Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

ĐỒ CHƠI NGUY HẠI "BỦA VÂY" TRẺ EM

Năm 2009, tập đoàn Mattel tổ chức 50 năm ra đời dòng búp bê nổi tiếng Barbie khi doanh thu sụt giảm. Đơn giản, những đồ chơi làm bằng vật liệu công nghiệp chỉ còn phù hợp với trẻ em độ tuổi 5-6 tuổi thay cho dưới 10 tuổi như trước; và thế chỗ là các trò chơi điện tử. Như trẻ em phương Tây, những trò chơi “ảo” đang là lựa chọn hàng đầu của trẻ em Việt Nam. Nhưng với đặc thù là một nước đang phát triển, trẻ em Việt Nam còn đang bị “bủa vây” bởi đồ chơi bạo lực và đồ chơi có hóa chất độc hại.

1. Có người nói rằng, ở các đô thị, không gian chơi bị thu hẹp nên các trò chơi truyền thống gắn với không gian làng quê đã biến mất. Nguyên nhân trên chỉ là thứ yếu. Chẳng cần thống kê khoa học, cũng nhận ra trẻ em ngày nay thông minh sớm, cộng với điều kiện sống tốt hơn khiến nhận thức giữa các độ tuổi ngày càng thu hẹp và các giai đoạn phát triển tâm lý cũng ngắn lại. Trẻ em đương đại có nhu cầu tìm đến các trò chơi trừu tượng, mang giải trí và kích thích sự sáng tạo hơn là các trò chơi dân gian đơn giản. Sự thay đổi về tâm sinh lý cũng là lý do chính để giải đáp vì sao các đồ chơi bằng vật liệu công nghiệp ngày càng ít hấp dẫn với trẻ em.

Thay thế những đồ chơi cụ thể vật chất lại là những trò chơi ảo. Một số trò chơi ảo có tác dụng tích cực khi nó hợp với nhu cầu giải trí tinh thần mang tính sáng tạo của trẻ em thời nay. Tuy game được lập trình trước, nhưng không phải lúc nào người chơi cũng có thể vượt qua dễ dàng. Kinh nghiệm được tích lũy ở những lần chơi thua giúp trẻ em có khả năng suy nghĩ để chinh phục các level tiếp theo.

Song cái lợi của game thì ít mà hại thì nhiều. Cái hại nhãn tiền là về sức khỏe. Tệ hơn là các hành vi tội phạm liên quan đến game xảy ra nhan nhản. Nhưng tác hại lâu dài đáng nói là năng giao tiếp và tư duy bị hạn chế khi thế giới phát huy sáng tạo của trò chơi thu vào một môi trường đóng kín.

Khoảng thời gian vui chơi còn lại, rủi thay, trẻ em ở ta lại chủ yếu tiếp xúc với những đồ chơi nguy hại là đồ chơi bạo lực và đồ chơi có hóa chất độc hại. Những đồ chơi bạo lực có thể gây sát thương như súng, dao kiếm có thể dễ tìm như mua kẹo với cái giá hơn 100 nghìn đồng. Ngay đến một thành phố không phải là sầm uất là Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã tiêu hủy 10 ngàn khẩu súng đồ chơi thu được trong quý I-2011.

Số lượng đồ chơi có chứa hóa chất độc hại thì khó ước đoán chính xác và cũng khó xác định qua các giác quan thông thường. Nhưng chắc chắn số lượng đó không phải là nhỏ vì 80% sản phẩm đồ chơi trên thị trường là nhập lậu, tức chưa được kiểm tra an toàn.

2. Sau những vụ việc đau lòng liên quan đến game khiến dư luận phát hoảng về tác động xấu của những trò chơi “ảo”. Hàng loạt các biện pháp hành chính và kỹ thuật được áp dụng để hạn chế trẻ em tiếp xúc với game. Nhưng đó chỉ là biện pháp đối phó mà nếu sao nhãng kiểm tra, hiểm họa game sẽ lại bùng phát. Có chuyện kể rằng, vào giờ ngủ trưa ở một lớp bán trú cấp tiểu học, vài học sinh trùm chăn chơi game bằng máy cầm tay một thời dài mà cô giáo không hề biết. Đến khi hàng loạt học sinh bị bị cận thị, “hoạt động bí mật” trên mới bị lộ. Thế nên, để hạn chế mặt xấu của game, không có cách nào khác là kiên trì giáo dục các em để các em hình thành thói quen chơi game điều độ. Bằng chứng thành công của phương pháp này là nhiều trẻ em vẫn chơi game với một thời gian nhất định và vẫn học giỏi.

Với đồ chơi bạo lực câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều. Có khá nhiều bài báo kêu gọi lương tâm của những nhà sản xuất lẫn người bán các đồ chơi nguy hại. Vì lợi nhuận thì những bận tâm đạo đức sẽ trở thành thứ yếu, những lời kêu gọi suông thành thử chỉ phí lời. Vả lại, có cung thì ắt có cầu, những đồ chơi siêu nhân, súng ống, dao kiếm vốn mô phỏng các vật dụng trong các bộ phim hành động và các game bạo lực; độ tuổi trẻ chơi đồ chơi bạo lực chưa đủ khả năng phân tích dễ mắc bệnh bắt chước và tâm lý đua đòi thể nào cũng sẽ tìm mua.

Tại các những thành phố lớn, các cơ quan chức năng cũng đã có ý thức ngăn chặn đồ chơi bạo lực, chỉ khiến việc bày bán diễn ra lén lút, mà chưa ngăn chặn triệt để. Ở nhà trường, các biện pháp mạnh tay đã đã được triển khai, nhiều trường có quy định học sinh chỉ được mang đồ dùng học tập đến trường. Nếu bị phát hiện mang đồ chơi bạo lực đến lớp, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, nộp tiền phạt và phải lao động công ích vài buổi. Ở những ngôi trường áp dụng các hình phạt trên, đồ chơi bạo lực đã không còn xuất hiện.

Nhưng có một nơi mà đồ chơi bạo lực vẫn xuất hiện lại chính là nhà các em. Nếu để ý, vào các ngày nghỉ lễ, không hiếm cảnh các bé trai lăm lăm khẩu súng đồ chơi trong tay đi chơi với với bố mẹ. Những phụ huynh nói trên chắc chỉ nghĩ đơn giản đó là đồ chơi chẳng có tác hại nào. Đến khi vài cậu bé hỏng mắt do đạn nhựa, những giọt nước mắt ân hận muộn màng mới trào ra.

Nhiều phụ huynh mua đồ chơi cho con theo kiểu tiện thì mua mà chẳng bao giờ để ý đến xuất xứ và các con dấu kiểm định của đồ chơi. Họ đâu biết những đồ chơi trông dễ thương lại chứa nhiều chất độc hại như chất phthalates có thể gây dị tật ở cơ quan sinh dục của trẻ em. Dĩ nhiên những tác động xấu không bộc lộ ngay nên sự chủ quan là điều khó tránh khỏi.

Trong khi tiếp tục hy vọng ở các cơ quan chức năng dẹp bỏ đồ chơi nguy hại, mỗi phụ huynh cần tự nâng cao ý thức để tự bảo vệ con em mình. Cần phải thường xuyên kiểm tra đồ chơi của con có nguy hiểm không? Và tìm hiểu mua đồ chơi được kiểm nghiệm an toàn ở đâu?

HÀM ĐAN