Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

ĐẸP VÀ BUỒN

1. Hồi mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội, có hôm đi chơi với một nhà báo kỳ cựu, qua Hàng Bông, ông chỉ: “Cái nhà có chữ “Cự-Chân” là nhà ông em rể của bác. Xưa giàu lắm! Cháu chú ý, hễ nhà nào có chữ “Cự” đứng đầu thì gốc đều ở làng Cự Đà cả”. Bẵng mấy năm sau, mới có dịp về cái làng giàu có nhất nhì xứ Bắc Kỳ (hồi Pháp thuộc), gặp lại cụm từ “Cự-Chân” ốp ở cổng nhà, thêm dòng chữ Hán theo lối chữ triện chứng tỏ gia chủ là người quyền thế.

Đọc tư liệu trước khi đi thực tế vẫn không sao hình dung nổi một làng chu vi chưa đến một ki-lô-mét vuông, ngoài nghề nông và nghề phụ là làm tương nếp thì sao lại giàu có đến độ từ năm 1929 đã có điện khi mà đa số dân ta thời đó nếu có nghe được rằng đèn sáng mà không cần dầu thì cho là chuyện nói khoác. Đến nơi, mới vỡ ra được nguyên do sự giàu có của Cự Đà. Làng nép theo dọc con sông Nhuệ, trải dài hình xương cá với những ngõ xóm đâm ngang. Cổng ngõ nào cũng chạy ra đến bờ sông với những thềm gạch vươn tận mép nước. “Nhất cận thị, nhị cận giang!”. Làng Cự Đà trở thành một bến sông trung chuyển hàng hóa đi khắp nơi. Có tiền nên những người giàu trong làng đi khắp chốn buôn bán. Nhiều người sau khi giàu có, về quê dựng “nhà Tây” để thành “nhà nghỉ cuối tuần” và để tiện cho những hôm giỗ chạp, hội hè.

Sau bao thăng trầm thời thế, nay Cự Đà mang một dáng vẻ nghèo khó quen thuộc của một làng quê thuần nông. Vẻ lam lũ của những ngôi nhà bao quanh vùi đi vẻ lộng lẫy vang bóng thủa nào của những ngôi biệt thự còn sót lại. Khách lạ qua đây có lẽ phải buông tâm trí theo dòng tưởng tượng để hiện lên một vài hình ảnh quá vãng: Những sớm mai, ánh nắng ngày mới soi bóng những biệt thự đổ bóng xuống dòng trong xanh… Khi đêm xuống, một vùng ven sông sáng bừng, trong nhà vang lên mấy bài hát tiếng Pháp thời danh , ghi trên đĩa than qua giọng ca Edith Piaf rền như chuông khánh… Suốt đêm, cột đèn đầu làng được thắp sáng như hải đăng báo hiệu cho những người dưới bến đang xuôi thuyền vào neo đậu bến quê...

Từ khi sông Nhuệ thành “sông chết” thì Cự Đà cũng lụi tàn dần. Bến sông thuyền bè tấp nập ngày nào giờ trơ lại những đèn đá tạc hình con cóc. Trên lưng vẫn còn có một cái lỗ để đèn dầu nhằm giúp thuyền bè lên bến. Vĩnh viễn nó không thể cõng trên lưng ánh sáng được nữa. Tất cả chỉ còn là di chỉ của ký ức.

2. Trừ khu "ba sáu phố phường", khó ở nơi nào có mật độ nhà cổ lại nhiều như Cự Đà; lạ lùng hơn, nơi này còn có đủ ba phong cách Việt, Trung Hoa và Pháp trên từng hoa văn trang trí. Số nhà thuần Việt còn lại không nhiều. May làm sao vẫn có một ngôi nhà cổ giữ nguyên vẹn là nhà ông Trịnh Thế Sủng. Ngôi nhà được cụ nội ông Sủng dựng từ năm 1874. Nhà có năm gian nên hay được gọi là nhà đại khoa. Tất cả nét kiến trúc vẫn mang đậm phong cách thời Nguyễn với kết cấu dùng thượng rường hạ kẻ, nét chạm khắc tinh vi trên xà, cột, vách gỗ chỉ bạc màu theo thời gian chứ hình dáng vẫn như hơn trăm năm trước.



