Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2012: LỰA CHỌN AN TOÀN

Như tin đã đưa, Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố các tác phẩm văn học đoạt giải năm 2012. Ngay sau đó, hai nhà văn là Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam đã từ chối bằng khen ở hạng mục văn xuôi. Gạt bỏ đi những điều tiếng vốn chẳng lạ của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, vậy chất lượng các tác phẩm được vinh danh năm nay có thực sự xứng đáng?

1. Nếu cần một nhận xét chung, có thể thấy rằng các tác phẩm đoạt giải thưởng năm nay là hoàn toàn xứng đáng, đều là những tác phẩm đáng chú ý nhất trong năm qua.

Ở hạng mục văn xuôi, tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” (NXB Trẻ) đánh dấu sự trở lại của nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ; và sự trở lại này thật sự ấn tượng. Đây là tập truyện ngắn mẫu mực cho nghệ thuật xây dựng truyện ngắn. Bên cạnh những truyện ngắn theo hình thức cổ điển là phép cộng của một chuỗi tình tiết na ná tiểu thuyết, thể hiện tham vọng của nhà văn muốn thâu tóm càng nhiều chất liệu hiện thực, càng muốn đưa ra nhiều tầng nghĩa trong một dung lượng hạn chế; Nguyễn Thị Thu Huệ còn viết những ngắn hiện đại không hề có biến cố nhưng sức gợi và độ mở là đáng kể. Kiểu truyện ngắn này không nhiều nhà văn ở Việt nam có thể viết thuần thục vì đòi sự tập trung, dồn nén, soi chiếu của các tình tiết trong truyện ngắn.

Cũng ấn tượng với sự mới mẻ là tiểu thuyết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” (NXB Trẻ) của nhà văn Y Ban. Ai cũng biết, tiểu thuyết muốn “sống” được cần phải dựa trên một hình thức tương thích với chất liệu mà tiểu thuyết sử dụng. Về cơ bản, hình thức thư từ được Y Ban chọn là phù hợp nhưng giọng điệu và các tình tiết vẫn chưa thực sự mới hơn so với các tập truyện ngắn “I am đàn bà” (NXB Công an nhân dân, 2006). Nhưng suy cho cùng, “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” là bước tiến mới của riêng Y Ban trong quá trình thể nghiệm tiểu thuyết.

Giải thương năm nay, thơ “bội thu” khi có tới ba tác phẩm được trao giải và hai tập thơ được bằng khen. Về cơ bản, các tập thơ này đều viết theo thi pháp cổ điển, không có những các tân về hình thức như các tập thơ đình đám vài năm trước như: “Lô lô” (NXB Hội Nhà văn, 2005) của Ly Hoàng Ly hay “Chữ cái” (NXB Phụ nữ, 2007 ) của Từ Huy... Song, các tập thơ đều ẩn chứa chất suy tư, triết luận như: “Ở giữa sấm chớp và mưa giăng/ tôi nghe thì thầm/ tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở” (Bài thơ “Tiếng thì thầm” trong tập “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng), “Sự nhạt thường hay có thú vui hàng xén/ bán lẻ một cái nhìn/ mặc cả một ngày mai ảo ảnh” (Bài thơ “Tốc ký về sự nhạt” trong tập “Màu tự do của đất” của Trần Quang Quý)...

Đáng chú ý là trường ca “Trường ca chân đất” (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Thanh Thảo. Ông vẫn chứng tỏ tài năng của mình ở thể loại sở trường bắt đầu từ trường ca “Những người đi tới biển” (NXB Quân đội nhân dân, 1977). “Trường ca chân đất” không chỉ có cấu trúc chặt chẽ mà điểm ấn tượng của trường ca này là tính tư tưởng sâu sắc khi viết nhân dân nói chung-đó là những con người vô danh làm nên lịch sử và giữ gìn hình hài Tổ quốc vẹn nguyên. Bên cạnh những câu thơ cả giọng, vẫn xuất hiện những câu thơ trữ tình đáng nhớ: “Bùn ruộng là tôi/ thuở mẹ cho con bú/ bầu vú thoảng mùi gốc rạ”.

