Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

DỰ ÁN "KHẢO SÁT, NGHIÊN CỨU CÁC HÀNH VI CẢN TRỞ BÁO CHÍ TÁC NGHIỆP": TÂM HUYẾT CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ NHÀ BÁO


 
(Chú thích ảnh: Trần Xuân Thanh (trái) đã bị phạt 6 tháng tù giam theo Điều 257 Bộ luật Hình sự do hành hung 2 phóng viên kênh VTC14 và báo An ninh Thủ đô-thành viên có chân trong đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra hành lang an toàn đường sắt ở khu vực xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội vào ngày 14-6-2011. Ảnh: Vtc.vn)  

Chỉ tính từ tháng 8 đến 10-2011, đã có 6 vụ nhà báo bị cản trở tác nghiệp. Con số cho thấy việc cản trở nhà báo tác nghiệp có xu hướng tăng; trong khi, chưa có bất cứ nghiên cứu bài bản, toàn diện nào về tình trạng trên. Tháng 6-2011, được sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, RED Communication (Tổ chức khoa học trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã đứng ra khảo sát nghiên cứu các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp và mới đây đã tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu và đóng góp hoàn thiện khung chính sách bảo vệ nhà báo tác nghiệp” tại Hà Nội.

Nghiên cứu thiết thực, kịp thời

Cản trở nhà báo tác nghiệp là một vấn đề “nóng”, cho nên Hội thảo không chỉ thu hút giới báo chí mà còn có sự góp mặt của đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam… Kết quả nghiên cứu của dự án được in thành tập tài liệu hơn 100 trang đã phản ánh khá toàn diện thực trạng cản trở nhà báo tác nghiệp.

Đáng nói hơn, phương pháp nghiên cứu dự án mang tính khoa học cao, có thể làm mẫu cho các nghiên cứu khác. Việc khảo sát được thực hiện từ ngày 1-7 đến 15-8-2011 theo hai hình thức: Khảo sát trên 6 báo điện tử với nhóm bạn đọc được xác định trước. Khảo sát trực tiếp với 384 người làm báo (trong đó 41,93% chưa có thẻ nhà báo) bằng 17 câu hỏi có sẵn và 60 nhà báo, cán bộ liên quan đến tác nghiệp báo chí.

327/384 (tức 87,9%) người làm báo thừa nhận đã từng bị cản trở trong công việc. Những người làm báo cũng nhận diện 12 nhóm hành vi cản trở bao gồm: Né tránh cung cấp thông tin, gây cản trở, mua chuộc, gián tiếp ngăn chặn, thu giữ phương tiện tác nghiệp, phá hủy phương tiện tác nghiệp, đe dọa, giữ người, quấy rối tình dục, vu khống, tấn công gây thương tích, trả thù.    

Các hành vi cản trở báo chí ở Việt Nam tuy tinh vi nhưng chưa có nhiều ảnh hưởng đến tính mạng nhà báo như ở nước ngoài; cho nên, hậu quả của các hành vi cản trở báo chí mới thuộc dạng “nhẹ” đó là: Không viết được bài (69,01%), mất tinh thần (30,47%), thiệt hại về thân thể (17,45%), bỏ nghề (2,34%)...   

Nguyên nhân của các hành vi tác nghiệp là rất đa dạng, trong đó cũng có phần do chính nhà báo tự… chuốc họa vào thân. Bà Hà Kim Chi (Trưởng ban Ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam) lấy ví dụ về nhiều trường hợp các nhà báo không đặt lịch hẹn làm việc, hoặc thiếu lịch sự khiến đối tượng không nhiệt tình cung cấp thông tin. Mặt khác, nhiều nhà báo bị cản trở khi nhà báo có dụng ý xấu khi đặt vấn đề làm việc hoặc không khách quan khi đặt vấn đề làm việc.

Một nguyên nhân khách quan là do người làm báo chưa có thẻ nhà báo, có nghĩa 5.000/17.000 người đang hoạt động báo chí bị gạt ra khỏi việc tiếp cận sự thật do chưa được công nhận là nhà báo.

