Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

THỜI ĐÀM (VII): CON DAO HAI LƯỠI

Đầu năm mới, người ta hay có thói quen ngoái lại nhìn những gì đã diễn ra trong năm cũ, với lĩnh vực văn chương, lại thêm một năm “mất mùa”; điều này chẳng còn ai lo lắng vì tác phẩm hay vượt lên phần còn lại không phải năm nào cũng xuất hiện. Không có tác phẩm nào đáng nói thì văn chương vẫn không thiếu chuyện để người ta bàn luận; mới đầu năm, đã xuất hiện một danh sách tổng kết các tác phẩm best-seller (tác phẩm ăn khách) nhất của năm ngoái. Nhưng có vẻ như bước vào năm mới, dư ba của những tác phẩm best-seller cũng nhạt dần, và dự báo sự lặp lại của việc mất hút “không một tiếng vang” như những sách best-seller các năm trước.

Còn nhớ, cách đây vài năm một nhà văn trẻ tuyên bố sẽ viết văn để bán càng nhiều sách càng tốt, qua đó có thể sống ung dung với nghiệp chữ. Lời tuyên bố trên đã làm nhiều người nhíu mày vì ở nước ta, vẫn tồn tại quan niệm văn chương thường dùng để “tải đạo” và “minh đạo” thì việc một sản phẩm cao quý được đánh đồng như là hàng hóa để kiếm lời thì xem ra người viết đã coi thường văn chương. Không biết có phải vì thế mà khi nói đến tác phẩm best-seller người ta chỉ bĩu môi kèm theo câu chép miệng hàm ý mỉa mai: “Tác phẩm best-seller ấy mà!”?

Trở thành best-seller nghĩa là phải chấp nhận biến văn chương là công cụ để giải trí; như thời đại hôm nay việc đọc rõ ràng là kém hấp dẫn hơn các sản phẩm giải trí nghe nhìn khác. Việc viết tác phẩm best-seller cũng đòi hỏi nhà văn những thủ pháp nghệ thuật tối thiểu, chẳng hạn đã là văn xuôi thì muốn hay không cũng cần có một giọng điệu kể chuyện phù hợp với cốt truyện để hấp dẫn người đọc. Cho nên, quan niệm coi thường những người viết văn best-seller là đám viết không có khả năng sáng tạo, và viết một tác phẩm best-seller là điều dễ dàng thực chất chỉ là những tín điều lỗi thời. Nhìn ra thế giới, có những nhà văn lớn cũng đồng thời là nhà văn best-seller như Sir Arthur Conan Doyle (1859-1930)-cha đẻ thám tử Sherlock Holmes, nhà văn Kim Dung (Hồng Kông, Trung Quốc)-bậc thầy tiểu thuyết kiếm hiệp... Họ trở thành những tác gia vì dù họ viết về những đề tài quen thuộc nhưng họ luôn cố gắng dụng công để làm mới tác phẩm của mình. Nhưng những ví dụ trên chỉ là số ít, trên thực tế, văn chương best-seller cơ bản là văn chương viết theo những công thức có sẵn vốn đã quen thuộc trong lòng người đọc như câu chuyện thường được kể theo tuyến tính và có những chi tiết để thắt hoặc mở nút tình huống truyện, nhân vật phải có lai lịch và tính cách rõ ràng... Nên, có người đã ví von rất trúng rằng: Văn chương best-seller không khác gì “con dao hai lưỡi” khi lợi ích kinh tế và danh tiếng sẽ đến nhanh cho nhà văn nhưng đồng thời sự lãng quên cũng chẳng đến chậm nếu như nhà văn thiếu đầu tư cho sáng tác tác phẩm.

Nhiều tác phẩm best-seller Việt Nam xuất hiện là điều đáng mừng bởi nó ít nhiều kích thích văn hóa đọc, giúp văn chương phát triển theo bề rộng rộng và tạo ra quy trình sản xuất và “ăn theo” tác phẩm mang tính chuyên nghiệp. Nhưng vấn đề là tỉ lệ những cuốn sách viết ra với mục đích duy nhất là trở thành sách best-seller ở nước ta lại đang áp đảo các hiệu sách. Chưa nói đến những hệ quả xấu mang tính trực tiếp cho người đọc, nhất là thế hệ trẻ do nội dung các best-seller “ba xu” gắn mác là tác phẩm văn chương kiểu như Sợi xích của ca sĩ Lê Kiều Như; tác động không tốt khác ít được chú ý về quan niệm văn chương của những người viết văn lẫn người đọc đó là toàn thể văn chương chính là các tác phẩm best-seller. Người ta coi thường những tác phẩm khó đọc và cần nhiều thời gian để ngẫm nghĩ trong khi chính những tác phẩm này thường chứa đựng nhiều yếu tố cách tân, giúp văn chương tiến triển.