Nếu giải thưởng hàng năm có nhiệm vụ vinh danh các tác phẩm đáng chú ý trong một năm thì Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 đã hoàn thành sứ mệnh của mình, chí ít ở hạng mục văn xuôi và thơ.

2. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 còn đôi chút bất thường và gây băn khoan cho dư luận ở việc không trao bất cứ giải thưởng hay bằng khen nào cho hạng mục dịch thuật.

Chưa bao giờ như bây giờ, dịch thuật văn học lại bùng nổ khi các đầu sách dịch áp đảo trên thị trường, với sự góp mặt của các tác giả kinh điển cho đến các nhà văn ít tên tuổi. Lẽ ra, cái khó của giải thưởng là băn khoăn lựa chọn một vài giữa vô vàn dịch phẩm để trao giải chứ không phải bỏ trống! Có thể đơn cử hai ứng cử viên nặng ký cho hạng mục dịch thuật để trao giải là tiểu thuyết “Hiệp sĩ không hiện hữu” (NXB Văn học và Nhã Nam) của nhà văn I-ta-li-a I-ta-lô Ca-vi-nô do Vũ Ngọc Thăng dịch và bộ tiểu thuyết “Nông dân” (NXB Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây) của nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel 1924 Va-đi-xlát Rây-môn do Nguyễn Văn Thái dịch. Hai tác phẩm được dịch đều là những kiệt tác của văn chương thế giới và đều được viết bằng những “ngoại ngữ hiếm” mà ở Việt Nam rất ít người có thể dịch được. Thêm vào đó, cả hai dịch giả đều nhiều năm sống ở bản xứ vì thế họ không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn am tường văn hóa nước sở tại nên dịch sẽ có lợi thế hơn các dịch giả khác.

Còn nhớ vào ngày 10-8-2012, Hội đồng văn học dịch thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch hiện nay” để bàn về những vấn đề “bếp núc” dịch thuật đang “nóng” ở thời điểm đó và định hướng những việc phải làm để dịch văn học phát triển. Thôi thì những việc vĩ mô cần kinh phí và thời gian để thực hiện, nhưng những việc nhỏ ở trong tầm tay của Hội như việc trao giải cho dịch thuật là cần thiết, tránh tình trạng “nói không đi đôi với làm”. Ai cũng biết không dịch giả nào sống bằng nghề mà dịch là một thú vui. Việc trao giải thưởng cho các tác phẩm dịch đích đáng không chỉ nâng cao vị thế của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, mà còn động viên công việc thầm lặng của các dịch giả.

Riêng về hạng mục lý luận-phê bình văn học việc trao giải cho tập tiểu luận phê bình “Đa cực và điểm đến” (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Văn Chinh, chứng tỏ việc hướng đến vinh danh một tác phẩm khá hiền lành. Đành rằng, cuốn sách không hề tồi nếu xét theo tiêu chí là cuốn sách phê bình văn học theo phương pháp phê bình ấn tượng của nghệ sĩ. Trong vai trò người trong nghề và quen biết nhiều nhà văn, Văn Chinh không chỉ giỏi ở việc nắm bắt các chi tiết trong đời sống và viết lách của các nhà văn mà ông còn có khả năng nhận xét tác phẩm sắc sảo, kể cả những tác phẩm viết theo khuynh hướng hậu hiện đại. Tuy nhiên, lối phê bình của Văn Chinh không phải quá hiếm người đã làm được như Trần Đăng Khoa trong “Chân dung và đối thoại” (NXB Thanh niên, 1998) và trong tương lai chắc chắn sẽ có nhà văn khác thực hiện cuốn sách tương tự như “Đa cực và điểm đến”. Lẽ ra trong bối cảnh phê bình văn học Việt Nam cần tránh lối phê bình cảm tính làm nhiễu loạn các giá trị văn học, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cần hướng đến việc vinh danh những tác phẩm lý luận phê bình vận dụng các phương pháp nghiên cứu để lý giải tác phẩm theo chiều sâu, một cách thuyết phục.

