Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

CƠ BẢN... THÀNH CÔNG

Dù muốn dùng cụm từ “thành công tốt đẹp” để chúc mừng Liên hoan âm thanh Hà Nội 2010 vừa mới kết thúc tối 28 sau ba ngày diễn ra; nhưng có lẽ chỉ nên dùng cụm từ “cơ bản… thành công” thì thích hợp hơn.

Khâu chuẩn bị có thể xem là công phu nhất so với tất cả các các hoạt động nghệ thuật đương đại từ trước đến nay. Ngoài buổi họp báo giới thiệu chương trình còn có hai buổi diễn tiền khuyếch trương tại 113 Triệu Việt Vương và 46 An Dương. Và cuối cùng, là buổi tiệc ở nhà hàng La Cantine để các nhà báo và nghệ sĩ “giao lưu”.

Liên hoan âm thanh năm nay có chủ đề “không gian xanh” nhằm gắn âm nhạc với việc tuyên truyền bảo vệ môi trường. Ban tổ chức đã có sáng kiến phát hành vé là những chiếc vòng đeo tay bằng vải có dòng chữ “green space” vừa thời trang, vừa như một vật kỷ niệm, đồng thời không xả rác ra môi trường. Vào “Giờ trái đất” (28/ 3), lúc 20 giờ 30 phút, các hoạt động liên quan đến âm thanh, nghệ thuật đều ngừng một thời gian để những thông điệp về môi trường lên tiếng.

Về chất lượng nghệ thuật liên hoan, với gần 80 nghệ sĩ đến từ 16 quốc gia, với đầy đủ các xu hướng từ âm nhạc cổ truyền (ca trù) đến nhạc ồn (noisy music), DJ thì ngay cả những người “ngoại đạo” âm nhạc cũng hoàn toàn thỏa mãn.

Song rất đáng tiếc, một chương trình nghệ thuật đỉnh cao nhưng số lượng người tham dự quá ít so với dự tính của ban tổ chức, vào lúc cao điểm nhất (khoảng 21 giờ) khoảng tầm 500 người. Trong đó, người Tây lại nhiều hơn ta. Không phải vì giá vé (70 nghìn VND) mà đơn giản, khán giả Việt Nam có lẽ vẫn chưa quen được với các xu hướng âm nhạc đương đại trên thế giới. “Lỗ tai Việt” vẫn ưa thích những ca khúc có lời theo công thức kinh điển “dễ nghe, dễ hát, dễ thuộc” hoặc những giai điệu “du dương”… Người ta chưa quen được thứ nhạc ồn, nhịp điệu nhanh và mạnh. Khi được hỏi, các bạn trẻ người đến đây là vì đã có ít nhất một lần vào vũ trường mới quen được; số còn lại đến vì tò mò. Một ví dụ khác, vài hình ảnh được xử lí chuyển động có những hình ảnh “nhạy cảm”. Hiển nhiên, cần phải đặt những bức ảnh vào môi trường có tính chất lễ hội vui vẻ cười đùa như liên hoan âm thanh; ngoài ra, tính tương hỗ với âm nhạc mạnh kích thích bản năng mới thấy được ý nghĩa nghệ thuật của các bức ảnh động trên. Nhưng không phải ai cũng chịu nghĩ về hình ảnh động mà đã vội phản ứng: người thì cười hô hố, người thì nhăn mặt khó chịu… Qua đó, có thể nhận ra, cơ chế tiếp thu cái mới trong nghệ thuật nói riêng của người Việt là bảo thủ và thụ động.

Một mục tiêu khác của liên hoan là kêu gọi bảo vệ môi trường đã được khán giả… phá hủy. Không chỉ người Việt thiếu ý thức mà cả “người Tây” uống bia, hút thuốc, dùng thức ăn xòn cũng vứt bữa bãi ở bãi cỏ của trên sân khấu ngoài trời và cả sân khấu trong nhà. Nhưng đáng nói hơn, ở sân khấu ngoài trời, không có thùng rác để những người thật sự có ý thức bảo vệ môi trường được làm người… lịch sự. Lỗi của ai, giờ cũng chẳng quan trọng. Không lẽ người ta cứ than dài: Cái nước mình nó thế!

Hàm Đan

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

KHÔNG CÓ BÓNG ĐÁ ĐẸP

1 giờ 45 phút sáng ngày 31/ 3 và 1/ 4, vòng tứ kết Champions League sẽ diễn ra. Tâm điểm là hai cặp đấu Manchester United và Bayer Munich, Barcelona và Arsenal tái hiện lại hai trận chung ở mùa giải 1998 – 1999 và 2005 – 2006.


Đấu trí giữa các “thầy”

Ở vòng đấu knockout, khi trình độ cầu thủ không chênh lệch lớn vì vai trò điều quân khiển tướng của các “ông thầy” trở nên quan trọng. Điểm tên các HLV vòng tứ kết thì thấy: người thì có thâm niên trên 10 năm cầm quân; người trẻ thì đều vô địch quốc gia ngay khi mới khởi nghiệp nên các “ông thầy” đều là “cáo” chứ không có ai là “gà”.

Các “ông thầy” ít tên tuổi nhất lại cầm quân trong cuộc “nội chiến” nước Pháp. Dẫu hiện nay, quyền lực ở Ligue 1 hoàn toàn thuộc về Bordeaux nhưng ở đấu cúp mọi chuyện có thể khác. Lyon từ khi không còn Juninho và K. Benzema đã “latin hóa” với sự xông xáo của L. López, M. Bastos cộng với sức mạnh châu Phi của J. Makoun, B. Gomis, A. Cissokho khiến HLV C. Puel thường sử dụng lối đá phòng ngự phản cộng sắc bén. “Bại tướng” của chiến thuật này ở vòng 1/ 8 chính là “dải thiên hà” R. Madrid. Trái lại, Bordeaux lại luôn lối chơi tấn công dù đối thủ là ai đi chăng nữa. Song, bài học bị loại ở vòng bảng năm ngoái khiến L. Blanc “tỉnh” ra. Từ đó, cựu hậu vệ nổi tiếng một thời đã biết “công” và “thủ” biến hóa. Bước chuyển chiến thuật tỏ ra hiệu nghiệm khi ở vòng bảng Bordeaux đã đứng trên B. Munich và gián tiếp đẩy Juventus xuống giải đấu “hạng hai” Europa League. Nhiều khả năng sẽ là một kết quả hòa trên Gerland của Lyon, để đến ngày 8/ 4 hai đội mới thực sự quyết chiến để xem ai mới là đại diện cho nước Pháp chinh phục châu Âu.

Một trận đấu khác cũng sẽ ghi đậm dấu ấn của các HLV là Inter Milan và CSKA Moskva. Tài cầm quân của J. Mourinho thì khỏi phải bàn. Bên kia chiến tuyến, dù mới nắm quyền 5 tháng nhưng ông thầy “hàng nội” cập kê tứ tuần L. Slutsky tỏ ra “mát tay” khi đã đưa CSKA Moskva dẫn đầu giải vô địch quốc gia Nga sau 3 vòng đấu và tất nhiên, là lần đầu tiên lọt vào vòng tứ kết Champions League. Song, sẽ chẳng có bất ngờ trên sân Giuseppe Meazza bởi Inter đã tuyên bố: thà mất tất cả chứ nhất định không bỏ Champions League.