Nếu có chút so sánh, ở nước ngoài những tác phẩm best-seller cũng chiếm ưu thế phát hành nhưng không quá lấn át văn chương truy tìm giá trị thẩm mỹ; mặt khác người đọc vẫn có cái nhìn tôn trọng đồng thời đón nhận nồng nhiệt những tác phẩm cách tân văn chương.

Đó là điều mà văn chương Việt Nam còn thiếu!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

PHIM ĐỘC LẬP: MẠCH NGẦM CỦA ĐIỆN ẢNH

Mỗi một mùa phim, bên cạnh việc theo dõi các bộ phim bom tấn (block-buster), người mê điện ảnh cũng không quên theo dõi sự xuất hiện của các bộ phim độc lập (independent film). Tuy chưa bao giờ nổi lên chiếm lĩnh thị trường điện ảnh, song phim độc lập vẫn có vị trí quan trọng qua những đóng góp vào sự phát triển của điện ảnh thế giới.

Sức sống bền bỉ
Phim độc lập thường được hiểu là những bộ phim có kinh phí thấp do một cá nhân hoặc một nhà sản xuất đứng ra thực hiện và tìm mọi cách thu hồi vốn sản xuất. Với một ngành nghệ thuật “in” ra tiền như điện ảnh, ngay từ khi còn sơ khai (đầu thế kỷ XX), đã có cuộc chiến giữa những hãng phim “đại gia” muốn vươn lên nắm thế độc quyền qua các hình thức như đẩy giá thành sản xuất phim cao, chiếm giữ các rạp chiếu… để chèn ép các hãng phim nhỏ.

Sau thế chiến thứ 2, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các công đoạn làm phim không còn đắt đỏ như trước, giúp bất cứ ai nuôi mộng làm phim đều có thể tự làm từ A đến Z một bộ phim hoàn chỉnh. Cũng ở thời điểm này, các hãng sản xuất lớn dù đã nắm thế thượng phong nhưng lại thường sản xuất những bộ phim đi theo một khuôn mẫu có sẵn nhằm thu hút khán giả chứ không quan tâm mấy đến đổi mới điện ảnh. Một khi đã bị lạm dụng quá mức, những bộ phim bom tấn sẽ gây nhàm chán và đó cũng là điều kiện khách quan cho sự ra đời của phim độc lập.

Bộ phim độc lập gây chấn động đầu tiên là phim Little Fugitive (Kẻ chạy trốn bé nhỏ, 1953) giành giải Sư tử bạc tại LHP Venice 1953 và hai đề cử Oscar 1954. Từ đây, người ta nhận ra rằng: không cần ngôi sao điện ảnh, không cần nhiều kinh phí, không cần hãng phim lớn đỡ đầu, ai cũng có thể tạo ra bộ phim vừa đốt cháy rạp, vừa giành nhiều giải thưởng uy tín. Từ đây, lợi thế của phim độc lập cũng dần được định hình đó là người sản xuất hoàn toàn triển khai những ý tưởng riêng mình mà không phải lo việc đáp ứng nhu cầu của số đông khán giả nên phim độc lập đã khám phá ra chiều sâu tâm lí con người dưới góc độ tinh tế của điện ảnh, chứ không đầu tư vào những đại cảnh làm “no” mắt người xem.

Không chịu thua kém, các hãng phim lớn cũng nỗ lực đổi mới dựa trên sức mạnh của kỹ thuật điện ảnh để vẫn tiếp tục duy trì vị thế thống trị. Song, các hãng phim lớn cũng nhận ra tầm quan trọng của các bộ phim độc lập trong việc thu hút một lượng khán giả nhất định; và bắt đầu từ đầu những năm 1970, hãng phim lớn này bắt đầu đầu tư cho các nhà sản xuất thỏa sức sáng tạo mà không quá gò ép về mặt doanh thu như việc Hãng Warner Brothers chấp nhận chỉ thu về 60% lợi nhuận từ phim kinh dị Bonnie và Clyde sau khi liên minh với nhà sản xuất Warren Beatty. Phương thức góp vốn làm phim độc lập ngày càng phổ biến, để giờ đây một bộ phim được các hãng phim đầu tư 50% kinh phí sản xuất vẫn được xếp vào là phim độc lập.

