Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

SHORT REPORTS: FRANCE VS URUGUAY & KOREA REPUBLIC VS GREECE

Lượt đầu tiên bảng A World Cup 2010: Pháp – Uruguay (0 – 0): Gà mắc tóc!

Rạng sáng nay, trên sân Gờ-rin Poi (thành phố Kếp-tao), Pháp và Uruguay đã cùng nhau đút túi được 1 điểm mà không có bàn thắng nào được ghi. Uruguay đã đạt được mục đích thủ hòa. Với người Pháp, tương lai thật mù mờ khi hai đối thủ còn lại Nam Phi và Mê-hi-cô đều không dễ chơi. Ám ảnh bị loại khỏi vòng bảng với không bàn thắng làm quà như World Cup 2002 lại lơ lửng trong tâm trí.

Một kết quả hòa không bàn thắng luôn khiến người hâm mộ rầu lòng. Buồn hơn khi Pháp và Uruguay thi đấu vật vờ theo kiểu không ai… chịu thắng. Tình huống gây nguy hiểm cho thủ môn hai đội chỉ đếm trên đầu một bàn tay trong suốt 90 phút thi đấu.

Người xem không trách Uruguay khi tiềm lực của họ chỉ có vậy. Những đường lên bóng của đội từng hai lần vô địch World Cup bị bẻ gãy nhanh gọn trước một hàng thủ lão luyện gồm Ga-la, A-bi-đan, Sác-na, Êv-ra. Bên kia chiến tuyến, hàng thủ Pháp hay bao nhiêu thì hàng công của họ tệ bấy nhiêu. A-nen-ka rồi đến hiệp hai Ăng – ry vào thế chỗ đều mất hút trước rừng cầu thủ áo xanh. Họ đều “đói” bóng khi không có hộ công hỗ trợ tích cực. Sức mạnh của Pháp lâu nay vẫn là tấn công trung lộ với 4 hoặc 5 tiền vệ cơ động khi dạt ra cánh, khi bó vào trong. Nay, hàng tiền vệ hào hoa bỗng dưng tản mát thành đội hình 4 – 3 – 3 bị hàng tiền vệ cơ bắp 5 người của Uruguay khóa chặt. Đô-mê-nếch đích thực là một “gã lập dị” khi áp dụng một đội hình chiến thuật quá xa lạ với đội tuyển Pháp khiến họ thi đấu như “gà mắc tóc”. Trong mắt các fan “gà trống” Gô – loa, Đô – mê – nếch là nguyên nhân khiến lối chơi đội tuyển Pháp trở nên nhạt nhẽo, thiếu hiệu quả. Ngay cả khi họ thi đấu hơn người, đội Pháp cũng chỉ loay hoay trước khu cấm địa Uruguay. Những đường chuyền quyết định thường không chính xác hoặc không thành. Như cách Di-a-bi dẫn bóng tới sát đường biên ngang nhưng không tạt bóng mà “múa may” trước hậu vệ và… dừng lại.

Dẫu người ta đã quá quen với việc Pháp khởi đầu chậm chạp (ba trận mở màn của ba kì World Cup gần đây đều không ghi nổi bàn thắng nào). Nhưng cứ thi đấu như “gà mắc tóc” thế này thì biết đặt hy vọng vào đâu?

 
Lượt đầu tiên bảng B World Cup 2010: Hàn Quốc –Hy Lạp (2 – 0):

Di sản của Guus Hiddink!

Dù HLV của Hàn Quốc là một ông thầy “hàng nội” Huh Jung-Moo, nhưng xem các cầu thủ Hàn Quốc thi đấu có cảm tưởng họ đang được dẫn dắt bởi ông thầy Hà Lan Gút Hít-đinh với lối chơi tổng lực quyến rũ như hồi họ đi đến tận vòng bán kết World Cup 2002.

Sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài người Niu-di-lân Mai-cơn Hét-tơ, Hàn Quốc lập tức thi triển một lối chơi tổng lực dồn ép trên khắp mặt sân. Hy Lạp thực sự bị “choáng”. “Phù thủy” Ốt-tô Re-ha-gen chưa kịp điều binh để xốc lại đội hình thì Hy Lạp đã bị thủng lưới. Phút thứ 7, Hàn Quốc được hưởng quả phạt góc, bóng đi vòng cung vượt qua sự truy cản của các hậu vệ to cao Hy Lạp, trung vệ Li Dung Su (số 14) không bị ai kèm đã đệm bóng cận thành mở tỉ số cho đội bóng châu Á.

Thừa thắng xông lên, Hàn Quốc tiếp tục mở những cuộc tấn công theo nhiều hướng khác nhau khiến Hy lạp chỉ biết căng mình chống đỡ. Cuối hiệp 1, Hàn Quốc chủ động giảm nhịp độ trận đấu chuyển sang đấu pháp phòng ngự phản công, Hy Lạp ngay lập tức đẩy cao đội hình hòng tìm bàn gỡ trước giờ nghỉ nhưng không thành.

Bước sang hiệp 2, đội bóng chủ động tấn công trước là các cầu thủ Hy Lạp. Trước sức vây hãm gia tăng, Hàn Quốc chủ động bắt người chặt, hạn chế các pha chọc khe lẫn “đặc sản” đưa bóng xuống biên rồi tạt vào cấm địa của đối thủ. Lối chơi rập rình của Hàn Quốc cuối cùng cũng có hiệu quả. Đặc biệt là xuất phát từ sai lầm của hậu vệ Hy Lạp Lâu-cát Vin-tra, ngôi sao đang thi đấu cho M.U Pắc Di Sung (7) thực hiện màn solo vượt qua các hậu vệ Hy Lạp trước khi dứt điểm quyết đoán hạ gục Tờ-dô-vát, nâng cách biệt lên thành 2-0 ở phút 52. Hy Lạp đến lúc này phải chơi bài ngửa, hai tiền đạo Dimitris Salpigidis và Pantelis Kapetanos được tung vào sân nhưng không thể xoay chuyển tinh thế. Những phút tiếp theo hai đội thi đấu ăn miếng trả miếng nhưng không có bàn thắng nào được ghi thêm. Chiến thắng xứng đáng thuộc về Hàn Quốc và đội trưởng Pắc Di Sung được bầu là cầu thủ hay nhất trận đấu. Với Hàn Quốc, câu chuyện huyền thoại như 8 năm trước hình như đang được viết lại. Với lối chơi không bản sắc, tinh thần rệu rã, các cầu thủ Hy Lạp nên tính chỗ nghỉ hè sau khi vòng bảng kết thúc.

Hàm Đan
P/S: Nhìn cách phiên âm tên riêng nước ngoài thì biết các bài này đăng ở báo nào rồi!