Trận đấu tâm điểm cho cuộc đấu trí của các ông thầy là cuộc chiến của Sir Alex Ferguson và L. Van Gaal. Xét về danh hiệu “ông thầy” người Hà Lan “còn khuya” mới so bì được với “ông chủ” của “quỷ đỏ”. Song nếu tính ở các cuộc đối đầu “tay đôi” thì kết quả là hòa. Mùa giải 1998 – 1999, M.U ở rơi vào bảng tử thần cùng với Barcelona – khi đó Van Gaal là HLV trưởng và B. Munich – đội bóng hiện tại ông đang dẫn dắt. Sau hai lượt đấu đều có tỉ số 3 – 3. Kết thúc vòng bảng, Barcelona bị loại, M.U cùng với Munich vào vòng 1/ 8. Và gặp lại nhau ở trận chung kết trên… sân Nou Camp của Barcelona. M.U thắng 2 – 1 nhờ hai bàn thắng ở 100 giây cuối; qua đó, hoàn thành “cú ăn ba” lịch sử. Trận đấu trên sân Arena tới đây không chỉ là cuộc phục hận của “hùm xám” xứ Bavaria mà có ý nghĩa phân cao thấp của hai chiến lược gia hàng đầu châu Âu từ 10 năm gần đây. M.U sẽ thi đấu cầm chừng bởi đến ngày 3/ 4, họ sẽ thi đấu trận “chung kết” Premier League với Chelsea để xem M.U có thể lập kỉ lục 4 lần liền vô địch hay không? Họ sẽ ra sân với đội hình 4 – 5 – 1 hoặc 4 – 4 – 1 – 1 với chỉ 1 trung phong cắm là W. Rooney. Hỗ trợ anh là một hàng tiền vệ 5 người. Mấu chốt của hàng tiền vệ đông đảo này là khi cần sẽ có một tiền đạo “ảo” tham gia việc ghi bàn nhưng quan trọng hơn là sẽ áp chế được những tiền vệ cánh hay bó vào trung lộ của Munich là F. Ribery và nhất là A. Robben. Robben chưa chắc đã ra sân nhưng dự bị B. Schweinsteiger cũng không phải là tiền vệ cánh thuần túy. Van Gaal sẽ sử dụng chiến thuật 4 – 4 – 2 hoặc 4 – 3 – 3 để chơi tấn công biên với sự cơ động của tiền vệ cánh mới mong thắng được “quỷ đỏ” ở thời điểm này vì cả ba tiền đạo của Munich là I. Olić, M. Klose, M. Gomes đều là những “sát thủ vòng cấm”. Nhiều khả năng họ sẽ “tắt điện” khi gặp hai hậu vệ “hộ pháp” R. Ferdinand và N. Vidic.

“Mãn nhãn” ở London

Do đã nặng về chiến thuật nên ba trận đấu trên sẽ không phải là cuộc đấu của bóng đá đẹp. Những ai thích xem một trận đấu “mở” nên bật T.V để xem trận đấu trên sân Emirates.

Trước trận đấu, giáo sư A. Wenger của Arsenal có nói đại ý rằng: bóng đá đẹp không chỉ có Barcelona “độc quyền”, Arsenal cũng là bậc thầy kĩ thuật. Thực ra, đó chỉ là “đòn gió” của “ông thầy” người Pháp. Bản thân Wenger có lẽ cũng thừa hiểu đẳng cấp và kinh nghiệm của các cầu thủ Barcelona với thủ lĩnh là “siêu nhân” L. Messi thừa sức “át vía” “những đứa trẻ” của ông.

Trước trận đấu, hai cầu thủ chơi kỹ thuật nhất của cả hai đội là A. Iniesta (Barcelona) và C. Fabregas (Arsenal) nhiều khả năng sẽ không thể thi đấu. Song với những con người còn lại, rõ ràng, trận đấu này xứng đáng được người ta chờ đợi là trận đấu “mãn nhãn” nhất vòng tứ kết.

Nếu kịch bản trận đấu diễn ra theo hướng “mở” thì kết quả trận đấu phụ thuộc hoàn toàn vào màn trình diễn của các cầu thủ chứ không phải là màn đấu trí của HLV như ba cặp đấu còn lại.

Hàm Đan

KHÔNG CÓ BÓNG ĐÁ ĐẸP

1 giờ 45 phút sáng ngày 31/ 3 và 1/ 4, vòng tứ kết Champions League sẽ diễn ra. Tâm điểm là hai cặp đấu Manchester United và Bayer Munich, Barcelona và Arsenal tái hiện lại hai trận chung ở mùa giải 1998 – 1999 và 2005 – 2006.


Đấu trí giữa các “thầy”

Ở vòng đấu knockout, khi trình độ cầu thủ không chênh lệch lớn vì vai trò điều quân khiển tướng của các “ông thầy” trở nên quan trọng. Điểm tên các HLV vòng tứ kết thì thấy: người thì có thâm niên trên 10 năm cầm quân; người trẻ thì đều vô địch quốc gia ngay khi mới khởi nghiệp nên các “ông thầy” đều là “cáo” chứ không có ai là “gà”.

Các “ông thầy” ít tên tuổi nhất lại cầm quân trong cuộc “nội chiến” nước Pháp. Dẫu hiện nay, quyền lực ở Ligue 1 hoàn toàn thuộc về Bordeaux nhưng ở đấu cúp mọi chuyện có thể khác. Lyon từ khi không còn Juninho và K. Benzema đã “latin hóa” với sự xông xáo của L. López, M. Bastos cộng với sức mạnh châu Phi của J. Makoun, B. Gomis, A. Cissokho khiến HLV C. Puel thường sử dụng lối đá phòng ngự phản cộng sắc bén. “Bại tướng” của chiến thuật này ở vòng 1/ 8 chính là “dải thiên hà” R. Madrid. Trái lại, Bordeaux lại luôn lối chơi tấn công dù đối thủ là ai đi chăng nữa. Song, bài học bị loại ở vòng bảng năm ngoái khiến L. Blanc “tỉnh” ra. Từ đó, cựu hậu vệ nổi tiếng một thời đã biết “công” và “thủ” biến hóa. Bước chuyển chiến thuật tỏ ra hiệu nghiệm khi ở vòng bảng Bordeaux đã đứng trên B. Munich và gián tiếp đẩy Juventus xuống giải đấu “hạng hai” Europa League. Nhiều khả năng sẽ là một kết quả hòa trên Gerland của Lyon, để đến ngày 8/ 4 hai đội mới thực sự quyết chiến để xem ai mới là đại diện cho nước Pháp chinh phục châu Âu.

Một trận đấu khác cũng sẽ ghi đậm dấu ấn của các HLV là Inter Milan và CSKA Moskva. Tài cầm quân của J. Mourinho thì khỏi phải bàn. Bên kia chiến tuyến, dù mới nắm quyền 5 tháng nhưng ông thầy “hàng nội” cập kê tứ tuần L. Slutsky tỏ ra “mát tay” khi đã đưa CSKA Moskva dẫn đầu giải vô địch quốc gia Nga sau 3 vòng đấu và tất nhiên, là lần đầu tiên lọt vào vòng tứ kết Champions League. Song, sẽ chẳng có bất ngờ trên sân Giuseppe Meazza bởi Inter đã tuyên bố: thà mất tất cả chứ nhất định không bỏ Champions League.

