Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

TỔ QUỐC TRÊN HẾT!

Chỉ cần học qua cấp 3, bất cứ người Việt Nam nào cũng thấu rõ hoàn cảnh khó khăn như nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa non trẻ ra đời cách đây 65 năm. Để giải quyết các vấn đề dân sinh cần rất nhiều tiền. Nhưng khi đó, ngân hàng Đông Dương đang bị Nhật chiếm chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương mà non nửa (586 ngàn đồng) là tiền hào rách còn đồng tiền mới của Chính phủ vẫn chưa ra đời. Thế nên, việc đóng góp của người dân, đặc biệt là các nhà tư sản thực to lớn giúp Chính phủ “vô sản” vượt khó.

Không phải chờ đến khi nước nhà độc lập mà ngay khi Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh còn trong “bóng tối”, các nhà tư sản đã bí mật ủng hộ. Ngoài tấm lòng yêu nước, đa phần tầng lớp tư sản Việt Nam từ khi ra đời đều bất mãn với chính sách khai thác thuộc địa của Pháp và sau này là Nhật. Các chính sách kinh tế của thực dân đã kìm hãm sự phát triển của tư sản Việt Nam nên trước năm 1945 các doanh nghiệp chỉ ở mức vừa và nhỏ chiếm 1% tổng số vốn và chỉ sử dụng 9% số lao động trong công nghiệp. Thiểu số là vậy nhưng nếu phải thống kê đầy đủ những cái tên và đóng góp của các nhà tư sản cho Chính phủ thời kỳ lập nước cộng hòa phải là một cuốn sách dày dặn của các nhà làm sử chuyên nghiệp.

Nói đến nhà tư sản yêu nước, một trong những người nổi tiếng còn lưu lại ngày nay là ông Đỗ Đình Thiện (1904-1972). Ông không phải là người đóng góp nhiều nhất trong Tuần lễ vàng và Quỹ Độc lập nhưng lại là người đóng góp tất cả những gì làm ra cho cách mạng và sau năm 1954 là viên chức nhà nước nhưng không hề lấy lương.

Ông Thiện đi du học ở thành phố Toulouse đã gia nhập Đảng cộng sản Pháp và sau đó bị trục xuất vì tội rải truyền đơn vào năm 1932. Cho nên, không khó để cắt nghĩa hành động vào tháng 8-1943, ông đưa 3 vạn đồng Đông Dương cho người phụ trách tài chính Đảng là Nguyễn Lương Bằng khi trong tay chỉ có 24 đồng. Cũng trong năm 1943, ông còn đưa cho ông Nguyễn Tạo (sau này là Phó Chủ nhiệm Ủy ban nông nghiệp trung ương) 2 vạn đồng.

Theo sắc lệnh số 4 ngày 4-9-1945 do chủ tịch Hồ Chí Minh kí đã cử ông bà Đỗ Đình Thiện “làm phụ trách Quỹ trung ương ở Hà Nội” trong Tuần lễ vàng. Để có thể vận động những bạn làm ăn ủng hộ cách mạng, bản thân ông bà Thiện đã làm gương khi ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4 kg vàng) vào Quỹ Độc lập và 100 lạng vàng vào Tuần lễ vàng. Đặc biệt, ông Thiện còn bỏ ra 1 triệu đồng bức tranh vẽ Bác vào ngày 23-9-1945 rồi sau đó tặng lại cho Thành phố Hà Nội để rước chân dung Bác biểu dương lực lượng cách mạng.

Năm 1946, trước nhu cầu in tiền, ông Thiện bỏ tiền mua nhà in Taupin (nay là số 5 Lê Duẩn-Hà Nội) tặng cho chính phủ. Khi quân Pháp chiếm lại Hà Nội, nhà máy in tiền chuyển về đồn điền Chi-nê mà ông Thiện mua từ năm 1943 với giá 2 ngàn lượng vàng từ tỉ phú Pháp Bô-ren. Chính đồn điền này sản xuất 200 tấn thóc đã nuôi đoàn quân chiến khu II mùa 1946-1947. Ngày 24-2-1947, sau khi đồn điền bị ném bom, ông bà Thiện giao lại đồn điền cho Đảng quản lí còn hai ông ba lên chiến khu làm việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem gia đình ông như người nhà bởi chính sự đóng góp vô tư của ông Thiện. Khi ông đau ốm rồi qua đời, những người đứng đầu Đảng và nhà nước luôn đến thăm viếng.

