Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

OSCAR 2011: THÔNG ĐIỆP VỀ SỰ ĐỒNG CẢM

Bốn diễn viên giành giải Nam và nữ diễn viên chính và phụ xuất sắc nhất: Colin Firth, Melissa Leo, Natalie Portman, Christian Bale (từ phải sang trái). Ảnh: Reuters
(Viết bài gửi báo nhà xong nên mệt phờ ngủ như chết giấc, giờ mới dậy post bài. Hix)

Không có sự góp mặt của phim “bom tấn” nhưng lễ trao giải Oscar 2011 vẫn có sức hút mãnh liệt bởi đơn giản Oscar là giải thưởng điện ảnh lớn nhất và uy tín nhất thế giới. Người ta hồi hộp theo dõi Oscar không chỉ vì những cái tên xướng lên sẽ được vinh danh trong lịch sử mà còn muốn biết thông điệp nào của môn nghệ thuật thứ bảy sẽ được gửi ra với toàn thế giới.

Người ở đỉnh cao, kẻ đợi… lần sau

Lộng lẫy và xa hoa-những tính từ gắn liền với lễ trao giải Oscar; Oscar lần thứ 83 năm 2011 cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Song, lễ trao giải Oscar còn gắn với tiếng cười mang tính giải trí. Lễ trao giải Oscar 2011 có thể hoàn hảo, hiểu theo nghĩa không có lỗi từ công tác tổ chức nhưng có lẽ đây là một trong những lễ trao giải nhạt cười nhất với cặp đôi dẫn chương trình là hai diễn viên Anne Hathaway và James Franco chỉ đạt ở mức “tròn vai”.

Oscar lần thứ 83 thực ra chỉ là cuộc chiến tay đôi giữa hai bộ phim The king’s speech (Diễn văn của nhà vua) và The social network (Mạng xã hội). Với những người ưa sự công bằng (đôi khi hơi cào bằng), lẽ ra Mạng xã hội phải giành được một trong hai giải thưởng quan trọng nhất là Phim hay nhất hoặc Đạo diễn xuất sắc nhất nhưng thực tế Diễn văn của nhà vua đã không cho Mạng xã hội một cơ hội nào. Hai giải thưởng còn lại mà Diễn văn của nhà vua giành được cũng rất quan trọng đó là Nam diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho tài tử Colin Firth và Kịch bản gốc thuộc về nhà biên kịch David Seidler. Chiến thắng vang dội của Diễn văn của nhà vua lặp lại câu chuyện mấy năm gần đây khi phim giành nhiều Oscar thường thất bại tại Giải Quả cầu vàng được trao trước đó. Lí do rất đơn giản bởi Quả cầu vàng do Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA) bầu chọn với những phiếu bầu thường chịu ảnh hưởng bởi doanh thu và thị hiếu khán giả; riêng giải Oscar lại do 5.755 thành viên trên toàn thế giới (chủ yếu là người Mỹ) của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) bình chọn với “gu” phim đơn giản, có thông điệp sâu sắc và không nhất thiết phải là “sát thủ phòng vé”.

Khán giả có thể nuối tiếc cho đoàn làm phim Mạng xã hội, song có lẽ đoàn làm phim phải “ôm hận” nhất phải là Inception (Khởi đầu). Bộ phim thậm chí đã không đưa được đạo diễn C. Nolan và nam diễn viên chính là tài tử Leonardo DiCaprio có chân ở các đề cử. Dẫu Khởi đầu cùng giành nhiều tượng vàng nhất như Diễn văn của nhà vua song tất cả chỉ là những giải thưởng phụ; một thất bại “khó nuốt” bởi Khởi đầu xét công bằng là bộ phim hay với tính chất khoa học viễn tưởng nói về việc thâm nhập và đánh cắp bí mật trong giấc mơ với những quy tắc phức tạp. Nhưng biết làm sao được bởi “gu” phim và cũng là tiêu chí của Oscar hướng đến lại “vênh” với những ưu điểm của Khởi đầu.

Việc thất bại một hai lần ở một giải thưởng có tính cạnh tranh cao như Oscar không quá đáng buồn, tấm gương “có công mài sắt có ngày nên kim” gần nhất là “bông hồng nước Anh” Kate Winslet phải lần thứ 5 đề cử mới giành được Oscar lần thứ 81 (2009) cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim The Reader (Người đọc). Điều may mắn cho các thành viên đoàn làm phim Mạng xã hội và Khởi đầu là tuổi đời còn rất trẻ, cơ hội thể hiện lại tài năng vẫn còn rất nhiều.