Trong nhiều tiêu chí của một giải thưởng văn học thường có việc trao giải cho những tác phẩm có dấu hiệu đổi mới. Nhiều năm qua, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về cơ bản đều đi theo hướng lựa chọn an toàn khi trao giải cho những tác phẩm có lối viết cũ khiến tầm ảnh hưởng của giải thưởng không lan rộng. Trao giải cho những tác phẩm cách tân là điều người đọc chờ đợi ở sự mới mẻ của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam những lần sau.


BOX:

Kết quả Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012: Ở thể loại văn xuôi, giải thưởng duy nhất trao cho tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ; trao bằng khen cho tiểu thuyết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” của nhà văn Y Ban và tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất” của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam. Ba tác phẩm thơ đoạt giải thưởng là “Trường ca chân đất” của nhà thơ Thanh Thảo, “Màu tự do của đất” của nhà thơ Trần Quang Quý và “Giờ thứ 25” của nhà thơ Phạm Đương; 2 tập thơ được bằng khen là “Hoa hoàng đàn nở muộn” của nhà thơ Khuất Bình Nguyên và “Chất vấn thói quen” của nhà thơ Phan Hoàng. Ở lĩnh vực lý luận-phê bình văn học, giải thưởng thuộc về tác phẩm “Đa cực và điểm đến” của nhà văn Văn Chinh. Năm nay không trao giải thưởng cho tác phẩm dịch nào. Lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 và kết nạp hội viên năm 2012 sẽ tổ chức vào ngày 29-1 tại Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam (275 Âu Cơ, Hà Nội).

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

TẬN DỤNG MẶT TÍCH CỰC CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí”. Hội thảo không chỉ nhìn nhận hiện trạng và tầm quan trọng của truyền thông xã hội, mà còn phân tích sâu tác động hai chiều giữa truyền thông xã hội với tác nghiệp báo chí.

“Đặc khu thông tin”

Truyền thông xã hội (Social media) là cách thức truyền thông, trong đó thể hiện sự tương tác thông tin đa chiều trực tuyến giữa những đối tượng tham gia trên môi trường internet. Tới nay, truyền thông xã hội đang được thể hiện dưới hình thức của mạng xã hội giao lưu chia sẻ thông tin cá nhân (Facebook, Blogspot...) hay các trang web chia sẻ (Youtube, Flickr...).

     Chỉ tính riêng mạng xã hội Facebook, số người sử dụng đã trên 1 tỷ người, suy ra nếu Facebook là một quốc gia sẽ có số dân đứng thứ 2 thế giới. Ở Việt Nam, tính đến tháng 7-2012, có 263 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động, tăng 112 mạng so với cuối năm 2011. Điều này cho thấy rằng, xu hướng phát triển nhanh về số lượng của các mạng xã hội trong nước.

     Chính điều này đã khiến truyền thông xã hội cạnh tranh với các phương tiện truyền thông đại chúng về số lượng người xem và quảng cáo. Ông Lưu Đình Phúc (Trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông) còn chỉ ra thêm những tác động của truyền thông xã hội tới riêng báo chí Việt Nam hiện nay đó là: Làm tăng tính tương tác giữa báo chí và công chúng, tạo kênh phân phối mới trên mạng internet, tạo sự đa dạng về nguồn thông tin tham khảo cho báo chí, giúp nắm bắt thị hiếu bạn đọc để điều chỉnh nội dung bài viết, giám sát nội dung thông qua các bình luận, sức lan tỏa nhanh có tác dụng truyền thông lớn...