Ngày nay, vị thế phim độc lập đã được nâng cao qua con số 15% doanh thu tại rạp chiếu phim ở nước Mỹ; đặc biệt hơn, phim độc lập luôn được đánh giá cao ở các LHP với những chiến thắng lừng lẫy gần đây như: Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) giành được 8 tượng vàng Oscar 2009, The hurt locker (Nơi chứa di vật liệt sĩ) giành 6 giải Oscar 2010 đánh bại siêu phẩm Avatar…

Phim độc lập Việt: Đường đi đã thấy!

Mấy năm gần đây, phim độc lập không còn là điều xa lạ với những người trong nghề ở nước ta. Một phần nhờ các thiết bị làm phim đã “bình dân” hơn nên việc sản xuất một bộ phim đã không coi là mơ ước viển vông. Mặt khác, “sân chơi” dành cho những người làm phim độc lập cũng đã được mở ra với tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF, cuộc thi làm phim trong vòng 48 giờ, LHP Ong vàng…

Dĩ nhiên ai cũng hiểu, việc sản xuất một bộ phim độc lập ngắn thực tế chỉ có hai lợi ích đó là: khẳng định tài năng của người làm phim để qua đó được tín nhiệm giao những dự án lớn hơn; và tích lũy kinh nghiệm để làm việc tập thể bởi điện ảnh không phải là môn nghệ thuật của cá nhân.

Tương lai của phim độc lập Việt Nam ngày một sáng sủa không chỉ bởi số lượng tăng mà còn ghi dấu ấn với việc vươn ra thế giới với bộ phim mở đường Bi, đừng sợ! (2010) của đạo diễn Phan Đăng Di (sinh năm 1976). Sau thành công với kịch bản Chơi vơi (Đề cử kịch bản hay nhất của Giải thưởng điện ảnh châu Á 2009), Bi, đừng sợ! là phim dài đầu tay của Phan Đăng Di sau hai phim ngắn ấn tượng Khi tôi 20 và Sen. Kịch bản Bi, đừng sợ! đã kêu gọi được tài trợ thông qua Giải Dự án châu Á nổi bật LHP Pusan 2007, lựa chọn đến LHP Cannes 2008-hạng mục L’atelier, được tài trợ 10.000 USD từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, 50.000 euro từ World Cinema Fund của LHP Berlin 2008... Phim được sản xuất bởi Le Arte, Sud-est và BHD năm 2009, hoàn thiện hậu kỳ tại Pháp tháng 4-2010. Bi, đừng sợ! đã giành giải thưởng ở các LHP Cannes (Pháp), Thụy Điển, Hồng Kông… Thành công của đạo diễn Phan Đăng Di là thành công đến từ 17 năm kiên trì theo đuổi của cá nhân anh. Thế nên, để có một phim độc lập “tử tế” quả cũng lắm công phu, phim độc lập có những khó khăn riêng chứ không dễ dàng như là một “trò chơi” như nhiều người từng nghĩ.

Những thành công tiếp theo của phim độc lập Việt Nam chắc rằng sẽ còn được nối dài, nhiều khi rất… bất ngờ. Hoàn toàn một bạn trẻ Việt Nam sẽ giành được những giải thưởng danh giá kiểu như Jonas Geirnaert (Bỉ) ở tuổi 21 đã đoạt Giải phim ngắn xuất sắc nhất tại LHP Cannes với phim ngắn 11 phút Flatlife (Cuộc sống chung cư, 2004) vốn là phim định dành để… tốt nghiệp đại học.

Nhưng đó vẫn là mơ mộng ở tương lai, còn vào lúc này, chiếm lĩnh thị trường điện ảnh và là động lực đưa điện ảnh nước ta ngày một chuyên nghiệp vẫn là những phim giải trí đang “lên như diều” với doanh thu cao ngất ngưởng. Nhưng đừng quên đằng sau sự ồn ào của các bộ phim “hot” là “mạch ngầm” phim độc lập!

