Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

BỤI, XE MỜ BÓNG PHỐ…:MỘT CÁCH NHÌN CŨ VỀ HÀ NỘI!




Bụi, xe mờ bóng phố… là tên triển lãm sắp đặt của họa sĩ Bằng Nhật Linh tại Trung tâm nghệ thuật Việt 42 Yết Kiêu (HN). Bằng một cái nhìn của thế hệ 8X, Bằng Nhật Linh bày tỏ hai thái độ ngược chiều nhưng hợp logic: yêu mến HN trong quá khứ và “những trải nghiệm không dễ chịu với HN mới”.

HN cũng như những đô thị hiện đại khác ở VN đang chuyển mình từng ngày. Sự xung đột giữa cái cũ và mới không chỉ ở bề mặt vật chất mà cả ở những giá trị tinh thần, lối nghĩ. Bằng những cách thức của nghệ thuật sắp đặt hiện đại, Bằng Nhật Linh cố gắng thể hiện những xung đột, những bế tắc của HN nói riêng và đô thị VN nói chung. Nhưng hơi đáng tiếc, cụm tác phẩm của Bằng Nhật Linh chưa thật sự có chất lượng đều tay; có lẽ bản thân các tác phẩm này cũng thể hiện sự bế tắc tạm thời trong cách biểu đạt của nghệ thuật đương đại như những vấn đề mà tác phẩm sắp đặt phản ánh.

SỰ HỖN ĐỘN CỦA ĐÔ THỊ

Ngoài hai bức tranh trừu tượng Phố đêm 1, 2 và năm tác phẩm sắp đặt lấy những điều quen thuộc ở đô thị làm đề tài. Đập vào mắt người xem khi bước vào không gian triển lãm Bụi, xe mờ bóng phố… là tác phẩm sắp đặt số 1 Hà Nội bao gồm gần 100 tháp rùa – một biểu tượng của HN, bằng thạch cao đặt trong một giá gỗ lớn chia từng khung nhỏ. Người đến xem triển lãm có thể thỏa sức vẽ lên tháp rùa để thể hiện bất cứ một ý tưởng nào đó. Tính chất nghệ thuật cộng đồng khi người xem đồng sáng tác với người nghệ sĩ là mục đích của bất cứ triển lãm sắp đặt nào. Sự tương tác hai chiều này làm tăng thêm thông điệp mà Bằng Nhật Linh muốn chuyển tải: “bộ mặt của thành phố được tạo ra và phụ thuộc vào việc mỗi người trong chúng ta ứng xử thế nào với một phần nhỏ của thành phố mà ta đang có”.

Tác phẩm sắp đặt thứ 2 mang tên Phía trên là bầu trời gây được sự chú ý nhất. Tác giả dùng một tấm xốp lớn có chức năng như một “giá vẽ” một mặt xử lí để chúng giống như một bức tường xám đang lở lói theo thời gian; mặt bên kia vẽ bầu trời trong xanh có nhiều đám mây trắng; ở giữa đục tấm xốp rỗng đặt một chiếc Honda cup và cắt khéo léo hình một người phía trên. Ý tưởng của tác giả rất khó nắm bắt nhưng chỉ cần chú ý đến cái tên của tác phẩm là ta có thể lần tìm những chuỗi ý tưởng xoắn lại với nhau. Nếu mặt bên kia của tác phẩm tượng trưng cho cuộc sống mưu sinh mà ta đang mắc kẹt (tác giả lấy ý tưởng từ tình huống… tắc đường!) trong cuộc sống hàng ngày; mặt bên kia là bầu trời trong xanh như một giấc mơ của thanh sạch mà con người thường mong được thoát ly trong tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn. Và con người mặc kẹt ở giữa hai trạng thái với chiếc Honda – một biểu trưng của sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất; con người dần đánh mất mình giống như một khuôn hình rỗng trong tác phẩm.