     Với vai trò ngày một nâng cao, nhiều người không ngần ngại gọi truyền thông xã hội như một “đặc khu thông tin”. Tất nhiên, truyền thông xã hội không chỉ có mỗi mặt tích cực mà còn có những mặt tiêu cực đó là: Truyền thông xã hội có nhiều thông tin sai lệch thiếu thực chứng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, đi đầu và kéo báo chí chính thống lao vào những vấn đề nhạy cảm hoặc xâm phạm cá nhân…

Vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lý thông tin truyền thông là không thể xóa bỏ hoàn toàn mà chỉ là hạn chế tối đa mặt xấu của truyền thông xã hội; đồng thời cần tận dụng truyền thông xã hội cho các mục đích tốt đẹp.

Hợp tác để cùng tồn tại

Mặc dù truyền thông xã hội đang lớn mạnh và cạnh tranh với báo chí nhưng các chuyên gia báo chí truyền thông tin rằng nếu biết hợp tác để cùng tồn tại thì cả truyền thông xã hội và báo chí sẽ cùng được hưởng lợi.

PGS, TS Đoàn Thế Hanh (Tạp chí Cộng sản) cho rằng: Lợi ích lớn nhất là càng ngày truyền thông xã hội sẽ là nguồn cung cấp thông tin, đề tài rộng rãi cho các nhà báo. Một địa điểm đẹp, một món ăn lạ, một biến cố đang xảy ra... ngay lập tức sẽ có những người sử dụng truyền thông xã hội chia sẻ cho bạn bè. Nhà báo nào biết được thông tin và nhanh nhạy lần theo thông tin sẽ đi trước các nhà báo khác, chiếm ưu thế trong cuộc đua tìm tin tức, đặc biệt là “tin độc”. Vô hình trung, những người sử dụng truyền thông xã hội sẽ là “cộng tác viên không lương” của các nhà báo. Truyền thông xã hội cũng có vai trò quan trọng khi quảng bá thông tin báo chí rộng rãi theo cấp số nhân, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu của của một cơ quan báo chí cụ thể. Và nhân đây báo chí cũng có thể thăm dò dư luận về một vấn đề nào đó thông qua truyền thông xã hội.

Bên cạnh những thông tin lạ và “nóng”, trên truyền thông xã hội cũng tràn ngập các tin tức hoàn toàn không rõ nguồn gốc. Chính vì vậy, báo chí phải tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin của truyền thông xã hội. Qua đó, báo chí góp phần định hướng thông tin trên mạng xã hội.

     Để mối quan hệ hai chiều giữa truyền thông xã hội với báo chí phát triển một cách tích cực, các nhà quản lý thông tin truyền thông đề xuất cần sửa đổi Nghị định 97/CP và đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; chính sách thuế đối với cơ quan báo chí. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng truyền thông xã hội và phóng viên các cơ quan báo chí về nâng cao trách nhiệm, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp. Tránh tình trạng người sử dụng truyền thông xã hội phát biểu và đưa thông tin thiếu tính xây dựng, bịa đặt với mục đích xấu; riêng với nhà báo là tình trạng lười biếng ỷ lại vào truyền thông xã hội, đưa tin sai sự thật do dựa theo nguồn tin từ truyền thông xã hội chưa được kiểm chứng.

Một trong những kế hoạch được chú trọng trong thời gian tới là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của một số hành vi vi phạm pháp luật trên truyền thông xã hội. Và đặc biệt là cần xây dựng kế hoạch đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền sai trái một cách cụ thể, có trọng tâm trọng điểm.

Trong một cuộc hội thảo đương nhiên không thể cùng một lúc đưa ra mọi giải pháp đúng đắn cho một vấn đề phức tạp và đang phát triển như vấn đề thông tin trên truyền thông xã hội tác động lên báo chí. Nhưng chí ít, hội thảo này đã gợi mở cho các cơ quan chức năng nhận ra tầm quan trọng của truyền thông xã hội và qua đó cần bám sát thực tiễn để đưa ra những chính sách vĩ mô nhằm tận dụng mặt tích cực của truyền thông xã hội.