Trận đấu tâm điểm cho cuộc đấu trí của các ông thầy là cuộc chiến của Sir Alex Ferguson và L. Van Gaal. Xét về danh hiệu “ông thầy” người Hà Lan “còn khuya” mới so bì được với “ông chủ” của “quỷ đỏ”. Song nếu tính ở các cuộc đối đầu “tay đôi” thì kết quả là hòa. Mùa giải 1998 – 1999, M.U ở rơi vào bảng tử thần cùng với Barcelona – khi đó Van Gaal là HLV trưởng và B. Munich – đội bóng hiện tại ông đang dẫn dắt. Sau hai lượt đấu đều có tỉ số 3 – 3. Kết thúc vòng bảng, Barcelona bị loại, M.U cùng với Munich vào vòng 1/ 8. Và gặp lại nhau ở trận chung kết trên… sân Nou Camp của Barcelona. M.U thắng 2 – 1 nhờ hai bàn thắng ở 100 giây cuối; qua đó, hoàn thành “cú ăn ba” lịch sử. Trận đấu trên sân Arena tới đây không chỉ là cuộc phục hận của “hùm xám” xứ Bavaria mà có ý nghĩa phân cao thấp của hai chiến lược gia hàng đầu châu Âu từ 10 năm gần đây. M.U sẽ thi đấu cầm chừng bởi đến ngày 3/ 4, họ sẽ thi đấu trận “chung kết” Premier League với Chelsea để xem M.U có thể lập kỉ lục 4 lần liền vô địch hay không? Họ sẽ ra sân với đội hình 4 – 5 – 1 hoặc 4 – 4 – 1 – 1 với chỉ 1 trung phong cắm là W. Rooney. Hỗ trợ anh là một hàng tiền vệ 5 người. Mấu chốt của hàng tiền vệ đông đảo này là khi cần sẽ có một tiền đạo “ảo” tham gia việc ghi bàn nhưng quan trọng hơn là sẽ áp chế được những tiền vệ cánh hay bó vào trung lộ của Munich là F. Ribery và nhất là A. Robben. Robben chưa chắc đã ra sân nhưng dự bị B. Schweinsteiger cũng không phải là tiền vệ cánh thuần túy. Van Gaal sẽ sử dụng chiến thuật 4 – 4 – 2 hoặc 4 – 3 – 3 để chơi tấn công biên với sự cơ động của tiền vệ cánh mới mong thắng được “quỷ đỏ” ở thời điểm này vì cả ba tiền đạo của Munich là I. Olić, M. Klose, M. Gomes đều là những “sát thủ vòng cấm”. Nhiều khả năng họ sẽ “tắt điện” khi gặp hai hậu vệ “hộ pháp” R. Ferdinand và N. Vidic.

“Mãn nhãn” ở London

Do đã nặng về chiến thuật nên ba trận đấu trên sẽ không phải là cuộc đấu của bóng đá đẹp. Những ai thích xem một trận đấu “mở” nên bật T.V để xem trận đấu trên sân Emirates.

Trước trận đấu, giáo sư A. Wenger của Arsenal có nói đại ý rằng: bóng đá đẹp không chỉ có Barcelona “độc quyền”, Arsenal cũng là bậc thầy kĩ thuật. Thực ra, đó chỉ là “đòn gió” của “ông thầy” người Pháp. Bản thân Wenger có lẽ cũng thừa hiểu đẳng cấp và kinh nghiệm của các cầu thủ Barcelona với thủ lĩnh là “siêu nhân” L. Messi thừa sức “át vía” “những đứa trẻ” của ông.

Trước trận đấu, hai cầu thủ chơi kỹ thuật nhất của cả hai đội là A. Iniesta (Barcelona) và C. Fabregas (Arsenal) nhiều khả năng sẽ không thể thi đấu. Song với những con người còn lại, rõ ràng, trận đấu này xứng đáng được người ta chờ đợi là trận đấu “mãn nhãn” nhất vòng tứ kết.

Nếu kịch bản trận đấu diễn ra theo hướng “mở” thì kết quả trận đấu phụ thuộc hoàn toàn vào màn trình diễn của các cầu thủ chứ không phải là màn đấu trí của HLV như ba cặp đấu còn lại.

Hàm Đan

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

"SAO" LÀ VẬY!

Với việc “lạy sống” trọng tài Vũ Bảo Linh trên sân Cao Lãnh tại vòng 6 V-League, Công Vinh lãnh án kỷ luật: treo giò 6 trận và nộp phạt 10 triệu đồng. Trước án phạt được đưa ra, Công Vinh đã chính thức đưa ra lời xin lỗi trọng tài và người hâm mộ bởi hành động phản cảm của mình. Sự việc sẽ chẳng có gì ầm ĩ nếu ngay sau án phạt đưa ra thì Công Vinh tuyên bố ý định giải nghệ.

Dư luận đang bất ngờ trước một loạt hành động của Công Vinh gần đây. Và tự hỏi điều gì đang xảy ra với tiền đạo số 1 Việt Nam? Câu trả lời không khó, nó nằm ngay trong những hành động có tính logic.

Trước tiên, là hành động “vái sống” trọng tài. Công Vinh không phải là người đầu tiên làm việc này ở trên thế giới lẫn Việt Nam. Ví dụ như: C. Vieri (Ý) chắp tay lạy trọng tài B. Moreno khi ông này rút thẻ đỏ đuổi F. Totti trong trận Hàn Quốc loại Italy ở vòng 1/8 World Cup 2002; trường hợp khác, W. Rooney (M.U) bị thẻ đỏ vì vỗ tay “mỉa” trọng tài K. Nielsen sau khi bị phạt thẻ vàng trong trận gặp Villarreal ở vòng bảng Champions League 2005 - 2006… Nếu ai từng xem trực tiếp các tình huống này đều dễ dàng nhận ra hành động của hai cầu thủ trên là do quá “bực” với các quyết định của trọng tài mà “vô thức” “trêu ngươi” “vua sân cỏ”. Hành động của Công Vinh có thể do “nóng giận mất khôn”, nhưng cách anh thể hiện hành động khiến người ta nghi ngờ rằng: anh đã sắp đặt từ trước, có “ý thức” hẳn hoi với bằng chứng là anh “bình tĩnh” cúi lạy không chỉ một lần mà nhiều lần.

Anh làm vậy để làm gì? Đơn giản để nổi tiếng hơn! Vì có một thực tế anh đã trở thành một “ngôi sao”. Bóng đá là một môn thể thao và đồng thời cũng là một môn giải trí. Một công thức kinh điển trong làng giải trí là: tên tuổi càng nổi bật bao nhiêu sẽ tỉ lệ thuận với số tiền kiếm được.

Nhiều người yêu mến Công Vinh hiền lành, dễ thương… trước đây hẳn sẽ đổ lỗi cho việc anh lây nhiễm tính “ngôi sao” ca nhạc Thủy Tiên. Điều đó có thực hay không chỉ có mình anh biết. Sẽ chẳng có ích gì khi đi tìm nguyên nhân khiến Công Vinh thay đổi. Dù không phải Công Vinh mà là “ông sao” nào đi nữa thì cái “bẫy”của vật chất và sự nổi tiếng sẽ không tha bất cứ ai. Trong làng túc cầu, vào cuối thập niên 60, khi mà các ngôi sao bóng đá bắt đầu trở nên giàu có và nổi tiếng thì tai tiếng về ăn chơi và hành động “ngông” cũng bắt đầu mò đến. Ví dụ: huyền thoại G. Best của M.U – biểu tượng “sao” của giới “quần đùi áo số” của thập niên 60 là một kẻ nghiện rượu.

Ở Việt Nam, mới vài năm trở lại đây, khi bóng đá bắt đầu lên “chuyên” thì cầu thủ mới trở thành tỉ phú. Nghiễm nhiên, họ đã trở thành “người của công chúng”. Lập tức, chúng ta thấy hành động của họ y chang các “sao” bóng đá nước ngoài. Lấy bản thân Công Vinh làm ví dụ cho tiện. Anh không ngại “trình” người yêu là cô sinh viên để minh chứng cho tình yêu trong sáng thời “vô danh”. Sau khi thành người hùng ở Tiger Cup 2008, anh khoe người yêu là ca sĩ, xe “Mẹc”, thậm chí là việc xăm mình trong chuyến “du học” ở “đất Bồ”. Tóm lại, là một chuỗi những hành động để đánh bóng tên tuổi.

Cho nên, việc “dọa” sẽ giải nghệ của Công Vinh cùng một mục đích với một loạt hành động trên. Sẽ chẳng có việc Công Vinh nghỉ đá bóng, bởi đời của CV9 đang “vượng” sao dễ bỏ chỉ sau một cái án phạt. Nó khiến người ta “bật cười” liên tưởng đến lời “nổ vang trời” của “ông sao quả tạ” Hoàng Anh Tuấn tuyên bố sẽ giải nghệ nếu không đoạt HCV tại Seagames 25 nhưng rút cuộc đành “muối mặt” chữa thẹn sẽ tiếp tục “phục thù” sau khi chỉ nhận được HCB. Nó chứng tỏ Công Vinh khá vụng so với cô người yêu ca sĩ và chứng tỏ anh chưa phải là cầu thủ chuyên nghiệp.

