Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

NGANG TẦM THẾ GIỚI

Một lần trò chuyện về đời văn của mình, nhà văn X kể: “Hồi tôi khoảng hơn 20 tuổi, tôi có gửi một truyện ngắn trinh thám cho một tạp chí chuyên về văn học. Sau khi gửi mấy hôm, Tổng biên tập tạp chí mời tôi lên tòa soạn nói chuyện. Ngồi chưa ấm chỗ, “ông Tổng” đã nắm chặt tay tôi, mắt nhìn trìu mến, lời nói nghẹn ngào đứt quãng: “Truyện… ngắn… của… em… ngang tầm… thế giới”. Được khen như vậy, trong lòng cứ sướng âm ỉ mãi. Bẵng một thời gian, không thấy ai nhắc đến, tôi mới nhận ra truyện ngắn chỉ gây chú ý về đề tài, còn kỹ thuật viết thì quá xoàng. Tôi không phải dạng người dễ bỏ cuộc, nên tôi đổi mới lối viết và từ đó mới có thành tựu sáng tác. Bây giờ, nhớ lại lời khen “ngang tầm thế giới” mấy chục năm trước thấy buồn cười; hồi ấy, chắc “ông Tổng” nói đùa trêu tôi”.

Câu chuyện của nhà văn X quả là câu chuyện vui. Nhưng thử đặt vấn đề nghiêm túc nhân giai thoại nói trên, đó là: Văn học Việt Nam hiện đại nằm vị trí nào trên “bản đồ’ văn học thế giới? Đã đích thực “ngang tầm thế giới”chưa?

Tháng 1-2010, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức. Hội nghị này đã làm lộ ra thực tế, văn học Việt Nam hiện đại không được người đọc năm châu biết đến. Vấn đề không chỉ là ở khâu quảng bá kém, nguyên nhân chính là tính nghệ thuật của tác phẩm văn học Việt Nam chưa đủ sức lan xa để “găm” vào trí nhớ người đọc nước ngoài. Văn học Việt Nam hiện đại chưa thể (chứ không phải là không thể) ngang tầm thế giới-thực tế trên đã được những chuyên gia văn chương trong và ngoài nước chứng minh bằng những công trình nghiên cứu thuyết phục. Bởi lẽ, văn học Việt Nam hiện đại Việt không sinh ra trường phái hay trào lưu văn chương mang tính “độc sáng” để có thể là gây tác động tới văn học nước khác như chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của các nước Mỹ Latinh từng làm được. Kể cả những sáng tạo đỉnh cao là Thơ Mới, văn xuôi hiện thực phê phán trước năm 1945 chỉ là những “quả ngọt” cuối mùa được thừa hưởng từ văn học châu Âu. Những nhận định trên không phải là sự tự ti hay tâm lí vọng ngoại mà chỉ là cái nhìn khách quan, trung thực như tinh thần của triết gia Socrates: “Hãy tự biết mình”.

Khổ nỗi, đến tận bây giờ, có nhà văn vẫn chưa tự biết ta, biết người. Chuyện là, nhân một tập thơ của nhà thơ Y được trao giải, dư luận trong nước phản đối kết quả của hội đồng chung khảo vì tính nghệ thuật của tập thơ không xứng đoạt giải. Như để bảo vệ, nhà văn Z-người trong hội đồng phát biểu hùng hồn với ở một cuộc họp nghiêm chỉnh: “Muốn hiểu được tập thơ này phải đạt tầm cỡ thế giới”. Nếu cứ suy luận từ câu nói của nhà văn Z thì được kết luận: Văn học Việt Nam hiện đại đã có một tác phẩm ngang tầm thế giới!

Cứ giả, nhà văn Z nọ đang nói vui như trường hợp “ông Tổng” năm nào khen truyện ngắn của nhà văn X thì chẳng ai để tâm. Đằng này, ông lại hết lời xác nhận một tập thơ chưa ngang tầm với các tập thơ trong nước vọt lên đạt chuẩn thế giới thì rõ ràng ông Z thuộc tuýp người “tự mình yêu mình” bất thường mà theo cách nói ngoài vỉa hè, quán xá là “tự sướng”.

HÀM ĐAN