Cũng với kết cấu mái truyền thống Việt nhưng nhà ông Đinh Như Lai lại là một ngôi nhà cổ đậm ảnh hưởng kiến trúc Trung Hoa. Bức cốn chạm nhiều hình tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) và các tích kiểu Bàn đào bát tiên, Bát tiên quá hải... Bộ cửa chính có phong cách Tàu đậm nét, lấy tích từ Tam quốc, Tây du ký, phía trên là những hình chữ Hán thể Triện được những nhà giàu người Tàu xưa ưa chuộng dành để trang trí.



Song, điểm riêng để Cự Đà được người ta biết đến là những ngôi nhà ảnh hưởng kiến trúc Pháp như nhà ông Đinh Văn Tường. Ngôi nhà này còn giữ được nhiều trang trí đúc bằng gốm tráng men của Pháp trên mặt tiền. Nhà xây kiểu dinh thự đối xứng năm phân vị dọc. Móng nhà xây bằng đá, lối vào nhà xây tam cấp càng cua, đẹp không kém những biệt thự Hà Nội cùng thời. Bên trong các biệt thự là sàn gỗ, cửa kính màu, hoa văn vẽ dập hoặc đắp nổi…
Các ngôi nhà khác ở Cự Đà không có phong cách nào trội lên mà các yếu tố từng phong cách xen lẫn với nhau hài hòa khiến người ngày nay phải lấy làm ngạc nhiên như cây cột Ionic của kiến trúc Hy-La đỡ cho một mái ngói! Nếu phải kể các chi tiết độc đáo của sự kết hợp ba trường phái kiến trúc trong từng nhà e rằng cần có cả một cuốn sách!

3. Cự Đà không có cảnh đẹp như ở Huế, Hội An mà chỉ có những hiện vật. Song chỉ cần gần 100 ngôi nhà cổ còn sót lại thì Cự Đà xứng đáng được tôn vinh là một di sản, nhất là trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sắp đến gần. Ông Đinh Như Lai cho biết: Năm sau Cự Đà mới được công nhận là làng cổ để được bảo vệ và có kinh phí tu bổ. Hy vọng những lời ông Lai là đúng. Muộn ngày nào thì những di tích ở đây sẽ xuống cấp dần và nhất là bị phá dỡ để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Khi mà đời sống người dân cần nhiều không gian để sinh sống thì việc thay những ngôi nhà cổ để xây “nhà lầu” là điều khó tránh khỏi. Chỉ có điều đằng sau sự thay đổi đó là một thái độ thờ ơ với di sản. Một người phụ nữ kể: Năm ngoái gia đình chị dỡ một phần ngôi nhà để xây mới thì những bức cuốn chạm hình chim phượng hoàng cắp cuốn thư gần 100 tuổi được… chẻ ra và nhóm lửa. Đằng sau lời kể ấy là nét mặt “hồn nhiên” như không. Khó trách những người nông dân không biết quan tâm di sản. Đời sống mưu sinh khó làm họ nhận thức họ đang sống trên một “mỏ vàng”. Nó càng khiến cho sự hoài niệm quá khứ vàng son của thời những người thượng lưu.

Hậu duệ cự phú ngày xưa giờ chỉ ao ước xây “nhà Hà Nội” để ở cho sướng. Họ đâu biết nhà lầu ở Hà Nội bây giờ chủ yếu là nhà ống với đủ các hình thù kỳ quái, xấu đến nỗi đã trở thành đề tài quen thuộc cho báo chí phê phán. Ở thời nào cũng có hiện trạng: Người ở phố xây nhà quê còn ở quê xây nhà phố. Nhưng những người giàu ở Cự Đà năm xưa đã biết học tập tinh hoa kiến trúc thế giới in dấu lên ngôi nhà của mình, để trăm năm nhìn lại đã là di sản kiến trúc quý báu. Cự Đà hôm nay đứng trước nguy cơ biến mất vào lịch sử, nếu không nhanh tay cứu vớt.

Hàm Đan