Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

TRÌNH DIỄN GIÚP GÌ CHO THƠ?


Trình diễn thơ đến nay không còn quá lạ lẫm đối với đông đảo công chúng nhưng vẫn chưa được hiểu đúng. Ngay cả trong những cuộc tọa đàm có sự tham dự của những người không phải ngoại đạo vẫn nhầm lẫn giữa trình diễn thơ với thơ trình diễn.

Trình diễn thơ để chỉ các hình thức trình diễn một bài thơ chất liệu chính là ngôn từ đã hoàn thành trước khi trình diễn. Các nhà thơ làm thơ trong im lặng nhưng đã hoàn chỉnh ai cũng muốn thơ mình đi đến với người thưởng thức. Xuất bản luôn được ưu tiên hàng đầu nhưng đưa thơ trực tiếp đến với công chúng bằng các hình thức diễn xướng cũng được coi trọng. Đọc thơ, diễn ngâm thơ rất phổ biến gần gũi với các cách truyền miệng nguyên thủy. Ở Việt Nam có thêm ca trù - một cách diễn xướng thơ bằng âm nhạc rất độc đáo.

Ở các nước Âu Mỹ, từ sau Thế chiến 2, đọc thơ rất được coi trọng. Nhưng mầm mống để đọc thơ phát triển thành trình diễn thơ thì chỉ bắt đầu bởi phong trào “beat” ở Mỹ thập kỷ 50 bởi các tên tuổi của Allen Ginsberg, Jack Kerouac, Gregory Corso, Gary Snider… Từ đó, nhiều nhà thơ trở thành người trình diễn (performer), người giúp vui cho công chúng (entertainer) mang tính chuyên nghiệp. Từ trình diễn thơ (poetry performance) lại phát triển thành hẳn một loại hình thơ mới chuyên để trình diễn (performance poetry) có vị trí hết sức quan trọng trong sinh hoạt thơ ở Mỹ hơn hai chục năm trở lại đây.

Thơ trình diễn thì khác hẳn bởi thơ trình diễn chính là một loại thơ trong đó lời thơ chỉ là một thành phần (thậm chí chỉ còn là thứ yếu) bên cạnh một tác phẩm trình diễn thuộc ngôn ngữ khác. Tính chất của thơ trình diễn là trực tiếp, xuất thần. Chất liệu thơ được quan niệm có trong đời sống mà không cần thể hiện bằng ngôn ngữ như trong thiền (zen) quan niệm chỉ cần vỗ tay cũng là thơ rồi.

Ở Việt Nam, chỉ có nhà thơ Nguyễn Thúy Hằng đã từng biểu diễn “thơ trình diễn” vào ngày 26/ 01/ 2007 tại Lý Club (51 Lý Thái Tổ, Hà Nội) dưới hình thức kịch câm. Sân khấu màn trình diễn tối om vang lên những âm thanh lạ kèm cả những tiếng nói không rõ lời. Một lúc lâu sau, nhà thơ Nguyễn Thuý Hằng mới xuất hiện, đi như cái bóng ngang qua sân khấu từ phải sang trái. Một lúc nữa thì có hai người đàn bà đồng dạng phối cảnh: đầu trọc, quần jean theo nhau đi ngang hệt như tác giả đã đi, như hai phiên bản một nhỏ một to hơn của Nguyễn Thuý Hằng. Tác giả và hai người đàn bà đi ra đi vào một hai lần như vậy rồi thì lần lượt từng người dừng lại ở giữa sân khấu, lột một chiếc nịt tất của mình ra vắt lên lưng cái ghế, rồi đi chân tất cộc lệch thế ra khỏi sân khấu. Khi cả ba cái bóng đã xong việc lột tất thì họ biến cả đi, và trên phông sân khấu xuất hiện một khuôn hình video màu cỡ nhỏ, chiếu cảnh Nguyễn Thuý Hằng cầm kéo tự xén nốt cái đầu đã cắt trọc nhưng còn lởm chởm của mình. Cận cảnh gương mặt nhìn nghiêng, tua tủa những vạt tóc ngắn đầy những vết kéo. Như vậy một lúc lâu. Không nghe thấy một lời nào. Rồi thì chấm dứt. Nguyễn Thuý Hằng ra nhặt mấy chiếc tất trên lưng ghế và cúi chào cử toạ.

Cho đến nay Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức có trên dăm buổi trình diễn thơ. Năm 2007, làng thơ Việt Nam tiếp nhận trình diễn thơ một cách sôi động nhất. Đỉnh cao là trình diễn thơ được tổ chức hoành tráng tại Văn Miếu trong ngày thơ Việt Nam lần thứ 6. Trình diễn thơ đang là “mốt” nhưng không phải ai cũng thành công trong các màn trình diễn. Nguyên nhân thì nhiều từ kịch bản chưa có sự sáng tạo, giọng đọc chưa khớp với âm thanh, đạo cụ cho trình diễn không chu đáo…

Nhìn chung, các buổi trình diễn thơ chủ yếu vẫn lấy đọc diễn cảm là chủ đạo, phối hợp với động tác hình thể, âm nhạc. Cái khó của trình diễn thơ là làm sao công chúng vừa thưởng thức có hình thức trình diễn mới mà vẫn chú ý đến lời thơ. Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến biểu diễn bài thơ “Ma ngủ” trên nền đẹm của đàn đáy, trống… nhưng âm nhạc lại át mất lời thơ của anh. Nhà thơ Trương Quế Chi gây được xúc động bởi các động tác hình thể thuần thục nhưng nhiều lúc cô cho làm khán giả quên đi lời thơ bởi họ đang chú ý đến các động tác nhiều quá mức...

