Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

TIẾNG VỌNG TỪ BỜ KIA THẾ GIỚI



Nhân sự kiện “Diễn đàn Văn học Việt-Mỹ: Nhìn lại và phát triển” do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts, Mỹ) tổ chức; mới đây, NXB Hội Nhà văn cũng vừa phát hành tập thơ Mỹ với nhan đề “Tiếng vọng từ bờ kia thế giới” gồm hơn 80 bài thơ của 11 tác giả. Vào năm 2004, tuyển tập thơ Mỹ “15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX” (NXB Hội Nhà văn) cũng đã gây được tiếng vang vì đã giới thiệu một cách có hệ thống những đỉnh cao thơ ca Mỹ trong thế kỷ XX. Lần nay, “Tiếng vọng từ bờ kia thế giới” mang giá trị khác bởi đây là tập thơ của các nhà thơ phần lớn là cựu binh Mỹ từng tham gia trong chiến tranh Việt Nam.

Với những cựu binh Mỹ tiến bộ, cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến phi nghĩa khiến những người trong cuộc bị ám ảnh tinh thần dai dẳng thường được gọi là “hội chứng chiến tranh Việt Nam”. Như một lẽ tất yếu, chiến tranh Việt Nam nhanh chóng trở thành một đề tài của văn học nghệ thuật ngay khi “mặt nạ” nhân nghĩa của giới cầm quyền của Mỹ bị lột trần. Với thơ ca, cuộc chiến Việt Nam hiện ra với tất cả sự khắc nghiệt thử thách không chỉ thể xác mà còn cả lương tâm con người:

“Cô bé bị đốt sau võng mạc của anh
Không gì có thể thay đổi được điều đó
Kể cả tình yêu nhân hậu của em
cả không khí mát lành sau mưa
cả rừng cỏ xanh đang mở ra trước mắt chúng ta
tất cả không thể chối bỏ được sự thật đó.”
(Bài thơ “Bài hát bom Na-pan” của Bruce Weigl)

Sau khi chiến tranh kết thúc, những nhà thơ-cựu chiến binh Mỹ yêu chuộng hòa bình kêu gọi Chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Một số cựu binh còn thành lập Trung tâm William Joiner để làm cầu nối cho văn hóa và văn học hai nước. Song hành với quá trình giao lưu văn học Việt-Mỹ, thơ của các cựu binh Mỹ cũng có bước chuyển trong nội dung nhằm khám phá cuộc sống và tâm lý đất nước và con người từng ở bên kia chiến tuyến. Chỉ có thấu hiểu lẫn nhau mới có thể xây dựng lòng tin và thơ đã trở thành một “cầu nối” vượt qua những biên giới vô hình của sự hận thù như như những câu thơ đầy khắc khoải trong bài thơ “Chơi bóng rổ với Việt Cộng” của nhà thơ Kevin Bowen tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng:

“Giờ ông đến gõ cửa nhà ta
Gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
Sau một hồi ông vụng về, bỡ ngỡ
Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao
...
Ông nhìn chúng ta mỉm cười
Đó là món quà để con người hạ súng”

Sau những chuyến đi trở lại Việt Nam, những cựu binh Mỹ đã cảm nhận sâu hơn về tính nhân bản của dân tộc Việt Nam-một dân tộc sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Nhờ đó, những câu thơ của những cựu binh Mỹ trở nên thú vị nhờ cái nhìn từ bên ngoài đã phát hiện nhiều chi tiết bất ngờ ra trong cuộc sống hậu chiến:

“Câu chuyện về sự ra đời của đứa con đầu lòng:
Anh đã trèo tường bệnh viện để ngó xem vợ.
Anh kể đã tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy con không bị tật nguyền
Anh đi được nửa đường về mới nhận ra chưa hỏi xem đứa trẻ là trai hay gái.”
(Bài thơ “Bài ca Dioxin” của Kevin Bowen)

          Đọc tập thơ của những nhà thơ từ bờ kia thế giới khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ nhưng nội dung các bài thơ lại quy về một thông điệp của tình bạn giữa người với người như nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết trong lời giới thiệu: “Họ đã đem đến cho chúng ta tình bạn, bằng thơ, bằng mọi hoạt động xã hội nhiều khi vượt ra khỏi khuôn khổ tư duy cũ kỹ và trịch thượng ngự trị lâu đời trên đất nước họ”.

HÀM ĐAN