Những ai biết tuổi thơ cay đắng của Công Vinh sẽ lấy làm tiếc cho một Công Vinh “ngoan”, có chí tiến thủ trước đây. Nhưng có lẽ không cần phải tiếc. Lẽ đời là vậy, không phải ai cũng có thể “giữ mình” như cái “thủa ban đầu” khi mà hoàn cảnh xung quanh đã thay đổi. Những hành động của Công Vinh tất yêu khi anh là một ngôi sao thời danh. Hãy cứ xem Công Vinh đã bóng chứ đừng mất thời gian quan tâm đến những hành động “chơi trội” của anh ta. “Sao” là vậy mà!

Hàm Đan

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

CÓ MỘT "BẢO TÀNG LỐI SỐNG:..

1. Nhiều người hay qua lại Hàng Bạc ngỡ nhầm nhà số 115 đã lâu ngày không có người ở bởi cánh cửa gỗ sơn màu xanh lục của ngôi nhà luôn khóa trái. Ít ai biết rằng hơn nửa thế kỷ trước, cánh cửa ấy luôn mở rộng cả ngày để đón người vào ra nhộn nhịp bởi ngôi nhà là dinh thự của ông Phạm Văn Thanh mà nhiều người già sống quanh đó vẫn quen gọi là ông Quảng Thái – chủ hiệu chuyên nghề lọc vàng nhãn hàng Sư Tử. Nay, đằng sau lối đi ra Hàng Bạc vẫn còn tồn tại ngôi nhà vườn duy nhất còn lại ở phố cổ Hà Nội. Trong nhà, còn vợ ông Quảng Thái là bà Phạm Thị Tề sinh sống cùng các con cháu. Xuân này, bà bước sang tuổi 97. Tuổi đã cao nhưng bà vẫn còn minh mẫn đủ để nhớ về thời vàng son của gia tộc hồi đầu thế kỷ.


2. Gia đình họ Phạm ở Châu Khê (Bình Giang – Hưng Yên) có nghề gia truyền lọc vàng cha truyền con nối. Từ đời bố chồng bà Tề mới lên Hàng Bạc lập nghiệp. Thủa ấy, những người miền ngược vùng Kim Bôi (Hòa Bình) hay mang “vàng cốm” lên phố cổ đổi lấy quần áo và thức ăn. Những mẩu vàng mới đào lên từ lòng đất được những người phố tranh nhau mua. Họ mang sang nhà ông Quảng Thái thuê lọc thành vàng bốn con chín. Một lạng vàng được năm lá rưỡi vàng gói trong giấy dầu. Người ta lấy vàng có nhãn Sư Tử để giành cho những việc trọng đại như mua nhà chẳng hạn. Nghề lọc vàng ăn nên làm ra, ông Quảng Thái mua ngôi nhà ống thông hai mặt phố Hàng Bạc và Đinh Liệt làm tư gia. Năm 1945, ông cho sửa nhà nhưng rồi chiến tranh chống Pháp nổ ra nên mãi tận năm 1949 mới hoàn thành. Ngôi nhà được xây dưới sự giúp đỡ thiết kế của kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ - người sau này tham gia thiết kế lăng Bác. Dưới sự thiết kế của người kiến trúc sư tài hoa đã biến ngôi nhà ống đơn thuần trở thành ngôi nhà kết cấu hai tầng với 16 phòng mang đậm phong cách trường phái kiến trúc Đông Dương – một kiến trúc sáng tạo kết hợp hài hòa hai nền văn hóa Pháp và Việt. Kiến trúc kiểu Pháp biểu hiện ở cầu thang gỗ, nhà nhiều phòng, những chiếc cột với nhiều ô cửa kính mờ. Kiến trúc Việt lại đậm ở mái nhà lợp ngói, uốn cong vút ở đầu đao. Dấu ấn văn hóa Việt có thấy rõ ở mỗi góc đầu đao có gắn hình bóng mây cách điệu. Điều đặc biệt của triền mái là do thế đất không được vuông khiến một góc mái không thể xây dựng đầu đao dài và cong bình thường như ba phần còn lại; vì thế, một góc mái có những hai đầu đao để đúng khỏi khuyết để hợp phong thủy.

Diện tích mảnh đất là 560 m2 ; trong đó, khuôn viên vườn chiếm tới 200 m2. So với nhà vườn Huế thì nhà vườn 115 Hàng Bạc có diện tích nhỏ hơn. Nhưng nên nhớ, vị trí của nó nằm ngay phố cổ Hà Nội - nơi tấc đất là tấc vàng chỉ dành cho buôn bán chứ không phải để nghỉ ngơi như vùng ngoại ô Kim Long ven sông Hương. Vì thế mà, ngôi nhà vườn 115 Hàng bạc trở nên nổi tiếng có tên trong rất nhiều sách hướng dẫn du lịch phố cổ, tiêu biểu như cuốn The 36 Guild streets area Hanoi’s Ancient Quarter của Nhật Bản. Khác với nhà vườn Huế là loại vườn tạp, chủ nhân trồng những cây phục vụ đời sống thanh đạm, chỉ trồng cây trái dùng phục vụ cúng bái, cây hương liệu, rau thơm… thì nhà vườn Bắc Bộ, từng mảnh đất trồng rau cỏn con bao quanh từng nhà ở. Có được cây lâu năm nào như mít, xoan... thì cố đẩy vào gần rào, để dành diện tích cho hoa. Khu vườn nhà 115 Hàng Bạc rộng xanh mát với các loài cây hoa, lộc vừng, tre đằng ngà, trúc quân tử... để chủ nhân ngắm cảnh, di dưỡng tinh thần.

Nội thất trong ngôi nhà khiến nhiều khách tham quan cảm thấy ngưỡng mộ. Đoàn du khách Pháp từng kinh ngạc trước bộ salon có họa tiết của theo phong cách Louis XIV, theo lời con trai trưởng cụ Tề là ông Phạm Ngọc Giao cho biết tuổi thọ bộ salon còn hơn tuổi thọ Nhà hát Lớn. Cạnh bàn thờ gia tiên là chiếc bình gốm pháp lam đặc trưng thời Nguyễn có tuổi thọ hơn trăm năm. Một đôi câu đối làm bằng gỗ khác có lai lịch rõ ràng: năm Bảo Đại thứ nhất (1926)… Thời gian đi qua, giờ đã gần hết thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, những di vật của thế kỷ XX trong ngôi nhà cổ này quả là vô giá nếu đặt trong bối cảnh Hà Nội trong quá trình đô thị hóa vũ bão.

3. Những con người sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà 115 Hàng Bạc ít khi nói về những di sản vật chất đáng giá tiền tỉ. Với họ, chúng vẫn chỉ là những đồ vật. Điều họ trân trọng hơn và luôn lo sợ mất đi là nếp sống, gia phong của người Hà Nội đã tồn tại đầu thế kỷ XX.

Nếp sinh hoạt trong nhà ngày hôm nay vẫn giữ như đầu thế kỷ trước. Người trong nhà đi lại không gây tiếng ồn, không ai nói to, khi hỏi và trả lời đều thưa gửi theo đúng địa vị người thượng lưu. Ai đến thăm nhà đều xem là khách quý. Khách đến, đôi khi chỉ xem rồi đi ngay nhưng gia chủ vẫn tận tình dẫn đi thăm quan và lại còn thay nhau làm “hướng dẫn viên du lịch”.

