Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

VỀ CUỐN SÁCH "PHÊ BÌNH VĂN HỌC, CON VẬT LƯỠNG THÊ ẤY"

1. Đầu năm 2011, cuốn sách “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (Tư tưởng phê bình văn học Việt Nam, một cái nhìn lịch sử)” của Tiến sĩ lịch sử văn hóa nghệ thuật-Phó giáo sư văn học Đỗ Lai Thúy được ấn hành lập tức được đánh giá là một hiện tượng tác phẩm phê bình hiếm hoi gần đây.

Nói là hiện tượng bởi trước hết, cuốn sách là một công trình đầu tiên nhìn lại một cách toàn diện lịch sử phê bình văn học trong suốt thế kỷ XX ở Việt Nam và cả những bước đi thử nghiệm của phê bình văn học từ tầm nhìn hậu hiện đại. Điểm mới lạ khác, vô cùng đặc sắc thể hiện cấu trúc cuốn sách khác hẳn những cuốn sách lịch sử văn học trước đó. Thông thường, một công trình lịch sử văn học, các tác giả thường trình bày nội dung theo “trục dọc” dựa trên sự phân kỳ tuyến tính, mà nhiều khi những mốc dùng để phân kỳ lại có ý nghĩa về khía cạnh chính trị-kinh tế hơn là ý nghĩa văn học. Nhận thức được những hạn chế của lối trình bày biên niên sử, Đỗ Lai Thúy đã tìm cách thức khác là trình bày các phương pháp phê bình theo ba lối tiếp cận đó là: tiếp cận tác phẩm từ tác giả (phê bình tiểu sử học, phê bình văn hóa-lịch sử, phê bình phân tâm học…), tiếp cận tác phẩm từ văn bản (phê bình phong cách học, phê bình thi pháp học, phê bình cấu trúc-ký hiệu học…) và tiếp cận tác phẩm từ người đọc (phê bình theo lý thuyết tiếp nhận, phê bình hậu/giải cấu trúc, phê bình thông diễn học, phê bình hậu thực dân luận…). Mô hình nghiên cứu trên vừa giúp cho người đọc có cái nhìn xuyên suốt lịch sử phê bình văn học, nhất là khi đặc trưng của phê bình văn học Việt Nam là sự gối tiếp giữa các phương pháp; lại vừa đảm bảo không bỏ sót đóng góp của từng nhà nghiên cứu ở mỗi phương pháp phê bình trong các không-thời gian khác nhau.

Mỗi phương pháp phê bình văn học thường xuất phát từ một lý thuyết văn học, do vậy, trình bày các phương pháp phê bình từng hiện hữu trong đời sống văn chương Việt cũng là gián tiếp trình bày tư tưởng phê bình văn học Việt. Như vậy, cuốn sách vừa là công trình văn học sử vừa là công trình về lý thuyết văn học. Ngoài ra, cuốn sách còn có giá trị phê bình văn học, dĩ nhiên là phê bình về phê bình văn học bởi tác giả đã đánh giá lại thành tựu và hạn chế của từng phương pháp phê bình do thực tiễn vận dụng các phương pháp phê bình đã chứng minh không có phương pháp nào là vạn năng.

2. Các kiến thức về phê bình văn học là những kiến thức chuyên ngành chỉ được một số người trong nghề quan tâm và am hiểu, do vậy, để “phổ thông hóa”, tác giả đã mở đầu cuốn sách bằng tiểu luận Phê bình văn học là gì? như là một dẫn nhập (introduction) giúp những người đọc không chuyên bước đầu tìm hiểu những vấn tổng quát của phê bình như đối tượng, phân loại, vị thế… Đọc tiểu luận trên, còn có thể ra những dòng chữ từ quá trình trải nghiệm công việc là cái “nghiệp” đã mang thân vào suốt mấy chục năm qua của tác giả. Sự nghiền ngẫm này không chỉ có lý thuyết suông mà đầy kinh nghiệm từ thực tiễn bởi Đỗ Lai Thúy không chỉ là người tổ chức giới thiệu các lý thuyết phê bình văn học qua các công trình như: Nghệ thuật như là thủ pháp (Lý thuyết văn chương của Chủ nghĩa hình thức Nga), NXB Hội nhà văn, 2001; Sự đỏng đảnh của phương pháp, NXB Văn hóa thông tin, 2004…; mà đồng thời còn là người đi đầu trong thực hành phê bình phân tâm học và phê bình văn học từ văn hóa học.

Với lợi thế là một người thực hành, chắc rằng đã góp phần giúp Đỗ Lai Thúy thành công khi nắm bắt “tướng tinh” của mười ba nhà phê bình văn học Việt trong phần cuối của cuốn sách: Phê bình văn học Việt Nam, người đọc được/bị đọc. Thành công của các chân dung học thuật trên phải xuất phát từ hai điểm. Thứ nhất, những nhận xét chuẩn xác và ít nhiều mới mẻ ở một đối tượng cũ như bài viết về nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Đỗ Lai Thúy ca ngợi Hoài Thanh là thiên tài phê bình văn học với tác phẩm kinh điển Thi nhân Việt Nam như bao người viết về Hoài Thanh trước đó, song điểm mới mà Đỗ Lai Thúy nói thêm là Hoài Thanh chỉ là thiên tài trong phương pháp phê bình ấn tượng mà thôi. Thứ hai, lối viết (écriture) kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật của Đỗ Lai Thúy đã khiến chân dung học thuật vốn đầy những luận điểm khô khan trở nên sinh động, mới mẻ hơn. Và như vậy, qua các bài viết chân dung, phần nào Đỗ Lai Thúy đã chứng mình cho quan niệm về phê bình văn học của ông: phê bình là một con vật lưỡng thê!

HÀM ĐAN