LINH THIÊN

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

CÙNG BÀN LUẬN (XIX): GIÚP ĐỒNG BÀO CHỐNG RÉT

Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ tại các tỉnh phía Bắc giảm sâu. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiệt độ nhiều ngày dưới 10 độ C, còn tại vùng cao, nền nhiệt trung bình thấp hơn nhiều, một số nơi xuất hiện băng giá. Thời tiết khắc nghiệt càng khiến đời sống đồng bào vùng cao khó khăn, nhất là trong những nhu cầu cơ bản ăn và mặc.
     Những hình ảnh trẻ em vùng cao quần áo phong phanh, lem luốc, thiếu ăn vẫn xuất hiện trên những phương tiện truyền thông. Điều này chứng tỏ việc tổng hợp tình hình, chỉ đạo, triển khai cứu trợ người nghèo nhìn chung còn nhiều việc phải làm; công tác phòng chống rét ở nhiều nơi thiếu chủ động và không kịp thời, nhiều nơi chưa đề ra được phương án cụ thể. Những hạn chế này thuộc trách nhiệm của các ngành chức năng, thiếu kiểm tra đôn đốc, thiếu sự phối hợp và sự chỉ đạo của UBND các cấp. Trong khi chờ những động thái quyết liệt phòng, chống rét cho nhân dân của chính quyền, những chuyến hàng chủ yếu là quần áo, chăn màn... của các nhà hảo tâm từ miền xuôi góp phần tích cực trợ giúp những người miền ngược cần thường xuyên, khẩn trương hơn nữa. 
     Vẫn biết các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp còn phải chi cho biết bao nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh khác. Song, công việc phòng, chống rét cho đồng bào vùng cao không khác gì đối phó với các thảm họa thiên tai khẩn cấp, cho nên các địa phương cần chủ động bám nắm tình hình thực tế, sử dụng ngân sách dự phòng mua sắm các nhu yếu phẩm khẩn trương cung cấp cho hộ gia đình khó khăn, nhất là những hộ ở cao, sâu, xa trung tâm.
     Thời gian tới, dự báo sẽ còn nhiều đợt rét khác. Để bảo vệ sức khỏe người dân ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, chính quyền địa phương cần chủ động phòng, chống rét quyết liệt hơn nữa. Cùng với ngành y tế làm chủ lực trong công tác phòng, chống rét; ngành giáo dục cần triển khai nhiều biện pháp chống rét tới tất cả các trường học, thông báo tới cha mẹ học sinh để quản lý và bảo đảm sức khỏe cho các em trong thời gian nghỉ; tổ chức, hướng dẫn cho các em tự học ở nhà. Ðồng thời các trường cần quan tâm hơn việc ăn, mặc cho học sinh, trang bị một số cơ số thuốc để sơ cứu học sinh khi bị cảm lạnh, sốt cao; hướng dẫn học sinh cách phòng, chống các dịch bệnh trong những ngày giá rét cũng là bài học hữu ích. Ðối với các trường có học sinh bán trú, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, bảo đảm đủ chăn ấm, tăng khẩu phần ăn, đủ dinh dưỡng... Bên cạnh hỗ trợ các nhu yếu phẩm, chính quyền địa phương ở vùng cao cần đi sâu vào quần chúng, hướng dẫn bà con cách ăn, ở đúng cách để giữ thân nhiệt và không để xảy ra tai nạn thương tâm do sưởi ấm.

     Có thể nói phòng, chống rét cho bà con vùng cao cũng như bao công việc khó khăn và khẩn cấp khác cần sự chung tay của toàn xã hội, sự chia sẻ từ những nơi đã no ấm đến nơi áo chăn chưa ấm thân mình. Nhưng, trên hết là nâng cao vai trò “tổng chỉ huy” và điều hành thường xuyên của chính quyền địa phương.  