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

VUA LẠI LÀM VUA?

623 tuần, trong đó có 281 tuần liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng các tay golf nam; đó chính là thành tích vĩ đại của tay golf người Mỹ Tiger Woods đã lập được. Kì tích của Woods đã phá sâu kỉ lục của làng golf và hẳn nó sẽ còn nối dài thêm nếu như không có những bê bối riêng tư.

Chẳng ai ngờ ngày “vua” lại mất ngai sớm đến như vậy. Năm ngoái, T. Woods mới chỉ 35 tuổi-một độ tuổi vẫn còn trẻ ở môn golf và nếu cứ duy trì phong độ, T. Woods hẳn còn tại vị hơn chục năm nữa. Nhưng sự đời chẳng ngờ lại rẽ hướng, xoay vần trong chớp mắt! Đầu năm 2010, vụ scandal tình ái của T. Woods bị báo chí khui ra, dư luận mới ngã ngửa, ngôi sao T. Woods-được xem là mẫu người đàn ông của gia đình có tới... 12 cô bồ; chưa kể, những đêm ăn chơi theo kiểu “nhất dạ đế vương” cứ như trong tiểu thuyết viết về xã hội đen.

Thiệt hại về tài chính đến ngay lập tức, ngoài mất tiền để “bịt mồm” nhân tình, mỗi ngày T.Woods mất 600 ngàn bảng thu được nhờ sử dụng hình ảnh. Ly dị vợ, rồi vào trung tâm cai nghiện sex là hệ lụy sau khi scandal tình ái vỡ lở. Song, điều tệ hại với Woods là thành tích thi đấu của anh xuống dốc không phanh. Trong 12 giải lớn đấu nhỏ mà Tiger Woods tham gia sau vụ bê bối tình ái, vị trí tốt nhất mà anh có được chỉ là thứ 4. Thậm chí tại giải Bridgestone Ivitational diễn ra hồi tháng 8-2010, tay golf người Mỹ còn kết thúc với vị trí 78/79, một thành tích đáng xấu hổ với tay golf được đánh giá là xuất sắc nhất trong lịch sử. Cuối cùng, ngày 31-11-2010 trở thành ngày đáng quên của T. Woods khi anh chính thức mất ngôi số 1 thế giới. Ba tháng sau, Tiger Woods mất tiếp vị trí thứ hai vào tay Martin Kaymer (Đức)-người mới đăng quang tại giải Abu Dhabi HSBC Golf Championship tổ chức ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). T. Woods không thi đấu tại Abu Dhabi, vì thế Kaymer chỉ cần giành vị trí thứ 7 tại giải này sẽ chiếm ngôi số hai thế giới. Những gì mà tay golf 26 tuổi thể hiện ở UAE còn hơn thế. Ở ngày thi đấu cuối cùng, Kaymer đánh ít hơn 6 gậy so với tiêu chuẩn (đạt 66 gậy) và qua đó giành chức vô địch với tổng thành tích 24 gậy ít hơn tiêu chuẩn (264 gậy).

Người ta không ngạc nhiên lắm với việc T.Woods tụt xuống vị trí thứ 3, thậm chí có người bi quan còn cho rằng đó chưa phải “đáy” của lần xuống dốc phong độ bởi lẽ golf là môn thể thao mà muốn chơi tốt cần sự tập trung tinh thần một cách tối đa. Những chuyện không hay ở đời sống đã làm cho Woods bị phân tâm, phong độ không đi xuống mới là điều lạ. Điều mà không chỉ các fan của T. Woods mà cả những người yêu golf quan tâm là: Bao giờ T. Woods sẽ trở lại với phong độ của vị vua làng golf?

Vụ bê bối tình ái của T.Woods cùng thời điểm với những vụ “lâm nạn” của W. Rooney, A. Cole, J. Terry... Thế nhưng, các ngôi sao túc cầu dính vào bê bối tình ái lấy lại phong độ cực nhanh, thậm chí họ còn chơi hay hơn như chưa có gì xảy ra. Người ta tin chính khát khao tự khẳng định mình sau bê bối đã giúp cho các ngôi sao sân cỏ đá bóng hay hơn. Hiển nhiên, phải là một vận động viên thực sự chuyên nghiệp và có tinh thần thép, kể cả “mặt dày”... ngồi xổm trên dư luận mới trở lại đỉnh cao nhanh chóng như vậy. Tinh thần thép trong thi đấu khi còn là “vua” là một chuyện, trở lại làm “vua” sau khi đã “thất thế” lại là chuyện khác. Nếu vượt qua được thử thách lần này, T.Woods mới chứng tỏ anh vĩ đại hơn tất cả những tay golf khác một cách toàn diện!

