Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

VĂN HÓA ĐÔ THỊ: BỨC TRANH NHIỀU MÀU SÁNG


Đô thị Việt Nam đang mảnh đất màu mỡ để văn hóa đại chúng (pop culture) phát triển. Bức tranh văn hóa mới chưa thật rõ hình hài nhưng những gam màu sáng đang chiếm ưu thế.

Cách đây vài năm, vào mỗi dịp hè, việc một thiếu nữ mặc áo hai dây và quần soóc đi dạo trên đường bị “săm soi” bằng ánh mắt… e ngại hoặc ngạc nhiên là phổ biến; nay, nếu vào dịp hè mà vẫn ăn mặc “kín cổng cao tường” để đi chơi thì mới là điều lạ. Nhưng điều lạ đằng sau sự việc này là những người ăn vận lẫn những người quan sát đều thay đổi ý kiến chỉ sau một thời gian ngắn.

THAY ĐỔI BẢNG GIÁ TRỊ

Không chỉ có mỗi chuyện ăn mặc mà nếu nhìn rộng ra các hiện tượng khác của văn hóa thì chưa bao giờ văn hóa lại biến đổi nhanh đến vậy. Người ta thường nói một thế hệ cách nhau 20 năm nhưng hình như ngay trong bản thân thế hệ 8X cũng đã có sự khác biệt quá nhiều. Một người sinh đầu những năm 1980 rõ ràng là “lạc hậu” hơn nhiều so với đứa em sinh cuối thập niên. Người ta có cảm giác rằng đó là là hai thế hệ hoàn toàn khác nhau.

Sự biến đổi lạ lùng ấy là hệ quả tất yếu của việc mở cửa thị trường và tốc độ phát triển kinh tế nhanh của nước ta. Ngày hôm nay, người Việt Nam đã biết thưởng thức những sản phẩm văn hóa cùng lúc với thế giới như blog, fast food, truyền hình vệ tinh, giải trí… Có được những sản phẩm văn hóa ấy là nhờ công nghệ thông tin, mạng lưới bán lẻ mà có cơ hội xuất hiện. Việc tiếp nhận thông tin và văn hóa của thế giới thì sẽ dẫn đến việc giới trẻ sẽ suy nghĩ ở tâm thế mới khác hẳn với thế hệ trưởng thành ở thời chiến tranh, bao cấp – thời kỳ đóng cửa với thế giới. Những việc như: sống thử trước hôn nhân, sống độc thân, nhận con nuôi, thích đi làm trong ngành giải trí hơn là học đại học… được lớp trẻ xem là bình thường thì rõ ràng là một sự thay đổi lớn so với quan niệm khuôn thước của các bậc phụ huynh. Tóm lại, bảng giá trị về văn hóa cơ bản đã thay đổi.

Một số người lớn tuổi không tán đồng với hiện trạng văn hóa hiện nay. Phản ứng bức xúc trước những hiện tượng văn hóa mới mẻ ùa đến sau một thời gian đóng của là điều có thể hiểu được. Tâm lý người Việt là thường dị ứng với cái mới; thêm vào đó, mặc cảm hậu thuộc địa khiến người Việt ghét những sản phẩm văn hóa của các nước thực dân. Bây giờ, người ta ghét nhảy Hiphop như 70 mươi năm trước ghét khiêu vũ cổ điển. Về ăn mặc, trước năm 1945, các nhà Nho đã phản đối kịch liệt chiếc áo dài Le Mur (tiếng Pháp có nghĩa là Cát Tường – tên người họa sĩ người Việt cách tân áo dài); và gọi những chiếc áo dài mà bây giờ chúng ta xem là quốc phục của phái đẹp là quần áo “đĩ thõa” của bọn “gái tân thời”. Một ví dụ khác, những năm 1960, ở miền Bắc, những cán bộ ngành văn hóa phê phán lối sống các nước Âu Mỹ là nhàm chán và thiển cận khi nhìn đời qua cái hộp sắt (tức là ti vi), di chuyển trong cái thùng nhôm (tức là ô tô) thì giờ đây “cái hộp sắt” ấy là vật không thể thiếu của mỗi gia đình, còn “cái thùng nhôm” lại là ước mơ của nhiều người Việt.

Việc ai đó thích hay không thích hiện trạng văn hóa hôm nay không còn quan trọng vì văn hóa ở đô thị sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đại chúng hóa và toàn cầu hóa như là quy luật tất yếu của lịch sử nếu như nước ta hội nhập với thế giới. Ngược lại, nếu đóng cửa biên giới, kinh tế và bưng bít thông tin thì biểu tượng tiên tiến của văn hóa và là người bạn của chúng ta sẽ là đài radio.

"LỨA QUẢ ĐIẾC"

Thế hệ 8X là thế hệ thuộc về văn hóa mới. Họ lớn lên khi tiếng súng đã yên và công cuộc đổi mới bắt đầu thu được những kết quả tốt. Chính thế hệ này vừa tiếp nhận và nuôi dưỡng văn hóa đại chúng ngay tại Việt Nam. Nền văn hóa đại chúng là vận hội không thể tốt hơn cho sự “thay máu” về văn hóa để tiến tới trở thành những công dân toàn cầu của giới trẻ Việt Nam. Từ đó, mới đưa nước ta hội nhập và cống hiến trở lại với văn hóa thế giới. Đó là trên lý thuyết nhưng thực tế thì y như câu nói cửa miệng của người Sài Gòn: “nói dzậy mà không phải dzậy”!

