Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

SEX - ĐỀ TÀI "HIỂM ĐỊA"

Sau vụ việc tiểu thuyết Sợi xích của ca sĩ Lê Kiều Như bị thu hồi thì phần đông dư luận cho rằng: Sách ba xu sẽ không còn dịp trình làng vì các cơ quan quản lí đã cảnh giác với sách khiêu dâm giả danh tác phẩm văn học. Nhưng còn lâu mới có “cái kết có hậu” cho giới xuất bản bởi có ba nguy cơ. Thứ nhất là trào lưu “tự quảng cáo” của văn hóa đại chúng sẽ còn tăng lên; mà đề tài sex chẳng khác một thỏi nam châm hút dư luận. Theo sau là năng lực nhân sự và lương tâm của các nhà xuất bản. Nếu hai nguy cơ đầu đã rõ như ban ngày, được báo chí thỉnh thoảng làm “chiến dịch” phê phán thì nguy cơ cuối khó giải quyết nhất chính là ranh giới mong manh giữa tính nghệ thuật và sự khiêu dâm của sex trong văn chương (và các ngành nghệ thuật khác cũng không phải là ngoại lệ).

Truyền thống văn hóa ở nước ta xem sex là điều nếu không cấm kị thì cũng không nên phát ngôn công khai. Vì thế, các tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung lấy sex làm đề tài luôn bị xem là “phi chính thống”. Đó là câu chuyện trước Đổi mới, ngày nay, mọi việc đã thông thoáng hơn. Đa số giới nghiên cứu lẫn sáng tác đều xem đề tài không còn quá quan trọng. Mọi đề tài đều bình đẳng với nhau. Chuyện viết cái gì không quan trọng nữa thì sẽ dẫn đến yêu cầu viết như thế nào. Chính việc viết thế nào sẽ chứng tỏ tài năng của nhà văn. Một tác phẩm văn học có giá trị nhất thiết phải đa nghĩa nằm trong một “cấu trúc mở” được biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Người đọc (1995) của nhà văn Đức B. Schlink tràn ngập chuyện sex giữa “cậu ấm” Michael (15 tuổi) với Hanna (36 tuổi) - từng gia nhập Đức quốc xã và vì mù chữ đã phạm tội ác chiến tranh. Tác giả tả tỉ mỉ “màn” sex của “đôi đũa lệch” khá nhiều nhưng bất kì ai đọc đều cảm thấy hay mà không hề có chút khiêu dâm. Vì đơn giản, đằng sau câu chuyện sex là cái nhìn về chiến tranh, sự hòa giải thông qua hai thế hệ hoàn toàn khác nhau về giai cấp và học vấn… Chiều sâu nhân bản và triết lí đã giúp Người đọc không những bán được 7 triệu bản, được dựng thành phim mà còn nằm trong chương trình giáo dục phổ thông ở Đức.

Một tác phẩm viết về sex nếu chỉ đơn thuần mô tả chuyện sex mà không còn có một ý nghĩa nào khác thì tác phẩm đó coi như… bỏ đi. Ở ta, rất ít người viết lấy sex làm đề tài sáng tác suốt đời. Họa hoằn lắm mới có một vài đoạn viết thành công. Do không có truyền thống; thêm nữa, bản thân viết về sex rất khó, chẳng khác gì một “hiểm địa”. Không có phông văn hóa và hiểu biết về sex rất dễ sa vào kiểu mô tả thuần túy theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”. Việc các nhà văn trẻ đua nhau viết về sex không cần phải làm ầm lên. Khi người ta trẻ thì việc thích cái mới và những điều thử thách là chuyện đương nhiên. Ngoài một số nhà văn và một vài “sao” giải trí cố tình dùng sex để “đánh bóng thương hiệu” thì hầu hết người viết về sex không có dụng ý xấu. Song, có lẽ các nhà văn hễ “động bút” đến sex nên cân nhắc kĩ vì không khéo vừa làm hỏng văn nghiệp của mình lẫn hại những “người đọc tích cực”.

Hàm Đan