Bên bàn trà là ấm nước vối quen thuộc pha thêm nước chanh có vị là lạ, ông Giao dẫn chuyện nếp sống xưa bằng một vấn đề “thời sự”: “Bây giờ người ta kêu cứ khó kiếm Ôsin…” Ông kể tiếp: “Gia đình chúng tôi thì khác, chúng tôi đối xử với người giúp việc như người nhà. Các cụ nhà tôi làm ăn thật thà, lọc vàng đúng tiêu chuẩn và lấy tiền công phân minh. Chữ tín trong làm ăn có từ nếp nhà mà ra. Những người giúp việc gọi ông bà chủ là “cậu”, là “mợ” như cách anh em chúng tôi vẫn gọi cha mẹ. Ngày xưa, vàng lá sau khi lọc bày la liệt trên sập không bao giờ mất. Người giúp việc gái nhà tôi phải lòng anh bếp được cậu mợ tôi cho làm lễ cưới đàng hoàng. Người giúp việc trai tản cư theo gia đình trong kháng chiến xin phép nhà chủ gia nhập Việt Minh. Có người ôm bom ba càng hy sinh anh dũng. Người khác sau chiến tranh còn sống, làm lãnh đạo Đoàn thanh niên thỉnh thoảng vẫn tới thăm hỏi thăm sức khỏe “mợ”. Chúng tôi luôn sống theo lời dặn tổ tiên như câu đối trong nhà: “Cư gia hữu hằng quy trịnh công tương nhẫn/ Xử thế vô biệt pháp liễu thứ lâu khiêm” có nghĩa là “Ở nhà có quy định không đổi coi trọng tính công bằng và tính nhẫn/ Ứng xử không gì bằng như sự mềm mại của cành liễu”.

Hẳn là bất cứ ai nghe xong những lời kể của ông Giao đã có thể hiểu phần nào về cái gọi là sự thanh lịch của người Hà Nội mà lâu nay sách báo hay nhắc đến. Những người bi quan cho rằng: Nét đẹp đối nhân xử thế của người Hà Nội đã lui vào dĩ vãng, đôi khi nhắc lại như là một sự hoài niệm. Thực ra, dù thời thế thay đổi, phẩm tính đó chỉ thu hẹp lại, tồn tại bền bỉ trong những gia đình lâu đời ở Hà Nội. Những gia đình đó chính là “những bảo tàng lối sống” - đó là điều mà gia chủ ngôi nhà vườn ở Hàng Bạc vẫn nhắc lại trong những lời cuối trước khi tiễn khách ra về.

Hàm Đan

KHÔNG HỌC, SINH VIÊN LÀM GÌ?

Cho đến tận bây giờ ở một Khoa văn học người ta vẫn truyền nhau một “kì tích” gần 10 năm trước, đó là một nam sinh viên chỉ mất hai năm đã đọc xong toàn bộ sách trong thư viện của Khoa. Giờ, đi tìm một sinh viên chăm lên thư viện là điều khó khăn. Thậm chí, ngày nay, có không ít sinh viên còn chểnh mảng việc lên giảng đường. Câu hỏi là: Nếu không học thì sinh viên sẽ làm những gì?

101 lí do bỏ bê học hành

Trước khi “điều tra thực tế” sau khi bỏ bê học hành sinh viên làm gì thì có lẽ cũng cần rẽ đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao sinh viên lại chểnh mảng học hành đến vậy. Lí do thì vô vàn và được khổ chủ bảo vệ đến cùng.

Thanh - sinh viên học về quản lí văn hóa than thở: “Anh hỏi rõ hay! Học làm gì? Ngành em học, ra trường xin việc ở đâu? Chỗ nào cũng đầy người cả rồi. Nếu có xin được với đồng lương 1 triệu đồng thì sống ở nông thôn cũng chẳng đủ. Cho nên, các môn em chỉ học “phất phơ” để trả bài thôi. Đi xin việc cũng chẳng ai ngó đến cái bằng “cờ kèn đèn trống” của em làm gì. Ra trường đi bán quần áo thôi anh ạ”. Hỏi dò thêm: “Vậy thì còn học đại học làm gì? Sao không học nghề?” Trả lời rất “hồn nhiên”: “Ôi dào, có cái bằng đại học để có tiếng là trí thức anh ạ. Không có bằng đại học thì nhà em bị đánh đồng với nhà bán rau à”.

Xuân – sinh viên ngành ngữ văn buồn rầu tâm sự: “Hồi cấp ba em đã là giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhưng lên đại học em không theo kịp vì những kiến thức rồi cách học ở đại học khác quá. Các thầy cứ nói chuyện triết, lí thuyết đâu đâu bên Tây, bên Tàu ai mà biết được. Với lại các thầy cô chẳng chịu đọc cho bạn em chép nữa. Em đâm ra nản, chẳng muốn học”.

Bảo Anh – sinh viên ngành báo: “Em quê Hà Tĩnh. Tới năm 18 tuổi nhập học đại học. Cuộc sống ở thành phố có nhiều thứ hoạt động khiến em không thể tập trung học tập như trước nữa”.

Một vài sinh viên gặp chuyện đỗ vỡ về tình yêu, về gia tình như bố mẹ chia tay… đều cảm thấy mệt mỏi, sức học xuống rõ.

Vân và vân…

Những lí do kể trên vẫn còn có thể xem là “bình thường”. Nhưng còn một số lí do mà nhiều bậc phụ huynh nếu đọc được sẽ không tin con mình – những sinh viên đang ngồi trên giảng đường chính là người trong cuộc.

11 giờ trưa là bình minh…

Trở lại với sinh viên tên Thanh nghe anh chàng kể về một lịch sinh hoạt một ngày bình thường: “Trường em một giờ chiều mới vào học nên 11 giờ em mới dậy. Thông thường em vào trường điểm danh sau đó “chuồn”. Em đi ngồi café ngồi “chém gió” với mấy thằng bạn. Đợi 5 giờ chiều đón con “bồ” tan trường rồi hai đứa đi ăn, đi chơi tận 11 giờ đêm thì về. Nếu là cuối tuần thể nào em cũng thức xem bóng đá còn không thì “chat chít”. Chẳng bao giờ em đi ngủ trước 2 giờ sáng cả”. Hỏi Thanh: “Thế lịch sinh hoạt thế bố mẹ không kêu ca gì à”. Vẫn giọng tỉnh bơ, Thanh trả lời: “Lớn rồi, ai quản được nữa”.

Dưới cái nhìn “khoan dung” thì Thanh vẫn thuộc diện “ngoan” bởi những việc làm ngoài giờ của anh chàng vẫn “vô hại”. Trường hợp xem 11 giờ trưa là bình minh như Thanh không phải là cá biệt. Huy – sinh viên trường Y suốt ngày la ca với các trò chơi điện tử khiến kết quả học tập của cậu chỉ thuộc dạng trung bình cho dù ngày cấp 3, cậu học thuộc diện đứng đầu tỉnh.

Huy cũng thuộc “câu lạc bộ” “đệ tử Lưu Linh” của trường Y. Một tuần 7 ngày thì cậu và đám bạn làm 5 cuộc nhậu. Đồ mồi trong cuộc nhậu sinh viên thì không có gì cao sang tốn tiền cả, chỉ có điều sau cuộc nhậu ấy không nói ai cũng biết đám sinh viên chỉ còn nước lên giường “kéo gỗ” chứ khi ấy mắt đã hoa làm sao còn học được. Và sau những những cuộc “nghiên cứu giấc mơ” ấy thì bài giảng không lưu lại chút gì để ghi nhớ.

Xét về độ chơi đêm, các kiều nữ sinh viên mới đứng đầu. V.H là một sinh viên mĩ thuật quê ở miền núi phía Bắc. Nhà cô thuộc diện nghèo, khi học đại học cô thường xuyên “over night” (qua đêm) với một “cậu ấm” sinh viên. Sau đó, cô cặp với một doanh nhân và bỏ học giữa năm thứ hai để kinh doanh.

