ở đất nước có truyền thống văn chương duy mỹ và duy cảm như Nhật Bản, hoàn cảnh cuộc sống thường xuyên có tác động hữu hình tới con người sáng tạo của nhà văn. Thế giới nghệ thuật u buồn và bi quan của R.Akutagawa có lẽ xuất phát việc sớm nếm trải những bi kịch cuộc đời. Khi ông 1 tuổi, bà mẹ phát bệnh điên và ông về làm con nuôi ông cậu là nhà văn Michiaki Akutagawa. Thời niên thiếu của R.Akutagawa khá êm ấm, ông được học hành đàng hoàng và học rất giỏi. Ông tỏ ra có khiếu văn chương từ nhỏ, 7 tuổi đã biết làm thơ Haiku. Tới những năm tuổi 20, ông học văn chương Anh tại Đại học Đế quốc Tokyo và bắt đầu nghiền ngẫm các tác phẩm của các nhà văn phương Tây như: Anatole France, Henri Bergson, August Strindberg… Đây cũng là giai đoạn ông viết những truyện ngắn đầu tay trong sáng, giàu chất thơ như truyện ngắn “Nước dòng sông Cái”. 
Khoảng thời gian từ năm 1916 đến 1925, bút lực của R.Akutagawa tỏ ra sung mãn và chín muồi với hàng loạt truyện ngắn xuất sắc. Song, sức khỏe của ông suy giảm rõ rệt với đủ thứ bệnh về thần kinh, tim và tiêu hóa. Năm 1927, người anh vợ của R.Akutagawa tự sát sau khi đốt nhà để lại món nợ lớn khiến ông phải gắng sức thanh toán. Bế tắc trong đời sống cộng với cạn cảm hứng sáng tạo, đêm 24-7-1927, ông uống thuốc ngủ tự tử. 
Sau khi qua đời, tên tuổi của R.Akutagawa mới trở nên nổi tiếng thông qua bộ phim “Rashomon” (Cổng Rasho) của “Hoàng đế điện ảnh Nhật Bản” Akira Kurosawa (1910-1998). Năm 1951, bộ phim “Rashomon” chuyển thể từ truyện ngắn “Trong rừng trúc” (tên gọi khác là “Bốn bề bờ bụi”) của R.Akutagawa đã giành được Giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice (I-ta-li-a) và giải Oscar đặc biệt (tương đương giải Oscar “Phim nước ngoài xuất sắc nhất” hiện nay). Giới phê bình phương Tây mới phát hiện ra bậc thầy truyện ngắn Nhật Bản ngang tầm với những cây bút truyện ngắn cự phách xuất thân từ châu Âu.
    Người Việt Nam biết đến R.Akutagawa cũng thông qua phim “Rashomon” chiếu ở Hà Nội ngay sau khi giải phóng Thủ đô (1954). Từ thập niên 1960 đến nay, các truyện ngắn của R.Akutagawa được dịch rải rác. Mới nhất là tuyển tập truyện ngắn của R.Akutagawa có nhan đề “Trinh tiết” (Nhiều người dịch, NXB Văn học&Alphabooks, 2006); tuyển tập này đáng đọc hơn cả vì được dịch từ nguyên bản tiếng Nhật, và nhiều truyện ngắn chưa từng dịch ra tiếng Việt trước đó.
    Di sản văn chương độc đáo của R.Akutagawa thể hiện qua hai chặng đường sáng tạo riêng biệt. Trong giai đoạn đầu, R.Akutagawa mượn nội dung của các truyện cổ trong nước và nước ngoài làm nền tảng cho các truyện ngắn. Như trong truyện ngắn “Sợi tơ nhện”, R.Akutagawa đã mượn cốt truyện từ một truyện cổ Ấn Độ, nhưng ông đã sáng tạo rất nhiều khi miêu tả đối lập cảnh giữa Địa Ngục và cõi Niết Bàn vô cùng sinh động. Mặt khác, ông sắp xếp diễn biến câu chuyện một cách tinh tế khiến truyện ngắn giàu kịch tính, tạo căng thẳng cho người đọc suốt cả truyện ngắn. Sáng tác thời kỳ đầu của R.Akutagawa mang tính chất hiện thực mà sự đa dạng về nội dung của các truyện ngắn lớn hơn bất cứ tác phẩm của nhà văn nào cùng thời với ông, phản ánh sự nhạy cảm nội tâm và chiều sâu tri thức của một người am hiểu sâu sắc văn chương Nhật Bản truyền thống và văn học Trung Hoa cổ điển. Những sáng tác của R.Akutagawa trải rộng đề tài trên rất nhiều bình diện xã hội mang tính dụ ngôn sâu sắc.
    Thời kỳ sáng tác thứ hai của R.Akutagawa có sự đổi mới về hình thức kể chuyện triệt để. Tuy cốt truyện không có gì mới lạ nhưng cách kể chuyện của ông ảnh hưởng từ cách kể chuyện đa dạng của văn học phương Tây khiến sự cách tân đi rất xa so với các truyện ngắn Nhật Bản đương thời. Truyện ngắn tiêu biểu nhất cho thời kỳ sáng tác thứ hai của R.Akutagawa là truyện ngắn “Trong rừng trúc”. Truyện ngắn xoay quanh cái chết của một người đàn ông. Những lời khai của các nhân vật liên quan gồm: Người tiều phu, nhà sư, tên cướp, người vợ và người đàn ông-người chồng đã chết thông qua người hầu đồng...; không hề giống nhau khiến quan tòa đang xét xử vụ án-hay đúng ra là chính người đọc hoang mang không hiểu đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người chồng. Tư tưởng của truyện ngắn là sự hoài nghi tuyệt đối của R.Akutagawa về cái gọi là sự thật. Sự thật có lẽ không tồn tại mà chỉ hiện hữu qua khúc xạ tâm lý mỗi nhân vật. Chính cấu trúc phân mảnh và lắp ghép của truyện “Trong rừng trúc” đã ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật tự sự hiện đại thông qua một loạt các tác phẩm lớn là tiểu thuyết “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa” của Đới Tư Kiệt hay bộ phim “Anh hùng” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu...
   Ngày nay, những thành tựu nghệ thuật của R.Akutagawa không còn quá xa lạ; nhưng tinh thần tiền phong trong sáng tạo của R.Akutagawa vẫn mãi là niềm tự hào của văn chương Nhật Bản thời hiện đại.

      HÀM ĐAN