Nhưng không phải trường hợp nhà tư sản có đóng góp cho cách mạng như ông Thiện cũng được công nhận bởi những lí do khách quan. Nhờ sự giới thiệu của anh Trần Kiến Quốc (con tướng Trần Tử Bình) mà đại tá Nguyễn Duy Thành đã đồng ý kể câu chuyện về người cha là ông Nguyễn Duy Thân (1917-1952) và những câu chuyện liên quan đến nhà các nhà tư sản ủng hộ cho cách mạng chưa được chứng nhận.

Trước khi bị bị đi tù Sơn La vào năm 1941, ông Thân-vốn sinh ra trong gia đình buôn bán đã bí mật vận động nhiều nhà tư sản ủng hộ cách mạng. Đến khi Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội, ông được cử làm 1 trong 5 ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội. Ông thuyết phục những người quen như cụ Tam Kỳ, cụ Hương Sang, ông thủ bạ Tuân… hiến tiền và tài sản cho chính quyền non trẻ. Trong đó, trường hợp vận động thành công nhất người họ hàng cùng quê Đình Bảng (Bắc Ninh) là cụ Tam Kỳ (tên thật là Nguyễn Hữu Nhâm). Có lần, để tránh mật thám Pháp theo dõi, ông Nhân phải rút tấm sét 10 vạn đồng Đông Dương cho người em tham gia cách mạng, đợi rút tiền xong, ông mới đăng báo kêu mất tấm séc. Hòa bình lập lại, ông Nguyễn Hữu Nhâm đã đứng ra huy động giới thương nhân Hà Nội mua lại nhà máy Da Thụy Khuê với giá 2 triệu đồng tiền Đông Dương. Sau này, ông Nhâm đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng gia đình có công với nước.

Người chứng nhận công với nước cho ông Nhâm không phải là ông Thân bởi ông Thân đã mất đột ngột khi học ở Trung Quốc năm 1952. Vì thế, nhiều người ủng hộ bí mật cho cách mạng thông qua ông Thân đều không có người chứng nhận. Một chuyện lạ kì khác là bản thân ông Thân là Đại biểu quốc hội khóa I nhưng ông không có một giấy chứng nhận có công với nước vì vợ của ông là bà Phan Thị Sang (1919-2010) cũng là Đại biểu quốc hội khóa I không muốn làm hồ sơ để xin công nhận cho chồng! Theo sự lí giải của Đại tá Nguyễn Duy Thành vì cụ bà không muốn mang tiếng là “công thần”.

Trong những ngày màu thu cách mạng, có những người đóng góp thầm lặng cho sự độc lập của nước nhà những mãi tới hơn nửa thế kỷ sau mới được công nhận. Đó là trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Dực và bà Lê Thị Tý.

Ông Nguyễn Dực (1921-2000) vốn là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Trước năm 1945, ông là chủ cửa hàng Nguyễn Dực Radio ở 43 Hàng Bài. Dù giàu sang nhưng ông vẫn tự nguyện tham gia cách mạng và đóng góp số tài sản cá nhân rất lớn thời bấy giờ là các thiết bị âm thanh hiện đại nhất thời mua từ Kong Kong, Singapore. Ngày 17- 8, mít-tinh tại Nhà hát Lớn, không chỉ Nguyễn Dực làm công việc phụ trách âm thanh mà người vợ ông Dực là bà Lê Thị Tý đang có mang 7 tháng chính là chủ nhân của lá cờ đỏ sao vàng lớn nhất cho buổi lễ (34,5 m2).

