Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

THỜI ĐÀM (VII): CON DAO HAI LƯỠI

Đầu năm mới, người ta hay có thói quen ngoái lại nhìn những gì đã diễn ra trong năm cũ, với lĩnh vực văn chương, lại thêm một năm “mất mùa”; điều này chẳng còn ai lo lắng vì tác phẩm hay vượt lên phần còn lại không phải năm nào cũng xuất hiện. Không có tác phẩm nào đáng nói thì văn chương vẫn không thiếu chuyện để người ta bàn luận; mới đầu năm, đã xuất hiện một danh sách tổng kết các tác phẩm best-seller (tác phẩm ăn khách) nhất của năm ngoái. Nhưng có vẻ như bước vào năm mới, dư ba của những tác phẩm best-seller cũng nhạt dần, và dự báo sự lặp lại của việc mất hút “không một tiếng vang” như những sách best-seller các năm trước.

Còn nhớ, cách đây vài năm một nhà văn trẻ tuyên bố sẽ viết văn để bán càng nhiều sách càng tốt, qua đó có thể sống ung dung với nghiệp chữ. Lời tuyên bố trên đã làm nhiều người nhíu mày vì ở nước ta, vẫn tồn tại quan niệm văn chương thường dùng để “tải đạo” và “minh đạo” thì việc một sản phẩm cao quý được đánh đồng như là hàng hóa để kiếm lời thì xem ra người viết đã coi thường văn chương. Không biết có phải vì thế mà khi nói đến tác phẩm best-seller người ta chỉ bĩu môi kèm theo câu chép miệng hàm ý mỉa mai: “Tác phẩm best-seller ấy mà!”?

Trở thành best-seller nghĩa là phải chấp nhận biến văn chương là công cụ để giải trí; như thời đại hôm nay việc đọc rõ ràng là kém hấp dẫn hơn các sản phẩm giải trí nghe nhìn khác. Việc viết tác phẩm best-seller cũng đòi hỏi nhà văn những thủ pháp nghệ thuật tối thiểu, chẳng hạn đã là văn xuôi thì muốn hay không cũng cần có một giọng điệu kể chuyện phù hợp với cốt truyện để hấp dẫn người đọc. Cho nên, quan niệm coi thường những người viết văn best-seller là đám viết không có khả năng sáng tạo, và viết một tác phẩm best-seller là điều dễ dàng thực chất chỉ là những tín điều lỗi thời. Nhìn ra thế giới, có những nhà văn lớn cũng đồng thời là nhà văn best-seller như Sir Arthur Conan Doyle (1859-1930)-cha đẻ thám tử Sherlock Holmes, nhà văn Kim Dung (Hồng Kông, Trung Quốc)-bậc thầy tiểu thuyết kiếm hiệp... Họ trở thành những tác gia vì dù họ viết về những đề tài quen thuộc nhưng họ luôn cố gắng dụng công để làm mới tác phẩm của mình. Nhưng những ví dụ trên chỉ là số ít, trên thực tế, văn chương best-seller cơ bản là văn chương viết theo những công thức có sẵn vốn đã quen thuộc trong lòng người đọc như câu chuyện thường được kể theo tuyến tính và có những chi tiết để thắt hoặc mở nút tình huống truyện, nhân vật phải có lai lịch và tính cách rõ ràng... Nên, có người đã ví von rất trúng rằng: Văn chương best-seller không khác gì “con dao hai lưỡi” khi lợi ích kinh tế và danh tiếng sẽ đến nhanh cho nhà văn nhưng đồng thời sự lãng quên cũng chẳng đến chậm nếu như nhà văn thiếu đầu tư cho sáng tác tác phẩm.

Nhiều tác phẩm best-seller Việt Nam xuất hiện là điều đáng mừng bởi nó ít nhiều kích thích văn hóa đọc, giúp văn chương phát triển theo bề rộng rộng và tạo ra quy trình sản xuất và “ăn theo” tác phẩm mang tính chuyên nghiệp. Nhưng vấn đề là tỉ lệ những cuốn sách viết ra với mục đích duy nhất là trở thành sách best-seller ở nước ta lại đang áp đảo các hiệu sách. Chưa nói đến những hệ quả xấu mang tính trực tiếp cho người đọc, nhất là thế hệ trẻ do nội dung các best-seller “ba xu” gắn mác là tác phẩm văn chương kiểu như Sợi xích của ca sĩ Lê Kiều Như; tác động không tốt khác ít được chú ý về quan niệm văn chương của những người viết văn lẫn người đọc đó là toàn thể văn chương chính là các tác phẩm best-seller. Người ta coi thường những tác phẩm khó đọc và cần nhiều thời gian để ngẫm nghĩ trong khi chính những tác phẩm này thường chứa đựng nhiều yếu tố cách tân, giúp văn chương tiến triển.

Nếu có chút so sánh, ở nước ngoài những tác phẩm best-seller cũng chiếm ưu thế phát hành nhưng không quá lấn át văn chương truy tìm giá trị thẩm mỹ; mặt khác người đọc vẫn có cái nhìn tôn trọng đồng thời đón nhận nồng nhiệt những tác phẩm cách tân văn chương.

Đó là điều mà văn chương Việt Nam còn thiếu!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét