Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

ĐỌC HỒI KÝ 'GIA ĐÌNH, BẠN BÈ VÀ ĐẤT NƯỚC"


Suốt 10 năm sau khi về nghỉ hưu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn miệt mài với những công việc đoàn thể, xã hội của “một người về hưu bận rộn”-như cách bà tự nói về mình. Cho nên, việc hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” (NXB Tri thức, 2012) ra đời mới đây khiến nhiều người ngạc nhiên ở sức làm việc và trí tuệ minh mẫn của một người ở tuổi 85 tuổi.

Trên thế giới, hầu như những người nổi tiếng đều viết hồi ký với mục đích kể chuyện “thâm cung bí sử”, vào chêm vào những lời nhận xét gây sốc. Càng có nhiều chuyện “độc” hồi ký mới mong bán chạy! Bà Nguyễn Thị Bình là một người nổi tiếng với vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Và là người phụ nữ duy nhất ký vào 32 văn bản của Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam vào ngày 27-1-1973. Nhưng bà Nguyễn Thị Bình đã chọn viết đơn giản, giọng điệu tâm tình như phong cách một quý bà lịch lãm, duyên dáng mà giới truyền thông quốc tế từng gọi bà với có biệt danh “Madame Bình”.

Nội dung của cuốn hồi ký đã được khái quát từ nhan đề bình dị! Trong gần 300 trang sách, bà Nguyễn Thị Bình kể lại cuộc đời mình theo kiểu biên niên sử từ nhỏ cho đến khi về già, nhưng không đi ra ngoài chuyện gia đình, chuyện những người bạn đồng cam cộng khổ và chuyện đi làm việc nước.

Rất nhiều người biết bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của nhà yêu nước Phan Châu Trinh (1872-1926). Điều may mắn cho bà Nguyễn Thị Bình là thừa hưởng truyền thống yêu nước, trọng tri thức của cha ông. Song qua hồi ký, người đọc biết thêm nhiều câu chuyện cảm động về gia đình bà như chuyện ông thân sinh bà Bình tuổi cao sức yêu phải chăm hai cháu và khi ông cụ mất bà Bình không có mặt. Hoặc là chuyện, suốt 9 năm chống Pháp, bà Bình chỉ nhận được vẻn vẹn mấy chữ: “Chúc em và cả gia đình ăn toàn, khỏe mạnh” của người yêu là sĩ quan quân đội Đinh Khang nhưng vẫn chờ đợi đến năm 1954 mới nên duyên vợ chồng. Vì nhiệm vụ trên giao bà Bình đã phải xa hai đứa con, không thể chăm sóc thường xuyên khi chiến sự căng thẳng: “Đi công tác xa, nghe bom đạn rơi gần chỗ con ở, tôi lo lắng đến thắt lòng, thương các con vô cùng”. Nhưng chính trong hoàn cảnh gian khó, những người thân yêu luôn ở cạnh bà, trở thành động lực cho mọi công việc. Khi nhìn lại, bà thừa nhận mình là người hạnh phúc khi có một gia đình yên ấm: “Cũng có thể nói tôi có một cuộc đời kỳ lạ: không thể tách ảnh hưởng và tình thương của gia đình trên mỗi bước đường nhiều nỗi gian truân của mình. Đó là sức mạnh và cũng là hạnh phúc của đời tôi”.

Gần 70 năm hoạt động Cách mạng, bà Nguyễn Thị Bình tiếp xúc với nhiều người trong và ngoài nước. Nhiều người trong số đó trở thành bạn bè sát cánh trong công việc hệ trọng. Đặc biệt là ở cuộc đàm phán dài nhất lịch sử tại Paris, những người bạn và cũng là cộng sự của bà như: Lý Văn Sáu, Dương Đình Thảo, Ngọc Dung, Bình Thanh… đã luôn giúp đỡ bà rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ của một trưởng đoàn đàm phán. Và còn rất nhiều những bạn bè quốc tế, cảm phục cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta và có tình cảm yêu mến riêng con người “Madame Bình” nên đã vô tư giúp đỡ Cách mạng Việt Nam.  

Cuối cùng, với đất nước, bà Nguyễn Thị Bình luôn tâm niệm phải hoàn thành mọi việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó để góp phần nhỏ bé cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ năm 1946, bà Nguyễn Thị Bình đã có suy nghĩ: Việc gì có lợi cho Cách mạng thì làm! Và nay, sau ngần ấy năm, ở cuối cuốn hồi ký, quan điểm phải đặt lợi ích chung của đất nước lên trên hết được bà cho là điều bất di bất dịch. Khi đất nước vẫn chưa hết khó khăn và phải đương đầu với những thách thức mới, bà Nguyễn Thị Bình tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ giúp đất nước đi lên: “Tôi thích ví đất nước ta như con thuyền. Qua bao thác ghềnh, con thuyền Tổ quốc đã ra biển cả, phía trước là chân trời mới…!”

          HÀM ĐAN