HÀM ĐAN

GIAN NAN PHÁT TRIỂN PHIM TÀI LIỆU

Điểm son gần đây của điện ảnh Việt là sự trỗi dậy của phim truyện nhựa giải trí. Chính những bộ phim như Khi yêu đừng quay đầu lại, Để mai tính, Cánh đồng bất tận... đang là “đầu tàu” kéo điện ảnh Việt phát triển biểu hiện ở doanh thu tăng chóng mặt; đồng thời là những bước tiến chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất.
Trong lúc đang say sưa với thời kỳ phục hưng của điện ảnh Việt, dư luận đã quên mất sự hiện diện của một “người hùng thầm lặng” đó là phim tài liệu. Ví phim tài liệu là “người hùng” bởi lẽ chính phim tài liệu là thể loại phim giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế nhất, đặc biệt là giai đoạn từ Đổi Mới đến nay. “Công” thì lớn nhưng chưa bao giờ phim tài liệu lại có thể đường hoàng “sống” nhờ tiền bán vé; đã vậy dù phim có hay đến mấy mà không đoạt giải thưởng nào đó thì ít khi được dư luận chú ý.

Nghịch lý này xuất phát từ sự thờ ơ của khán giả với phim tài liệu. Nếu ở nước ngoài, những bộ phim tài liệu có chất lượng đều ra rạp và có lãi nhờ bán vé, dĩ nhiên lãi chỉ “cò con” không thể nào bằng các phim “bom tấn”; nhưng việc phim tài liệu có khán giả ở rạp, chứng tỏ khán giả nước ngoài không có sự phân biệt các thể loại phim. Ở nước ta thì khác, đa phần khán giả đều cho rằng tất cả những gì được gọi là điện ảnh đều nằm tất ở phim truyện nhựa hoặc phim truyền hình, còn phim tài liệu thì được đánh giá là có cũng được mà không thì cũng chẳng sao. Số ít những người muốn xem phim tài liệu thì cũng không biết có phim tài liệu nào mới, và nếu muốn xem phim cũ cũng chỉ có thể chờ bộ phim đó được chiếu trên truyền hình. Sự lạnh nhạt của số đông khán giả đã khiến hệ thống nhập phim chưa mặn mà với phim tài liệu. Điều này cũng dễ hiểu vì bản thân các bộ phim truyện hay của Hollywood nhiều khi cũng ế chỏng vó như trường hợp phim No country for old men (Không có chỗ cho người già) “chìm nghỉm” ở các rạp Việt Nam trước khi “hot” trở lại với việc giành 4 giải Oscar 2008.

Việc làm cốt yếu mà nhiều người lên tiếng ủng hộ đó là đưa phim tài liệu tới gần khán giả. Ngoài các đợt chiếu phim nhân các ngày lễ lớn, hiện nay, chỉ có Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương tổ chức chiếu miễn phí hàng tháng. Hoạt động trên đã được sự hưởng ứng của người xem, đơn cử như buổi chiếu phim tháng 12 rơi đúng vào ngày Việt Nam thi đấu với Ma-lai-xi-a ở trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2010 nhưng khán giả vẫn đến rất đông. Tác động tích cực đã thấy rõ, song nhân rộng hoạt động trên là khó bởi cần kinh phí để thực hiện bởi Hãng phim chỉ có được cấp kinh phí để sản xuất phim chứ không có kinh phí phát hành hay quảng bá phim.