Trường hợp V.H còn may mắn, nhiều kiều nữ sinh viên chấp nhận làm vợ bé của các đại gia. Như L vốn là sinh viên báo chí được một “đại gia” kinh doanh gỗ “bao” khi còn là sinh viên khi ra trường. Hiển nhiên, đổi lại cô có tiền, mọi vật chất mà bất cứ nào phụ nữ cũng mơ ước. Nhưng cô cũng để lại tai tiếng dù có kiếm được việc trong ngành báo.

Trường hợp M còn bi đát hơn. Chưa đến tuổi trăng răm, M đã khăn gói lên thủ đô học múa. Sau bao nhiêu năm rèn luyện, cô được đánh giá là nghệ sĩ múa trẻ triển vọng nhất so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng cuộc đời cô rẽ sang hướng khác khi cô quen với T – một thiếu gia nhà phố cổ. Không hiểu, T đã “dụ dỗ” hay tự M sa ngã, mà một năm sau quen T thì M đã trở thành con nghiện như người yêu.

Hết thuốc chữa!

Câu chuyện của M điển hình cho hoàn cảnh bất hạnh những sinh viên từ nông thôn ra thành thị sa ngã do nhẹ dạ cả tin. Những cô gái sinh ra ở đô thị như trường hợp sau thì “hết thuốc chữa”. H. sẵn sàng… “lên giường” với bất cứ ai mà trả tiền shopping chừng vài triệu cho cô. Cô thường xuyên quan hệ kiểu “quần hôn” với nhiều bạn trai. Một vài thói quen thời thượng khác, H đều thuộc dạng “dân chơi”: rượu, thuốc lá, thậm chí “chơi đá” ( tức là chất methamphetamin – một loại ma túy tổng hợp). Với chuyện học hành, cô xem không quan trọng.

Năm trước, dư luận từng ngạc nhiên về vụ việc sinh viên sư phạm Kim Anh giết người tình. Nhưng với tình trạng xem thường việc học hành, sa đà vào những cuộc chơi thời thượng thì rõ ràng những hiện tượng tương tự xảy ra trong tương lai sẽ không còn là hiếm.

Hàm Đan

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

LƯỢT VỀ VÒNG 1/8 CHAMPIONS LEAGUE: KHẲNG ĐỊNH ĐẲNG CẤP

Thắng làm vua, thua… mất việc

Tâm điểm lượt về vòng 1/8 Champions League hiển nhiên vẫn là cuộc đại chiến giữa các đội bóng Anh và Ý.

Lợi thế đang thuộc về các đội chủ nhà khi mà tại “Nhà hát của những giấc mơ”, David Beckham sẽ trở về “mái nhà xưa” nhưng để giúp AC Milan đánh bại Manchester United (M.U). Cơ hội tuy không có nhiều cho AC Milan nhưng nên nhớ AC Milan đã đừng đả bại M.U tới ba bàn không gỡ ở lượt về vòng bán kết mùa bóng 2006 – 2007 khi mà họ cũng từng thua 3 – 2 ở lượt đi. Lịch sử có thể lặp lại. M.U hiểu điều đó và hiển nhiên họ sẽ không chủ quan với đội bóng đang hơn mình tới 4 chức vô địch. Điều quan trọng với M.U là họ phải giữ được phong độ ấn tượng ở thời gian gần đây trong trận tiếp đón AC Milan. Hiện tại, M.U không gặp bất lợi nào về nhân sự trừ “siêu dự bị” Michael Owen. Vậy, không có lí do gì để M.U lại bỏ lỡ cơ hội lọt vào vòng tứ kết.

Trận đấu Anh – Ý còn lại là trận thư hùng trên sân Giuseppe Meazza khi Inter Milan đón tiếp gã nhà giàu Chelsea. Trận đấu này tương đối khó đoán khi mà Chelsea vốn rất giỏi ở việc lật ngược thế cờ ở lượt về còn Inter Milan chưa bao giờ như bây giờ họ có cơ hội thoát khỏi cái “dớp” bị loại khỏi Champions League bởi các đội bóng Anh. Trận đấu giữa Inter Milan và Chelsea còn có ý nghĩa sống còn với số phận của hai huấn luyện viên (HLV). Với J. Mourinho nếu thất bại đồng nghĩa với việc mất việc sau khi mùa giải kết thúc cho dù ông có lần thứ hai vô địch Serie A. Tấm gương “anh chột làm vua xứ mù” bị phế truất của người tiềm nhiệm R. Mancini khiến “người đặc biệt” hiểu rõ áp lực đang lớn hơn bao giờ hết. Trường hợp của C. Ancelotti thì “dễ thở” hơn đôi chút. Nếu không dành được chiếc cúp bạc Champions League thì cũng không sao bởi ông còn một mục tiêu cần phấn đấu là chức vô địch Ngoại hạng Anh. Khả năng C. Ancelotti bị sa thải là khi ông trắng tay ở giải đấu quốc nội.

Với các HLV mục tiêu khi dự Champions League là tiến sâu chừng nào hay chừng ấy, không ông chủ nào “dại dột” đề ra mục tiêu vô địch qua đó gián tiếp làm chùn chân các “ông sao” của mình. Chỉ có ông chủ dầu mỏ Massimo Moratti và hàng triệu cổ động viên xanh đen của thành Milan là thèm muốn đến phát điên chức cô địch Champions League sau đúng 45 năm chờ đợi. Với J. Mourinho ông đang ở hoàn cảnh thật “đặc biệt”: thắng làm vua, thua… mất việc.

Nhà giàu sẽ… khóc?

Lượt đi chứng kiến hai đại gia Tây Ban Nha thi đấu thiếu thuyết phục. Trong khi, Real Madrid thua mất mặt trên sân của “sư tử” Lyon thì F.C Barcelona không thể thắng Stuttgart.

Trận lượt về này, cả hai gã khổng lồ đều được thi đấu trên sân nhà. Với F.C Barcelona đây không phải lần đầu tiên họ bị rơi vào thế trên cơ nhưng lại phải cố sức chiến thắng. “Thiên nga trắng” dĩ nhiên là khó chơi nhưng đẳng cấp của họ vẫn khó mà bì kịp các vũ công xứ Catalan. Cho nên, nếu thi đấu đúng với đẳng cấp của mình, chiến thắng không phải là điều mà Barcelona không thể làm được. Với Real Madrid ca “vượt cạn” còn khó khăn hơn khi họ buộc phải thắng nếu không muốn tiếp tục ca bài ca… thất trận ngay ở vòng loại trực tiếp. Thêm vào đó, năm nay trận chung kết Champions League tổ chức trên nhà của họ. Một cơ hội không thể tốt hơn cho “Dải ngân hà 2” chứng tỏ đẳng cấp của mình để có thể nuôi thêm giấc mơ lần thứ 10 lên “ngôi vua” châu Âu ngay tại sân nhà.

Có thể nói, vấn đề của cả hai đội bóng nhà giàu này không phải là đôi chân mà là cái đầu. Các siêu sao của Real Madrid nhất là Káka đều không có phong độ tốt. F. C Barcelona cũng đang có dấu hiệu hụt hơi khi mà tại giải quốc nội họ đã bị đại kình địch Real Madrid vượt mặt. Rất có thể tâm lí không tốt có thể làm đôi chân của họ rối loạn. Và khi đó “sân khấu” Nou Camp sẽ thuộc về bầy thiên nga trắng.