Ngày 25-8-1945, ông Dực là người đầu tiên đọc trước micro câu: “Đây là Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Phát thanh từ Hà Nội, trên làn sóng điện 41 mét”. Đó là thời khắc đánh dấu sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đến ngày 2-9-1945, ông Nguyễn Dực chịu trách nhiệm phụ trách âm thanh cho buổi lễ Độc Lập. Ông chuẩn bị 3 micro để đề phòng có bất trắc trong đó chiếc micro ở giữa 4 mặt hiệu Phillips là cái micro tốt nhất. Thật may là nó đã hoạt động tốt. Để âm thanh truyền xa, ông Dực sử dụng một lượng dây điện rất lớn kéo dài từ vườn hoa Ba Đình đến nhà thờ Cửa Bắc và vườn hoa Lê-nin bây giờ.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Dực đem tài sản riêng đóng góp xây dựng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Ông sống lặng lẽ đến cuối đời; cho đến năm 1996, nhân một bài báo trên tờ Người cao tuổi, các cơ quan chức năng mới biết đến những việc làm của ông Dức hồi năm 1945. Năm sau, ông được công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa.

Ba câu chuyện với những hoàn cảnh và sự đóng góp khác nhau của các nhà tư sản yêu nước chắc đã đủ để phác qua tinh thần của một lớp người bỏ qua quyền lợi và no ấm của cá nhân để đặt lợi ích của Tổ Quốc lên trên hết.

HÀM ĐAN

HÀNH TRÌNH QUỐC CA VIỆT NAM

(Sau khi kiểm duyệt, kết luận: Bài quá nhạy cảm nên không được lên báo!:))

Nhiều bạn trẻ sinh trong thời bình, hẳn sẽ lấy làm ngạc nhiên nếu biết tác giả quốc ca Tiếng gọi công dân của Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) lại là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước-một nhạc sĩ trọn đời đi theo lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Sự trớ trêu này không lỗi của riêng ai mà chẳng qua là hệ quả những nối tiếp các biến động chính trị ở Việt Nam trong suốt thế kỷ XX dẫn đến sự ra đời của nhiều chính quyền dẫn đến tình trạng trong một vùng lãnh thổ có nhiều bản quốc ca.

Nước Việt tiền hiện đại dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cũng sử dụng âm nhạc là một phần thiết yếu của lễ giáo nhà nước. Buổi lễ quan trọng nhất được của các vương triều phong kiến cử hành là lễ tế Nam Giao. Ở đó, vua làm chủ tế làm lễ tế trời-biểu trưng chúa tể vạn vật. Thời Nguyễn, bản nhạc Đăng đàn cung được dùng cho lễ tế Nam Giao. Ngoài ra, bản nhạc cũng được dùng cho các đám rước trang trọng khác. Đăng đàn cung mang tính biểu trưng trong nghệ thuật thanh sắc Việt Nam thể hiện trước hết ở nghuyên lý đối xứng, hài hòa: không có nhịp lẻ mà chỉ có nhịp chẵn (2, 4 phách); từng câu nhạc cũng chia thành các ô chẵn một cách cân đối. Điều này tạo cho bản nhạc đều đặn, trang nghiêm khó được người hiện đại quen nghe nhạc phi cung thể tiếp nhận. Đăng đàn cung vốn không lời, thường được phường bát âm cử tấu với chủ âm từ tiếng kèn và sáo trúc theo đúng mô hình âm nhạc thời Đại Việt. Sau này, bản nhạc được đặt lời với ca từ tính hài hòa nói về sự cân bằng theo thuyết thiên mệnh: “Kìa là núi vàng bể bạc. Có sách trời, sách trời định phận…”. Đăng đàn cung được một số người Việt xem như nhạc mang tính quốc gia. Tuy nhiên, bài hát vốn mang đậm văn hóa Trung Hoa rút cục bị lãng quên như bao nhiêu nét văn hóa truyền thống phong kiến Việt Nam để nhường chỗ một thể loại nhạc phương Tây, đó là hành khúc.

Nếu nói thể loại nhạc phương Tây ảnh hưởng tới âm nhạc Việt Nam hiện đại nhiều nhất chắc chắn phải là hành khúc. Hành khúc là đoạn nhạc có nhịp đều mạnh vốn được sử dụng nhiều nhất ở các ban nhạc quân đội lúc diễu binh. Hành khúc có thể viết trên nhiều loại nhịp khác nhau nhưng phổ biến nhất là nhịp 4/4 và 2/2.

