Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

THỜI ĐÀM (V): NỘI TÂM "ĐẶT HÀNG"

Ở nước ta, các ban ngành thường xuyên tổ chức những đợt vận động văn nghệ sĩ sáng tác theo đề tài thuộc lĩnh vực mà ban ngành mình quản lý. Đó là một nhu cầu chính đáng, còn gì vui bằng như khi có một bài hát vừa được nhiều người thuộc vừa là “ngành ca”. Nhưng thực tế đáng buồn là đa số tác phẩm gửi đến các cuộc vận động đều có chất lượng thấp. Đây là đánh giá chung của những nhà chuyên môn thẩm định tác phẩm; đồng thời thực tiễn cũng đã kiểm chứng rất ít các tác phẩm có sức lan tỏa tới công chúng.

“Giải mã” hiện tượng trên phải bắt đầu từ một nguyên nhân khách quan là do tác phẩm nghệ thuật không phải lúc nào cũng “đều hàng” giống một sản phẩm sản xuất công nghiệp như… da giày. Điều này đúng với cả những nghệ sĩ lớn trên thế giới chứ chẳng cứ riêng với nghệ sĩ ở nước ta. Thế nên, nếu đợt vận động sáng tác trước có tác phẩm hay thì lại tổ chức ngay một vận động khác để có tác phẩm hay hơn chỉ là cách nghĩ của những người duy ý chí hoặc cho rằng mỗi cuộc vận động sáng tác thể nào cũng phát hiện được vài ba tác phẩm hay là điều không tưởng.

Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn chính là bản thân các đề tài của các cuộc vận động chưa đủ kích thích nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm giá trị. Bản chất của các cuộc vận động, nếu nói thẳng là các ban ngành đưa một đề tài và “đặt hàng” nghệ sĩ sáng tác, rồi chấm giải để trao thưởng. Nhưng những người tổ chức các cuộc vận động hình như đã không chú ý đến một quy luật trong sáng tạo nghệ thuật đó là hầu hết các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đều xuất phát từ những đề tài gây ám ảnh đối với người nghệ sĩ. Phải yêu phố cổ Hà Nội đến mức ám ảnh thì danh họa Bùi Xuân Phái mới có thể vẽ được sê-ri tranh phố cổ Hà Nội để đời mà ai cũng biết với thương hiệu: “phố Phái”. Song, lúc sinh thời, chẳng ban ngành nào đặt hàng danh họa Bùi Xuân Phái vẽ về phố cổ Hà Nội để làm nhiệm vụ kiểu như quảng bá du lịch Thủ đô; ông vẽ chỉ vì nội tâm của ông thôi thúc phải sáng tác về phố cổ-không gian ông cư trú, và cũng vì vẻ đẹp phố cổ giàu chất tạo hình mở ra những cảm hứng sáng tạo. Ngoài đề tài, danh họa còn trăn trở để tìm kiếm cách biểu đạt phố cổ độc đáo, không “giẫm chân” bất cứ đồng nghiệp nào khác.

Nói vậy, phải chăng các cuộc vận động sáng tác là không cần thiết? Việc vận động sáng tác cần phải duy trì song có lẽ nên điều chỉnh một số điểm tránh lãng phí thời gian và tiền bạc; chẳng hạn, việc đưa các nghệ sĩ đi thực tế chỉ độ một tuần lễ như ở một số cuộc vận động đã làm là điều vô ích vì với khoảng thời gian ngắn như vậy thì tìm hiểu được gì? Nhập tâm được gì? Nếu nghệ sĩ đã định sáng tác về đề tài nào đó thì anh ta đã suy tư dài lâu đến độ “mất ăn mất ngủ” từ trước chứ không cần đến việc đi thực tế mới có thể sáng tác hay. Diễn giải như vậy để nói lên rằng chỉ một khi nội tâm người nghệ sĩ “đặt hàng” cho chính anh ta, và anh ta dồn hết tâm huyết sáng tạo với ham muốn hoàn thành “đơn đặt hàng” thì may ra mới có tác phẩm lớn.

Vậy, hễ cứ bị (hay được) yêu cầu giải “đề bài” xa lạ thì nghệ sĩ chỉ có nước… “bỏ thi”? Không hẳn như vậy! Với những nghệ sĩ có tài, cộng với chiêm nghiệm đề tài lâu dài thì đến một lúc nào đó một đề tài lạ bỗng thành quen và từ đó có thể có tác phẩm hay. Thực tế văn học thời kỳ 1945-1975 có vô số ví dụ để minh chứng như: Thơ Tố Hữu, thơ Chế Lan Viên, thơ Phạm Tiến Duật hay tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc… Yêu cầu mới của thời đại lúc bấy giờ cần có tác phẩm văn chương phản ánh khí thế của cả dân tộc quyết tâm thống nhất đất nước. Thật may mắn, yêu cầu của thời đại lại trùng khớp với nội tâm đang thôi thúc những nghệ sĩ thời đó phải có tác phẩm góp phần cổ vũ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Song, cần nhắc lại, đề tài tâm đắc chỉ là sự khởi đầu cho sự hình thành nội dung tác phẩm, phần quan trọng không kém chính là các hình thức tương thích để biểu đạt nội dung. Chỉ khi nội dung và hình thức là một chỉnh thể không thể tách rời thì mới đích thực là tác phẩm lớn. Các tác phẩm văn học thời kỳ 1945-1975 nêu trên cũng có thể lấy ví dụ cho việc chọn được hình thức thích hợp với nội dung.

Thế nhưng, đó là thời đại đó khi đất nước “có chung khuôn mặt, có chung tâm hồn” (ý thơ Chế Lan Viên). Ngày nay, mỗi tầng lớp, lứa tuổi lại có những ám ảnh riêng khiến bản thân người nghệ sĩ có nhiều đề tài để sáng tác cho nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Nhưng dù viết về đề tài gì đi nữa, cũng phải xuất phát từ nội tâm “đặt hàng”.

HÀM ĐAN