Hàm Đan

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

"TAM MÃ" VẪN HƠN

(Thêm món Thể thao cho nó xôm :):))

Vào 2 giờ 45 phút rạng sáng ngày 7 và 8/ 3 (theo giờ Việt Nam), vòng 27 Serie A sẽ diễn ra hai trận đấu tâm điểm, trên SVĐ Olimpico, đội chủ nhà AS Roma sẽ đại chiến với đội bóng áo sọc đỏ đen đến từ thành Milan. Một ngày sau đó, trên thánh địa Giuseppe Meazza, Inter Milan sẽ tiếp Genoa. Hai cặp đấu này là sự lặp lại vòng 8. Ở lượt đi, ngày 17/ 10, đội khách Inter Milan đã đè bẹp Genoa 5 bàn không gỡ; hôm sau, AS Roma bị hạ trên sân San Siro với tỉ số 2 – 1.

Dĩ nhiên, cũng như lần trước, sự tái ngộ giữa AS Roma và AC Milan được dự đoán sẽ hấp dẫn hơn, song không thể bỏ qua trận đấu muộn ở Milan vì kết quả hai trận đấu này sẽ ảnh hưởng quyết định đến phần còn lại của cuộc đua đến danh hiệu scudetto mùa giải 2009 - 2010.

Trên bảng xếp hạng, đội bóng màu bã trầu có 51 điểm kém 3 điểm so với AC Milan và 7 điểm so với đội bóng dẫn đầu Inter Milan. Với khoảng cách điểm sít sao trong khi Serie A còn 11 vòng đấu mới hạ màn nó hứa hẹn giúp Serie đỡ mang tiếng là giải đấu “hạng hai” so với Ngoại hạng Anh và La Liga. Hệ quả từ hai trận đấu này sau hồi còi kết thúc hai trận đấu trên vang lên có thể hình thành từ ba kịch bản.

Kịch bản thứ nhất, AC Milan đả bại AS Roma thì danh hiệu scudetto chỉ còn là cuộc chiến nội bộ của thành Milan và AS Roma sẽ phải chấp nhận “an phận” ở một suất được tham dự vòng sơ loại Champions League mùa sau.

Kịch bản thứ hai, với lợi thế sân nhà, AS Roma sẽ chiến thắng và trở thành kẻ ngáng đường AC Milan trong cuộc đua bám đuổi người hàng xóm Inter Milan; qua đó, nuôi một giấc mơ vô địch – điều mà 9 năm nay họ chỉ biết hoài niệm kể từ lần vô địch gần đây nhất. Với kẻ mạnh Inter Milan, họ hiển nhiên thích kịch bản thứ hai hơn khi mà AS Roma sẽ trực tiếp làm nản lòng AC Milan – đội duy nhất từ suốt mùa giải tới giờ kiên trì “bám đuôi”. Cắt được cái “đuôi” AC Mialn, trong khi tiếp tục “bắt nạt” Genoa thì kỉ lục 5 lần liên tiếp đoạt scudetto của Inter Milan đã chắc chắn tới 90 %. Nếu không, thầy trò ông Mourinho cũng cầu cho hai đội cầm chân nhau để Inter bứt tốp.

10 % còn lại cho cú ăn năm của Inter Milan là nội dung của kịch bản thứ ba, Inter Milan thua trên sân nhà. Với kết quả đó, Serie A sẽ hình thành cuộc đua “tam mã”; khi đó, hai đội AC Milan và AS Roma sẽ tiếp tục nuôi hi vọng làm cuộc lật đổ Inter Milan ở những vòng đấu cuối bởi Inter Milan có thể chững lại do sa sút phong độ, chấn thương, thi đấu quá trải và nhất có thể bị ảnh hưởng về tâm lí.

Với những cổ động viên trung lập, họ sẽ ưa thích kịch bản thứ ba hơn. Một cuộc đua “tam mã” sẽ khiến Serie A năm nay trở nên hấp dẫn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hiển nhiên, kịch bản thứ ba sẽ khó xảy ra khi mà Inter Milan đã bất bại 35 trận liên tiếp trên sân nhà và với thực lực của Genoa không ai nghĩ họ có thể tạo ra bất ngờ.

Những phân tích trước trận đấu dù cặn kẽ đến mấy cũng chỉ là dự đoán, cuộc đua “tam mã” trên lý thuyết rất khó hình thành nhưng người hâm mộ có quyền hi vọng. Nếu thực có cuộc đua “tam mã” thì Serie A năm nay sẽ trở nên hấp dẫn y như Ngoại hạng Anh khi mà có tới ba đội là Manchester United, Arsenal và Chelsea đang cạnh tranh khốc liệt cho danh hiệu vô địch. Hoặc chí ít, cũng phải có đội bóng vượt lên dành “ngôi vương” của Inter Milan.

Hàm Đan

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

OSCAR 2010: SẼ KHÔNG CÓ BẤT NGỜ!

Tối ngày 7/ 3 này, lễ trao giải Oscar 2010 mới chính thức diễn ra. Nhưng từ bây giờ, ngay cả người không sành sỏi điện ảnh cũng có thể dễ dàng nhận ra ứng cử viên nào sẽ chiến thắng ở các hạng mục đề cử. Có thể nói, Oscar 2010 là lần trao giải dễ dự đoán nhất kể từ chiến thắng được dự đoán trước của bộ phim Sự im lặng của bầy cừu (1991) ở cả năm hạng mục quan trọng nhất.

Thế thân và phần còn lại

Mọi sự chú ý năm nay hiển nhiên đổ dồn vào bộ phim “bom tấn” Thế thân (Avatar) của đạo diễn James Cameron. Với 9 đề cử và gần như chắc chắn sẽ chiến thắng trong tất cả các hạng mục như Hóa trang, Dựng phim, Hòa âm, Kỹ xảo… nhưng James Cameron vẫn không hài lòng vì Thế thân không lọt vào vòng chung khảo cuối cùng ở ba trên năm hạng mục chính gồm: Diễn viên nam và nữ chính xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Điều này khá giống với việc trong một giải bóng đá khi một đội bóng giành hết các giải cá nhân xuất sắc nhưng chỉ về nhì.

Nhìn sâu hơn, rõ ràng các bộ phim khác tỏ ra xuất sắc hơn Thế thân ở ba hạng mục nói trên. Thế thân cũng giống như các phim dựa nhiều vào kĩ xảo điện ảnh chủ yếu nhằm “phô” công nghệ làm phim. Vì thế các yếu tố khác như kịch bản không phải là điểm mạnh, thông thường kịch bản những bộ phim này phải thực sự dễ hiểu; diễn xuất của diễn viên cũng không thể “xuất thần” bởi sự quy định kịch bản đã khá chặt, chứ không phải các nhà phê bình phim lẫn hội đồng bình chọn giải Oscar không hiểu rõ công nghệ làm phim hình ảnh tạo từ máy tính như lời nói “dỗi” của đạo diễn James Cameron.

Song, ông sẽ được an ủi phần nào hai hạng mục danh giá nhất cho Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất đã được ông “chạm được một tay” vào tượng vàng Oscar. Cho dù, nguy cơ “đảo chính” ở cả hai hạng mục từ phim Nơi chứa di vật liệt sĩ (The Hurt Locker) của bà vợ cũ Kathryn Bigelow là đáng lưu tâm, nhất là khi tại lễ trao giải BAFTA (giải của Viện Hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh và Truyền hình Anh quốc), Hiện thân đã thua “lấm lưng trắng bụng”. Tài năng của nữ đạo diễn này khiến nhiều người nói đùa: cuộc hôn nhân của họ tan vỡ có lẽ do bà giỏi hơn ông!

Ở các hạng mục khác, có nhà phê bình còn nói toạc ra ông chủ của tượng vàng sẽ là ai; như Phim nước ngoài hay nhất và Quay phim xuất sắc nhất sẽ thuộc về phim Dải băng trắng hay ca khúc Chán chường trong phim Trái tim cuồng dại chỉ còn đợi ngày trao giải là ẵm giải Ca khúc trong phim hay nhất… Rõ ràng, Oscar 2010 là một mùa làm ăn thất bát của các công ty cá cược!