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

ĐỀ ÁN XÂY DỰNG BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM: CẦN SỚM HOÀN THIỆN HƠN



Như tin đã đưa, ngày 3-1 vừa qua, Tổng cục Chính trị đã tổ chức Hội thảo Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại địa điểm mới. Đề án đã nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng vẫn còn đó nhiều điểm cần cân nhắc, bổ sung để Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xứng tầm lịch sử giữ nước vĩ đại của dân tộc; đồng thời hướng đến mục tiêu là bảo tàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của của du khách trong và ngoài nước.

Yêu cầu hiện đại hóa cấp bách

Trong xu thế hiện đại hóa bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bộc lộ một số bất cập, chưa phản ánh đầy đủ và ngang tầm với lịch sử quân sự của dân tộc; phương tiện trang thiết bị trưng bày cũ kỹ, hệ thống trưng bày trong và ngoài trời lạc hậu theo phương pháp cách đây nửa thế kỷ. Thêm vào đó, kiến trúc tòa nhà cũng như khuôn viên bảo tàng chưa tương xứng với một bảo tàng quốc gia. Cho nên, yêu cầu xây mới và hiện đại hóa Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực sự cấp bách.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, Đề cương chính trị Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt vào ngày 11-4-2012. Trên cơ sở quyết định này, Tổng cục Chính trị xây dựng Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xây dựng mới sẽ giới thiệu xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển của lịch sử quân sự Việt Nam. Đó sẽ một công trình tổng hợp, đa năng, đặc biệt quan trọng, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và quốc gia như chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Hiện nay, một số bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng địa phương như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Đắc Lắc, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... đã và đang tiến hành xây dựng, cải tạo theo hướng hiện đại với sự hợp tác quốc tế, bước đầu tiếp cận và có những đổi mới trong phương pháp trưng bày, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong bảo quản, lưu trữ, thông tin nhằm phát huy chức năng giáo dục của bảo tàng. Đây là cơ sở quan trọng để Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phục vụ cho Dự án.

Nhiều điểm mới trong nội dung trưng bày và thiết kế

Phần III của Đề án là “Cấu trúc nội dung trưng bày” được xem là quan trọng nhất vì chỉ khi đưa ra một mô hình cấu trúc nội dung trưng bày mới có thể quyết định hình thức bảo tàng với những phương án thiết kế, quy hoạch, kiến trúc.

Trong dự thảo Đề án, có thể dễ dàng nhận ra nhiều điểm mới trong nội dung trưng bày. Ngoài việc trưng bày theo tiến trình lịch sử gồm 7 chủ đề còn có thêm trưng bày các chuyên ngành quân sự với 17 chuyên ngành và trưng bày 9 chuyên đề và sưu tập. Trong số 9 chuyên đề và sưu tập có những nội dung hứa hẹn hấp dẫn người xem như: “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”, “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến”.... Mới mẻ nhất là việc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ có không gian khám phá sáng tạo và tương tác. Nội dung hoạt động của không gian khám phá, sáng tạo tương tác sẽ hướng đến giới trẻ bao gồm: Trình diễn, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo... các nội dung gắn liền với các hoạt động quân sự trong lịch sử dân tộc; thông qua các trang thiết bị hiện đại.

Các chuyên gia còn đánh giá cao tầm nhìn của Ban nghiên cứu xây dựng Đề án đã có nhận thức mới là muốn Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ làm nhiệm vụ bảo tàng thuần túy mà còn là công trình mang tính thẩm mỹ kiến trúc và thân thiện với môi trường. Việc thiết kế quy hoạch, kiến trúc và kỹ thuật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hẳn sẽ là bài toán khó cho các công ty thiết kế trong và ngoài nước vì yêu cầu đặt ra rất cao như: Thiết kế đảm bảo an toàn cho hiện vật và cho hoạt động của bảo tàng, sử dụng công nghệ xanh, giảm tối đa năng lượng trong vận hành, kiến trúc công trình phải phù hợp với bố cục không gian khu vực đóng quân của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có diện tích 74,3 héc-ta và phù hợp với cảnh quan khu vực khi phía trước là Đại lộ Thăng Long...
   