Để giải quyết vần đề này nhà thơ kiêm người trình diễn phải sáng tạo ra một kịch bản phù hợp với lời thơ để trình diễn. Nhà thơ Ly Hoàng Ly có thể xem là người sáng tạo ra nhiều kịch bản trình diễn ấn tượng và thành công nhất không chỉ gây hứng thú ở Việt Nam mà còn ở các nước là cái nôi trình diễn thơ như: Mỹ, Pháp, Nhật… Trong buổi biểu diễn “Cha con và thơ” tối 7/3/ 2008 tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), công chúng không thể không rung động theo màn trĩnh diễn của Ly Hoàng Ly, khi cùng lúc “Người đàn bà và căn nhà cổ” đang “buồn thảm và kiên định” thì cũng là lúc những đũa, những thìa đang lạo xạo khua chà xát vào lòng thính giả. Tâm trạng người đàn bà mặc áo dài trắng kia ra sao người nghe thấm thía qua từng câu thơ.

Rõ ràng, so với việc ngồi yên một chỗ đọc thơ, thì sự kết hợp các ngôn ngữ cơ thể (phi ngôn từ) có hiệu quả lớn hơn nhiều. Phi ngôn từ có rất nhiều dạng thể hiện: giọng nói, dáng đi, di chuyển… và ở sẵn trên người dù người ta có ý thức điều đó hay không? Theo con số thống kê của các nhà khoa học cho biết khi đứng nói trước đám đông hiệu quả của ngôn từ chỉ là 7%, giọng nói ảnh hưởng 38% còn hình ảnh là 55%. Và đương nhiên sử dụng phi ngôn từ kết hợp với ngôn từ sẽ tăng hiệu quả truyền đạt lên gấp 13 lần - đó là lý do vì sao thế giới đã sử dụng phi ngôn từ trong thuyết trình, và bây giờ là trong trình diễn thơ, từ rất lâu trước Việt Nam. Công chúng từ nay có được khoái cảm thẩm mỹ nhờ đọc thơ trực tiếp còn có thể tìm thấy qua trình diễn thơ. Qua đó, còn có thể đồng sáng tạo với người trình diễn. Đó là một cách thưởng thức nghệ thuật hiện đại và tích cực. Mặt khác, trình diễn thơ có khả năng làm “sống” lại những bài thơ rất quen thuộc truớc đây qua việc sử dụng các lối trình diễn cổ như hát xẩm, hát xoan, hát ả đào…

Trình diễn thơ bây giờ chưa thể khiến cho việc làm thơ để in ấn bị đe dọa. Nhưng chắc chắn ở tương lai sẽ không ít bài thơ hoàn thành chỉ để trình diễn. Thực tế đã chứng minh có những bài thơ khi sáng tác chỉ trình diễn mới đủ sức gây đột biến về mặt cảm nhận cho công chúng. Lấy ví dụ đoạn thơ của nhà thơ Ly Hoàng Ly dưới đây:

Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm
Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm
Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm
....
(Khúc đêm)

Nếu như đọc thơ trực tiếp hẳn người thưởng thức chỉ thu một ít nhạc điệu bài thơ còn phần nghĩa rất nhòe. Nhưng cũng với đoạn thơ đó được trình diễn trong một không gian mờ ảo, nhà thơ Ly Hoàng Ly mặc bộ đò trắng rộng tương phản với ánh sáng. Sau lưng cô là một màn hình video không có chữ chỉ có những vệt sáng mờ chạy mờ liên tục. Cô đọc đoạn thơo trên kết hợp giọng đọc của họa sĩ Hà Thế Hiển. Khán giả vừa nghe thơ, vừa được nhìn tăng hiệu quả thu nhận đồng thời tự mình có thể hiểu bài thơ theo quan điểm mỗi người. Trình diễn thơ còn giúp xóa nhòa khoảng cách trình độ tri thức tiếp nhận. Có hai người phụ nữ đều là công chúng xem trình diễn thơ tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), một người là nhà thơ nhà báo trẻ có tiếng hiện nay còn người kia công nhân bình thường cả hai đều tâm sự rằng cả đêm không ngủ được bởi ấn tượng sau đêm trình diễn vẫn còn lưu lại.

Vậy là, trình diễn thơ thực sự làm mới cách tiếp cận thơ mới mẻ nhưng để trình diễn hiệu quả phải chuyên nghiệp trong từng khâu. Quan trọng hơn cần sáng tạo kịch bản để tiết mục luôn mới lạ đi vào lòng công chúng.
Hàm Đan