Tạm rời khỏi khung cảnh đô thị hiện đại, Bằng Nhật Linh đưa chúng ta về một không gian của quá khứ ở HN: một gian phòng thời bao cấp. Tác phẩm Bước qua thềm nhà là một gian phòng với những vật dụng thường thấy: cửa gỗ theo lối quê, giường bằng sắt và những ống nước, dây rợ bảng điện cũ kĩ. Không gian chật chội, đầy bụi và ánh sáng rất yếu là một các biểu hiện hoàn hảo về khung cảnh thời quá khứ nhưng quan trọng hơn đã tái hiện được cách sinh hoạt nghèo nàn, đói khổ của một thời mà đối với nhiều người trẻ chỉ có trong… chuyện cổ tích.

Tác phẩm sắp đặt số 4 Phố lại câu chuyện rất thời sự về HN ngày hôm nay. Bằng kỹ thuật chụp ảnh kỹ thuật thuật số, cắt ghép rồi in lên trên chất liệu ni lông rồi xếp chúng thành một vòng tròn. Mỗi dải băng dài là một hình đoàn người chen chúc nhau xung quanh bên cạnh những tòa nhà cao tầng. Khuôn mặt từng người trong dòng người không hề rõ ràng. Có thể là bất cứ ai đến xem triển lãm đều có thể từng bị chụp… “lén”. Nhưng ý tưởng của Bằng Nhật Linh lại là hoài niệm: “những con phố cũ của HN chỉ còm trong ký ức của mọi người”.

Tác phẩm sắp đặt cuối cùng Đô thị là hàng chục bếp lò được sắp đặt theo hình một chiếc đồng hồ cát. Những bếp lò được vài ba thế hệ người dân HN sử dụng, cho đến nay chúng vẫn còn nhan nhản bên các quán cóc vỉa hè. Bằng một vật biểu trưng, Bằng Nhật Linh đưa ra nỗi băn khoăn của mình: “Không hiểu sao tôi thấy mỗi đô thị, cũng chẳng khác cái bếp lò, sáng bóng, nhẵn nhụi lúc mới đầu, nhưng nhanh chóng nhếch nhác”.

CÁCH BIỂU ĐẠT BẾ TẮC

Với nghệ thuật, những đề tài không khác nhau quá nhiều. Những đề tài của nghệ thuật đô thị cũng chính là vấn đề khó khăn trong lòng đô thị đang cần giải quyết như giao thông, môi trường, lối sống của thị dân… Vấn đề của nghệ thuật là tìm những hình thức nào để biểu đạt hoàn hảo những đề tài đang trở thành tiêu điểm bức xúc của người dân đô thị.

Trong năm tác phẩm của triển lãm, Phía trên là bầu trời là tác phẩm đa nghĩa nhất, có sức gợi với người xem; bản thân vấn đề mà tác phẩm đặt ra hết sức đúng đắn và cấp thiết: nhân cách con người trong thời buổi vật chất đang được tôn thờ. Cách biểu đạt khá độc đáo khi trong một không gian nhỏ hẹp tích hợp được nghệ thuật sắp đặt và cả dấu vết tác phẩm của họa sĩ siêu thực người Bỉ René Magritte (1898 - 1967).

Bản thân cách biểu đạt của Bằng Nhật Linh cũng không nhất quán, nó vừa là là một cuộc triển lãm của hội họa ngoài giá vẽ và hội họa trong giá vẽ. Các tác phẩm của khác của bằng Nhật Linh thể hiện sự ngây thơ chất phác (naive) trong cách biểu đạt. Ví dụ như tác phẩm Hà Nội, việc tô tượng thạch cao là sự lặp lại ở các triển lãm nghệ thuật cộng đồng trước đó không lâu. Có thể nói chính sự ngây thơ trong cách biểu đạt làm giảm đi đáng kể tính ẩn dụ, ước lệ, những điểm mờ của nghệ thuật và nó cũng làm những thông điệp về nhân sinh về đô thị bớt đi ý nghĩa mà đáng lẽ ra cần phải có nhiều hơn.

Và từ những điều này mới nhận ra, những cách biểu đạt khác lạ và độc đáo chính là động lực giúp nghệ thuật sắp đặt phát triển còn không nó sẽ rơi vào bế tăc, sự lặp lại trong tác phẩm của những nghệ sĩ khác nhau. Nó cũng giống như những vấn đề đang “nóng” của đô thị: cần tìm những giải pháp khác chứ không thể trông chờ ở những cách làm cũ.

Hàm Đan