Tiếp xúc với âm nhạc của thế giới phương Tây, thế hệ “ông Tây An Nam” lẽ dĩ nhiên cảm thấy ấn tượng với các ca khúc với nhịp quân hành mạnh mẽ như La Marseillaise (Bài ca những người Marseille), La chanson du départ (Bài hát lên đường)... Những nhà cách mạng cảm thấy khí thế hào hùng sực sôi toát ra từ những bản hành khúc thúc giục họ nổi dậy chống ngoại bang. Vào năm 1930, những bài hát cách mạng như bài Rot Front (Mặt trận đỏ) của Đức, bài Bandiera rossa (Bài ca cờ đỏ) của Ý và kể cả bài La Marseillaise đã được đặt lời Việt.

Sự sáng tạo hành khúc Việt chỉ ra đời từ nhóm sinh viên miền Nam ra học ở Viện đại học Đông Dương gồm: người viết nhạc Lưu Hữu Phước và hai bạn soạn lời là Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên. Nghe những tin tức về Khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ khởi nghĩa đều trong năm 1940, “bộ ba” liền sáng tác chung bài Quốc dân hành khúc (La Marche des Étudiants) với lời tiếng Pháp của Mai Văn Bộ. Quốc dân hành khúc chịu ảnh hưởng từ các đặc điểm phong cách và giai điệu với La Marseillaise-hình mẫu của hành khúc châu Âu. Dương Đức Hiền-Chủ tịch Tổng hội sinh viên gợi ý “bộ ba” viết lời ca mới để thành bài hát chính thức cho sinh viên. Năm 1942, lời mới chính là bài hát Tiếng gọi sinh viên trở thành bài hát chính thức của Viện đại học Đông Dương và phổ biến khắp Việt Nam như một tiếng gọi yêu nước đối với lớp thanh niên.

2 năm sau, Văn Cao-nhạc sĩ mới 21 tuổi đã nổi danh với các ca khúc lãng mạn như: Trương Chi, Bến xuân, Buồn tàn thu, Thiên thai… đã âm thầm sáng tác bài hát cho Việt Minh trên căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) trong bối cảnh đồng bào của ông đang chết đói đầy đường. Khi ấy, Văn Cao không biết rõ lực lượng Việt Minh. Văn Cao chỉ chủ ý viết một bài hát giản dị sao cho những người lính Việt Minh có thể hát được. Văn Cao viết trên sự tưởng tượng cho cả đoàn quân và cho cả đất nước tương lai. Tiến quân ca của Văn Cao không khác La Marseillaise với những khung cảnh, hình ảnh của lá cờ pha máu, trở thành tiếng gọi cho nhân dân tập hợp thành quân đội với tinh thần yêu nước. Tiến quân ca nhanh chóng trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Ngày 18-8-1945, tại Hội nghị ở Tân Trào, Việt Minh là tuyên bố Tiến quân ca là quốc ca.

Trước đó một ngày, tại cuộc mít tinh trước Nhà hát Lớn Hà Nội, lễ kéo cờ triều đình và trình bày bài Đăng đàn cung diễn ra. Vài phút sau, những đội viên Việt Minh đã đã phất cờ đỏ sao vàng từ ban công nhà hát và kéo hạ cờ triều đình và chiếm lấy diễn đàn cùng micro. Những người Việt Minh khác đứng trong đám đông khán giả tổ chức hát hai bài Tiến quân ca và Diệt Phát xít.

9 ngày sau, một đoàn người Việt Nam gồm ban nhạc lính tập hợp trước doanh trại nơi đoàn đại biểu của quân đồng minh. Ban nhạc cử lần lượt quốc ca các nước đồng minh và cuối cùng là quốc ca của chính quyền mới. Theo lời kể của nhân viên OSS (tiền thân của CIA) là đại tá Archimedes Patti, chỉ huy quân đội Việt Minh là Võ Nguyên Giáp có mặt nói với ông rằng: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam lá cờ của chúng tôi được trưng trong một buổi lễ quốc tế và quốc ca của chúng tôi được chơi vì sự kính trọng đối với một vị khách nước ngoài. Tôi sẽ nhớ mãi giây phút này”.