Ngoài việc duy trì quảng bá phim, việc nâng cao chất lượng phim tài liệu hơn nữa cũng cần phải được chú trọng. Mấy năm gần đây, ngoài “anh cả” Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương mỗi năm sản xuất hàng chục bộ phim và hàng ngàn mét phim tư liệu thì các Đài truyền hình, các công ty truyền thông cũng đã chú ý sản xuất phim tài liệu; trong số đó, một vài bộ phim đã ghi được dấu ấn đậm nét như Mê Kông ký sự của Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh, Ký sự những nẻo đường của VTV... Nhưng nhiều phim tài liệu ra đời chủ yếu làm nhiệm vụ “lấp sóng”, mang tính chất ghi chép thực tế đơn thuần mà không có tính phát hiện một vấn đề ẩn dấu đằng sau thực tế. Chỉ có phát hiện vấn đề mới mẻ và sâu sắc mới ghi lại dấu ấn trong lòng người xem.

Thành tựu huy hoàng trong quá khứ có thể xem là điểm tựa để phát triển phim tài liệu; song để thương mại hóa phim tài liệu mà vẫn duy trì chất lượng nghệ thuật xem ra là việc làm của nhiều tổ chức, với những hành động cụ thể và khoa học.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

GIẢI MÃ "SÁT THỦ PHÒNG VÉ"

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, phim hoạt hình luôn có những đại diện lọt vào danh sách những phim ăn khách nhất. Đặc biệt như năm 2010, phim Toy Story 3 (Câu chuyện đồ chơi 3) đứng thứ nhất với doanh thu hơn 1,06 tỷ USD. Cho nên, danh xưng “sát thủ phòng vé” mà người ta hay dành gọi phim hoạt hình hẳn không quá lời. Nhưng nguyên nhân nào dẫn đến sự thành công của những “sát thủ” làm vơi ví tiền người xem toàn cầu?

Không chỉ dành cho trẻ con

Nhiều bộ phim hoạt hình được sản xuất từ năm 2000 trở lại đây như Shrek (2001), Finding Nemo (Đi tìm Nemo, 2003), Up (Vút bay, 2009)... thu hút người xem từ 5 tuổi cho đến... 70 tuổi, và điều lạ lùng là mỗi lứa tuổi đều thu được lợi ích khi xem những bộ phim hoạt hình “bom tấn”.

Phim hoạt hình ngày nay đã thoát khỏi cái bóng quá lớn của các bộ phim gây dựng được những hình tượng hoạt hình dành cho trẻ nhi đồng như: Vịt Donal, chuột Mickey, chú chó Snoopy... và những bộ phim dựa trên các truyện cổ như: Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Người đẹp và quái thú... Những bộ phim kể trên có hình ảnh vui mắt không có nhiều ý nghĩa, cái hài gây cười trong giây lát nên khán giả quên rất nhanh. Phim hoạt hình cách đây hơn 30 năm đã định hình một quan niệm phim hoạt hình chỉ phù hợp với trẻ nhỏ. Quan niệm trên chỉ thực sự sụp đổ khi loạt phim hoạt hình truyền hình The Simpsons (Gia đình Simpson) được phát sóng năm 1989. Mỗi tập phim đều theo sát các vấn đề cuộc sống từ việc ăn chay, kiện tụng, thể thao cho đến bầu cử tổng thống... cho nên mỗi tập phim gần giống như một chương trình thời sự tiêu điểm, hệ quả là ngay lập tức thu hút sự quan tâm của những người trưởng thành chứ không riêng trẻ em.

Đặc sắc trong bất cứ phim hoạt hình nào cũng là tiếng cười, nhưng với Gia đình Simpson đằng sau tiếng cười vui vẻ là những giây phút kết tinh tính nhân văn sâu sắc; ví như trong tập phim Tôi cưới Marge kể về Homer hồi trẻ thất nghiệp phải bỏ Marge đang mang thai. Cuối cùng, Homer cũng tìm được việc làm và lo cho cả gia đình. Người ta cười vì anh chàng Homer vụng về trong việc tổ chức cuộc sống nhưng sự yêu thương để vượt qua khó khăn trong cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ nghèo khiến người xem cảm động.

Ngoài việc kế thừa những thành tựu mà Gia đình Simpson đã đi tiên phong, với trí tưởng tượng tuyệt vời, những nhà kịch bản của phim hoạt hình hôm nay còn sáng tạo những kịch bản độc đáo. Phim hoạt hình có thể sử dụng với các nhân vật siêu anh hùng, quái vật không gian... y như các phim khoa học viễn tưởng hay phim hành động mà người lớn vẫn thường xem. Sự kết hợp này đã xóa nhòa ranh giới các thể loại và qua đó thu hút lượng người xem khổng lồ.