Đơn giản mà sâu sắc

Nếu Oscar năm ngoái diễn ra trong bối cảnh cả thế giới oằn mình chống chọi với khủng hoảng kinh tế nên thông điệp Oscar mang tính chất thời sự đó là mỗi người cần vượt qua khó khăn hướng tới một cuộc sống trong tương lai tốt đẹp; thì Oscar năm nay trở lại với chủ đề quen thuộc và thông điệp không mới mẻ. Chủ đề các bộ phim giành nhiều đề cử ở Oscar 2011 không hẹn mà gặp lại đề cập đến sự cô đơn, tiêu biểu là hai bộ phim được cho là hay nhất: Diễn văn của nhà vua, Mạng xã hội.

Diễn văn của nhà vua là câu chuyện lịch sử về về vị vua George VI của nước Anh-người đứng đầu đất nước nhưng lại mắc tật nói lắp. Khi thế chiến thứ 2 nổ ra, dân chúng và cả những người thân cần tiếng nói của ông để an dân và vô hình trung nó tạo ra áp lực khiến ông trở nên cô đơn. Mạng xã hội là một câu chuyện đương đại kể về thiên tài Mark Zuckenberg-tỉ phú USD và là “nhà vua” của đế chế ảo: mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook. Nghịch lý trớ trêu là người có thể kết nối hơn 500 triệu người trở thành bạn bè lại không có nổi một người bạn thân nào, thậm chí còn làm rạn nứt quan hệ với những người cộng sự do không biết ứng xử trong những giao tiếp thông thường.

Với người bình thường gặp khó khăn về giao tiếp hoặc gặp một “sự cố” nào đó khiến họ rơi vào nỗi cô đơn như hai nhân vật trong phim thì thường sẽ rơi vào sự im lặng tuyệt đối và biến mình thành một “ốc đảo”. Nhưng với vị trí là những người của công chúng, hai nhân vật trong phim không thể trốn tránh khỏi những va đập với đời sống, nhưng nếu vua George VI đã được chia sẻ, được lắng nghe những nỗi niềm chôn giấu sâu kín qua đó vượt qua được tật nói lắp thì Mark Zuckenberg đến cuối phim vẫn là người cô đơn. Điều anh cần có lẽ vẫn là một người có thể chia sẻ những tâm tư của mình.

Vậy là, có thể rõ thông điệp năm nay mà giải Oscar muốn “tuyên truyền” là dẫu trong một thế giới hiện đại đầy ắp những phương tiện giao tiếp kéo con người lại gần với nhau nhưng sự đồng cảm thật sự để chia sẻ những tâm tư thì vẫn phải phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người. Chỉ một khi có sự đồng cảm mới có khả năng xây dựng một thế giới đại đồng như con người hằng mơ ước. Oscar năm nay vinh danh những bộ phim đơn giản mà sâu sắc, tuy không mới nhưng chưa bao giờ cũ.

BOX:

Các kết quả khác của Oscar 2011:

Nữ diễn viên chính xuất sắc: Natalie Portman (Thiên nga đen), Nam diễn viên phụ xuất sắc: Christian Bale (Đấu sĩ), Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Melissa Leo (Đấu sĩ), Kịch bản chuyển thể xuất sắc: Mạng xã hội, Phim hoạt hình hay nhất: Câu chuyện đồ chơi 3, Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc: Trong một thế giới tốt hơn (Đan Mạch), Quay phim xuất sắc: Khởi đầu, Nhạc phim hay nhất: Mạng xã hội, Bài hát trong phim hay nhất: Chúng mình thuộc về nhau (Câu chuyện đồ chơi 3), Dựng âm thanh xuất sắc: Khởi đầu, Hòa âm xuất sắc: Khởi đầu, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc: Alice ở xứ thần tiên, Hóa trang xuất sắc: Người sói, Thiết kế trang phục đẹp nhất:Alice ở xứ thần tiên, Dựng phim xuất sắc:Mạng xã hội, Hiệu ứng hình ảnh tốt nhất: Khởi đầu, Phim ngắn hay nhất: Chúa của tình yêu…

HÀM ĐAN

2 nhận xét:

  1. Mỗi lần có thời gian là em lại vào blog của anh "la liếm", cố gắng đọc đi đọc lại 1 số bài viết. Cảm ơn anh rất nhiều, vì từ những bài viết này mà em biết thêm được nhiều kiến thức về điện ảnh! Chúc anh 1 ngày tốt lành!
    P/s: Cho phép em "vận chuyển" 1 số bài viết sang blog của em, dĩ nhiên em sẽ ghi nguồn rõ ràng. :))

    Trả lờiXóa