Cùng thời gian này, Đảng Đại Việt và Quốc Dân đảng hợp nhất với nhau và vào tháng Mười Một 1945 đã quyết định lấy bài hát Việt Nam minh châu trời đông của Hùng Lân là bài đảng ca. Nhưng sự thắng thế của Việt Minh đã đưa Tiến quân ca trở thành Quốc ca vào ngày 8-11-1946. Trước đó vài tháng, một nhóm địa chủ và doanh nhân người Việt ở miền Nam thân Pháp thành lập Nam Kỳ Cộng Hoà Quốc. Một đoạn lời dịch trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn từ thế kỷ 18 làm quốc ca.

Ngày 6-6-1948, với sự trợ giúp của Pháp, Nguyễn Văn Xuân và Bảo Đại thành lập một chính phủ lâm thời. Cố vấn Nguyễn Tôn Hoàn-bạn đồng môn y khoa với Lưu Hữu Phước đề xuất dùng Thanh niên hành khúc với việc thay từ “công dân” cho từ “thanh niên”. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phản đối trên tờ Văn nghệ số 3 (6&7-1948) việc “chính phủ bù nhìn” dùng nhạc phẩm của ông để “buôn dân bán nước”. Năm 1956, Quốc hội Việt Nam cộng hòa đã tổ chức một cuộc thi nhằm tuyển chọn một quốc ca mới bởi vì tác giả bản quốc ca hiện tại đứng về phe Cộng sản. 30 bài hát đã được gửi đến cuộc thi nhưng bài ca của Lưu Hữu Phước vẫn là quốc ca của miền Nam Việt Nam cho đến năm 1975.

Sự phức tạp chưa dùng ở đây. Trước khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã được đề nghị viết một bài hát về một cuộc cách mạng miền Nam. Bài hát Giải phóng miền Nam được diễn lần đầu trong một buổi phát thanh trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam tháng 12-1960. Việc giữ bí mật được tuân thủ tuyệt đối đến nỗi Lưu Hữu Phước phải lấy bút danh ghi là Huỳnh Minh Siêng. Bài hát đã được gửi vào Nam ngày 19-12-1960 và nhanh chóng được công nhận đây là bài hát chính thức của Mặt trận. 9 năm sau, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam lấy bài Giải phóng miền Nam làm quốc ca của chính phủ mới.

Hai bản quốc ca tồn tại lâu nhất ở trong thế kỷ XX đã bị sửa ca từ nhiều lần. Riêng bài Tiếng gọi công dân gần 10 lần sửa, có lần không rõ người sửa là ai! Bài Tiến quân ca sửa căn bản vào tháng 9-1955. Như câu thứ bảy “Thề phanh thây uống máu quân thù” (bản năm 1944) được đổi thành “Vì nhân dân chiến đấu không sờn” để tránh hiểu lầm không đáng có về bản chất quân đội cách mạng.

Sau khi thống nhất đất nước, trên trang nhất báo Nhân dân (3-7-1976) in bài Tiến quân ca không đề tên tác giả đi cùng Nghị quyết số 5 công bố quốc ca của nước có tên mới Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài Tiến quân ca. Nhưng vào năm 1980, điều 144 của Hiến pháp ghi: “Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Quốc hội thông qua”. Thế nên, số báo Nhân dân (28-4-1981) thông báo cuộc thi chọn quốc ca mới. Từ 19-5 đến 19-12-1981, ban tổ chức đã nhận được 1420 tác phẩm của 1181 tác giả. 74 tác phẩm được chọn qua vòng một. Sau vòng hai, chỉ còn 17 bài hát và được hoà âm, dàn dựng, thu âm ở ba dạng: đơn ca, tác phẩm nhạc không lời và đồng ca.

Sau khi 17 bài hát được chọn vào chung khảo được truyền đi khắp Việt Nam, một vòng tuyển chọn thu hẹp lại lấy 5 bài để Quốc hội bầu chọn. Từ lúc này, không có thêm đề cập nào về cuộc thi chọn quốc ca mới trên báo chí. Và cuối cùng vào năm 1992, điều 143 Hiến pháp đã phê chuẩn: “Quốc ca của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.

HÀM ĐAN