Nguyên nhân khác xuất phát từ phía cơ quan báo chí là do tòa soạn chưa đủ uy tín, nội bộ tòa soạn mất đoàn kết không bảo vệ được người làm báo. Ông Nguyễn Thanh Hà (Tổng thư ký toàn soạn VTC News) nói thêm, điều này giải thích vì sao, nhiều phóng viên trẻ ganh đua vào làm việc ở một số cơ quan báo chí nhất định, không phải chỉ vì thu nhập tốt mà do cơ quan luôn hỗ trợ các phóng viên trong các tình huống nguy hiểm.

Song, nguyên nhân chính của các hành vi cản trở báo chí đều xuất phát từ đối tượng cản trở; trong đó bị cản trở từ nhân viên và cán bộ Nhà nước là cao nhất (75,26%), từ doanh nghiệp (42,97%), đối tượng xã hội (côn đồ, lâm tặc, buôn lậu...) là 38,8%...

Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên không thể hạn chế các hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp. Luật chuyên ngành đã có nhiều quy định, mới nhất là Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 6-1-2011 với nội dung phạt tiền cao nhất là 30 triệu đồng đối với các hành vi sau: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo; Hủy hoại, cố tình làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo”. Trên thực tế, các vụ hành hung người làm báo bị xử lý rất ít. Lí do là các bên liên quan chưa thống nhất xem hoạt động báo chí là một hoạt động công vụ để qua đó sử dụng Điều 257 Bộ luật Hình sự: “Tội chống người thi hành công vụ” để khởi tố những kẻ hành hung nhà báo.

Đề xuất các giải pháp toàn diện

Trong khuôn khổ một ngày của Hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà báo cho rằng: Để bảo vệ các nhà báo tốt hơn cần có các giải pháp toàn diện. Quy định pháp luật chưa được triển khai trên thực tế là do xã hội chưa nắm bắt được đầy đủ quy định về hoạt động báo chí, quyền tác nghiệp hợp pháp của phóng viên. Cho nên, truyền thông để tuyên truyền giáo dục là giải pháp đầu tiên và mang tính liên tục để góp phần gián tiếp bảo vệ người làm bá trong quá trình tác nghiệp.

Nhưng trước mắt, các cơ quan chức năng cần kiện toàn pháp luật, xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi cản trở, phân loại theo mức độ nguy hiểm để có mức phạt tương ứng…; thống nhất trong nhận diện và xử phạt các đối tượng gây cản trở cho người làm báo. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần: Xây dựng quy chế phối hợp cung cấp thông tin, xử lý thông tin giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, và các cơ quan báo chí khi giải quyết các vụ việc cản trở. Xây dựng kênh tiếp nhận thông tin về tình hình cản trở, hành hung nhà báo từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Xây dựng cơ chế phối hợp (thông tư liên tịch) giữa ngành thông tin và truyền thông với ngành công an trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến cản trở người làm báo.

Các nhà báo cũng đề xuất một vài để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam đó là: Tăng cường nhân sự cho Ban Kiểm tra Trung ương Hội theo hướng tăng cường số lượng cán bộ chuyên trách. Các cấp Hội mở lớp đào tạo cho người làm báo về kỹ năng tác nghiệp nhằm đối phó với những cản trở tác nghiệp. Kiến nghị xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho họt động tác nghiệp của phóng viên. Truyền thông rộng rãi trong công chúng về vị trí, vai trò của Hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phóng viên.

Những kiến nghị từ báo cáo kết quả dự án và những kiến nghị trực tiếp của những người làm báo trong Hội thảo vừa là tiếng nói tâm huyết vừa là cơ sở khoa học, chuyển đến các cơ quan chức năng để xây dựng các giải pháp đồng bộ mà quan trọng nhất là các văn bản pháp quy để bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của người làm báo.   

HÀM ĐAN