Thứ Hai, 7 tháng 12, 2009

Truyện ngắn Việt: “Giậm chân tại chỗ”!



Dù đã có nhiều thành tựu, nhưng truyện ngắn vẫn là “mảnh đất” đầy triển vọng để nhà văn Việt Nam vừa nói lên tiếng nói về thời đại và nhân sinh, vừa là nơi thể nghiệm những cách tân nghệ thuật độc đáo.

Các tác phẩm văn chương gây được chú ý, các giải thưởng văn chương quốc gia và quốc tế mà nhà văn Việt Nam nhận được từ trước đến nay hầu hết đều dính dáng đến truyện ngắn. Nối tiếp thành công của các bậc tiền bối, các nhà văn trẻ vẫn đang đua nhau sáng tác truyện ngắn một cách mệt mài. Nhưng nhìn lại, thành tựu truyện ngắn từ năm 2000 trở lại đây lại tỉ lệ nghịch với số lượng.

“Đầu tàu” văn chương

Các nhà phê bình ngày nay thường than vãn rằng: họ không còn đủ sức theo dõi các truyện ngắn in trên báo để phát hiện kịp thời một truyện ngắn hay, một tác giả có phong cách riêng; lí do là truyện ngắn được các cây bút Việt Nam sản xuất một cách vô độ, ngang tầm các nền văn chương hàng đầu thế giới. Tìm một tờ báo không đăng truyện ngắn (như tờ Người đô thị!) là việc rất khó. Đó là về số lượng, còn về chất lượng thì chẳng ai phản đối nếu nói rằng thành tựu lớn nhất của văn chương Việt Nam chính là truyện ngắn trong khi các nước khác là tiểu thuyết. Vì vậy, truyện ngắn là một ví dụ hoàn hảo cho chủ nghĩa “mình thì khác” của văn chương Việt Nam.

Có được điều này là do truyện ngắn đã hình thành một truyền thống và đáng tự hào hơn là sớm có thành tựu với Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ (?-?), Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông (…………)…; đặc biệt là kiểu truyện ngắn mini trong tập Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446). Điều thứ hai, sâu xa hơn, có nhà nghiên cứu đã táo bạo nói rằng truyện ngắn là sở trường người Việt Nam là do “tạng” người Việt hợp với dung lượng thể loại này, chỉ làm tốt những gì “nhỏ mà đẹp”. Một lí do khách quan là truyện ngắn vốn được xem là “bài tập” cho bất cứ ai nuôi mộng trở thành nhà văn.

Ở những giai đoạn sau, đặc biệt là khi tiếp xúc với văn chương phương Tây, truyện ngắn Việt phát triển một cách vượt bậc ngang tầm thế giới với tên tuổi của Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân… Sau năm 1975, truyện ngắn lại đi đầu trong việc đổi mới văn chương sau một thời gian bị “hãm” do chiến tranh. Công đầu thuộc về các cây bút như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Trần Trung Chính, Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bản, Y Ban, Trung Trung Đỉnh…

Rõ ràng, nếu cần dự báo “an toàn” nhất ở thời toàn cầu hóa, thì truyện ngắn có thể xem là “đầu tàu” kéo văn chương Việt tiến lên.

Truyện ngắn đương đại: “Soạn văn”!

Nguyễn Huy Thiệp từng nói các nhà văn như Tô Hoài, Nguyễn Khải và thế hệ nhà văn chống Mỹ đang “soạn văn” nghĩa là những tác phẩm mới của nhà văn này chỉ viết dựa trên kinh nghiệm trong mấy chục năm cầm bút mà không có một tác phẩm nào mang tính cách tân cho văn chương. Nhận xét này cũng đúng nếu dành cho truyện ngắn.