Trau chuốt từng chi tiết

Có một kịch bản tốt mới chỉ là điểm khởi đầu, việc chuyển tải kịch bản thành phim là một công đoạn dài và cũng lắm công phu. Nếu Gia đình Simpson cách đây hơn 20 năm thường vẽ bằng tay với công nghệ 2D thì các bộ phim hoạt hình gần đây đều sử dụng công nghệ 3D và 3-D dựa vào các thiết bị chuyên dụng công nghệ cao tiên tiến nhất thế giới. Phim 3D là phim hoạt hình có các hình khối được dựng thành khối ba chiều vẫn nằm trong không gian 2D của màn hình như các phim của Hãng Pixar. Phim 3-D là phim mà các hình khối vượt ra khỏi giới hạn của màn hình 2D nhờ vào hỗ trợ của mắt kính, khiến cho người xem cảm giác như các hình khối trong phim nằm ngay trước mặt mình. Phim hoạt hình không gian ba chiều thực sự tạo ra khoái cảm thị giác cho người xem như những cảnh tuyệt đẹp của Thác Thiên Đường trong phim Vút bay.

Sức mạnh của công nghệ rõ ràng đã làm tăng tính hấp dẫn của hoạt hình; song sẽ là sai lầm nếu nói công nghệ là tất cả để làm nên danh xưng “sát thủ phòng vé”. Bởi lẽ, công nghệ hình ảnh ba chiều bị lạm dụng cũng sẽ dẫn đến sự lặp lại nhàm chán như trong phim thể nào cũng có cảnh đồ vật bay về phía ống kính nhằm làm khán giả vừa thích vừa sợ vì tưởng đồ vật sắp va vào... mặt.

Bí kíp để làm nên bộ phim hoạt hình ăn khách không gì khác là sự trau chuốt từng chi tiết, kể cả những chi tiết tưởng chừng vô tích sự. Nghệ thuật hư cấu, đặc biệt với phim hoạt hình không có diễn viên đóng diễn việc tạo ra sự tự nhiên y như thật. Dĩ nhiên điều sơ đẳng trên phải mất thời gian khá dài xuất phát từ thay đổi tư duy về phim hoạt hình. Hiệu quả thì chỉ cần lấy một ví dụ gần đây, trong phim Vút bay, tình yêu của Carl và Ellie kéo dài 60 năm chỉ chấm dứt khi Ellie qua đời được diễn đạt không một lời thoại “có cánh” nào mà chỉ có cuộc sống thường nhật của đôi vợ chồng đi kèm với bản nhạc nền của M. Giacchino, khiến khá nhiều ông bố dẫn con đi xem phim... khóc. Tất cả chỉ diễn ra trong 10 phút mà nhiều nhà phê bình điện ảnh phải thốt lên: “10 phút thiên tài”.

Một bộ phim hoạt hình cần dễ hiểu mà không dễ dãi, đầy ắp tiếng cười mà vẫn sâu lắng đòi hỏi phải sáng tạo mọi thủ pháp nghệ thuật có thể để đạt hiệu quả tối đa. Nhân vật “quần chúng” sóc Scrat không hề liên quan gì đến các tình tiết trong 3 tập phim Ice Age (Kỷ băng hà) nhưng những tình huống người xem mong chờ nhất vẫn là xem Scrat chôn hạt dẻ. Thêm nữa, trong phim Shrek 2, nhạc phim hành động Mission Impossible 2 (Nhiệm vụ bất khả thi 2) được lồng vào cảnh các nhân vật hoạt hình... vượt ngục tạo ra sự liên tưởng bất ngờ, vô cùng thú vị. Ngay cả đến phần kết sau phim (end credit) cũng tìm cách sáng tạo ra những hình ảnh và các đoạn phim ngắn để giúp tăng hiệu quả tổng thể của bộ phim...

Trên đây, mới chỉ sơ lược những thủ pháp sáng tạo của các nhà sản xuất phim hoạt hình của thời đại hôm nay, thành công của các bộ phim hoạt hình minh chứng cho một thực tế: Không cần những cảnh sex nóng bỏng, bạo lực, hài hước rẻ tiền; phim vẫn hay nếu biết kết hợp giữa trí tưởng tượng của con người cộng với hiệu quả công nghệ tiên tiến.

HÀM ĐAN