Nhiều đóng góp quý báu

Tại cuộc Hội thảo, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đóng góp ý kiến cho Đề án bằng việc nhấn mạnh về việc thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải mang bản sắc dân tộc và hình ảnh truyền thống quân sự Việt Nam; tránh tình trạng lai căng bắt chước thiết kế các bảo tàng khác nhìn thì hiện đại nhưng thực sự không có gì mới mẻ. Đại tướng Phạm Văn Trà cũng cho rằng, cần đầu tư kinh phí mua hiện vật gốc như máy bay B-52 mới tăng giá trị trưng bày.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đưa ra ý kiến mang tính vĩ mô cho Đề án đó là: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải làm cho du khách tự giải đáp được câu hỏi vì sao một dân tộc đất không rộng người không, vũ khí thô sơ như dân tộc Việt Nam lại đánh bại được hai quân đội hùng mạnh nhất nhì thế giới là Pháp và Mỹ trong thế kỷ XX. Đồng thời, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần tăng cường công tác nghiên cứu, thu nhập các hiện vật và khai thác tư liệu từ các nhân chứng lịch sử.

GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia lại băn khoăn với cấu trúc nội dung trưng bày đó là: Không nên trưng bày các chuyên ngành quân sự theo đơn vị hành chính hoặc theo các quân, binh chủng vì cách làm này khá cũ, đi ngược lại xu thế trưng bày của các bảo tàng hiện đại. Ông cũng lo ngại việc trưng bày 9 chuyên nghề và sưu tập sẽ dễ bị trùng lặp với 17 chuyên đề theo tiến trình lịch sử. GS-TSKH Lưu Trần Tiêu gợi ý, việc thiết kế bảo tàng cần mời các đơn vị tư vấn và thiết kế nước ngoài vì kinh nghiệm và trình độ hơn hẳn các đơn vị trong nước. Ông cũng cho rằng, việc thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần hiện đại, mang tính mở chứ không nên để các không gian trưng bày quá khép kín. Các ý kiến của GS-TSKH Lưu Trần Tiêu nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, có ý kiến còn cho rằng: Nếu không biết chọn lọc, sắp xếp nội dung hợp lý và độc đáo thì một số nội dung trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ trùng với nội dung với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam...              

Một lo ngại mà các chuyên gia nhắc đến là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ mất đi lượng khách lớn (nhất là người nước ngoài) vốn tập trung thăm thú ở khu vực Phố cổ Hà Nội sau khi chuyển khỏi “địa chỉ vàng” 28A Điện Biên Phủ đến địa điểm mới tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Lúc này, ngoài việc nội dung trưng bày thú vị và thiết kế công trình thân thiện, công tác quảng bá cần cần chuyên nghiệp hơn nữa và cần học hỏi kinh nghiệm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi bảo tàng này vẫn đông khách dù nằm ở tận quận Cầu Giấy.

Kết luận tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã cảm ơn những đóng góp quý báu của các tướng lĩnh, các chuyên gia và nhà khoa học để Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hoàn thiện hơn. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tiếp tục tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa nội hoàn chỉnh trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

BOX:

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xây mới trên diện tích 39 héc-ta và sẽ sáp nhập các bảo tàng quân đội ở Hà Nội và Bảo tàng Hải quân. Tổng mức đầu tư của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là khoảng 6.004 tỷ đồng (tương đương 55 triệu đồng/1 mét vuông). Nhiệm vụ kế hoạch chính năm 2013 của Dự án là: Xây dựng Đề cương chi tiết nội dung và hình thức trưng bày, triển khai các thủ tục và tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc, lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Giai đoạn xây dựng công trình sẽ diễn ra từ năm 2014 đến năm 2017 và từ năm 2018 đến 2020 sẽ là giai đoạn tổ chức trưng bày và khánh thành bảo tàng.   

HÀM ĐAN