Đề cao tính nhân văn và “thời sự” tiêu điểm

Các bộ phim muốn giành giải Oscar phải làm nổi lên tính nhân văn bởi đó là “gu” phim của người Mỹ. Người Mỹ ưa thích kết thúc phim khi mà các đức tính tốt đẹp nói chung của con người được đề cao.

Vì thế, các phim đề cử năm nay đều đã khiến nhiều người “rơi lệ”. Như phim hoạt hình Vút bay (Up) kể về một ông già vô tình gặp một cậu bé cùng du lịch đến thác Thiên đường – nơi mà ông hứa sẽ đến với vợ đã khuất. Một cốt truyện nhẹ nhàng, sâu lắng tình người chắc chắn giúp Vút bay dành giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất.

Bộ phim được giới phê bình đánh giá cao về tính nhân văn là Nơi chứa di vật liệt sĩ (The Hurt Locker). Câu chuyện ba người lính Mỹ chuyên đi gỡ mìn tại chiến trường Iraq. Bộ phim cho ta thấy nỗi buồn chiến tranh khi mà sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc và mối quan hệ oái ăm của con người (đồng đội, lính Mỹ và người Iraq) khác nhau về tính cách, chủng tộc… khiến bộ phim nhận được sự đồng cảm lớn. Ngoài tính nhân văn, Nơi chứa di vật liệt sĩ còn đề cập thẳng tới cuộc chiến Iraq – vốn là câu chuyện thời sự ở nước Mỹ hiện nay nên nó trực tiếp tạo dư luận buộc hội đồng trao giải phải “đau đầu” cân nhắc với Thế thân.

Các nhà làm phim luôn khôn ngoan lựa chọn những đề tài gắn với thời sự nước Mỹ và thế giới nhằm tạo lợi thế cho cuộc đua giành tượng vàng. Ngoài tính nhân văn, người Mỹ cũng rất chuộng những bộ phim có tính “thời sự” cao vì tính thực dụng luôn xem nghệ thuật gắn với đời sống đương đại. Như năm ngoái, tài tử Sean Penn dành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim Milk – một bộ phim về đề tài đồng tính, khi mà những người đồng tính đang đòi quyền được kết hôn. Tương tự, năm nay, giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất khó vượt khỏi tầm tay của Jeff Bridges trong phim Trái tim cuồng dại. Câu chuyện về một nhạc sĩ đồng quê thất bại trong sự nghiệp, ly hôn bốn lần nhưng ông không tuyệt vọng mà vẫn tiếp tục sống và hát. Giữ vững niềm tin để vượt qua khó khăn là điều các nhà làm phim muốn nhấn mạnh trong khung cảnh cả thế giới vẫn đang tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đó là thông điệp mà Oscar 2010 muốn gửi ra thế giới thông qua điện ảnh.

Hàm Đan

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

SA MẠC - CHUYẾN DU HÀNH HUYỀN THOẠI

Năm 1997, dưới sự tài trợ của Đại sức quán Pháp, tiểu thuyết Sa mạc của nhà văn Jean–Marie Gustave Le Clézio lần đầu tiên ra mắt độc giả Việt Nam qua bản chuyển ngữ của dịch giả Huỳnh Phan Anh. Sau đó vào năm 2001, tập truyện ngắn Người chưa bao giờ thấy biển ra mắt là một sự cập nhật tác phẩm của “nhà văn Pháp nổi tiếng nhất còn sống” (theo thăm dò của tờ Đọc (Lire) vào năm 1994). Dĩ nhiên, các cuốn sách không được độc giả Việt Nam chú ý vì nó không được PR rầm rộ và vào thời điểm đó văn chương Pháp chỉ tồn tại lay lắt trong giới chuyên môn, chưa trở lại rầm rộ như vài năm trở lại đây. Việc tái bản Sa mạc vào đầu năm 2010 được chờ mong vì độc giả muốn được trực tiếp tìm hiểu nhà văn đoạt giải Nobel 2008 thông qua cuốn tiểu thuyết từng đoạt Giải thưởng lớn Paul Morand của Viện Hàn lâm Pháp năm 1980.

Sa mạc có một kết cấu đơn giản gồm có hai tuyến chuyện song song với nhau. Tuyến thứ nhất nói về cậu bé Nour nhìn thấy sự tan rã mà bộ tộc sống trên sa mạc khi đối diện với sự xâm lăng của người phương Tây từ năm 1910 đến năm 1912. Dù cho, người tù trưởng dân của du mục là Ma el Ainine có phép lạ chữa lành cho thương binh nhưng cũng không thể thay đổi tình thế diệt vong của bộ tộc.

Tuyến thứ hai, lấy đối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945), kể về Lalla – một thiếu nữ có gốc gác với vị tù trưởng huyền thoại cư dân sa mạc là người Đàn Ông Xanh. Khi cô trưởng thành cô lưu vong đến Pháp. Và ở Paris hoa lệ, cô trở thành người mẫu ảnh – một giấc mơ của những người trẻ tuổi ở chốn văn minh. Vậy mà, cô từ bỏ tất cả để trở về với sa mạc đầy những câu chuyện huyền thoại với chàng mục đồng Hartari – hình ảnh người chiến binh sa mạc niềm tin tâm linh mãnh liệt. Hai tuyến tuy không hề có mối liên quan nào về tình tiết nhưng được đan cài khéo léo để nhấn mạnh các hình ảnh (sa mạc, dân du mục, biển…) và các chủ đề (tha hương, sự lãng quên, niềm hi vọng…) tạo ra sự ám ảnh với người đọc.

Biệt tài của J.M.G Le Clézio là xóa nhòa các ranh giới giữa hiện thực và huyền ảo; dẫn dắt người đọc vào sa mạc hoang vu như đi vào trong một giấc mơ. Sau khi dẫn độc giả vào thế giới tưởng tượng, ông liền tẩy đi các yếu tố hiện thực khiến độc giả không thể liên tưởng đến một thế giới đời thường; để rồi, khi kết thúc dòng cuối về đoàn người du mục: “Họ đi… thì cũng là lúc người đọc chợt tỉnh dậy thoát ra những ám ảnh về số phận của con người gắn với một nền văn minh bị lãng quên.

Yếu tố nghệ thuật khiến nhiều nhà phê bình ngợi ca Sa mạc nằm ở tiết tấu chậm, ngôn ngữ giàu chất thơ trong một kết cấu giản dị. Có thể xem Sa mạc như là bước ngoặt trong bước đường tiểu thuyết của J.M.G Le Clézio. Từ một hệ thống ngôn ngữ tân kì và cấu trúc phức tạp như trong tiểu thuyết đầu tay Biên bản để đi đến “cổ điển mới” từ Sa mạc, Người châu Phi, Đói triền miên… Song, về cơ bản Sa mạc vẫn nằm trong quỹ đạo của việc khám phá cuộc sống thông qua chuyến viễn du thường trực trong các tiểu thuyết của J.M.G Le Clézio. Vì vậy, ông được báo chí gọi là “nhà văn của những chuyến đi”.

Sự di chuyển của ông trong đời thực lẫn trong tiểu thuyết không phải là vô mục đích. Trong những chuyến đi, ông luôn tìm kiếm dấu vết cổ xưa đã bị thời gian và con người hiện đại chôn lấp. Sa mạc và những cuốn tiểu thuyết du hành khác của J.M.G Le Clézio bày tỏ thông điệp rõ ràng và rất đơn giản: một nền văn hóa dù có trình độ văn minh thấp kém nhưng xét về giá trị đều bình đẳng với các nền văn hóa khác; do vậy, nó có quyền tồn tại. Trong đời thực, nhiều lần J.M.G Le Clézio đã lên án những hành động của chế độ thực dân đối với các dân tộc cổ sơ như người Tây Ban Nha đã hủy diệt nền văn minh Maya. Cho nên, có lần một nhà nghiên cứu văn học đã gọi J.M.G Le Clézio “người lữ hàng nhân ái”.

Hàm Đan