Điều đáng buồn hơn là các nhà văn sung sức bây giờ ở thế hệ 7X và 8X, kì lạ thay lại mắc bệnh “soạn văn”. Số lượng người viết truyện ngắn vô cùng đông đảo nhưng các truyện ngắn này lại ná ná nhau cho dù chất liệu hoàn toàn khác nhau. Các nhà văn tập trung khai thác chất liệu mà cuộc sống hiện đại cung cấp như: tình dục, đồng tính, tính vô cảm, lối sống nhanh, bày tỏ cái tôi… Nhưng nghệ thuật viết truyện ngắn thể hiện ở các cấp độ như: lối viết, ngôn ngữ, cấu trúc, hình tượng chưa được chú ý. Ngay đến cả những tác phẩm làm “nổi sóng” dư luận 5 năm trở lại đây như: Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu…, nếu xem xét nghiêm túc sẽ nhận ra nghệ thuật kể truyện trong các truyện ngắn vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Một nhà văn nhận xét: các nhà văn trẻ đang “díu” vào nhau. Một nhân xét đầy hình tượng và rất trúng. Hầu hết các nhà văn trẻ rơi vào “cái bẫy” do chất liệu bày ra. Họ quá tham lam khi khai thác những chất liệu mới. Điều này khiến các truyện ngắn rất gần với báo chí khi chủ yếu là kể lể nhằm phản ánh hiện thực khách quan để giống như ngoài đời. Đã thế, họ trở thành cái “loa” tuyên ngôn một cách trực tiếp cho chất liệu với những lời bình, lời kêu gọi, lời nhận xét ngay trong tác phẩm. Chẳng hạn, về vấn đề tình dục, họ lên tiếng tự do tình dục một cách trực tiếp tưởng rằng sự phản kháng ấy là mới mẻ, là khiến cho truyện ngắn ấy hay. Đó là chưa kể những “cái bẫy” của thời đại thông tin giăng ra khi mà sự nổi tiếng, tính đại chúng có thể khiến bất cứ ai “ngã lòng” khi cố công khai thác những đề tài “nóng” gây “sốc”.

Một nhà phê bình lên tiếng bênh vực: toàn là lỗi “khi người ta trẻ”, hãy ghi nhận những nỗ lực sáng tạo của họ. Hiển nhiên, trong số những người viết truyện ngắn hiện nay có rất nhiều người nỗ lực cách tân truyện ngắn như: Hoàng Long, Nhật Chiêu, Đặng Thân, Phan Việt, Nguyễn Nguyên Phước… Nhưng đại đa số đang “ăn sẵn” tài năng trời cho rất chóng hết và chất liệu cuộc sống. Lấy ví dụ về chất liệu đồng tính, nhiều người vẫn coi đồng tính là không bình thường nhưng không đến nỗi ghê tởm, tránh như tránh AIDS khoảng chục năm trước. Trong tương lai, đồng tính sẽ được xem là bình thường; vậy khi đó các cây bút truyện ngắn chuyên tìm cách kể lể, khai thác nó như cái bất bình thường như hiện nay sẽ không có “đất sống”.

Quên đi cốt truyện

Ngày nay, đa phần các nhà văn đi theo con đường kĩ thuật viết truyện ngắn phương Tây. Với dung lượng hơn 1250 từ một chút, truyện ngắn có dung lượng nhỏ nên điều quan trọng với các nhà văn là đầu tư vào cấu trúc. Truyện không kể theo cấu trúc tuyến tính, mà theo cấu trúc phân mảnh là chính với nhiều mảng trần thuật, giọng điệu, điểm nhìn khác lẫn vào nhau. Đó là chưa kể những cấu trúc xoắn ốc, mê cung, vòng tròn… của các “đại gia” truyện ngắn như Jorge Luis Borges, Julio Cortázar, Annie Saumont… chưa được các nhà văn Việt Nam thể nghiệm. Một số khác viết theo lối viết mà ở đó hình tượng nổi lên, đặc biệt mang tính chất tượng trưng được chú ý. Ở Việt Nam, nhà văn Nhật Chiêu với tập truyện Người ăn gió và quả chuông bay đi có những truyện mang biểu tượng Phật giáo đáng chú ý. Một số khác sử dụng cách viết dụ ngôn mang hơi hướng các truyện ngắn của Italo Calvino như Tô Hải Vân với Bỗng dưng có một ngày. Dù các ngả đường cách tân khác nhau song các nhà văn hiện đại ở ta lẫn Tây đều không mấy quan tâm đến cốt truyện nữa, đó là một khái niệm “lỗi thời” (Alain Robbe-Grillet). Chạy theo cốt truyện chỉ dẫn đến cách kể tự nhiên hoặc hiện thực nhàm chán như hiện nay.

Các tiểu thuyết gia Việt Nam rất khó khăn trong sáng tạo khi không có cái nền để giúp công việc họ đi nhanh hơn. Truyện ngắn với cái nền vững chắc lại đang trở về với những ấu trĩ ban đầu mà quên đi nhiệm vụ đưa truyện ngắn phát triển bằng những khám phá nghệ thuật. Có nền mà không biết bật lên phải chăng là quá lãng phí?

Hàm Đan