Bản thân việc tiếp thu văn hóa mang tính mô phỏng chứ chưa có sáng tạo nổi bật. Nhìn ở các bức hình graffiti ở Việt Nam vừa không có gì mới so với nước ngoài đã thế mô phỏng lại còn xấu hơn. Các hoạt động giải trí vừa thiếu chuyên nghiệp vừa kém tính giải trí. Sự tiếp thu văn hóa mới hết sức lỗ mỗ, thiếu hệ thống mang tính hình thức bên ngoài mà chưa thật sự sống, suy nghĩ và hòa nhập với văn hóa mới. Vì thế ở Việt Nam mới có cảnh đi ăn fast food mất 2 giờ vì mải buôn chuyện, nhân dịp lễ Noel thì tổ chức ăn nhậu… Nhiều người lớn tiếng phê phán mặt trái của văn hóa đại chúng. Nhưng sự thực lỗi không thuộc về bản thân văn hóa đại chúng mà lỗi thuộc về những người tiếp nhận. Không khó để liệt kê các nguyên nhân: tâm lý tiểu nông, cơ chế, giáo dục… Ví dụ, nếu được giáo dục ý thức về sinh hoạt công cộng tốt như ở các nước phương Tây thì không bao giờ những nam thanh nữ tú của thủ đô lại ngang nhiên vặt trụi hoa anh đào đem từ nước Nhật xa xôi.

Xét cho cùng, trong tâm lý thế hệ 8X vẫn đang bị giằng xé giữa hai hình thái văn hóa mới và cũ khiến cho sự hình thành một mẫu người văn hóa trong con người họ trở nên bất bình thường như lứa “quả điếc” không bao giờ chín.

TẠO LẬP MỘT "BỘ LỌC" MỚI

Việc thu nhận văn hóa của các nước khác trên thế giới chỉ làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Nhưng nhiều người e ngại sẽ làm văn hóa truyền thống dân tộc bị mai một, thế hệ trẻ sẽ thành những người “mất gốc”. Điều này sẽ dẫn tới hai trạng thái tâm lý đầy mâu thuẫn: vừa muốn bảo tồn vừa muốn cách tân vì chủ nghĩa dân tộc đòi hỏi sự thuần khiết và tính truyền thống trong văn hoá, trong khi chủ nghĩa hiện đại lại đòi hỏi sự cách tân triệt để và chống lại truyền thống.

Sự thực là đã có nhiều nước trên thế giới làm được cả hai việc này một cách thành công. Lấy ví dụ là Hàn Quốc – một nước khá gần gũi với chúng ta. Họ làm khá tốt việc gìn giữ các giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần văn hóa truyền thống biến nó trở thành sản phẩm của ngành du lịch và phương thức PR của đất nước. Bằng chứng là mấy cô gái Việt Nam một dạo tết tóc truyền thống hàn Quốc theo nàng Dae Chang Kum, cũng mặc thử bộ Hanbok… Hàn Quốc cũng như các nước Á Đông khác khi bước vào toàn cầu hóa phải đối mặt văn hóa đại chúng từ phương Tây. Nhưng thái độ của họ phải khiến chúng ta suy ngẫm. Họ tuyên bố: “Người Hàn Quốc không cần sợ bị mất bản sắc văn hoá của mình. Tốt hơn, họ nên sợ mất cơ hội thưởng thức các văn hoá khác”. Họ đã biết vận dụng phương tiện truyền thông, kỹ năng tổ chức giải trí của văn hóa đại chúng để tạo ra “làn sóng Hàn Quốc” thống trị châu Á trên lĩnh vực ca nhạc và điện ảnh. Nhờ phim ảnh, ca nhạc những giá trị văn hóa truyền thống Hàn Quốc mới được biết đến sâu rộng như vậy. Rõ ràng, truyền thống văn hóa không mất đi mà còn có cơ hội đi ra khỏi biên giới đất nước.

Khi mà nỗi lo lớn nhất là sự xung đột truyền thống và hiện đại trong văn hóa được gỡ bỏ thì việc cần làm là tạo dựng một “bộ lọc”. “Bộ lọc” đó sẽ tạo nên ý thức hòa nhập chứ không chịu hòa tan của trao đổi, học hỏi và tiếp thu văn hóa phải trong tinh thần bình đẳng bởi toàn cầu hoá lại bao hàm ý nghĩa giới thiệu đến nhau và tiếp thu từ nhau những đặc trưng văn hoá dị biệt, một cách tự giác và bình đẳng. Mài sắc bản lĩnh cá nhân tạo ra cá tính riêng biệt để cống hiến, sáng tạo trong lĩnh vực tham gia chứ không phải dựa vào chủ nghĩa cá nhân để ngụy biện cho những hành động vô chính phủ như đua xe, đánh nhau, sử dụng ma túy…

Không những tốt cho văn hóa mà nếu xét về kinh tế, một người trẻ có ý thức cá nhân cao, biết rõ giá trị của mình để phấn đấu làm việc khẳng định bản thân đã đồng thời gián tiếp tạo ra vật chất cho xã hội tránh dựa dẫm vào nguồn sữa tài chính được bao cấp từ gia đình. Ngày hôm nay, chúng ta thấy nhiều người trẻ vừa đi học vừa đi làm stylish, make up, chụp ảnh, viết báo tự do, dịch sách… có thể tự nuôi sống bản thân và đi kèm là một cuộc sống năng động, hiện đại. Đó là những chủ nhân tích cực của văn hóa đô thị mà chúng ta còn cần số lượng nhiều hơn nữa.


Hàm Đan